Trong các nhân vật lịch sử của dân tộc, chúng ta không thể không kể đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là vị tướng tài ba, nhân cách sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nội dung bao gồm dàn ý và 4 bài văn mẫu lớp 7. Bạn đọc có thể theo dõi chi tiết tài liệu ngay sau đây.
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Dàn ý sự việc có thật liên quan đến đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Mẫu 1
- Sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Mẫu 2
- Sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Mẫu 3
- Sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Mẫu 4
Dàn ý sự việc có thật liên quan đến đại tướng Võ Nguyên Giáp
(1). Mở bài
Giới thiệu về nhân vật: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
(2). Thân bài
- Thuật lại quá trình diễn biến của sự việc theo trình tự (thời gian, không gian…).
- Chỉ ra mối liên quan giữa sự việc với nhân vật lịch sử, kết hợp kể chuyện với miêu tả.
- Ý nghĩa của sự việc được kể lại: Những phẩm chất tốt đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
(3). Kết bài
Khẳng định ý nghĩa của sự việc, nêu cảm nhận của người viết đối với nhân vật: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Mẫu 1
Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng huyền thoại của đất nước Việt Nam. Cuộc đời của ông đã cống hiến cho vẹn cho Cách mạng, cho dân tộc.
Rất nhiều sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp được kể lại. Năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy Chiến dịch Biên giới thu đông giành thắng lợi, đây là minh chứng khẳng định tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng. Tài thao lược, phong cách cầm quân ấy đã làm nên “vị tướng huyền thoại” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2 năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại tướng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Năm 1954, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ, giúp cả dân tộc Việt Nam bước sang trang sử độc lập “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, là người học trò giỏi giang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông được nhân dân Việt Nam vô cùng yêu mến và kính trọng.
Sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Mẫu 2
Một trong những vị anh hùng dân tộc đáng ngưỡng mộ phải kể đến là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được coi là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh năm 1911, mất năm 2013. Quê tại làng An Xá, nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Có rất nhiều mẩu chuyện kể về vị tướng huyền thoại của nhân dân. Truyện kể rằng, cụ Võ Quang Nghiêm, thân sinh của Đại tướng là liệt sĩ. Sau khi tìm được mộ cụ và đưa từ Huế về (1977), hài cốt cụ được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ huyện. Khi thiết kế nghĩa trang, huyện đã chừa hai ô ở khu các anh hùng, có ý sẽ an táng song thân Đại tướng ở đó. Nhưng lúc biết chuyện, Đại tướng nói:
- Cảm ơn thiện ý của lãnh đạo huyện, nhưng ông thân tôi là liệt sĩ bình thường nên không thể đặt ở khu vực dành cho các anh hùng. Còn thân mẫu tôi là người dân, không thể đặt vào nghĩa trang liệt sĩ
Vì vậy, theo lời Đại tướng, cụ thân sinh được đặt ở cạnh khu vực các anh hùng liệt sĩ, còn thân mẫu được an táng phía ngoài nghĩa trang, cách khuôn viên vài chục mét.
Từ câu chuyện nhỏ này, có thể thấy rằng Đại tướng đã nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Người cách mạng phải “dĩ công vi thượng”! Quả là người học trò gương mẫu của Bác.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Không chỉ vậy, ông còn là tấm gương về một nhân cách lớn cho thế hệ sau noi theo.
Sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Mẫu 3
Dân tộc Việt Nam đã trải qua những năm tháng chiến tranh. Rất nhiều vị anh hùng đã góp phần làm nên lịch sử của dân tộc. Một trong số đó phải kể đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh năm 1911, mất năm 2013. Quê tại làng An Xá, nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, nên từ nhỏ đã được giáo dục về lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương, đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao cho nắm giữ trọng trách quan trọng. Chuyện kể rằng cuối năm 1954, Ban Thường vụ T.Ư quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Trước khi ra mặt trận, Bác Hồ có hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”. Đại tướng trả lời: “Thưa Bác, chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề gì quan trọng, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị!”. Bác bảo: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh!”.
Nhờ có sự tin tưởng tuyệt đối của Bác Hồ đã củng cố quyết tâm thực hiện phương châm tác chiến phải “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng. Kết quả là chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vẻ vang.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã trở thành tấm gương sáng ngời để thế hệ sau noi theo.
Sự việc có thật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Mẫu 4
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuộc đời của ông là một tấm gương tiêu biểu để mỗi người dân Việt Nam noi theo.
Tháng 11 năm 1983, Đại tướng có về quê và ghé thăm trường cấp 3 Lệ Thủy. Ông nhận được sự chào đón của toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường. Lúc đó, Đại tướng đã rẽ đám đông đến trước một ông già thấp đậm, quắc thước, râu tóc bạc trắng và cất tiếng hỏi:
- Tôi trông cụ quen quen? Có phải cụ là Choạc không?
Cụ già mới lúng túng đáp:
- Thưa ngài… đúng ạ!
Đại tướng liền nói:
- Xin cụ đừng gọi như vậy. Năm nay cụ bao nhiêu tuổi?
- Dạ thưa, tôi đã bảy mươi mốt tuổi.
Đại tướng tiếp lời:
- Tôi bảy mươi ba, chúng ta là bạn đồng niên.
Đến khi Đại tướng rời đi, mọi người mới nghe kể lại. Ông Lê Choạc khi còn trẻ thường đi cấy, gặt thuê, trong đó có nhà cụ Võ Quang Nghiêm. Vào các dịp nghỉ hè, cậu Giáp học ở Huế thường về quê. Dù đã nửa thế kỉ trôi qua, trong đám đông, Đại tướng vẫn nhận ra người quen cũ.
Có thể thấy, Đại tướng là một con người trọng tình nghĩa, tài đức vẹn toàn. Ông chính là tấm gương sáng ngời cho thế hệ sau học tập.