Trang chủ Tài liệu Văn bản Pháp luật

Luật Biên phòng Việt Nam - Luật biên phòng Việt Nam mới nhất

Luật Biên phòng Việt Nam

Luật biên phòng Việt Nam mới nhất

Ngày 11/11/2020, Luật Biên phòng Việt Nam chính thức được thông qua. Bao gồm có 6 chương với 36 điều, luật quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Theo đó, nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định trong luật gồm:

  • Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước.
  • Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ.
  • Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
  • Kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với củng cố, xây dựng, phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: /2020/QH14

LUẬT
BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, lực lượng nòng cốt, chuyên trách, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng, nền biên phòng toàn dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về biên phòng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Biên phòng là công cuộc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

2. Thực thi nhiệm vụ biên phòng là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền tiến hành xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước về biên phòng

1. Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng.

2. Giải quyết bất đồng, tranh chấp về biên giới bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Thực hiện chính sách hòa bình, tự vệ; sử dụng các biện pháp khác để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hệ thống chính trị các cấp, nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

5. Xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới; kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.

6. Xây lực lượng toàn dân bảo vệ biên giới quốc gia rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách.

7. Huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, phá hoại, gây mất ổn định an ninh, trật tự, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

2. Sử dụng khu vực biên giới, cho nước ngoài hoặc các thế lực khác sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác; đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới.

3. Chống lại, cản trở lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

4. Mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn.

5. Lợi dụng, lạm dụng việc thực thi nhiệm vụ biên phòng để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

6. Phân biệt đối xử về giới, dân tộc, chủng tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Chương II

NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG; LỰC LƯỢNG, BIỆN PHÁP THỰC THI NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG

Điều 5. Nhiệm vụ biên phòng

1. Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu.

2. Bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường ở biên giới, cửa khẩu.

3. Xây dựng nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân ở biên giới; xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở biên giới.

4. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về biên phòng, biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

5. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

6. Sắp xếp, ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

7. Xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

8. Hợp tác quốc tế về biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

9. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang ở biên giới, vùng biển.

Điều 6. Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước.

2. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ.

3. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

4. Kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với củng cố, xây dựng, phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo.

Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng

1. Nhân dân ở khu vực biên giới.

2. Lực lượng nòng cốt bao gồm cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

3. Lực lượng chuyên trách là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Điều 8. Nền biên phòng toàn dân

1. Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh phòng thủ biên giới, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

2. Nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân bao gồm:

a) Xây dựng hệ thống chính trị và nhân dân; lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; ưu tiên xây dựng lực lượng vũ trang hoạt động tại khu vực biên giới vững mạnh;

b) Xây dựng tiềm lực về chính trị, tinh thần, kinh tế, pháp luật, sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và khoa học công nghệ ở khu vực biên giới.

Điều 9. Biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng

1. Các biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm: Vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang theo quy định pháp luật.

2. Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ tại khoản 1 Điều này.

Điều 10. Phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng

1. Phạm vi phối hợp

a) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia;

b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức có liên quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

2. Nguyên tắc phối hợp

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, địa bàn hoạt động của các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương theo quy định pháp luật; không làm cản trở hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

b) Bảo đảm sự điều hành tập trung, thống nhất, bí mật theo quy định pháp luật;

c) Chủ động, linh hoạt, kịp thời, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì;

d) Đối với vụ việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng: Trường hợp cơ quan, tổ chức, lực lượng phát hiện mà không có thẩm quyền giải quyết, xử lý thì phải lập biên bản và thông báo ngay và phối hợp với cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để giải quyết vụ việc. Trong tình huống cấp thiết, để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan, tổ chức, lực lượng phát hiện sau khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp phải chuyển giao hồ sơ, người, phương tiện, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Cơ quan, tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.

3. Nội dung phối hợp

a) Đề xuất cấp có thẩm quyền chủ trương, chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới;

b) Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường ở biên giới, cửa khẩu;

c) Tổ chức thực thi pháp luật về biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân ở khu vực biên giới;

d) Xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới;

đ) Xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự ở khu vực biên giới;

e) Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới;

g) Sắp xếp, ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới;

h) Xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng;

i) Giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; trao đổi kinh nghiệm và tăng cường năng lực của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng;

k) Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới;

l) Thực hiện các hoạt động khác theo quy định pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết về phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Chương III

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BIÊN PHÒNG

Điều 11. Nguyên tắc hợp tác quốc tế

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới; tôn trọng các nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Luật này.

2. Bảo đảm đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Điều 12. Nội dung hợp tác quốc tế

1. Thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới và các quốc gia, tổ chức quốc tế.

2. Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.

3. Xây dựng và thực thi các cơ chế hợp tác biên phòng song phương, đa phương.

4. Đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu.

5. Đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa Việt Nam với các nước; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

6. Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới, vùng biển.

7. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; trao đổi kinh nghiệm, tăng cường năng lực của lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu.

Điều 13. Hình thức hợp tác quốc tế

1. Ký kết điều ước, thỏa thuận quốc tế về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu.

2. Thông qua các cơ chế hợp tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo điều ước quốc tế được ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

3. Hội đàm định kỳ hoặc đột xuất, thăm xã giao, hội nghị, hội thảo, giao lưu hợp tác quốc tế liên quan đến nhiệm vụ biên phòng.

4. Trực tiếp hoặc gián tiếp trao đổi, chia sẻ thông tin về biên giới quốc gia.

5. Các hình thức hợp tác khác theo quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chương IV

LỰC LƯỢNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

Điều 14. Vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng

1. Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng chuyên trách làm nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng.

2. Bộ đội Biên phòng có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu; thực hiện đối ngoại biên phòng; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột ở biên giới.

Điều 15. Nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương nơi có biên giới thực hiện quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, hệ thống dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu.

2. Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

3. Tổ chức thực thi pháp luật về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự tại khu vực biên giới, cửa khẩu; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.

4. Kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật.

5. Thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Đấu tranh, ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa các nước có chung đường biên giới.

6. Phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và dựa vào nhân dân xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh, huyện biên giới; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang ở khu vực biên giới.

7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

8. Tham gia huy động, tiếp nhận, sử dụng nhân lực, phương tiện dân sự bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, vùng biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục thảm họa, sự cố môi trường, dịch bệnh ở biên giới, vùng biển.

9. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân ở khu vực biên giới; sắp xếp dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới đồng bộ, gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh ở biên giới.

Điều 16. Quyền hạn của Bộ đội Biên phòng

1. Bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ, trang bị kỹ thuật để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật ở biên giới, cửa khẩu, tác chiến trong khu vực phòng thủ, cứu hộ, cứu nạn.

2. Áp dụng các biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng, hình thức quản lý, bảo vệ biên giới theo quy định tại Điều 9, Điều 17 của Luật này; cấp thị thực và các loại giấy phép trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng; kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn tính mạng của nhân dân, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Đồn trưởng đồn Biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng cấp tỉnh được quyền quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu, qua lại biên giới.

4. Tiến hành hoạt động điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

5. Trong thi hành nhiệm vụ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

6. Trong chiến đấu, truy lùng, truy đuổi người phạm tội quả tang, người đang có quyết định truy nã, người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, ngăn chặn hành vi phạm tội, tìm kiếm cứu nạn thì cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng được huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật đối với phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người sử dụng, điều khiển phương tiện.

7. Trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, kiểm soát xuất nhập cảnh, đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật được hoạt động ngoài biên giới và địa bàn nội địa theo quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

8. Trực tiếp, tham gia đàm phán, xây dựng các điều ước, thỏa thuận quốc tế và giải quyết các sự kiện về biên giới, cửa khẩu.

9. Quan hệ, phối hợp với lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới, các nước và tổ chức quốc tế khác trong quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

10. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này; quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Điều 17. Hình thức quản lý, bảo vệ biên giới

1. Trong thời bình

a) Quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên được áp dụng trong trường hợp khi tình hình an ninh, trật tự ở khu vực biên giới ổn định, chưa có các nguy cơ, mối đe dọa đến ổn định tình hình mọi mặt ở khu vực biên giới;

b) Quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường được áp dụng trong trường hợp khi có sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng diễn ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hai bên biên giới; tình hình an ninh, trật tự ở khu vực biên giới ở một số địa bàn diễn biến phức tạp; địa bàn ngoại biên, khu vực biên giới đang tiến hành diễn tập quân sự, hoặc thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn hoặc đang tiến hành hoạt động truy bắt tội phạm mà đối tượng phạm tội có thể vượt qua biên giới để trốn thoát; khi lực lượng bảo vệ biên giới nước có chung đường biên giới đề nghị; khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.

2. Trong các trạng thái quốc phòng

a) Quản lý, bảo vệ biên giới trong thi hành lệnh giới nghiêm;

b) Quản lý, bảo vệ biên giới trong thi hành lệnh thiết quân luật;

c) Quản lý, bảo vệ biên giới trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng;

d) Quản lý, bảo vệ biên giới trong tình trạng chiến tranh.

3. Thẩm quyền quyết định

a) Tư lệnh Biên phòng quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới từ thường xuyên lên tăng cường đối với toàn bộ hoặc một số đơn vị thuộc quyền;

b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới trong thi hành lệnh giới nghiêm trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và thi hành lệnh giới nghiêm trong thi hành lệnh thiết quân luật; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh theo quy định của pháp luật về quốc phòng.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và tăng cường trong thời bình của Bộ đội Biên phòng.

Điều 18. Hệ thống tổ chức

1. Hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng bao gồm:

a) Bộ Tư lệnh Biên phòng;

b) Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng;

c) Đồn Biên phòng, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội biên phòng.

2. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Điều 19. Trang bị của Bộ đội Biên phòng

1. Bộ đội Biên phòng được trang bị tàu thuyền, máy bay, ô tô và phương tiện khác; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết Điều này.

