Hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy và Chiều tối (5 mẫu) - Văn 11

Văn mẫu lớp 11: Phân tích hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy và Chiều tối

Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 11

Phân tích hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy và Chiều tối gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay, được đánh giá cao. Thông qua bài văn mẫu này các bạn lớp 11 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng viết văn ngày một hay hơn từ đó đạt được kết quả cao trong bài thi học kì 2 Ngữ văn 11.

Bài thơ Chiều tối và Từ ấy đều đã khắc họa thành công chân dung người chiến sĩ cách mạng với vẻ đẹp nhân cách sáng ngời. Họ là những người con ưu tú của thời đại, mang trong mình những phẩm chất cao đẹp, lí tưởng, mục tiêu đúng đắn, có niềm tin vào tương lai. Ngoài ra để nâng cao kỹ năng viết văn các bạn xem thêm một số bài văn mẫu tại chuyên mục Văn 11.

Dàn ý hình tượng người chiến sĩ trong Từ ấy và Chiều tối

1. Giới thiệu về hai tác giả, tác phẩm

– Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời cũng là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Trong di sản văn học của Người, thơ ca là mảng sáng tác rất có giá trị, trong đó có thể kể đến tập thơ “Nhật kí trong tù”được sáng tác trong những ngày Người bị giam giữ ở các nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây. Chiều tối (Mộ -1942) là bài thơ được trích từ tập thơ này.

– Tố Hữu là nhà cách mạng, cũng là nhà thơ trữ tình chính trị tiêu biểu nhất của nền thơ ca cách mạng. Sự nghiệp cách mạng của Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp thơ ca của ông. Từ ấy (1938) là bài thơ hay được trích trong tập thơ cùng tên ghi lại thời khắc đặc biệt trong cuộc đời cách mạng và nghệ thuật của Tố Hữu khi nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cách mạng, tìm thấy con đường đi cho cuộc đời mình và thơ ca.

– Cả hai bài thơ đều hướng tới khắc họa vẻ đẹp trong tâm hồn và lí tưởng sống cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng.

2. Vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối (Hồ Chí Minh)

– Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: khi Hồ Chí Minh sang Trung Quốc tranh thủ sự viện trợ của phe Đồng minh. Khi đến Quảng Tây thì Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Vì không có chứng cớ khép tội nên chúng không thể đưa ra xét xử. Chúng đã hành hạ Người bằng cách giải đi khắp các nhà lao của tỉnh Quảng Tây trong hơn một năm trời nhằm tiêu diệt ý chí của người chiến sĩ cách mạng. Bài thơ này cũng giống như nhiều các sáng tác khác được viết trên hành trình chuyển lao từ Tĩnh Tây đi Thiên Bảo, vào khoảng bốn tháng sau khi Người bị bắt. Tác phẩm là bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh ở thời điểm gian nan thử thách nhất trên con đường cách mạng.

– Đó là người chiến sĩ cách mạng có tâm hồn rộng mở, phóng khoáng, đón nhận vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên núi rừng. Bức tranh thiên nhiên cảnh chiều mở ra ở cả chiều cao, chiều rộng của không gian và được vẽ bằng những nét phác họa đơn sơ, với những hình ảnh đậm đà sắc màu cổ điển như cánh chim và chòm mây, có chút buồn vắng, quạnh hiu những vẫn thanh thoát, ấm áp hơi thể sự sống. Bức tranh thiên nhiên đã nói lên nhân vật trữ tình là con người tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết vượt lên trên cảnh ngộ tù đày.

– Đó cũng là người chiến sĩ có tấm lòng nhân đạo, bao la, yêu thương, quan tâm chia sẻ với con người lao động, một tâm hồn luôn hướng về sự sống và ánh sáng. Dù vẫn phải tiếp tục chuyển lao trong cảnh trời tối, con người đã quên đi nỗi nhọc nhằn của riêng mình, hướng về cô gái nhỏ lao động nơi xóm núi xay ngô và lò than rực hồng đã đỏ để cảm thông, chia sẻ, ấm áp, vui lây niềm vui lao động của con người.

– Bút pháp khắc hoạ chân dung người chiến sĩ cách mạng: là bút pháp gợi tả, những hình ảnh đậm đà màu sắc cổ điển mà vẫn thấm đẫm tinh thần hiện đại. Vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng hiện qua bức tranh cảnh vật thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt lao động của con người. Đó là con người ung dung, hoà hợp với thiên nhiên nhưng vẫn luôn trong tư thế làm chủ hoàn cảnh, hướng về con người, sự sống và ánh sáng, chất thi sĩ và chất chiến sĩ hoà quyện làm một.

3. Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Từ ấy (Tố Hữu)

– Bài thơ ra đời với một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Tố Hữu. Ngày nhà thơ được kết nạp vào Đảng cộng sản, đứng vào hàng ngũ những người cách mạng chiến đấu vì một lí tưởng chung, ông đã viết bài thơ này. Đặt trong hoàn cảnh sáng tác ấy, bài thơ đã cho thấy tình yêu, niềm say mê với lí tưởng cách mạng và lẽ sống cao đẹp làm nên vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ.

– Đó là con người có tình yêu, niềm say mê mãnh liệt với lí tưởng cộng sản. Lí tưởng chính là ánh nắng hạ rực lửa, là mặt trời chói sáng, soi rọi giúp cho nhà thơ nhận ra con đường đi đến với chân lí, lẽ phải, công bằng, niềm tin, hi vọng. Lí tưởng còn hồi sinh, chỉ đường, đem đến cảm xúc mới, sức sống mới cho nghệ thuật thơ ca của người chiến sĩ.

– Đó là người chiến sĩ có lẽ sống nhân đạo cao đẹp. Con người ấy từ khi được giác ngộ lí tưởng, ý thức rằng cuộc sống và nghệ thuật thơ ca của mình không thuộc về cá nhân mình nữa mà thuộc về quần chúng cần lao và cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Con người đã tự nguyện đem cái “tôi” nhỏ bé của mình gắn kết với cuộc đời để tạo nên sức mạnh đoàn kết, tranh đấu. Người chiến sĩ cũng ý thức rằng mình sẽ là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình cách mạng của những người lao khổ, bị áp bức, chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp.

– Bút pháp khắc hoạ: được khắc họa qua cách miêu tả trực tiếp bằng những cảm nhận của nhân vật trữ tình khi bắt gặp ánh sáng của lí tưởng hoặc những lời ước nguyện, lời thề quyết tâm chiến đấu vì lí tưởng chung. Bài thơ làm hiện lên chân dung của một cái “tôi” chiến sĩ không cách biệt, trốn tránh cuộc đời như cái “tôi” thơ mới mà trẻ trung, hăm hở, nhiệt huyết, tràn đầy tình yêu, niềm say mê với lí tưởng cộng sản, sống có trách nhiệm với cuộc đời, với nhân dân đau khổ bị áp bức, với cuộc đấu chung của dân tộc.

4. Điểm tương đồng và khác biệt ở hình tượng người chiến sĩ trong hai bài thơ

d1. Điểm tương đồng: cả hai bài thơ đều tập trung khắc họa hình tượng người chiến sĩ cách mạng, những người con ưu tú nhất của lịch sử dân tộc có tâm hồn cao đẹp, có lí tưởng sống nhân đạo, chất thi sĩ và chiến sĩ hoà quyện trong tâm hồn, lí tưởng của họ.

d 2. Điểm khác biệt:

– Ở “Chiều tối” là vẻ đẹp của người chiến sĩ yêu thiên nhiên, gắn bó với cuộc sống, một hồn thơ luôn hướng về sự sống và ánh sáng ở những thời điểm thử thách gay go nhất trên hành trình cách mạng. Vẻ đẹp tâm hồn con người được thể hiện qua bút pháp gợi tả với những hình ảnh đậm màu sắc cổ điển.

– Còn ở “Từ ấy”, đó là người chiến sĩ có tình yêu mãnh liệt với ý tưởng, có lẽ sống cao đẹp, sẵn sàng hi sinh, dâng hiến vì cuộc đấu tranh của dân tộc, giống nòi. Nhân vật trữ tình được khắc hoạ trực tiếp bằng những hình thơ sôi nổi, trẻ trung, tươi mới.

Hình tượng người chiến sĩ trong Từ ấy và Chiều tối - Mẫu 1

Gắn liền với tư tưởng HCM trong bài thơ Chiều tối, bài thơ Từ ấy của Tố Hữu cũng là một tác phẩm tràn đầy nhiệt huyết, yêu đời say mê lí tưởng sôi nổi vồ vập tiếp nhận ánh sáng cách mạng để trọn đời chiến đấu hiến dâng cho lí tưởng cao cả.

Từ ấy vừa là hồi tưởng vừa là kỉ niệm,lại cũng là sự tiếp diễn không ngừng của cảm xúc, ý nguyện, ước mơ cao đẹp.Nó là một cái mốc đáng nhớ trên bước đường hoạt động cách mạng cũng như sự nghiệp sáng tác của người thanh niên chiến sĩ trẻ, nhà thơ cộng sản trẻ tuổi Tố Hữu.

Cái lắng đọng của bài thơ là tình cảm ấm áp chân thành của sự hồi tưởng của một kỉ niệm đã trở thành cột mốc làm đổi thay cuộc đời con người, 1 chiến sĩ một nghệ sĩ.

Với “Từ ấy”, ta bắt gặp 1 cảm quan nghệ thuật mới mẻ khi được ánh sáng cách mạng chiếu rọi. Cái tôi đầy sinh lực khi tiếp nhận lí tưởng được nhân lên nhiều lần, nhất là khi chủ thể trữ tình trở về cội nguồn nhân dân. Được ánh sáng của “Mặt trời chân lí” nhà thơ tự đến với nhân dân,tự san bằng khoảng cách để gắn bó với quần chúng cách mạng.Từ nhận thức đến hành động; từ tình cảm đến lí trí tuy có 1 chút gì còn ngỡ ngàng,gắng gượng nhưng thật cảm động bởi sự chân thành không lên gân gò ép!

Bài thơ đẹp chính bởi nó đã phản ánh chân thực cái thời điểm đắm say trong buổi đầu đến với cách mạng của nhà thơ trẻ,cũng như những non nớt của anh trong bước đường tự rèn luyện để có thể gắn bó máu thịt với quần chúng cách mạng…Nhà thơ tự nhận mình là người thân thuộc trong đại gia đình nhân dân.

Cái cảm động ở những lời thơ giản dị này chính là ở sự thân thiết và có trách nhiệm đến mức ân tình với tất cả, yêu qúy với tất cả;gắn bó như 1 tế bào trong cơ thể sống tràn đầy sinh lực, là nhân dân.

Phải chăng đó là thái độ trân trọng và tình cảm khiêm nhường của nhà thơ trước quần chúng. Đó cũng chính là tình cảm, là sự tự nhận thức của nhà thơ về vai trò và sức mạnh của nhân dân của quần chúng cách mạng. Với Chiều tối: Từ bức tranh cô tịch của thiên nhiên, người hoạ sĩ, thi sĩ đã vận dụng sự quan sát và miêu tả bức tranh xã hội một cách chân thực, gần gũi như người trong cuộc. Hình ảnh người thôn nữ xay ngô tối bên lò than rực hồng mang lại sự ấm áp cho cuộc sống vùng sơn cước buổi hoàng hôn.

Chưa hết, đằng sau, thấp thoáng trong bức tranh ấy còn có người tù nữa, một người chiến sĩ có con mắt nhìn hiện thực một cách sống động, nhìn sự vật theo hướng vận động, tạo nên sự tươi sáng, lạc quan của bức tranh chiều tối, gợi nên niềm vui vào lao động, vào đấu tranh, vào ngày mai tươi sáng. Đây không phải là hiện tượng hiếm thấy trong thơ Hồ Chí Minh, trong “Nhật kí trong tù”. Chúng ta đã đọc nhiều bài thơ của Người, và chúng ta đã từng bắt gặp hình ảnh “chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”, chúng ta đã từng thấy cảnh “Mặc dù bị trói chân tay” nhưng vẫn thấy “Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng” trong thơ của Người.

Hình tượng người chiến sĩ trong Từ ấy và Chiều tối - Mẫu 2

Hình tượng người chiến sĩ là một đề tài phổ biến của văn học Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến. Mỗi tác giả lại đem đến những vẻ đẹp riêng cho người chiến sĩ. Trong những năm tháng đó, hình ảnh người chiến sĩ đẹp đẽ ở cả tâm hồn và lí tưởng sống cao đẹp đã được khắc họa thật chân thực, đầy đủ trong tác phẩm Chiều tối (Hồ Chí Minh) và Từ ấy (Tố Hữu).

Bài thơ Chiều tối là bài thứ 131 được rút ra từ tập Nhật kí trong tù, bài thơ có hoàn cảnh ra đời hết sức đặc biệt. Hồ Chí Minh sang Trung Quốc tìm viện trợ và khi Người đến Quảng Tây thì bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Hồ Chí Minh bị chuyển hết từ nhà lao này đến nhà lao khác, hòng tiêu diệt ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng. Chiều tối là bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh bị chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bài thơ không chỉ phác họa được bức tranh thiên nhiên mà con cho người đọc thấy được chân dung đẹp đẽ của người chiến sĩ trên con đường cách mạng.

Trong bài thơ, người chiến sĩ hiện lên là người có lòng yêu thiên nhiên, tâm hồn rộng mở, phóng khoáng. Trên đường giải từ nhà lao này đến nhà lao khác là một hành trình đầy khó khăn, gian khổ, đường sá xa xôi, mệt nhọc nhưng không vì thế mà tâm hồn, lòng yêu thiên nhiên của Bác bị dập tắt. Trước cảnh hoàng hôn đẹp đẽ nơi rừng núi, Người vẫn có những giây phút lắng lòng mình để cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn vẻ đẹp của đất trời:

Quyện điểu quy lầm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không

Người đã thật tinh tế, nhạy cảm nắm bắt được khoảnh khắc chú chim nhỏ bay về rừng tìm nơi ngủ sau một ngày kiếm ăn mệt nhọc. Những đám mây lặng lẽ, lững lờ trôi nhanh về phía cuối trời. Bức tranh thật cổ điển, với những nét vẽ đơn sơ, nhưng cũng đủ để cảm nhận được cái thần, cái hồn của sự vật.

Không chỉ vậy, người chiến sĩ ấy còn mang trong mình tấm lòng nhân đạo sâu sắc: “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc/ Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”. Dù bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần, bản thân chịu nhiều cực khổ nhưng Bác vẫn quan tâm, chỉa sẻ với những người lao động. Hình ảnh người thiếu nữ say ngô tối miệt mài, vừa thể hiện tinh thần khỏe khoắn, tràn đầy sức sống, vừa cho thấy tình cảm, sự quan tâm của bác đối với tất cả mọi người, Bác chia sẻ niềm vui chung, niềm vui với cuộc sống bình dị của con người nơi đây. Ngoài ra, người chiến sĩ luôn hướng về ánh sáng, hướng về tương lai tốt đẹp. Trong cái thinh lặng của không gian, khi đêm tối phủ ngập bốn phía, con mắt người tù vẫn tìm kiếm ánh sáng, và thứ ánh sáng đó không gì khác chính là những viên than rực hồng. Ánh sáng đó đã làm sáng cả bức tranh vốn u tối và đượm buồn. Thơ Bác luôn có xu hướng vận động từ bóng tối ra ánh sáng, cho thấy tâm hồn lạc quan, luôn hướng về tương lai của Người.

Để khắc họa chân dùng người chiến sĩ cách mạng, Bác chủ yếu sử dụng bút pháp gợi tả, có sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Người chiến sĩ hiện lên là một con người yêu thiên nhiên, tấm lòng nhân đạo bao la, luôn hướng về tương lai tốt đẹp. Con người có sự hòa hợp, dung hòa với thiên nhiên, những vẫn là chủ của bức tranh ấy.

Người chiến sĩ trong bài Từ ấy lại hiện lên với những vẻ đẹp riêng, không hòa lẫn. Từ ấy được sáng tác năm 1938 khi Tố Hữu được kết nạp Đảng. Bài thơ là khúc ca say mê, tràn đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cách mạng.

Người chiến sĩ trước hết là người có tình yêu, niềm say mê mãnh liệt với lí tưởng cách mạng. Ngày được vào Đảng là mốc son chói lọi trong cuộc đời ông: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Từ khoảnh khắc được kết nạp, Đảng đã soi chiếu tâm hồn, giúp người chiến sĩ tìm đường con đường chân lí mà bấy lâu nay mình loay hoay tìm kiếm. Khoảnh khắc ấy cũng đem đến cho hồn tôi những cảm xúc mới mẻ, tràn đầy sức sống, làm hồi sinh thức tỉnh phẩm chất nghệ sĩ trong con người của chiến sĩ.

Vẻ đẹp của người chiến sĩ còn hiện lên ở lẽ sống cao đẹp, hòa nhập dâng hiến cho sự nghiệp chung của cách mạng. Cái tôi không còn đơn độc, riêng lẻ, mà hòa nhập, buộc lòng với mọi người: “Tôi buộc hồn tôi với mọi người/ Để tình trang trải với trăm nơi”. Cái tôi thắt chặt với quần chúng, tự nguyện đem hết cả tuổi trẻ, tính mạng của mình gắn với “mọi người”. Để được gần gũi với “bao hồn khổ” thấu hiểu những khó khăn, vất vả, cực nhọc của họ. Người Đảng viên không chỉ hòa nhập mà còn chính thức được đón nhận vào tập thể quần chúng nhân dân. Kết quả của sự hòa nhập ấy tạo nên sức mạnh to lớn “mạnh khối đời”. Khối đời là cuộc đời chung, rộng lớn, không thể cân đo đong đếm. Nhưng được Tố Hữu kết hợp với chữ khối đã hiến nó hữu hình, có thể nắm bắt được. Người chiến sĩ hòa nhập vào đại gia đình quần chúng lao động và nhận thức được trách nhiệm của bản thân làm sao để có thể cứu vớt được những cuộc đời lao khổ. Đó là một cái tôi có ý thức, trách nhiệm với con người, cuộc đời, với cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc.

Chân dung người chiến sĩ trong bài Từ ấy chủ yếu được miêu tả trực tiếp những cung bậc cảm xúc, sự chuyển biến trong nhận thức của nhân vật trữ tình. Đó là cái tôi hăm hở, nhiệt huyết, sống cuộc đời đầy tinh thần trách nhiệm với cách mạng, với cuộc đời.

Chiều tốiTừ ấy đều đã khắc họa thành công chân dung người chiến sĩ cách mạng với vẻ đẹp nhân cách sáng ngời. Họ là những người con ưu tú của thời đại, mang trong mình những phẩm chất cao đẹp, lí tưởng, mục tiệu đúng đắn, có niềm tin vào tương lai của cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc.

Bên cạnh những điểm tương đồng, hai bài thơ vẫn có những điểm khác biệt, thể hiện phong cách riêng của hai tác giả. Trong bài Chiều tối người chiến sĩ hiện lên với tâm hồn rộng mở, lòng yêu thiên nhiên, gắn bó sâu nặng với cuộc sống. Tâm hồn người chiến sĩ luôn tìm và hướng về ánh sáng dù hoàn cảnh nhiều khó khăn, thử thách. Vẻ đẹp tâm hồn vừa cổ điển, vừa hiện đại. Còn với Từ ấy, tâm hồn chiến sĩ là say mệ, nhiệt huyết với lí tưởng cách mạng. Lẽ sống cao đẹp, có ý thức trách nhiệm với cuộc đời chung. Tinh cảm của nhân vật được bộc lộ trực tiếp.

Bằng những lời thơ chân thành, tinh tế cả hai bài thơ đã dựng lên bức chân dung đẹp đẽ về tinh thần, nhân cách của những người chiến sĩ. Mỗi người mang trong mình những vẻ đẹp riêng, làm phong phú thêm bức tranh tâm hồn của người chiến sĩ. Nhưng đồng thời ở họ còn ánh lên vẻ đẹp chung đó là lòng yêu nước nồng nàn.

Hình tượng người chiến sĩ trong Từ ấy và Chiều tối - Mẫu 3

Hồ Chí Minh và Tố Hữu là hai nhà thơ cách mạng lớn của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20. Gặp gỡ trong cảm hứng thi ca cách mạng, bài thơ Chiều tối của Hồ Chí minh và Từ ấy của Tố Hữu đã khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bước tù đày nhưng vẫn hiên ngang, tràn trề sức sống, lạc quan, yêu đời, hướng đến tương lai. Họ là những người chiến sĩ kiên cường, bất khuất, giàu tình yêu thương, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cả hai bài thơ đều hướng tới khắc họa vẻ đẹp trong tâm hồn và lí tưởng sống cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng.

Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng thời còn là nhà thơ, nhà văn lớn. Sự nghiệp sáng tác của Người rất đa dạng và phong phú ở nhiều thể loại với nhiều tác phẩm có giá trị. Trong đó có tập Nhật kí trong tù. Tập thơ được sáng tác từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943 gồm 134 bài thơ bằng chữ Hán, khi tác giả bị giam giữ trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc). Chiều tối (Mộ) là bài thơ thứ 31 của tập Nhật kí trong tù. Bài thơ toát lên vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh.

Tố Hữu cũng là một nhà thơ lớn, là cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Với Tố Hữu, con đường thơ luôn song hành với con đường cách mạng. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị. Những sự kiện quan trong trong đời sống chính trị của bản thân, của dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng cho thơ Tố Hữu, tiêu biểu là bài thơ “Từ ấy”. Tố hữu viết bài thơ này vào tháng 7 năm 1938 khi nhà thơ được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Có thể coi đây là lời tuyên thệ, quyết tâm chiến đấu vì lí tưởng cách mạng của người chiến sí trẻ tuổi.

Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.
Bài thơ Chiều tối ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: được viết trên hành trình chuyển lao, chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây đi nhà lao Thiên Bảo, vào khoảng bốn tháng sau khi Người bị bắt. Tác phẩm là bức chân dung tự họa của con người tù, chiến sĩ Hồ Chí Minh ở thời điểm gian nan thử thách nhất trên con đường cách mạng. Đó là người chiến sĩ cách mạng có tâm hồn rộng mở, phóng khoáng, đón nhận vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên núi rừng:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Bức tranh thiên nhiên cảnh chiều mở ra ở cả chiều cao, chiều rộng của không gian và được vẽ bằng những nét phác họa đơn sơ, với những hình ảnh đậm đà sắc màu cổ điển như: “cánh chim” và “chòm mây”, có chút buồn vắng, quạnh hưu những vẫn thanh thoát, ấm áp hơi thở của sự sống.

