Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2017. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật riêng về vấn đề này.
Theo đó, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 có quy định về chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật này sẽ được hỗ trợ như sau:
- Được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;
- Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu và các khoản phí, lệ phí đăng ký đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
- Được miễn lệ phí môn bài, tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nội dung chi tiết Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
QUỐC HỘI Luật số: 04/2017/QH14 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2017 |
LUẬT
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp nhỏ và vừa có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó có ít nhất một người quản lý điều hành doanh nghiệp đó.
2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
3. Chuỗi giá trị là mạng lưới liên kết tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm các giai đoạn tiếp nối nhau từ hình thành ý tưởng, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.
4. Chuỗi phân phối sản phẩm là mạng lưới các trung gian thực hiện phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa đến người tiêu dùng do các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh thực hiện.
5. Cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là cơ sở kỹ thuật) là cơ sở cung cấp các thiết bị dùng chung để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết kế, thử nghiệm, đo lường, phân tích, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hóa, vật liệu.
6. Cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là cơ sở ươm tạo) là cơ sở cung cấp các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ cần thiết cho các tổ chức, cá nhân hoàn thiện ý tưởng kinh doanh, phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn mới thành lập.
7. Cụm liên kết ngành là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và doanh nghiệp, tổ chức có liên quan cùng hợp tác và cạnh tranh.
8. Khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (sau đây gọi là khu làm việc chung) là khu vực cung cấp không gian làm việc tập trung, không gian trưng bày sản phẩm, cung cấp các tiện ích để hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Điều 4. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 5. Nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.
3. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực.
4. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân tài trợ được thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân đó nhưng không được trái quy định của pháp luật.
5. Trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất.
Trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn.
6. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhận hỗ trợ khi đã thực hiện đầy đủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 6. Nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:
a) Nguồn vốn tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước;
b) Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
c) Nguồn vốn hỗ trợ từ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
d) Nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
2. Nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này phải được lập dự toán, thẩm định, phê duyệt, quyết toán theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Phân biệt đối xử, gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức, cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4. Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Sử dụng nguồn lực hỗ trợ không đúng mục đích đã cam kết.