Sau đây sẽ là nội dung của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án do Quốc hội ban hành vào ngày 16/06/2020. Văn bản pháp luật này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2021.
Theo đó, bổ nhiệm Hòa giải viên phải đáp ứng các điều kiện sau: Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên; Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại.
Mỗi vụ việc do 01 Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án đó.
Bên cạnh đó, Luật quy định Hòa giải viên phải từ chối khi được lựa chọn, chỉ định hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại; Có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ; Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác; Không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng; Bị miễn nhiệm hoặc bị thôi làm Hòa giải viên.
Ngoài ra, thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định, đối với vụ việc phức tạp thời hạn có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại nhưng không quá 02 tháng.