Chứng khoán hiện nay là một phương thức đầu tư đang được rất nhiều người quan tâm, nếu bạn đang có ý định tham gia chơi chứng khoán thì bạn cần phải biết được trên bảng giá chứng khoán có những gì, trên sàn giao dịch chứng khoán. Bạn thường thấy một bảng lớn ghi rất nhiều con số và các mã chứng khoán khác nhau.
Mỗi công ty chứng khoán sẽ có một kiểu bảng khác nhau, nhưng về cơ bản thì đều giống nhau, trong bài viết dưới đây. Download.vn sẽ hướng dẫn các bạn đọc, xem bảng giá chứng khoán ở bài viết dưới đây.
Đầu tiên các bạn cần phải lưu ý về thời gian giao dịch trên các sàn chứng khoán, thì thời gian các ngày giao dịch trong tuân sẽ từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ ngày nghỉ lễ theo quy định). Hiện tại chúng ta có hai sàn giao dịch chính đó là HNX (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội) và HOSE (Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh).
- Với sàn HNX (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội) thời gian giao dịch sẽ từ 09h - 11h30 và 13h - 14h45.
- Còn với sàn HNX (Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh) thời gian giao dịch sẽ từ 9h - 11h30 và 13h - 14h45.
- Riêng với giao dịch thỏa thuận và giao dịch trái phiếu trong phiên chiều sẽ kéo dài từ 13h-15h.
Hướng dẫn xem bảng giá chứng khoán Online chi tiết
- 1. Chỉ số giá thị trường
- 2. Mã chứng khoán
- 3. Giá tham chiếu
- 4. Giá Trần, Giá Sàn và biên độ giao động
- 5. Màu sắc trên Bảng giá chứng khoán
- 6. Quy định về mệnh giá và bước giá của cổ phiếu
- 7. Quy định về đơn vị khối lượng cổ phiếu
- 8. Tổng khối lượng cổ phiếu đã giao dịch trong ngày
- 9. Giá mở cửa, Giá cao nhất, thấp nhất
- 10. Nguồn đầu tư từ nhà giao dịch nước ngoài
- 11. Các cột bên MUA
- 12. Các cột bên BÁN
- 13. Cột Khớp Lệnh
- 14. Giải thích tại sao Giá 1 gọi là giá tốt nhất và Giá 2 gọi là tốt thứ 2 và Giá 3 tốt thứ 3
- 15. Bảng giá chứng khoán Lô Lẻ HNX / UPCoM
1. Chỉ số giá thị trường
Đầu tiên sẽ là chỉ số chính của thị trường, ở trên bạn có thể thấy gồm có VNI (VN INDEX), VN30 (VN30-Index), HNX (HNX - Inex), HNX30 (HNX30-Index)... và một số chỉ số khác nữa. Ví dụ trên hình thì VN-Index là chỉ số giá của cả sàn HOSE, HNX-Index và UPCOM-Index lần lượt là chỉ số Giá của cả sàn HNX và UPCOM. Riêng với hai chỉ số VN30 và HNX30 thì đây là chỉ số Giá của 30 mã lớn nhất tại sàn HOSE và HNX.
Những chỉ số Giá này có mục đích là để các nhà đầu tư nắm được rằng Thị trường chung đang tăng hay giảm. Và từ cơ sở đó mà nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin và quyết định mua hoặc bán cổ phiếu cụ thể mà mình đang theo đuổi.
2. Mã chứng khoán
Ở bảng giá chứng khoán của FPTS và một số bảng giá khác thì Cột Mã Chứng Khoán được để ngoài cùng bên trái, với tên hiện thị cột là "Mã". Đó là tên của các Công ty Niêm yết, mỗi công ty sẽ chỉ có một mã duy nhất và không được thay đổi.