Điều 20. Ngày truyền thống; tên giao dịch quốc tế; con dấu của Bộ đội Biên phòng

1. Ngày 03 tháng 3 hàng năm là Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng và là Ngày Biên phòng toàn dân.

2. Tên giao dịch quốc tế của Bộ đội Biên phòng là Vietnam Border Guard.

3. Bộ đội Biên phòng sử dụng con dấu có hình Quốc huy trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 21. Trang phục, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của Bộ đội Biên phòng

1. Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, quân phục, lễ phục của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng do Chính phủ quy định.

2. Tàu thuyền, máy bay, ô tô và phương tiện khác của Bộ đội Biên phòng có màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng. Khi làm nhiệm vụ tàu thuyền phải treo quốc kỳ Việt Nam và cờ hiệu Bộ đội Biên phòng.

Chương V

BẢO ĐẢM VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VỀ BIÊN PHÒNG

Điều 22. Bảo đảm nguồn nhân lực

Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực chủ yếu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Nhà nước có chính sách, kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Điều 23. Bảo đảm nguồn lực tài chính

Nhà nước bảo đảm ngân sách và huy động các nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật khác có liên quan; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Điều 24. Bảo đảm tài sản

Nhà nước bảo đảm tài sản cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan; ưu tiên bảo đảm tài sản cho các cơ quan, đơn vị ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Điều 25. Chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới được Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ về tài chính, đất đai theo quy định pháp luật.

2. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng và chính sách đặc thù công tác, địa bàn hoạt động ở khu vực biên giới theo quy định pháp luật; ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao, cư dân biên giới vào lực lượng Bộ đội Biên phòng.

3. Công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, quân sự, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và kiến thức cần thiết khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thành tích xuất sắc trong thực thi nhiệm vụ biên phòng, tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng được khen thưởng theo quy định pháp luật về người có công; bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THỰC THI NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG

Điều 26. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biên phòng.

2. Nội dung quản lý nhà nước về biên phòng:

a) Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng;

b) Tổ chức, chỉ đạo thực thi nhiệm vụ biên phòng;

c) Hợp tác quốc tế thực thi nhiệm vụ biên phòng;

d) Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thi hành pháp luật về thực thi nhiệm vụ biên phòng;

đ) Sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật về nhiệm vụ biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân và “Ngày Biên phòng toàn dân”;

e) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng.

Điều 27. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

3. Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong xây dựng biên giới, khu vực biên giới.

4. Hướng dẫn bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương nơi có biên giới về thực thi nhiệm vụ biên phòng.

5. Xây dựng lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng thực thi nhiệm vụ biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhiệm vụ, quyền hạn các lực lượng thuộc quyền trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Điều 28. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất chủ trương, chính sách quản lý nhà nước về biên giới quốc gia.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện hoạt động đối ngoại biên phòng; hướng dẫn lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng về nghiệp vụ đối ngoại biên phòng.

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia và thực thi nhiệm vụ biên phòng.

4. Phối hợp với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh trong hoạt động của các ngành, các địa phương liên quan quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

5. Phối hợp với Bộ Quốc phòng đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng về pháp luật, nghiệp vụ đối ngoại và giải quyết vụ việc liên quan đến biên giới và người nước ngoài.

Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao thực thi nhiệm vụ biên phòng.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới.

3. Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, chính quyền địa phương thực thi nhiệm vụ biên phòng.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về xuất nhập cảnh.

5. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

6. Phối hợp xử lý các tình huống quân sự, quốc phòng ở khu vực biên giới.

7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng.

2. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về biên phòng.

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về nhiệm vụ biên phòng.

4. Tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng.

5. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết thực thi nhiệm vụ biên phòng.

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp

1. Hội đồng nhân dân các cấp nơi có biên giới quốc gia:

a) Quyết định chủ trương, biện pháp, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh;

b) Quyết định ngân sách bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương;

c) Kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về biên phòng ở địa phương;

d) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác về biên phòng theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới quốc gia:

a) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước về biên phòng;

b) Lập dự toán ngân sách trình Hội đồng nhân dân cùng cấp đảm bảo thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách theo quy định của pháp luật;

c) Tập trung và huy động các nguồn lực xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh ở địa phương;

d) Sắp xếp, bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng; kết hợp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở biên giới;

đ) Chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tổ chức phong trào quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở biên giới;

e) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

3. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nơi không có biên giới quốc gia:

a) Hội đồng nhân dân các cấp: Quyết định chủ trương, biện pháp, ngân sách, kiểm tra, giám sát, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng;

b) Ủy ban nhân dân các cấp: Tham gia, phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thực thi nhiệm vụ biên phòng, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân ở biên giới vững mạnh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên phòng; tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại ở biên giới; thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”.

Điều 32. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm tham gia, phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; tuyên truyền, giám sát, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về biên phòng.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham gia, phối hợp với lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Trách nhiệm của cá nhân

Mọi cá nhân có trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; tham gia, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2021.

2. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày tháng năm 2020.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

Liên kết tải về

pdf Luật Biên phòng Việt Nam
doc Luật Biên phòng Việt Nam 1

Chủ đề liên quan

Tài liệu

Văn bản Pháp luật

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK