Lập dàn ý 8 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (5 Mẫu) - Văn 10

Văn mẫu lớp 10: Dàn ý 8 câu đầu bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (5 mẫu)

Trích Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn

Dàn ý 8 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ của Đặng Trần Côn gồm 5 mẫu dàn ý chi tiết và đầy đủ nhất. Qua đó giúp các bạn biết lựa chọn và sắp xếp những nội dung chủ yếu, các ý lớn ý nhỏ dự định sẽ triển khai trong bài viết, để tránh tình trạng trùng lặp ý, thiếu ý. Đồng thời các bạn học sinh sẽ biết cách phân phối thời gian làm bài hợp lí, không quá thừa với luận điểm này, quá thiếu với luận điểm kia.

8 câu đầu tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ là tiếng nói xót thương cho số phận người phụ nữ trong chiến tranh và đồng cảm với khát vọng sum vầy của họ. Vậy sau đây là nội dung chi tiết 5 mẫu dàn ý phân tích 8 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ chi tiết nhất, mời các bạn cùng đón đọc.

Dàn ý 8 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ngắn gọn

Dàn ý số 1

I. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

  • Đặng Trần Côn - một danh sĩ, một nhà thơ kiệt xuất của nền văn học cổ điển. “Chinh phụ ngâm khúc” chính là một trong những tuyệt tác của ông được viết bằng chữ Hán, được mọi người biết đến rộng rãi qua bản dịch của nữ danh sĩ Đoàn Thị Điểm.
  • Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” được đánh giá là một trong những trích đoạn hay nhất, đó không chỉ là lời tâm sự, nỗi nhớ của người chinh phụ mà hơn hết đoạn trích còn mang giá trị nhân đạo sâu sắc, đặc biệt là 8 câu thơ đầu bài.

II. Thân bài

– Cảm nhận về 4 câu trước:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”

+ Căn phòng tưởng chừng rất rộng khi cả hai cùng chung sống nhưng nó đã trở lên tăm tối, tù túng khi mà chỉ còn mỗi người vợ đang cô đơn, khắc khoải nhớ chồng.

+ Sự chờ đợi của người vợ tiễn chồng ra chiến trận tưởng chừng đã bao nhiêu kiếp trôi qua, nó u ám bao trùm lên cả con người cảm xúc của người chinh phụ.

+ Giọng thơ man mác, nhịp thơ chậm càng làm cho người đọc có cảm giác như của nhân vật trữ tình. Hành động lặp đi lặp lại như nỗi nhớ cứ đong đầy mãi không thôi “Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước” có phải chăng động từ “gieo” chính là ngụ ý của tác giả như muốn nói lên rằng bước chân thê lương dù không muốn bước nhưng vẫn bước.

+ Không gian tĩnh lặng khiến tiếng bước chân càng nặng nề và cô đơn hơn. Ngày qua ngày đêm qua đêm nhưng nàng vẫn cô đơn một mình, nhớ thương người chồng đang ngoài biên ải xa xôi.

+ "Ngoài rèm thưa rủ thác đòi phen” - chiếc rèm kéo lên lại hạ xuống sao mà não nề đến thế nhưng dù rằng có như thế nào lòng nàng vẫn chỉ có hình một người mà thôi, dù bên ngoài có xảy ra chuyện gì đi nữa.

+ Nhưng sự chờ đợi đến cùng cực đó lại chẳng thấy dấu hiệu mừng vui, có vẻ như đã lâu lắm rồi “chim thước” chẳng ghé qua cho nàng chút hi vọng.

– Cảm nhận về 4 câu sau:

“Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”

+ Chính nỗi sầu muộn cô đơn, lẻ loi đó của nàng, mà nàng rất cần một người có thể sẻ chia và đồng cảm với tâm trạng của nàng lúc này

+ Nàng không có ai để giãi bày nỗi lòng của mình, để giải tỏa được tâm trạng cô đơn, chỉ có cây đèn trong phòng.

+ Nhưng chiếc đèn vô tri vô giác kia liệu có thấu hiểu được tấm lòng thủy chung của nàng, nàng chỉ có thể một mình chịu đựng nỗi nhớ nỗi cô đơn đến đau lòng một mình mà thôi “Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”.

+ Hình ảnh chiếc đèn hiện lên đã chứng minh cái sự cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ

“Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”

“Buồn rầu nói chẳng nên lời,” Buồn quá chả buồn nói cũng chả muốn cười, nàng chỉ có một mình với hoa đèn đến đáng thương. Hoa đèn chính là tàn của bấc đèn vẫn còn được nung đỏ đến sáng rực, như lòng nàng đang cháy đến tàn đỏ như bấc đèn kia.

=> Hình ảnh “Hoa đèn kia với bóng người khá thương” càng làm người đọc thương cảm đến xót thương cho người phụ nữ lẻ loi

III. Kết bài

– Bút pháp nghệ thuật và giá trị nhân đạo:

  • Bút pháp nghệ thuật ước lệ kết hợp thể thơ song thất lục bát giọng thơ nhẹ nhàng thiết tha, nhịp thơ chậm đã thể hiện được tâm trạng với những mạch cảm xúc và cung bậc khác nhau của người chinh phụ, với nỗi nhớ chồng da diết, nỗi cô đơn với một khát khao cháy bỏng được sống hạnh phúc trọn vẹn.
  • Đoạn trích cũng đã để lại giá trị nhân đạo sâu sắc, nhân văn cao cả khi lên án chiến tranh phi nghĩa, những khuân phép hà khắc phong kiến thời bấy giờ.

Xem thêm: Cảm nhận 8 câu đầu bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Dàn ý số 2

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và 8 câu đầu của Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

2. Thân bài

*Hành động của người chinh phụ

  • Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
  • Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen
  • Người chinh phụ vừa đi vừa đếm bước chân mình, như đang đếm từng ngày xa chồng.
  • Những bước chân của người chinh phụ tưởng như lặng lẽ, nhưng lại mang theo nỗi ưu phiền, lo lắng cho người chồng ở nơi chiến trường.

=> Đó là những bước chân nặng trĩu tâm tư, sự thương nhớ và nỗi xót xa.

- Người chinh phụ ngồi bên cửa sổ, hết buông lại cuốn rèm như một hành động vô thức, lặp đi lặp lại.

=> Nàng không ý thức được mình đang làm gì, vì đã dồn hết tâm tư, sự lo lắng, nhớ nhung cho người chồng nơi biên ải chẳng biết khi nào mới về.

  • Tính từ “vắng”, “thưa” tạo nên sự trống trải cho không gian, tô đậm sự buồn tủi, cô đơn của người chinh phụ.
  • Sử dụng từ “từng”, “đòi” càng nhấn mạnh sự lặp lại vô thức những hành động vô nghĩa của người chinh phụ.

=> Hành động của người chinh phụ thể hiện những ngổn ngang lo lắng, nỗi buồn phiền và tấm lòng son sắt mà nàng dành cho người chồng.

*Ngoại cảnh: 6 câu tiếp theo

  • Chim thước: loài chim báo tin người đi xa trở về.
  • Người chinh phụ ngóng trông bóng chim thước qua bức rèm thưa.
  • Nhìn về thực tại với những nỗi nhớ, sự trông ngóng, ước muốn sum vầy đều xa vời, không được hồi âm, người chinh phụ càng thêm vô vọng.
  • Khi đối diện với ánh đèn, người chinh phụ khao khát được yêu thương và sẻ chia, câu hỏi tu từ khi ngồi trước ngọn đèn dầu chính là một lời than thở, bày tỏ sự chán chường, cô đơn đan xen với tuyệt vọng.
  • Hình ảnh ngọn đèn là một hình ảnh quen thuộc, xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học trung đại.
  • Trong đoạn trích, ngọn đèn được sử dụng để ẩn dụ cho thời gian trôi nhanh, ẩn dụ cho sự lụi tàn, héo hon của một kiếp người.

=> Cuộc đời như một kiếp hoa đèn mong manh dang dở.

*Hình ảnh chờ đợi của người chinh phụ

- Người chinh phụ thức trắng đêm cùng ngọn đèn vì xót xa cho tình cảnh của chính mình. Nhưng thời gian trôi qua, ngọn đèn cũng chẳng thức cùng nàng, chỉ để lại bóng dáng cô độc của người chinh phụ.

- Tính từ “bi thiết”, “buồn rầu”, “thương” thể hiện tâm trạng não nề của người chinh phụ:

  • Bi thiết là bi thương, thảm thiết, là nỗi đau không thể nói thành lời, là khát khao được thấu hiểu, được sẻ chia nhưng lại chẳng có ai để cùng tâm sự.
  • Thiết tha là cắt, mài (theo nghĩa Hán Việt): thể hiện nỗi đau chôn giấu tạo nên vết cắt sâu trong tâm khảm.

=> Nỗi đau. sự buồn tủi, khắc khoải của nàng mãi dồn nén trong tim, để rồi cứa vào trái tim cô đơn, khiến nỗi đau càng dày thêm theo từng ngày ngóng trông bóng người thương đang chinh chiến nơi chiến trường hiểm ác.

*Nghệ thuật

  • Bút pháp nghệ thuật ước lệ kết hợp thể thơ song thất lục bát cùng nhịp thơ chậm rãi đã thể hiện những mạch cảm xúc mang cung bậc khác nhau của người chinh phụ.
  • Đoạn trích sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm cảnh bằng ngoại cảnh cùng nhiều tính từ chỉ cảm xúc.

=> Tác giả đã thành công xây dựng hình ảnh người chinh phụ mang suy tư rối bời, tâm trạng héo mòn chạm đến trái tim người đọc. Đồng thời, gợi nên sự đồng cảm sâu sắc đối với những người phụ nữ nặng tình trông ngóng bóng dáng người chồng đang tham gia những cuộc chiến tranh phi nghĩa (giá trị nhân đạo).

3. Kết bài

Nêu giá trị của đoạn trích cùng 8 câu đầu trong “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”.

Xem thêm: Cảm nhận 8 câu giữa bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Dàn ý 8 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ chi tiết

Dàn ý số 1

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Đặng Trần Côn, đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ và 8 câu đầu đoạn trích

2. Thân bài

a. Những hành động của người chinh phụ:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.”

* Cả ngày dài cô đơn, người chinh phụ dạo trong hiên vắng, nàng vừa đi vừa thầm đếm bước chân mình, như đếm từng ngày chồng đi. Trong bước chân tưởng như lặng lẽ của nàng mang nỗi lòng cuồn cuộn những ưu phiền, lo lắng, bồn chồn cho tính mạng người thân ở nơi chiến trường kia. Như người cung nữ cô độc đáng thương trong “Cung oán ngâm” của Nguyễn Gia Thiều: “Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ”, bước chân này khác hẳn với bước chân nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: “Xăm xăm băng lối vừa khuya một mình.” Bước chân của Thúy Kiều hạnh phúc, vui vẻ khi được đi gặp người yêu, còn bước chân người chinh phụ nặng trĩu tâm tư và thương nhớ, xót xa.

* Người chinh phụ ngồi bên cửa sổ, hết buông rèm lại cuốn rèm. Những hành động vô thức ấy lặp đi lặp lại nhiều lần, nàng chẳng quan tâm mình đang làm gì vì tâm trí, tình cảm đã dồn hết vào nỗi lo, nhớ nhung dành cho người chồng ở biên ải chưa biết bao giờ trở về.

* Các tính từ “vắng”, “thưa” tạo nên không gian thưa thớt, trống trải, tô đậm nỗi cô đơn, tủi buồn của người chinh phụ. Các từ “từng” và “đòi” (nhiều) cũng cho thấy sự lặp lại vô thức những hành động vô nghĩa của người vợ có chồng đi đánh trận, tháng ngày lẻ loi của nàng đã dài lê thê.

=> Qua hành động “dạo hiên”, “ngồi”, cuốn rèm, buông rèm, tâm trạng người chinh phụ với những ngổn ngang lo lắng, buồn phiền được miêu tả rõ rệt, tấm lòng nàng dành cho chồng khiến người đọc cảm động.

b. Ngoại cảnh:

“Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

* Qua bức rèm thưa, người chinh phụ ngóng bóng chim thước. Chim thước (hay chim khách) là loài chim báo tin người đi xa trở về. Nàng mong chim thước cũng là mong chồng. Nhưng trong thời kỳ chế độ phong kiến khủng hoảng, xã hội nhiều biến động, chiến tranh liên miên, người chinh phu ra đi để lại cho vợ bộn bề lo lắng, mòn mỏi nhớ mong. Người chinh phụ vô vọng nhìn vào hiện thực: nỗi nhớ, trông mong, ước muốn của nàng đều không được hồi âm.

* Người chinh phụ đối diện với ánh đèn: Khao khát được yêu thương, được sẻ chia, người chinh phụ ngồi trước ngọn đèn dầu tự hỏi lòng: “Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?” Câu hỏi tu từ như một lời than thở, bày tỏ nỗi cô đơn, chán chường, tuyệt vọng khôn cùng.

* Hình ảnh cây đèn còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học trung đại khác. Có câu ca dao “Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt?” cũng để chỉ nỗi nhớ thương da diết của cô gái với người yêu. Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ cũng lấy hình ảnh ngọn đèn dầu để gợi sự cô đơn của Vũ Nương khi Trương Sinh đi đánh trận.

* Trong đoạn trích, tác giả lấy hình tượng ngọn đèn ẩn dụ cho thời gian trôi nhanh, cho sự tàn lụi, héo hon của kiếp người. Qua hình ảnh cây đèn cháy đỏ khắc khoải, cháy đến tàn bấc dầu, nhà thơ muốn nói cuộc đời chỉ là kiếp hoa đèn mong manh dang dở. Xót xa tình cảnh lẻ loi, cuộc hôn nhân dở dang của mình, người chinh phụ thức trắng đêm với ngọn đèn, không biết san sẻ tâm tư cùng ai. Nhưng cây đèn dầu chỉ là vật vô tri vô giác, nào thấu được nỗi lòng nàng. Thời gian trôi qua, ngọn đèn cũng chẳng thức cùng nàng thêm nữa. Trong đêm tối chỉ còn độc một chiếc bóng ngày một mờ nhạt của người chinh phụ.

* Những tính từ chỉ cảm xúc “bi thiết”, “buồn rầu”, “thương” cô đọng nỗi buồn, não nề của người chinh phụ:

  • “Bi thiết” là bi thương, thảm thiết, đau đớn không nói thành lời. Những cảm xúc ấy bị vo tròn, nén chặt vào cõi lòng người vợ có chồng đi lính, khát khao được thấu hiểu mà không có ai để nàng trút bầu tâm sự.
  • “Thiết tha” theo nghĩa Hán Việt là cắt, mài. Nỗi đau nàng chôn giấu, kìm nén lại cứa vào trái tim cô đơn, tủi buồn của nàng những vết cắt sâu nhức nhối.

=> Nghệ thuật miêu tả tâm trạng bằng ngoại cảnh và tính từ chỉ cảm xúc của nhà thơ đã thành công khi hình ảnh người chinh phụ với suy tư rối bời, tâm trạng héo mòn chạm đến trái tim người đọc. Không chỉ vậy, ta còn thấy được sự đồng cảm sâu sắc ở tác giả và dịch giả với số phận của người phụ nữ có chồng tham gia chiến tranh phi nghĩa.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị của đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”, đặc biệt là ý nghĩa của 8 câu đầu đối với đoạn trích.

Dàn ý số 2

1. Mở bài

- Giới thiệu về đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ"

- Khái quát nội dung 8 câu thơ đầu tiên

2. Thân bài

- Hình ảnh người chinh phụ nặng trĩu những tâm sự được tái hiện sống động thông qua những hành động cụ thể:

  • Hành động "dạo hiên vắng" cùng những bước chân nặng nề, mệt mỏi "gieo từng bước" đã gợi ra những bước chân cô đơn, nặng những tâm sự, suy tư.
  • "Ngồi rèm thưa" không gợi ra sự thư thái mà lại tô đậm nỗi trống trải, bất an bên trong tâm hồn của người chinh phụ ấy.
  • Nghệ thuật đối "dạo hiên vắng"- "ngồi rèm thưa", "trong rèm"-"ngoài rèm" kết hợp với những tính từ "vắng", "thưa" được đưa vào trong câu thơ càng làm nổi bật lên tình cảnh lẻ loi, cô độc của một người phụ nữ trong đêm khuya thanh vắng.

- Người chinh phụ khắc khoải nỗi nhớ, sự bất an, buồn phiền bởi người chồng nàng yêu thương ra đi mà không có một chút tin tức.

  • Mong ngóng tin thước báo tin nhưng thất vọng bởi "thước chẳng báo tin".
  • Câu hỏi tu từ "đèn biết chăng?" và lời trách móc vu vơ "dường bằng chẳng biết" như một lời than thở đầy chán chường, mỏi mệt của một con người cô đơn, tuyệt vọng đến tột cùng.

- Muộn phiền chất chồng nhưng chẳng thể tâm sự, chia sẻ cùng ai:

  • Những tính từ chỉ cảm xúc: "bi thiết", "buồn rầu", "thương" thể hiện đầy xót xa tâm trạng chán chường, não nề của người chinh phụ.
  • Những nỗi buồn thương, đau đớn chẳng thể giãi bày thành lời, cũng không có ai có thể tâm sự, người chinh phụ chỉ đành dồn nén tất cả những cảm xúc vào tận cõi lòng
  • Hình ảnh "hoa đèn" cháy đến đỏ rực cũng giống như nỗi nhớ của người chinh phụ, cồn cào khắc khoải đến tận cùng.

- Nghệ thuật: Khắc họa tâm trạng nhân vật xuất sắc và sử dụng có hiệu quả những tính từ chỉ cảm xúc.

3. Kết bài

Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của 8 câu thơ.

Dàn ý Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ 8 câu đầu

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích

  • Đặng Trần Côn (không rõ năm sinh năm mất) quê ở làng Nhân Mục, Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, sống vào thời Lê Trung Hưng.
  • Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn là tác phẩm viết bằng chữ Hán gây tiếng vang lớn trong giới nho sĩ đương thời với nhiều bản dịch và phỏng dịch Nôm khác nhau (Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản, Phan Huy Ích, Bạch Liên Am Nguyễn). Bản hiện hành là bản dịch thành công nhất.
  • Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (từ câu 193 đến 216) miêu tả những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ ở người chinh phụ khát khao được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.

- Giới thiệu khái quát 8 câu thơ đầu đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

a. Hành động lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, vô vị

- “Thầm reo từng bước”: Bước chân lặng lẽ dạo trên hiên vắng.

- “Rủ thác đòi phen”: Vào trong phòng cuốn rèm, buông rèm

→ Hành động lặp lại đi lặp lại một cách vô thức, thể hiện sự bần thần, bất định của người chinh phụ

- Chữ “vắng, thưa”: Không chỉ gợi sự vắng lặng của không gian mà còn cho thấy nỗi trống vắng trong lòng người người chinh phụ

b. Thao thức ngóng trông tin chồng

- Ban ngày:

  • Người chinh phụ gửi niềm hi vọng vào tiếng chim thước – loài chim khách báo tin lành.
  • Nhưng thực tế “thước chẳng mách tin”: Tin tức chồng vẫn bặt vô âm tín.

- Ban đêm:

  • Người chinh phụ thao thức cùng ngọn đèn hi vọng đèn biết tin tức về chồng, san sẻ nỗi lòng cùng nàng.
  • Thực tế: “Đèn chẳng biết” “lòng thiếp riêng bi thiết” Câu thơ có hình thức đặc biệt khẳng định rồi lại phủ định, ngọn đèn có biết cũng như không vì nó chỉ là vật vô tri không thể san sẻ nỗi lòng cùng người chinh phụ.
  • So sánh với bài ca dao “khăn thương nhớ ai”, bài ca dao cũng có xuất hiện hình ảnh ngọn đèn. Nếu “đèn” trong bài ca dao là tri âm tri kỉ với người phụ nữ thì ở đây ngọn “đèn” lay lắt lại cứa sâu thêm nỗi đau trong lòng người.

- Hình ảnh so sánh “hoa đèn” và “bóng người”.

  • “Hoa đèn” dầu bấc ngọn đèn, thực tế là than. Cũng giống như ngọn đèn cháy hết mình để rồi chỉ con hoa đèn tàn lụi, người phụ nữ đau đáu hết lòng chờ chồng nhưng cuối cùng nhận lại sự cô đơn, trống trải.
  • Liên hệ với nỗi cô đơn của Thúy Kiều sau khi từ biệt Thúc Sinh trở về với chiếc bóng năm canh:

⇒ Tiểu kết:

- Nội dung: Khắc họa tâm trạng cô đơn, lẻ loi, trống vắng của người phụ nữ, ẩn sau đó thái độ cảm thông, chia sẻ của tác giả đối với nỗi đau khổ của con người.

- Nghệ thuật:

  • Giọng thơ trầm buồn, khắc khoải, da diết, trầm lắng
  • Khắc họa nội tâm nhân vật tài tình, tinh tế thông qua hành động nhân vật, yếu tố ngoại cảnh, độc thoại nội tâm
  • Các biện pháp tu từ: So sánh, điệp từ, từ láy.

3. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung của đoạn thơ đối với đoạn trích: Khắc họa tâm trạng cô đơn, lẻ loi, trống vắng của người phụ nữ, ẩn chứa thái độ cảm thông, chia sẻ của tác giả đối với nỗi đau khổ của con người.

Liên kết tải về

pdf Văn mẫu lớp 10: Dàn ý 8 câu đầu bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (5 mẫu)
doc Văn mẫu lớp 10: Dàn ý 8 câu đầu bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (5 mẫu) 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 10

Văn mẫu 10 KNTT

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK