Truyện cổ tích Cây khế sẽ được tìm hiểu trong chương trình học môn Ngữ văn lớp 6. Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em.
Mời các bạn học sinh lớp 6 cùng tham khảo để có thêm ý tưởng cho bài văn của mình. Nội dung chi tiết được đăng tải ngay sau đây.
Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em
Dàn ý kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em
1. Mở bài
Giới thiệu về truyện cổ tích Cây khế.
2. Thân bài
Kể lại diễn biến của truyện Cây khế:
- Ở làng nọ, có hai anh em. Sau khi bố mẹ qua đời, họ chăm chỉ làm lụng thì cũng đủ ăn.
- Từ lúc lấy vợ, người anh trở nên lười biếng. Người anh tìm cách cho vợ chồng người em ra ở riêng, chỉ cho một căn nhà lụp xụp trước cửa có một cây khế.
- Vợ chồng người em chịu khó chăm sóc, nên cây khế ngày càng sai quả.
- Một hôm, một con chim bay tới ăn khế suốt một tháng trời. Người vợ van xin nó đừng ăn khế thì chim nói: “Ăn một quả trả cục vàng may túi ba gang mang đi mà đựng”.
- Hôm sau như lời hứa chim đến đón người em tới một hòn đảo có rất nhiều vàng bạc, châu báu. Người em lấy vừa đầy túi ba gang rồi lên lưng chim trở về.
- Người em về nhà dùng số vàng bạc lấy được mang đi đổi lấy lúa thóc để giúp đỡ cho người dân ở trong làng.
- Thấy người em bỗng nhiên trở nên giàu có, người anh sang hỏi, biết được chuyện liền âm mưu sang đòi đổi nhà lấy cây khế.
- Đến mùa, cây khế lại sai quả, chim lạ lại đến ăn, người anh cũng cố ý than thở với chim.
- Mấy hôm sau chim đến đón người anh đi đến hòn đảo vàng bạc, vốn bản tính tham lam nên người anh lấy rất nhiều vàng bạc.
- Trên đường về vì vàng bạc quá nhiều, vì quá nặng lại gặp gió lớn, chim đâm bổ xuống biển. Người anh bị sóng cuốn trôi, mất hết vàng bạc.
3. Kết bài
Ý nghĩa của truyện Cây khế.
Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em - Mẫu 1
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ có hai anh em. Cha mẹ mất sớm, anh em hết mực yêu thương nhau, cùng nhau làm lụng nên cũng có của ăn, của để. Nhưng từ lúc có vợ, người anh đâm ra lười biếng.
Một hôm, người anh gọi em trai đến để phân chia gia sản. Người anh nhận hết của cải, chỉ để lại cho em một túp lều tranh, trước lều có một cây khế. Quanh năm, vợ chồng người em chăm sóc cho cây khế tươi tốt. Đến mùa khế ra rất nhiều quả. Người em bàn với vợ sẽ hái khế để đem ra chợ bán. Hôm đó, khi người em vừa định trèo lên cây thì đã nhìn thấy trên cây khế có một con chim rất to đang đậu trên cây và đang ăn khế. Suốt một tháng, chim đều đến ăn. Người vợ xót ruột liền đến nói với chim:
- Chim ơi! Ngươi ăn khế của ta thì gia đình ta biết lấy gì để sống?
Chim bỗng ngừng ăn và cất tiếng trả lời:
- Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi và đựng.
Nói rồi chim bay đi. Vợ chồng bàn nhau làm theo lời chim nói. Sáng hôm sau, chim đến thật và đưa người em đến một hòn đảo giữa biển. Chim đáp xuống một cửa hang. Bên trong có rất nhiều vàng bạc châu báu. Thấy hang sâu và tối, người em chỉ dám nhặt ít châu báu ở ngoài, rồi ra hiệu cho chim ra về.
Từ đó, cuộc sống của gia đình của người em trở nên sung túc. Họ cho dựng một căn nhà khang trang gần túp lều và cây khế và giúp đỡ người dân nghèo khổ. Tiếng lành đồn xa, chuyện đến tai người anh. Một sáng, người anh đến nhà em trai từ sớm. Anh ta liền lân la hỏi chuyện, rồi gạ để đổi lấy túp lều và cây khế.
Cả gia đình người anh chuyển đến túp lều tranh của em trai. Ngày nào, vợ chồng người anh cũng chỉ ăn rồi ra dưới gốc khế chờ chim thần đến. Mùa khế chín, chim cũng trở về ăn khế. Vừa thấy chim, cả hai đã khóc lóc, kêu gào thảm thiết. Chim thần cũng nói y như lời kể của người em. Người anh bảo vợ may hẳn chiếc túi gấp ba lần, thành ra như một cái tay nải lớn.
Sáng hôm sau, chim thần đến đưa người anh ra đến đảo. Anh ta hoa mắt khi thấy nhiều vàng bạc châu báu. Vào trong hang, người anh lại càng mê mẩn, cố sức nhét thật đầy.
Người anh leo lên lưng chim, chim là đà mãi mới cất cánh được. Vì quá nặng nên chim bay chậm, mãi vẫn ở trên biển. Mang nặng, bay ngược gió, chim yếu dần, hai cánh rũ xuống. Chim buông xuôi rồi đâm bổ xuống biển. Người anh bị sóng cuốn đi. Còn chim chỉ bị ướt lông ướt cánh, lại vùng lên bay về núi rừng.