Mỗi mã chỉ được niêm yết ở một sàn duy nhất tại một thời điểm, tức là nếu đang niêm yết ở HOSE rồi thì sẽ không niêm yết được ở sàn HNX. Nếu muốn đổi sàn thì bạn phải làm thủ tục đổi sàn theo điều kiện quy định của sàn đó, ví dụ: Nếu đang ở UPCoM mà muốn lên HOSE thì bạn phải làm thủ tục đổi sàn theo điều kiện và quy định của HOSE.
Tên pháp lý đầy đủ của công ty sẽ được hiển thị để bạn nhận biết sau khi đã di chuyển qua các Mã chứng khoán ở Bảng giá trên. Để tìm hiểu rõ hơn thông tin về những Công ty Niêm Yết trên Bảng giá đó bạn có thể làm theo hướng dẫn ở dưới đây.
Bước 1: Truy cập vào trang web của CafeF, sau đó bấm tên công ty hoặc mã Công ty mà bạn muốn tìm hiểu.
Bước 2: Nếu trong trường hợp bạn chưa biết mã thì có thể ghi tên công ty đó vào, CafeF sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin của công ty đó kèm theo Mã Chứng Khoán, nếu công ty đó đã niêm yết.
3. Giá tham chiếu
Cột Giá Tham Chiếu thường sẽ nằm cạnh cột "Mã" với ký hiệu hiển thị là "TC", giá trị của cột này luôn hiển thị màu vàng trên bảng giá. Biểu hiện của cột này có ý nghĩa là trong ngày hôm đó, Giá thị trường giao dịch bằng Giá tham chiếu thì cũng sẽ hiển thị màu vàng, tức là không tăng và không giảm.
Theo nguyên tắc thì Giá tham chiếu hôm nay chính là Giá đóng cửa của phiên hôm qua, và Giá đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm nay sẽ là Giá tham chiếu của phiên giao dịch ngày mai. Riêng với sàn UPCoM thì cách xác định Giá tham chiếu lại được xác định trên cơ sở Giá bình quân Gia quyền Phiên giao dịch liền trước.
4. Giá Trần, Giá Sàn và biên độ giao động
Ở bảng giá của FPTS thì Cột Giá Trần và Cột Giá Sàn sẽ được đặt cạnh cột "TC", hiển thị với tên gọi là Trần và Sàn. Trên bảng giá thì Giá Trần luôn được hiển thị màu Tím, và trên Giá Sàn thì luôn có màu Xanh lam. Biểu hiện của Giá Trần sẽ cho bạn biết Giá thị trường đang giao dịch ở mức cao nhất được cho phép, và Giá Sàn sẽ cho bạn biết trong ngày đó Giá thị trường đang giao dịch ở mức thấp nhất.
Bạn chỉ có thể nhập mua các mức Giá nằm trong vùng Sàn đến Trần, nếu nhập giá ở ngoài vùng đó thì Hệ thống sẽ báo lỗi ngay lập tức. Còn biên độ dao động được quy định theo Luật chứng khoán với 7% ở sàn HOSE, 10% ở sàn NHX và 15% ở sàn UPCoM. Ở phiên chào sàn niêm yết lần đầu tiên sẽ có mức độ lần lượt là 20%, 30% và 40%.
5. Màu sắc trên Bảng giá chứng khoán
Sẽ có 5 màu sắc tương ứng với từng trạng thái khác nhau trên bảng giá chứng khoán dưới đây.
- Màu Vàng - Giá Tham Chiếu: Nếu ở trong ngày giao dịch, Giá thị trường hay còn gọi là Giá Khớp lệnh như ở trên hình bằng đúng giá tham chiếu (Cột TC), thì khi đó nó sẽ hiển thị màu vàng, và khối lượng đi kèm với Giá đó cũng sẽ có màu vàng tương tự. Ở bên trên bạn có thể thấy Giá tham chiếu của HPG (Công ty Hòa Phát) bằng với Giá khớp lệnh là 33.7 (nghìn đồng).
- Màu Xanh Lá - Giá Tăng: Trong ngày giao dịch nếu Giá Khớp lệnh cao hơn Giá tham chiếu và thấp hơn giá trần, tức là có tăng thì giá đó sẽ hiển thị màu xanh lá cây, đồng thời khối lượng đi kèm với giá đó cũng có màu xanh lá cây. Ở trên hình là trường hợp mã HSG (Công ty Hoa Sen) khớp lệnh là 29.1 (nghìn đồng), cao hơn Giá tham chiếu 28.9 (nghìn đồng).
- Màu Đỏ - Giá Giảm: Nếu ở trong ngày giao dịch, Giá thị trường hay còn gọi là Giá khớp lệnh thấp hơn Giá tham chiếu nhưng lại cao hơn Giá Sàn, tức là giảm, khi đó Giá đó sẽ hiển thị màu đỏ, đồng thời khối lượng đi kèm với Giá đó cũng sẽ hiển thị màu đỏ. Ví dụ ở trên hình là mã HCM (Công ty CP chứng khoán HSC) giá Khớp lệnh là 38.1 (nghìn đồng) và thấp hơn Giá tham chiếu 38.3 (nghìn đồng).
- Màu Tím - Giá Trần: Nếu ở trong ngày giao dịch, Giá thị trường hoặc gọi là Giá Khớp lệnh như mũi tên trên hình bằng Giá Trần - là giá cao nhất, tức là giá đó đã tăng tối đa và hiển thị màu tím, khối lượng đi kèm cũng thành màu tím. Đó là trường hợp của FLC (Công ty CP tập đoàn FLC) ở trên hình, giá Khớp lệnh là 8.57 (nghìn đồng).
- Màu Xanh Da Trời - Giá Sàn: Nếu ở trong ngày giao dịch, Giá thị trường hoặc gọi là Giá khớp lệnh như mũi tên trên hình bằng giá thấp nhất - Giá Sàn, tức là giảm tối đa, khi đó Giá đó sẽ hiển thị thành màu Xanh da trời, khối lượng đi kèm Giá đó cũng thành màu xanh da trời. Ở trên hình là ví dụ của HAI (Công ty CP Nông dược H.A.I) với giá Khớp lệnh là 11.8 (nghìn đồng).
6. Quy định về mệnh giá và bước giá của cổ phiếu
Theo quy định của Luật Chứng Khoán Việt Nam thì mệnh giá giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là 10.000đồng/ đơn vị, đơn vị này có thể là cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ. Bước giá cổ phiếu giao dịch của sàn HNX, UPCoM theo quy định mới nhất hiện tại thì luôn là 100 đồng/ cp, cụ thể là giá trên bảng sẽ có dạng như 8.600 đ/cp, 12.900 đ/cp, 70.200 đ/cp 131.800 đ/cp...
Tuy nhiên bước giá ở sàn HOSE thì lại khác hoàn toàn, với các cổ phiếu giá dưới 10.000 đ/cp thì bước giá cho các cổ phiếu là 10 đồng / cp, tức là sẽ theo kiểu 5.410 đ/cp, 8.340 đ/cp, 9.760 đ/cp... hoàn toàn là những con số lẻ, quy định này mới bắt đầu từ tháng 12 năm 2016.
Còn với cổ phiếu có mức giá trên 10.000 đ/cp nhưng dưới 50.000 đ/cp thì bước giá của các cổ phiếu là 50 đồng/ cp, theo dạng 12.500 đ/cp, 23.650 đ/cp, 35.750 đ/cp...
Nếu mức giá cổ phiếu trên 50.000 đ/cp thì bước giá cổ phiếu sẽ là 100 đồng / cp, tức là theo kiểu 69.100 đ/cp, 92.300 đ/cp, 141.600 đ/cp...
Ở trên hình, những vùng có dấu đỏ là các cột về Giá của 3 Mã Chứng khoán đại diện cho 3 vùng giá khác nhau:
Với vùng giá <10 (FLC): ở trên ảnh thì FLC có các mức giá xuất hiện lần lượt là 8.55 - 8.56 - 8.57 - 8.2 - 8.1 và vì là vùng giá <10.000 đồng nên tất nhiên bước nhảy phải thỏa mãn điều kiện chia hết cho 0.01 (nghìn đồng).
Với vùng giá trên 10 nhưng dưới 50 (BID): ở trên ảnh thì BID có các mức giá xuất hiện lần lượt là 19.65 - 19.7 - 19.75 - 19.85 - 19.9 - 19.95 - 20.1, vì là vùng giá >10 (nghìn đồng) và <50 (nghìn đồng) nên bước nhảy phải chia hết cho 0.05 (nghìn đồng).
Ở vùng giá trên 50 (MWG): ở vùng giá này thì MWG có các giá lần lượt là 105.2 - 105.4 - 105.5 - 105.6 - 105-9 - 104.6 và dĩ nhiên do là vùng giá >50 (nghìn đồng) nên bước nhảy phải thỏa mãn các điều kiện chia hết cho 0.1 (nghìn đồng).
7. Quy định về đơn vị khối lượng cổ phiếu
Đơn vị khối lượng giao dịch là bội số của 100cp với sàn HNX, UPCoM và 10 cp với sàn HOSE. Tức là bạn sẽ phải đặt mua bán tại sàn HNX và UPCoM với mức cố phiếu là 100, 200, 300 cp... Còn với sàn HOSE thì sẽ là 10cp, 20cp, 30cp...
Với sàn HNX và UPCoM đặc biệt hơn chút là các lệnh lẻ từ 01 cho đến 99 cổ phiếu vẫn nhận được, nhưng sẽ chuyển vào Bảng giá Chứng khoán lô lẻ riêng và sẽ khác so với Bảng giá Chứng khoán lô chẵn hiện có.
Ví dụ: khi bạn muốn mua 340 cổ phiếu ở sàn HNX và UPCoM thì bạn cần phải đặt mua thành 2 lệnh riêng lẻ: 300 và 40 thì hệ thống mới chấp nhận và chuyển lệnh cho bạn vào Sở, còn nếu đặt lệnh mua 340 cổ phiếu bằng 01 lệnh thì hệ thống sẽ tự báo lỗi và lệnh sẽ không thực hiện được.
Cho nên, ở một vài Bảng giá chứng khoán, người ta thường thiết kế con số cổ phiếu cho gọn bên sàn HOSE, thường sẽ từ 34,550 sẽ được hiển thị là 3455 hoặc là 34,55. Bớt số cho nên sẽ dễ nhìn hơn. Bạn có thể xem ở bảng dưới đây
8. Tổng khối lượng cổ phiếu đã giao dịch trong ngày
Ở bảng thiết kế của FPTS thì cột Tổng Khối Lượng cổ phiếu được để gần ngoài cùng với từ viết tắt là "Tổng KL" và thông số được hiển thị màu trắng, tất cả đơn vị này đều chia hết cho 10 (Bội số của 10 cổ phiếu). Cột này chính là biểu hiện của Tổng khối lượng cổ phiếu được giao dịch từ đầu ngày đến thời điểm đó.
Còn hết ngày mới xem thì đó sẽ là Tổng Khối Lượng cổ phiếu giao dịch trong ngày hôm đó. Ở đây bạn có thể thấy mã cổ phiếu AAA đầu tiên trên Bảng có tổng khối lượng giao dịch trong phiên ngày hôm đó là 694,740 cổ phiếu. Trị giá khoảng hơn 22 tỷ đồng.
9. Giá mở cửa, Giá cao nhất, thấp nhất
Ở bảng giá của FPTS thì 3 Cột Giá Mở cửa, Cột Giá Cao nhất và Cột Giá Thấp nhất được thiết kế gần ngoài cùng bên phải cạnh cột Tổng KL. Được gọi lần lượt là "Mở cửa", "Cao Nhất", "Thấp nhất" và 3 cột này có màu tùy theo so với Giá Tham Chiếu Trần Sàn, đây là sàn HOSE nên tất cả đơn vị của 3 cột cũng tuân theo quy tắc 3 vùng giá dưới 10, trên 10 và dưới 50, cuối cùng là trên 50.
Nếu trong giờ giao dịch đang diễn ra thì 3 cột này cũng có thể thay đổi liên tục khi các tiêu chí bị phá vỡ. Tức là Giá Mở cửa là Giá giao dịch đầu tiên của ngày, Giá Cao Nhất là Giá giao dịch thành công cao nhất tại thời điểm xem hoặc xem ở cuối ngày thì là cao nhất trong cả ngày, đối với Giá Thấp nhất cũng vậy.
Ví dụ như mã cổ phiếu AAA đầu tiên ở Bảng có Giá Mở Cửa là 32.2, Giá Cao nhất là 32.45 và 31.95 (nghìn đồng) cho Giá Thấp nhất trong ngày.
10. Nguồn đầu tư từ nhà giao dịch nước ngoài
Trong bảng giá của FPTS, cột nhà đầu tư nước ngoài Mua và Bán được hiển thị ở ngoài cùng bên phải, cạnh cột Thấp Nhất. Tên của hai cột này được rút gọn là "NN Mua" và "NN Bán". Cả hai cột đều có màu trắng và trong giờ giao dịch đang diễn ra thì hai cột này chính là giao dịch Mua Bán của Nhà Đầu Tư nước ngoài từ đầu ngày đến thời điểm hiện tại.
Đến hết ngày thì hai cột này sẽ hiển thị tổng khối lượng giao dịch Mua Bán của Nhà Đầu Tư nước ngoài ngày hôm đó. Ở trên là ví dụ mã cổ phiếu của AAA với tổng khối lượng Mua và Bán của Nhà đầu tư nước ngoài trong ngày, lần lượt là 200 cổ phiếu Mua và 32,620 cổ phiếu Bán.
11. Các cột bên MUA
Trong bảng giá chứng khoán FPTS thì cột này nằm bên trái của Cột Khớp Lệnh và được hiển thị là cột "Mua". Bên dưới là các cột con.
- Cột "Mua - G1": Được gọi là Giá 1, còn gọi là Giá thứ nhất bên Mua hay Giá tốt nhất bên Mua, hay còn là giá tốt nhất cho người muốn Mua nhưng chưa Mua được, trên hình là ví dụ mã cổ phiếu AAA đầu tiên trên Bảng Mua - G1 có giá là 31.95 (nghìn đồng).
- Cột "Mua - KL1": Được gọi là Khối lượng mua được đặt tại Giá 1. Ví dụ mã cổ phiếu AAA đầu tiên có khối lượng mua với mức Giá 1 - 31.95 (nghìn đồng) sẽ là 28,140 cổ phiếu (Khoảng tầm 899 triệu đồng).
- Cột "Mua - G2": Được gọi là Giá 2, giống như G1, đây là Giá tốt thứ 2 người muốn mua nhưng chưa mua được. Trên bảng thì G2 có giá tại thời điểm xem là 31.9 (nghìn đồng).
- Cột "Mua - KL2": Được gọi là Khối lượng mua được đặt tại Giá 2. Ví dụ mã cổ phiếu AAA đầu tiên có khối lượng mua với mức Giá 2 - 31.9 (nghìn đồng) sẽ là 33,790 cổ phiếu (Khoảng tầm 1,078 tỷ đồng).
- Cột "Mua - G3": Được gọi là Giá 3, giống như G1 và G2, đây là Giá tốt thứ 3 người muốn mua nhưng chưa mua được. Trên bảng thì G3 có giá tại thời điểm xem là 31.85 (nghìn đồng).
- Cột "Mua - KL3": Được gọi là Khối lượng mua được đặt tại Giá 3. Ví dụ mã cổ phiếu AAA đầu tiên có khối lượng mua với mức Giá 3 - 31.85 (nghìn đồng) sẽ là 5,300 cổ phiếu (Khoảng tầm 169 triệu đồng).
Trong trường hợp nếu bạn đặt mua vào giá nào thì Hệ thống sẽ tự tính thêm khối lượng vào ô đó, ví dụ nếu bạn mua 1.000 cổ phiếu AAA và giá 31.9 (nghìn đồng). Ở cột "KL2" nếu bạn đặt lệnh mua thì 33,790 cổ phiếu sẽ tăng thành 34,790 cổ phiếu.
12. Các cột bên BÁN
Trong bảng giá chứng khoán FPTS thì cột này nằm bên phải của Cột Khớp Lệnh và được hiển thị là cột "Bán". Bên dưới là các cột con.
- Cột "Bán - G1": Giống như cột Mua nhưng đây là Giá thứ nhất bên Bán hay Giá tốt nhất bên Bán hoặc Giá tốt nhất để bán nhưng chưa Bán được. Ví dụ mã cổ phiếu AAA đầu tiên trên Bảng giá có Giá 1 - Bán ở thời điểm hiện tại là 32 (nghìn đồng).
- Cột "Bán - KL1": Gọi là Khối lượng Bán được đặt tại Giá 1, ở trên hình bạn có thể thấy ví dụ AAA đầu tiên trên Bảng có khối lượng muốn Bán tại mức Giá 1 - 32 (nghìn đồng) sẽ là 3,550 cổ phiếu (Khoảng tầm 114 triệu đồng).
- Cột "Bán - G2": Đây là Giá thứ hai bên Bán hay Giá tốt thứ hai bên bán hoặc Giá tốt nhất thứ hai người bán muốn bán nhưng chưa Bán được. Ví dụ mã cổ phiếu AAA đầu tiên trên Bảng giá có Giá 2 - Bán ở thời điểm hiện tại là 32.15 (nghìn đồng).
- Cột "Bán - KL2": Gọi là Khối lượng Bán được đặt tại Giá 2, ở trên hình bạn có thể thấy ví dụ AAA đầu tiên trên Bảng có khối lượng muốn Bán tại mức Giá 2 - 32.15 (nghìn đồng) sẽ là 290 cổ phiếu (Khoảng tầm 9 triệu đồng).
- Cột "Bán - G3": Gọi là Giá thứ ba bên Bán hay Giá tốt thứ ba bên bán hoặc Giá tốt nhất thứ ba người bán muốn bán nhưng chưa Bán được. Ví dụ mã cổ phiếu AAA đầu tiên trên Bảng giá có Giá 3 - Bán ở thời điểm hiện tại là 32.2 (nghìn đồng).
- Cột "Bán - KL3": Gọi là Khối lượng Bán được đặt tại Giá 3, ở trên hình bạn có thể thấy ví dụ AAA đầu tiên trên Bảng có khối lượng muốn Bán tại mức Giá 3 - 32.2 (nghìn đồng) sẽ là 4,060 cổ phiếu (Khoảng tầm 130 triệu đồng).
Cũng giống như bên Mua, nếu bạn đặt Bán vào giá nào thì hệ thống sẽ tự thêm khối lượng vào ô đó, ví dụ nếu bạn muốn bán 2.000 cổ phiếu AAA vào giá 32.2 (ngàn đồng). Nếu bạn đặt lệnh tại cột "KL3" - Bán thì 4,060 cổ phiếu sẽ thành 6,060 cổ phiếu.
Tại sao gọi là giá bán và giá mua tốt nhất mình sẽ giải thích riêng ở một mục bên dưới.
13. Cột Khớp Lệnh
Trong bảng giá FPTS thì Cột Khớp Lệnh nằm ở giữa hai cột Mua và Bán, bao gồm Giá cụ thể nào, lô khối lượng khớp là bao nhiêu và tăng giảm của Giá khớp đó so với Giá tham chiếu của ngày. Nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy Cột Mua ở bên trái luôn thấp hơn Cột Bán bên phải.
Ở dưới là các cột con bao gồm Giá, Khối Lượng và Tăng/ Giảm (+/-), ví dụ mã cổ phiếu AAA trên hình có lệnh giao dịch thành công gần nhất với Giá Khớp Lệnh là 31.95 (nghìn đồng), Khối Lượng Khớp Lệnh là 51,170 cổ phiếu, Giá Khớp Lệnh Giảm 0.2 (nghìn đồng) so với Giá Tham Chiếu là 32.15 (nghìn đồng).
Sở dị Khối lượng Khớp Lệnh trên hình lớn như vậy là do hình được chụp vào lúc phiên giao dịch hết giờ, đối với hai sàn HNX, HOSE thì đó chính là Phiên định kỳ, là lô khớp cho cả phiên định kỳ 15 phút từ 14h30 cho đến 14h45. Còn nếu đang trong phiên giao dịch liên tục thì bạn sẽ chỉ thấy vài nghìn cổ phiếu hoặc thấp hơn cho một Lệnh Thông Thường.
14. Giải thích tại sao Giá 1 gọi là giá tốt nhất và Giá 2 gọi là tốt thứ 2 và Giá 3 tốt thứ 3
Nếu ở ngoài, bạn đi mua hàng và muốn mua thì phải tìm Cửa Hàng, Hàng Hóa, hoặc Nhà cung cấp Dịch Vụ, tức là người Bán. Và bao giờ cũng tìm người nào bán giá thấp nhất, chả ai thích mua giá đắt cả. Bảng giá chứng khoán cũng là một nơi như vậy.
Ở bảng FPTS bên trên, với mã cổ phiếu AAA bạn có thể thấy những mục Giá 1 bên Cột Bán có giá là 32 (nghìn đồng), đây là Giá bán thấp nhất và cũng được coi là Giá bán tốt nhất dành cho người mua. Tiếp theo là Giá bán thứ 2 được đặt là 32.15 (nghìn đồng) và Giá bán thứ 3 được đặt 32.2 (nghìn đồng).
Tương tự như vậy các mã cổ phiếu ở dưới đều có quy tắc như trên đối với bên Mua. Giá 1 - Thấp nhất và tốt nhất, Giá 2 - Thấp thứ 2 và tốt thứ 2, Giá 3 - Thấp thứ 3 và tốt thứ 3. Đó là 3 giá tốt nhất dành cho bên Mua.
Ngược lại, nếu là người Bán thì bạn phải tìm người Mua, và người nào mua cao nhất thì là người tốt nhất đối với mình. Và không ai muốn bán rẻ cả. Bảng giá chứng khoán cũng được thiết kế theo quan điểm như vậy.
Như bảng giá của FPTS bên trên, vẫn là Mã cổ phiếu của AAA, bên Mua có Giá 1 - 31.95 (nghìn đồng) giá mua cao nhất hay là giá mua tốt nhất với người Bán. Giá mua thứ 2 được đặt là 31.9 (nghìn đồng) và Giá mua cao thứ 3 với 31.85 (nghìn đồng).
Các mã cổ phiếu bên dưới dưới đều tuân theo quy tắc trên, Giá 1 - Mua là cao nhất, là tốt nhất cho bên Bán, Giá 2 - Mua cao thứ 2, tốt thứ 2 cho bên Bán và cuối cùng Giá 3 - Mua là cao thứ 3 - tốt thứ 3 cho bên Bán.
Những Giá Mua và Giá Bán trên bảng giá vừa rồi còn có cả các giá 4 và giá 5... cho đến Giá Trần / Giá Sàn chứ không phải chỉ có 3 giá như trên bảng hiển thị. Nếu để ý bạn có thể thấy bao giờ Giá 1 của cả hai bên Mua và Bán luôn sít sát nhau ở mọi mã cổ phiếu, nhưng không bao giờ bằng nhau, vì nếu bằng thì đã Khớp vào nhau rồi. Đó luôn là hai vùng giá giao dịch dễ nhất ở thời điểm đang xem.
15. Bảng giá chứng khoán Lô Lẻ HNX / UPCoM
Trên ba sàn chính thức thì việc giao dịch chỉ được giao dịch khi khớp lệnh với lô chẵn là bội số của 100 ở sàn HNX và UPCoM, còn với sàn HOSE thì bội số là 10. Ví dụ như bạn đang nắm 335 cổ phiếu ở sàn HNX hoặc UPCoM thì lô chẵn 300 vẫn bán được bình thường trên sàn. Nhưng với cái lô lẻ 35 cổ phiếu kia thì lại không bán được trên sàn.
Ở trên sàn HOSE cũng vậy, nếu bạn đang có 47 cổ phiếu thì bạn sẽ được bán 40 cổ phiếu số chẵn bình thường. Và 7 cổ phiếu còn lại thì bị xem là lô lẻ và không bán được trên sàn giao dịch chính thức.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư đang nắm phải cổ phiếu có sự phát hành thêm, nhằm tăng nguồn vốn điều lệ bằng cách bán lại cho công ty chứng khoán nơi mình đang có tài khoản với giá sàn của ngày theo yêu cầu. Tuy nhiên thì từ ngày 26/03/2012 thì trên sàn HNX và UPCoM, các nhà đầu tư có thể tự thỏa thuận và giao dịch với nhau mà không cần sự tham gia của Công ty chứng khoán với giá mua lại là giá sàn theo quy định mới.
Đặc biệt từ ngày 29/07/2013 cho đến hiện tại thì HNX đã được giao dịch lô lẻ như các bạn vẫn thấy ở trên bảng giá lô chẵn dưới dạng khớp lệnh thông thường, khác một điều là được giao dịch dưới dạng 1 bảng giá riêng biệt. Tạo thành 2 bảng giá lô chẵn và bảng giá lô lẻ.
Việc này sẽ giúp cho nhiều nhà đầu tư dễ dàng thanh lý các lô lẻ, không bị "rác" Tài khoản mỗi lần nhận Sao kê tài khoản, lại không bị ép giá sàn như khi bán lại cho Công ty Chứng khoán và đồng thời cũng giúp cho các công ty Niêm Yết không bị "rác" cổ đông.
Bạn có thể xem bảng giá lô lẻ ở trên Bảng giá của StockPrice, đây là trang web cung cấp dữ liệu bảng giá chứng khoán và hiện vẫn là 1 trong số ít Website vẫn đang cập nhật loại bảng giá này. Chỉ cần truy cập vào đường link này và bấm Chọn Settings, chọn một trong hai sàn HNX (Lô lẻ) và UPCoM (Lô lẻ). Lưu ý tính năng này chỉ dành cho tài khoản trả phí thôi nhé.
Lưu ý một điều nữa là ví dụ bạn đang có 335 cổ phiếu ở trên sàn HNX và UPCoM thì trong phần đặt lệnh. Bạn không thể bán một lần với một lệnh 335 cổ phiếu, muốn bán được bạn cần phải tách thành 2 lệnh riêng biệt là 300 cổ phiếu và 35 cổ phiếu. Khi đó hệ thống sẽ lệnh lên sàn lô chẵn và lẻ như mặc định.
Nguyên tắc giao dịch mua bán bên bảng giá giao dịch lô lẻ sẽ tương tự như lô chẵn, có khác chỉ là tính thanh khoản của Bảng giá lô lẻ thấp hơn nhiều bảng lô chẵn, phần nhiều sẽ bán đi cho đỡ "rác" tài khoản hoặc mua thêm vào để bán được như ở trên bảng lô chẵn bình thường.