Qua bức tranh thiên nhiên đó cho thấy nhân vật trữ tình là con người tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết, vượt lên trên cảnh ngộ tù đày. Dù cổ đang bị deo gông, chân tay bị xiềng xích, thân thể rã rời, mệt mỏi sau một ngày chuyển lao nhưng người tù-người chiến sĩ Hồ Chí Minh vẫn quên đi cảnh ngộ của bản thân mình để ngẩng cao đầu dõi theo một cánh chim chiều bay về tổ, một chòm mây lững lờ trên bầu trời.

Đó cũng là người chiến sĩ có tấm lòng nhân đạo, bao la, yêu thương, quan tâm chia sẻ với con người lao động, một tâm hồn luôn hướng về sự sống và ánh sáng :

Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng

Dù vẫn phải tiếp tục chuyển lao trong cảnh trời tối, giá lạnh nơi miền sơn cước nhưng người chiến sĩ ấy đã quên đi nỗi nhọc nhằn của riêng mình, hướng về cuộc sống của người dân lao động với cô gái trẻ nơi xóm núi đang xay ngô và lò than rực hồng đã đỏ để cảm thông, chia sẻ, ấm áp, vui lây niềm vui lao động của con người.

Vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng hiện qua bức tranh cảnh vật thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt lao động của con người. Đó là con người ung dung, hoà hợp với thiên nhiên nhưng vẫn luôn trong tư thế làm chủ hoàn cảnh, hướng về con người, sự sống và ánh sáng, chất thi sĩ và chất chiến sĩ hoà quyện làm một. Đó là người chiến sĩ cách mạng có tâm hồn rộng mở, phóng khoáng, đón nhận vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên núi rừng. Bức tranh thiên nhiên cảnh chiều mở ra ở cả chiều cao, chiều rộng của không gian và được vẽ bằng những nét phác họa đơn sơ, với những hình ảnh đậm đà sắc màu cổ điển như cánh chim và chòm mây, có chút buồn vắng, quạnh hiu những vẫn thanh thoát, ấm áp hơi thể sự sống. Bức tranh thiên nhiên đã nói lên nhân vật trữ tình là con người tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết vượt lên trên cảnh ngộ tù đày. Đó cũng là người chiến sĩ có tấm lòng nhân đạo, bao la, yêu thương, quan tâm chia sẻ với con người lao động, một tâm hồn luôn hướng về sự sống và ánh sáng. Dù vẫn phải tiếp tục chuyển lao trong cảnh trời tối, con người đã quên đi nỗi nhọc nhằn của riêng mình, hướng về cô gái nhỏ lao động nơi xóm núi xay ngô và lò than rực hồng đã đỏ để cảm thông, chia sẻ, ấm áp, vui lây niềm vui lao động của con người.

Bút pháp khắc hoạ chân dung người chiến sĩ cách mạng: là bút pháp gợi tả, những hình ảnh đậm đà màu sắc cổ điển mà vẫn thấm đẫm tinh thần hiện đại. Vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng hiện qua bức tranh cảnh vật thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt lao động của con người. Đó là con người ung dung, hoà hợp với thiên nhiên nhưng vẫn luôn trong tư thế làm chủ hoàn cảnh, hướng về con người, sự sống và ánh sáng, chất thi sĩ và chất chiến sĩ hoà quyện làm một.

Bài thơ Từ ấy ra đời đánh dấu một một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Tố Hữu. Ngày nhà thơ được kết nạp vào Đảng cộng sản, đứng vào hàng ngũ những người cách mạng chiến đấu vì một lí tưởng chung, ông đã viết bài thơ này. Đặt trong hoàn cảnh sáng tác ấy, bài thơ đã cho thấy tình yêu, niềm say mê với lí tưởng cách mạng và lẽ sống cao đẹp làm nên vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ.

Vào cuối những năm ba mươi của thế kỉ XX cũng như nhiều thanh niên khác, Tố Hữu đã từng:

“Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời”

(Nhớ đồng)

Trong khi đang bế tắc về đường lối, nhà thơ may mắn hơn nhiều người khác khi sớm bắt gặp lí tưởng Cách mạng và trở thành con người của Đảng. Niềm vui sướng, sự say mê mãnh liệt trong thời khắc quan trọng quyết định bước ngoặt của cuộc đời và sự nghiệp được Tố Hữu diễn tả chân thành trong khổ thơ đầu của bài thơ:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Lí tưởng chính là ánh nắng hạ rực lửa, là mặt trời chói sáng, soi rọi giúp cho nhà thơ nhận ra con đường đi đến với chân lí, lẽ phải, công bằng, niềm tin, hi vọng. Lí tưởng còn hồi sinh, chỉ đường, đem đến cảm xúc mới, sức sống mới cho nghệ thuật, thơ ca của người chiến sĩ.

Không chỉ có tình yêu, niềm say mê mãnh liệt với lí tưởng Cộng sản, người Người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy còn là người người chiến sĩ có lẽ sống nhân đạo cao đẹp. Con người ấy từ khi được giác ngộ lí tưởng, ý thức rằng cuộc sống và nghệ thuật thơ ca của mình không thuộc về cá nhân mình nữa mà thuộc về quần chúng cần lao và cuộc đấu tranh chung của dân tộc:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Người chiến sĩ đã tự nguyện đem cái “tôi” nhỏ bé của mình gắn kết với cuộc đời để tạo nên sức mạnh đoàn kết, tranh đấu. Người chiến sĩ cũng ý thức rằng mình sẽ là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình cách mạng của những người lao khổ, bị áp bức, chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp.Nhà thơ tự nhận mình là “con”, “em”, “anh” trong đại gia đình ấy.

Hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy được khắc họa qua cách miêu tả trực tiếp bằng những cảm nhận của nhân vật trữ tình khi bắt gặp ánh sáng của lí tưởng, hoặc những lời ước nguyện, lời thề quyết tâm chiến đấu vì lí tưởng chung.

Đó là con người có tình yêu, niềm say mê mãnh liệt với lí tưởng cộng sản. Lí tưởng chính là ánh nắng hạ rực lửa, là mặt trời chói sáng, soi rọi giúp cho nhà thơ nhận ra con đường đi đến với chân lí, lẽ phải, công bằng, niềm tin, hi vọng. Lí tưởng còn hồi sinh, chỉ đường, đem đến cảm xúc mới, sức sống mới cho nghệ thuật thơ ca của người chiến sĩ.

Đó là người chiến sĩ có lẽ sống nhân đạo cao đẹp. Con người ấy từ khi được giác ngộ lí tưởng, ý thức rằng cuộc sống và nghệ thuật thơ ca của mình không thuộc về cá nhân mình nữa mà thuộc về quần chúng cần lao và cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Con người đã tự nguyện đem cái “tôi” nhỏ bé của mình gắn kết với cuộc đời để tạo nên sức mạnh đoàn kết, tranh đấu. Người chiến sĩ cũng ý thức rằng mình sẽ là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình cách mạng của những người lao khổ, bị áp bức, chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp.

Bút pháp khắc hoạ: được khắc họa qua cách miêu tả trực tiếp bằng những cảm nhận của nhân vật trữ tình khi bắt gặp ánh sáng của lí tưởng hoặc những lời ước nguyện, lời thề quyết tâm chiến đấu vì lí tưởng chung. Bài thơ làm hiện lên chân dung của một cái “tôi” chiến sĩ không cách biệt, trốn tránh cuộc đời như cái “tôi” thơ mới mà trẻ trung, hăm hở, nhiệt huyết, tràn đầy tình yêu, niềm say mê với lí tưởng cộng sản, sống có trách nhiệm với cuộc đời, với nhân dân đau khổ bị áp bức, với cuộc đấu chung của dân tộc.

Bài thơ làm hiện lên chân dung của một cái “tôi” chiến sĩ không cách biệt, trốn tránh cuộc đời như cái “tôi” thơ mới. Cái “tôi” trong bài thơ Từ ấy trẻ trung, hăm hở, nhiệt huyết, tràn đầy tình yêu, niềm say mê với lí tưởng cộng sản, sống có trách nhiệm với cuộc đời, với nhân dân đau khổ bị áp bức, với cuộc đấu chung của dân tộc.

Hình tượng người chiến sĩ trong bài Từ ấy và bài Chiều tối đều là những người chiễn sĩ nhưng có tâm hồn thi sĩ. Cả hai đều là người chiến sĩ trong thời đại mới kiên cường chiến đấu vì lí tưởng, có tâm hồn tinh tế nhạy cảm trước những biến thái tinh vi của cuộc sống, có trái tim giàu tình yêu thương, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu nhân dân…

Do được trang bị thế giới quan, nhân sinh quan Cộng sản nên người chiến sĩ trong hai bài thơ còn là những người có cái nhìn biện chứng, lạc quan trước sự vận động của cuộc sống và cách mạng.

Ở bài thơ Chiều tối là vẻ đẹp của người chiến sĩ yêu thiên nhiên, gắn bó với cuộc sống, một hồn thơ luôn hướng về sự sống và ánh sáng ở những thời điểm thử thách gay go nhất trên hành trình cách mạng. Vẻ đẹp tâm hồn con người được thể hiện qua bút pháp gợi tả với những hình ảnh đậm màu sắc cổ điển. Người chiến sĩ trong bài thơ Chiều tối là người đang trong cảnh ngộ bị giam cầm. Đó là một bậc lão thành cách mạng, từng trải trên con đường đấu tranh có cảm xúc thâm trầm, sâu sắc.

Còn ở Từ ấy, đó là người chiến sĩ có tình yêu mãnh liệt với ý tưởng, có lẽ sống cao đẹp, sẵn sàng hi sinh, dâng hiến vì cuộc đấu tranh của dân tộc, giống nòi. Nhân vật trữ tình được khắc hoạ trực tiếp bằng những hình thơ sôi nổi, trẻ trung, tươi mới. Bài thơ Từ ấy là tiếng lòng của người chiến sĩ trẻ tuổi, tinh thần phơi phới lạc quan, đầy nhiệt huyết.

Đối với đương thời, hình tượng người chiến sĩ trong bài Từ ấy và Chiều tối thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, tư thế hiên ngang bất khuất và niềm tin không gì lay chuyển nổi vào tương lai tất thắng của Cách mạng. Do vậy hai bài thơ không chỉ là tiếng lòng của hai nhà thơ – chiến sĩ mà còn là sự cổ vũ tinh thần to lớn cho các thế hệ người Việt Nam đang đấu tranh để giành độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân.

Cho đến hiện nay, mặc dù hai bài thơ ra đời cách đây đã gần 80 năm nhưng khi đọc lại bài thơ, những hình ảnh thơ tươi sáng, giọng thơ đầy nhiệt huyết và nhất là hình ảnh người chiến sĩ cách mạng kiên cường,giàu tình yêu thương sẽ mãi là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn cho các thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay và mai sau.

Bằng những lời thơ chân thành, tinh tế cả bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh và Từ ấy của Tố Hữu đã dựng lên bức chân dung đẹp đẽ về tinh thần, nhân cách của những người chiến sĩ. Mỗi người mang trong mình những vẻ đẹp riêng, làm phong phú thêm bức tranh tâm hồn của người chiến sĩ. Nhưng đồng thời ở họ còn ánh lên vẻ đẹp chung đó là lòng yêu nước nồng nàn.

Hình tượng người chiến sĩ trong Từ ấy và Chiều tối - Mẫu 4

Nền độc lập dân tộc bị xâm lăng, đất nước bị thù trong giặc ngoài giày xéo, người dân lầm than cơ cực, chính người chiến sĩ cộng sản cùng với nhân dân làm nên sức mạnh dân tộc đánh tan quân thù. Người chiến sĩ không chỉ có mặt trên chiến trường bom đạn mà trong mặt trận văn học họ cũng được các nhà văn nhà thơ khắc họa. Tiêu biểu cho hình tượng người chiến sĩ Việt Nam với tình yêu Tổ quốc, lòng yêu thương con người và niềm tin vào lí tưởng cách mạng được thể hiện trong hai bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh và “Từ ấy” của Tố Hữu cho ta hiểu thêm về phẩm chất người chiến sĩ cộng sản ở thời kì trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đông Dương. Từ bấy lâu người đã thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin và đưa chúng áp dụng vào hoàn cảnh thực tế cách mạng Việt Nam. Bài thơ “Chiều tối” là bài số 31 trong tập thơ “Nhật kí trong tù” được Bác sáng tác khi đi sang Trung Quốc tranh thủ sự viện trợ Quốc tế thì bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ trong suốt mười ba tháng. Bài thơ “Chiều tối” sáng tác khi Bác bị thiên chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo, cảm hứng chiều tà cùng với tâm hồn thi sĩ đã làm nên một bức tranh thiên nhiên và con người tuyệt đẹp.

Tố Hữu cũng là người chiến sĩ cách mạng thuộc thế hệ sau Hồ Chí Minh nhưng giữa hai con người ấy có cùng chung một lí tưởng cộng sản, chính Bác và Đảng là ánh sáng soi đường cho tầng lớp trí thức trẻ như Tố Hữu đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” gặp được ánh sáng của Đảng. Bài thơ “Từ ấy” là mốc son đánh dấu sự kiện quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu vào năm 19378 khi ông chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tác phẩm thể hiện niềm sung sướng, hạnh phúc, niềm tin của người chiến sĩ vào Đảng và sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm trong Tố Hữu.

Hình tượng người chiến sĩ có ở trong hai bài thơ với những nét tương đồng và khác biệt chúng ta cùng phân tích, tìm hiểu để làm sáng tỏ vẻ đẹp của những con người làm nên hình hài đất nước. Trước tiên người chiến sĩ trong bài “Chiều tối” của Hồ Chí Minh là một con người có tình yêu thiên nhiên, nhạy cảm với sự biến đổi của ngoại cảnh. Dù là cả một ngày đường di chuyển mệt mỏi nhưng Bác vẫn có thể lắng mình cảm nhận sự chuyển biến khi chiều về đó là hình ảnh cánh chim bay mỏi, là đám mây cô độc trên bầu trời: “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ/ Cô vân mạn mạn độ thiên không” (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không). Cánh chim ở đây không chỉ được đặc tả ở bên ngoài mà còn được thi nhân cảm nhận từ bên trong là “chim mỏi” sau một ngày bị lạc đàn và kiếm ăn vất vả giờ đây đang bay tìm chốn ngủ. Cánh chim có sự đồng điệu và đối lập với thi nhân. Người tù ấy sau một ngày lê bước trên đường giờ đây cũng đã thấm mệt cũng muốn được nghỉ ngơi. Đối lập vì chim có sự tự do bay lượn trên bầu trời còn nhà thơ thì đang là một người tù bị giam cầm xiềng xích. Qua đó thể hiện ước muốn được trả lại tự do cho bản thân của Bác. Hình ảnh đám mây cô đơn trên bầu trời trong bản dịch chưa được thể hiện tuyệt đối nhưng phần nào đã toát lên tâm trạng của thi nhân gửi gắm trong đó. Nhà thơ sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình trong thơ ca trung đại. Nói về cảnh vật bên ngoài nhưng thực chất là thể hiện tâm trạng bên trong con người ẩn sau lớp ngôn từ cần được giải mã. Tả chòm mây cô đơn, trôi chầm chậm trên bầu trời cũng là để gợi thân phận, hoàn cảnh của bản thân đang cô độc, băn khoăn không biết đi đâu về đâu. Như vậy chỉ với hai nét chấm phá đặc trưng nhưng đã gợi lên được cảnh hoàng hôn đã về. Người chiến sĩ ấy là một con người yêu đất nước sâu nặng bởi khi chiều tà là lúc tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương của người khách lữ thứ trở nên da diết, khắc khoải. Khép lại hai câu thơ đầu tả cảnh thiên nhiên lúc hoàng hôn, dù chân dung người tù không được hiện lên nhưng ta có thể cảm nhận người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh có một tinh thần kiên cường bất khuất. Người ở trong hoàn cảnh gông cùm, xiềng xích nhưng vẫn ung dung, tự do tự tại về tâm hồn để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, sáng tác thơ ca.

Người chiến sĩ ấy luôn có sự đồng cảm với những người nghèo khổ, có trái tim nhân ái yêu thương con người. Điều đó được thể hiện trong bức tranh cuộc sống ở miền sơn cước: “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc/ Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”. (Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng). Con người ở đây đang phải lao động vất vả cực nhọc, đó là hình ảnh bé gái đang xay ngô từ chiều cho đến đêm tối. Thời gian cứ thế trôi đi con người cứ miệt mài làm hết việc này lại nối tiếp công việc khác, xay ngô xong thì lò than đã rực hồng. Chính con người lao động ấy đã làm rực sáng lên trong không gian tĩnh lặng, u tối. Đặc biệt là chữ “hồng” ở cuối bài thơ được nhiều ý kiến cho rằng đó là nhãn tự, là con mắt thơ trong toàn bài, nó tỏa lên ánh sáng của hiện thực, ánh sáng của tương lai. Qua đó cho thấy sự đồng cảm, thương xót của Bác dành cho những con người cơ cực, vất vả. Tình cảm ấy Bác không chỉ dành cho người nông dân Việt Nam mà nó bao la, rộng lớn dành cho tất cả những người lao động trên thế giới. Hoài Thanh đã nhận xét: “Một hình ảnh tuyệt đẹp về cuộc đời thiếu thốn, vất vả mà vẫn ấm cúng, đáng quý, đáng yêu. Những hình ảnh như thế không thiếu gì chung quanh ta nhưng thường nó vẫn trôi qua đi. Không có một tấm lòng yêu đời sâu sắc không thể nào ghi lại được”. Tấm lòng yêu đời thương người của Bác mênh mông đúng như Tố Hữu đã từng nói: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người” nó đối lập hoàn toàn với câu nói của Nam Cao “Khi người ta đau chân, người ta không còn tâm trí đâu để nghĩ đến người khác” làm nên giá trị nhân văn cao đẹp trong phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh. Người chiến sĩ ấy luôn có một niềm tin vào cách mạng, luôn hướng về một tương lai tươi sáng ở ngày mai được thể hiện qua sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ nỗi buồn đến niềm vui, từ hiện đại đến tương lai. Đó là một tư tưởng cao đẹp của Bác được thể hiện trong thơ ca.

Còn hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ “Từ ấy” thì như thế nào? Đó là niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp ánh sáng của Đảng được Tố Hữu ví tâm hồn mình như “Vườn hoa lá”, “Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Tố Hữu đã dùng hình ảnh “Mặt trời chân lí” để ẩn dụ cho ánh sáng bất diệt mà Đảng đem tới, với các động từ mạnh “bừng” “chói” chỉ sự bất ngờ và xuyên thấu vào trong tư tưởng, trái tim người lính. Lí tưởng cộng sản như ánh sáng chói lòa, bất ngờ đến xóa tan đi màn đêm tăm tối trong tư tưởng của những tháng ngày vô nghĩa “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”. Trong một bài thơ ông có viết: “Từ vô vọng mênh mông đêm tối/Người đã đến chói chang nắng dọi/ Trong lòng tôi. Ôi Đảng thân yêu/ Sống lại rồi”. Hạnh phúc biết bao nhiêu” để cất lên tiếng hát ca ngợi Đảng và Bác Hồ. Trong Tố Hữu chủ nghĩa Mác- Lênin và Đảng luôn là nguồn sống lí tưởng.

Từ những niềm vui, sung sướng tràn ngập ấy trong tư tưởng nhà thơ có sự chuyển biến về nhận thức và tình cảm. Nhận thức ấy khác với nhân vật Hạ Du trong tác phẩm “Thuốc” của Lỗ Tấn khi đã xa rời nhân dân để rồi nhận lại bi kịch, còn Tố Hữu đã xác định hòa cái tôi cá nhân của mình vào cái ta chung của cộng đồng, xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân được thể hiện trong khổ thơ thứ hai: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người/…Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Từ “buộc” cho thấy ý thức tự nguyện, tinh thần gắn bó “cái tôi” cá nhân với “cái ta” chung cộng đồng, để cho tâm hồn nhà thơ trải rộng ra với cuộc đời, với nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng là ý thức trách nhiệm gánh vác việc đời. Tố Hữu luôn luôn gần gũi, đồng cảm và sẻ chia khổ đau, bất hạnh với những “hồn khổ” của dân tộc là những cảnh đời cơ cực. “Khối đời” là hình ảnh ẩn dụ chỉ những người có chung hoàn cảnh, chung lí tưởng cách mạng cũng là để chỉ tinh thần đoàn kết của đồng bào Việt Nam làm nên sức mạnh dân tộc. Tình cảm của ông giờ đây không còn là sự vị kỉ cá nhân của tần lớp trí thức mà thay vào đó là tình hữu ái giai cấp dành cho những người đồng khổ như anh chị em ruột thịt trong gia đình. Nhà thơ đã xác định mình là thành viên của “vạn nhà”, “Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ”. Tình cảm ấy thật chân thành và đáng quý biết bao.

Như vậy qua phân tích hai tác phẩm ta thấy hình tượng người chiến sĩ hiện lên những nét tương đồng. Họ cùng là những con người có trái tim chân ái giàu lòng yêu thương, luôn tin vào lí tưởng cách mạng, tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc và đều mượn vẻ đẹp của thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng cá nhân. Tuy nhiên cũng có những nét khác biệt bởi tính sáng tạo cá nhân trong sáng tác. Nếu Hồ Chí Minh là vị lão thành cách mạng với hồn thơ thâm trầm sâu sắc mang đậm chất cổ điển và hiện đại đan xen thì Tố Hữu là người trí thức trẻ vừa được giác ngộ bởi lí tưởng cách mạng mang với tính hiện đại, trong thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc đậm chất trữ tình cách mạng.

Qua hai bài thơ hình tượng người chiến sĩ cách mạng hiện lên thật đáng kính đáng phục bởi tinh thần yêu nước thương dân, niềm tin bất diệt vào ánh sáng của Đảng. Qua đó cho em hiểu thêm về phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sĩ đáng để học tập và noi theo. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay có một bộ phận nhỏ chiến sĩ quân đội, công an nhân dân_những “Con sâu làm rầu nồi canh” đã, đang làm xấu đi hình ảnh ấy. Hy vọng Đảng và nhà nước luôn trong sạch, vững mạnh để dìu dắt nhân dân xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Như vậy hình tượng người chiến sĩ trong tác phẩm “Chiều tối” của Hồ Chí Minh và “Từ ấy” của Tố Hữu đã làm sống dây tinh thần cách mạng, vẻ đẹp của những con người đã góp phần làm nên hình hài đất nước. Hình tượng ấy sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.

Hình tượng người chiến sĩ trong Từ ấy và Chiều tối - Mẫu 5

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kiệt xuất, tài ba bậc nhất của dân tộc, song hành với sự nghiệp chính trị, quân sự thì về mảng thơ ca sáng tác Người cũng để lại cả một gia tài các tác phẩm đồ sộ về nhiều thể loại, trong đó Nhật ký trong tù là một trong những sáng tác thơ tiêu biểu thể hiện được nhiều khía cạnh trong tâm hồn người chiến sĩ lúc cảnh ngặt nghèo, tiêu biểu nhất chính là bài thơ Chiều tối (Mộ). Một tác giả nữa cũng có sự nghiệp cách mạng gắn liền với sự nghiệp sáng tác ấy chính là Tố Hữu – nhà thơ trữ tình chính trị tài hoa bậc nhất, với các sáng tác thơ gắn liền với từng bước đi quan trọng của cách mạng, phục vụ cách mạng. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ chính là Từ ấy, đánh dấu khởi đầu của người chiến sĩ trẻ trong sự nghiệp cầm súng, cầm bút chiến đấu với lý tưởng. Được viết trong hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là với tuổi đời và sự từng trải của hai nhà thơ có nhiều cách biệt, thế nên dù viết về chủ đề người chiến sĩ cách mạng nhưng mỗi bài thơ vẻ đẹp của người chiến sĩ lại mang một phong thái riêng biệt, tiêu biểu cho từng tác giả.

Với Chiều tối, đây là một sáng tác được ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi Bác bị bắt tại biên giới Trung Quốc rồi bị chuyển qua hơn 30 nhà tù Tưởng Giới Thạch. Sự đày đọa của gông xiềng, mệt nhọc đường dài, nỗi cô đơn nơi đất khách quê người, thế nhưng không tài nào giết chết được tâm hồn lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, trung thành với cách mạng và hướng về sự sống, hơi ấm tình người của nhân vật. Giữa cảnh núi non hiểm trở, vào một buổi chiều tối quạnh hiu Người vẫn nhìn ra được nhưng vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên, con người bằng một đôi mắt nhiều xúc cảm.

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Dịch thơ:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

Với những chất liệu quen thuộc trong thi ca cổ điển như cánh chim chiều hay chòm mây bay lơ lửng trên nền trời, Người đã nhẹ nhàng gợi ra một khung cảnh chiều tối hiu quạnh và vắng vẻ, dễ khiến người ta buồn lòng, đặc biệt là đưng lúc rơi vào cảnh khốn khổ. Thế nhưng Hồ Chí Minh không phải là một nhà thơ cổ điển, Người chỉ mượn cái chất cổ điển ấy và hiện đại nó lên để làm cho thơ ca của mình có nhiều điểm nhấn. Bởi lẽ tâm hồn người tù chính trị lúc này đây không chỉ đơn thuần là thấy cánh chim mà còn cảm nhận được sự vận động, trạng thái của nó. Đó là một cánh chim đang tìm về rừng trú ngụ, tìm về mái nhà, tổ ấm thân thương của nó sau một ngày dài lao động vất vả, mệt nhọc và nhà thơ cũng tìm thấy một sự tương quan sâu sắc giữa mình và cánh chim ấy. Bác cũng đương trong cảnh mệt mỏi, rệu rã sau một ngày đường trường vất vả. Chính vì vậy với tâm hồn nhân hậu và thấu hiểu, Người đã không nhìn cánh chim bằng đôi mắt của cổ nhân rằng cánh chim ấy lẻ loi cô độc, mất phương hướng, mà trái lại Người đã khéo léo cho nó được tìm về với tổ ấm, về với gia đình. Cũng từ từ đây ta lại nhìn nhận rõ được nỗi lòng của tác giả, sự buồn tủi của một người con xa xứ, luôn mong nhớ có một ngày được trở về mảnh đất quê hương, nhưng hiện tại điều ấy còn nhiều gian nan, thế nên Người đành tạm gửi niềm hy vọng vào cánh chim, để tin rằng từ quá khứ đến hiện tại cánh chim cuối cùng cũng có được một chốn đi về, thì bản thân người chiến sĩ cách mạng cũng sẽ có được ngày ấy. Với hình ảnh chòm mây, xét về tính cổ điển thì cũng tương tự như cánh chim trời, cổ nhân thường dùng mây để diễn tả ước mơ được phiêu diêu tự tại, sống cuộc đời thoát ly trần thế, cùng với những xúc cảm bâng khuâng của con người trước thiên nhiên, vũ trụ vô tận. Tuy nhiên vào thơ Hồ Chí Minh, chòm mây trở nên hiện đại và duy vật hơn, Người đưa nó về thực tế để diễn tả tinh thần lạc quan, yêu đời yêu thiên nhiên của mình. Trong cảnh tù đày gông xiềng quấn thân, nhưng nhà thơ vẫn cảm nhận được sự ung dung, tự tại của chòm mây trên nền trời lúc sẩm tối, mở ra một khung cảnh trong trẻo khoáng đạt giữa núi rừng bao la. Có thể nói rằng hiếm có được con người nào mà trước cảnh ngộ khốn khổ, rệu rã như Bác nhưng vẫn có tâm trạng thi vị, tự tìm cho mình thú vui quan sát mây trời thiên nhiên, từ một cánh chim vụt qua đến cả một chòm mây lững lờ trên nền trời, rồi gán cho nó những xúc cảm tích cực như vậy. Tuy nhiên trong cách nhìn và tả mây trời, Người vẫn bộc lộ những nỗi buồn tủi, sự cô đơn lạc lõng trên đất khách quê người, nỗi niềm mong mỏi được đoàn tụ với quê hương Tổ quốc lại càng thêm sâu sắc. Tuy nhiên đó không phải là những cảm xúc bất lực, khổ đau mà trái lại nó là những tình cảm mà bất kỳ con người nào cũng có, với Bác nó trở thành động lực để cho Người phấn đấu thoát khỏi cảnh gông xiềng khốn khổ, quay về phục vụ cho Tổ quốc, nhân dân.

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

Dịch thơ:

“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng”

Trong hai câu thơ tiếp, từ bức tranh thiên nhiên rộng lớn, tầm mắt Người đã tìm thấy một bức tranh lao động đầy sức sống của con người giữa rừng già, điều ấy làm cho tổng thể bài thơ trở nên sáng và ấm áp tình người hơn cả. Đồng thời qua đó vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng lại càng được bộc lộ rõ hơn ở nhiều khía cạnh khác. Với hình ảnh xay ngô tối, một công việc rất đỗi đời thường, nhưng vào trong thơ của Hồ Chí Minh ta nhận thấy được những vẻ đẹp mang tính nghệ thuật, từ công việc lao động vất vả, nặng nhọc, người ta nhận ra sự sung sức, đức tính chăm chỉ cần cù, miệt mài của tuổi trẻ trong lao động. Đặc biệt là hình ảnh “cô em xóm núi” xay ngô là một hình ảnh hiện đại và hay, người phụ nữ dần dà đã trở nên mạnh mẽ, tham gia vào những công việc mà trước đây vốn dĩ dành cho nam giới, bộc lộ sự bình đẳng của con người trong xã hội, sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, khả năng độc lập trong công cuộc mưu sinh. Bên cạnh đó hình ảnh cô gái xay ngô còn thể hiện được quan niệm thẩm mỹ mới mẻ, hiện đại trong thơ ca Hồ Chí Minh, khi hình ảnh con người trong lao động đã hoàn toàn vụt sáng và nổi bật hẳn lên giữa núi rừng bao la, biến một khung cảnh vốn lạnh lẽo quạnh hiu, trở nên có sức sống và tràn ngập hơi ấm tình người. Con người lao động trở thành trung tâm, là điểm nhấn đặc sắc, khác hẳn với hình ảnh con người trong thơ ca cổ điển luôn mờ nhạt, ảm đạm bị thiên nhiên áp đảo, che lấp. Sự biến đổi và sáng tạo mới trong thơ của Hồ Chủ tịch đã bộc lộ tấm lòng yêu thương, gắn bó với cuộc sống lao động của nhân dân, bộc lộ sự tinh tế trong cảm nhận những vẻ đẹp của con người bình thường của Bác. Khung cảnh lao động bình thường, gian khó đã làm Người tạm quên đi những vất vả mệt nhọc để chung vui với sự tự do tự tại, dồn mối quan tâm vào những vẻ đẹp tiềm ẩn của con người trong công cuộc lao động mưu sinh đầy vất vả của nhân dân. Ở câu thơ cuối “Ma túc bao hoàn lô dĩ hồng”, từ “hồng” được xem là nhãn tự của bài thơ, vừa đánh dấu sự chuyển mình của thiên nhiên từ chiều tối sang tối hẳn, vừa trở thành điểm sáng xua tan đi cái khung cảnh lạnh lẽo, ảm đạm của núi rừng trong cả bài thơ, mang đến sự ấm áp cho toàn bộ cảnh vật đồng thời cũng sưởi ấm tấm lòng của nhà thơ. Có thể nói rằng trong khi tác giả đương cảm thấy trống trải, cô đơn nơi đất khách quê người thì chính hình ảnh lò than rực hồng cùng với con người say mê lao động đã kịp thời sưởi ấm tâm hồn của tác giả bằng hơi ấm của tình người, cho tác giả cảm giác của sự sum họp, đoàn viên quý giá. Điều đó đã bộc lộ những vận động rất tích cực trong tâm hồn người tù cách mạng, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai chưa từng bị những cái gông xiềng, cảnh tù đày làm mai một, mà tùy thời nó lại càng trở nên sáng rõ. Bác luôn hướng lòng mình về với sự sống con người trong lao động, hướng về hơi ấm tình người, tìm kiếm nó giữa núi rừng bao la bằng một tinh thần lạc quan và yêu đời, dung hòa với thiên nhiên, không bao giờ coi cảnh rừng rú thành chỗ ghê người sợ hãi mà trái lại nhân cảnh ấy Người lại tìm và khai thác được những nét đẹp tinh tế, mới mẻ.

Với Từ ấy của Tố Hữu, hình tượng người chiến sĩ cách mạng lại được xây dựng bằng sự khởi đầu của một lý tưởng của một tuổi trẻ sẵn sàng cống hiến. Bài thơ là một trong những sáng tác đầu tay nổi tiếng nhất của tác giả, bộc lộ những xúc cảm đặc biệt khi ông giác ngộ lý tưởng cách mạng và được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tuổi tròn 18. Với lối thơ hồn nhiên, sinh động, cùng nhiều hình ảnh so sánh ẩn dụ sâu sắc Tố Hữu đã bộc lộ được hầu hết những vẻ đẹp tâm hồn mình, tấm lòng tha thiết sâu nặng với nhân dân với đất nước của một người trai trẻ.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Đối với Tố Hữu việt được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng được phục vụ với tư cách là một người chiến sĩ cách mạng là dấu mốc son quan trọng nhất cuộc đời, đánh dấu một chặng đường tiếp theo cống hiến vì lý tưởng vĩ đại. “Nắng hạ” của “mặt trời chân lý” chính là hình ảnh ẩn dụ cho Đảng và cách mạng, đã kịp thời kéo người trai trẻ ra khỏi mảnh hoang mạc, sự tối tăm của tư tưởng trí thức tiểu tư sản cũ, giác ngộ và nhanh chóng đưa ra một con đường sáng, khiến nhà thơ vững bước vào tương lai, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc. Trong đó ánh sáng của cách mạng của Đảng được tác giả hết lòng trân trọng, tôn kính đưa lên tầm vóc vũ trụ, khẳng định sự trường tồn vĩnh viễn soi sáng cho những trái tim cách mạng là động lực để giúp người chiến sĩ, tiến bước về phía trước. Và ngay lúc được giác ngộ ấy, Tố Hữu – người chiến sĩ cách mạng mới đã có những cảm xúc sung sướng tột cùng, tâm hồn người trở nên rực rỡ đa sắc tựa “một vườn hoa lá” đang sung sức, tràn trề nhựa sống của mùa xuân của tuổi trẻ, lại “rất đậm hương và rộn tiếng chim” thể hiện niềm hân hoan, rộn ràng, có những xáo động mạnh mẽ trong huyết quản của nhà thơ. Cả tâm hồn và cuộc sống của nhà thơ bỗng trở nên tràn trề hy vọng, sức sống tiềm tàng quật khởi, hướng về một tương lai rực sáng dưới sự soi đường của ánh sáng Đảng, của cách mạng.

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”

Và khi đã đứng dưới hàng ngũ của Đảng thì người chiến sĩ cách mạng lại càng ý thức được rõ vai trò của mình, Tố Hữu đã lập tức mở rộng hồn mình hòa vào gắn bó với nhân dân, với đời sống lao động vất vả, thấu hiểu những khốn khổ của dân tộc dưới sự tàn phá của thực dân. Nhà thơ đã ý thức được một chân lý của thời đại rằng muốn chiến thắng được giặc thù lớn mạnh chỉ có một cách duy nhất ấy chính là tập hợp sức mạnh đoàn kết của dân tộc “nhân dân bốn cõi một nhà” cùng chung tay góp sức mới có thể thành công. Thế nên Tố Hữu đã sẵn lòng, mở hồn mình ra sống bằng tấm lòng bao dung, trân trọng, tự xem mình là một thành viên của một gia đình lớn mang tính cộng đồng trở thành “con của vạn nhà”, là “anh”, là “em” của những kiếp đời khác nhau. Ông hòa mình vào đời sống của nhân dân để thấu hiểu sự khổ cực “không áo cơm, cù bất cù bơ…”, đi sâu và cuộc sống nhân dân để gắn kết và yêu thương làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thắp sáng lý tưởng Đảng.

Điểm chung trong sáng tác của Hồ Chí Minh và Tố Hữu trong việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ cách mạng chủ yếu nằm ở hai điểm chính. Một là tấm lòng chan hòa với với thiên nhiên, mượn hình ảnh thiên nhiên để diễn tả tâm hồn mình, Hồ Chí Minh mượn thiên nhiên bộc lộ tinh thần lạc quan, yêu đời, cùng với những xúc cảm cô đơn, lạc lõng giấu kín trong cảnh gông xiềng. Thì Tố Hữu lấy thiên nhiên để ẩn dụ cho những vui sướng, tưng bừng trong lòng khi được vinh dự đứng dưới hàng ngũ của Đảng, được cống hiến cho cách mạng. Điểm tương đồng thứ hai ấy chính là tấm lòng hướng về nhân dân, gắn bó, chan hòa, thấu hiểu nhân dân để làm cách mạng, tuy cách diễn đạt của hai tác giả hoàn toàn khác nhau, thế nhưng ta vẫn dễ dàng nhận ra điểm chung ấy khi nhìn nhận vào cảm xúc chung của bài thơ, tất cả đều hướng đến mục đích cuối cùng ấy là tấm lòng khao khát được cống hiến cho cách mạng, giải phóng cho những con người lao động cùng khổ, bị áp bức, chịu thiệt thòi vì chiến tranh.

Chiều tối và Từ ấy là hai trong số những bài thơ hay xây dựng hình tượng người chiến sĩ cách mạng từ những tình cảm chan hòa tha thiết với thiên nhiên và tấm lòng sâu nặng, gắn bó với nhân dân. Thể hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tù đày hay tự do thì vẫn luôn vững lòng tin vào tương lai, một lòng muốn cống hiến sức mình cho Tổ quốc, cho nhân dân không hề nao núng, mệt mỏi dẫu đó là một chặng đường nhiều gian nan, vất vả.

Liên kết tải về

pdf Văn mẫu lớp 11: Phân tích hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy và Chiều tối
doc Văn mẫu lớp 11: Phân tích hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy và Chiều tối 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 11

Văn 11

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK