Văn mẫu lớp 11: Giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim mang đến bài văn mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng giới thiệu thuyết trình trước đám đông ngày một hay hơn.
Giới thiệu một kịch bản văn học hoặc một bộ phim siêu hay dưới đây giúp các bạn có thêm nhiều nguồn tư liệu tham khảo và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Ngoài ra các bạn xem thêm viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát) và nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Văn 11 Chân trời sáng tạo.
Giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim
Giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học
Nhắc tới nền văn học Phục hưng, người ta thường nhớ ngay tới tên tuổi của William Shakespeare, người được mệnh danh là linh hồn của thời đại. Dường như không một tác phẩm nào của ông không đề cập đến tình yêu, những tình yêu muôn hình vạn trạng như chính cuộc sống. Trong đó, Romeo và Juliet là vở bi kịch thành công nhất của Shakespeare. Qua vở kịch, tác giả đã làm nổi bật được sức mạnh của tình yêu, đồng thời, tác phẩm cũng đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật kịch.
Kịch bản văn học là một tác phẩm văn học, mang đầy đủ đặc điểm của nghệ thuật ngôn từ. Đặc trưng của kịch thường là các yếu tố: xung đột và cách giải quyết xung đột, hành động kịch, ngôn ngữ kịch,… Dựa theo nội dung, ý nghĩa có thể phân loại kịch thành ba loại: hài kịch, bi kịch, chính kịch. Romeo và Juliet là vở bi kịch tình huống, ở đó, nhân vật do hoàn cảnh éo le, ngang trái mà dẫn đến những nỗi đau và cái chết. Nói đến bi kịch là nói đến sự thắt nút và mở nút của xung đột kịch - mà kết thúc bao giờ cũng là sự tiêu vong của nhân vật chính.
Chủ đề của vở kịch là tình yêu, đó là bản tình ca bất tử ca ngợi sức mạnh của tình yêu đã chiến thắng oán thù và những thế lực đen tối trong xã hội. Nội dung vở kịch xoay quanh mối tình của đôi trai gái thành Veron. Tình yêu của Romeo và Juliet là một tình yêu trong sáng, thơ mộng và mãnh liệt, thủy chung. Tình yêu đó rất mực giản dị, đời thường nhưng cũng rất cao thượng, đối lập với những dục vọng thấp kém. Romeo đã bất chấp mối thù truyền kiếp, vượt bức tường thành lễ giáo phong kiến. Juliet cũng không để cho những hận thù vô nghĩa ngăn cản, đã mạnh mẽ, dám bộc lộ tình yêu của mình, thứ tình yêu mãnh liệt mà duyên dáng, táo bạo mà thơ ngây. Vượt lên mọi ràng buộc, mọi quy định của gia đình quý tộc, nàng dám nói lên một cách thành thực tình yêu say đắm của mình: “Chàng Montaghiu tuấn tú ơi, em yêu chàng say đắm,... ngờ em là kẻ trăng hoa”. Lời nói của Juliet cũng là lời tuyên ngôn của những người trẻ tuổi. Romeo và Juliet đã biết cách trân trọng từng khoảnh khắc ngắn ngủi mà quý giá khi gặp nhau và cũng sẵn sàng hi sinh để bảo vệ lời thề chung thủy. Đồng thời, Romeo và Juliet đã cho thấy cuộc đấu tranh quyết liệt cho hạnh phúc và tình yêu chống lại những thành kiến và uy quyền của lễ giáo phong kiến. Tác phẩm khép lại bằng cái chết của cả hai nhân vật, song lại mở ra chiến thắng của chủ nghĩa nhân văn, điều đó được minh chứng bởi cái bắt tay của hai dòng họ Montaghiu và Capiulet để đời đời ghi nhớ câu chuyện tình yêu bất tử ấy. Thắng lợi của vở kịch là thắng lợi của chủ nghĩa nhân văn đối với tính vô nhân đạo của nền phong kiến trung cổ. Cái chết đã cảm hóa lòng người, biến đổi được mối quan hệ giữa hai dòng họ, vậy nên nhà nghiên cứu Micanski vẫn gọi đây là “vở bi kịch lạc quan”.
Bút pháp lãng mạn và chất liệu hiện thực đã tạo ra một vẻ đẹp kì diệu trong tình cảm của Romeo và Juliet. Cuộc gặp gỡ của họ chan chứa sức mạnh của thơ trữ tình, xen lẫn những đoạn “bi” đầy khổ đau, lâm li. Shakespeare đã khiến vở kịch trở nên chân thực, giống với cuộc đời hơn cả khi kết hợp tính đa dạng và biến hóa của hành động kịch, xen lẫn cái bi với cái hài, cái cao cả với cái thấp hèn, giữa vui - buồn, hạnh phúc - đau khổ,... Ông cũng rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, những tính cách vô cùng sinh động và chân thực. Ngoài ngoại hình lý tưởng, tác giả cũng chú trọng mô tả nội tâm nhân vật sao cho phù hợp với chuỗi hành động. Ngôn ngữ kịch đặc sắc, vốn từ đồ sộ nhưng rất đỗi giản dị, thân thuộc - đó là những từ nhân dân hiểu, là ngôn ngữ của quần chúng nhưng không vì vậy mà tầm thường.
Bằng thiên tài nghệ thuật của mình, Shakespeare đã tỏa sáng và ghi dấu ấn sâu đậm, chiếm lĩnh ngôi chủ soái kịch trường. Chủ đề tình yêu với cách khai thác riêng biệt, nghệ thuật kịch đặc sắc đã làm nên chất trữ tình thi vị, chất men say ngây ngất có sức cuốn hút kì diệu của Romeo và Juliet. Khi đọc kiệt tác này, độc giả nhớ tới biết bao mối tình ngang trái không đi tới được cái kết viên mãn song đều đẹp đẽ, thiêng liêng:
“Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan,...”
Giới thiệu với các bạn cùng lớp một bộ phim
Những chiếc máy quay full HD, 4K hẳn là thứ mà nhiều người làm phim trong quá khứ cực kỳ thèm khát. Màu sắc sặc sỡ trên phim hẳn là điều mong mỏi của hàng triệu khán giả mê điện ảnh khi xưa. Và âm thanh, những cuộc hội thoại hẳn là một tiến bộ vĩ đại trong công cuộc đưa điện ảnh ngày càng phát triển, ngày càng gần gũi với cuộc sống thực. Thế nhưng, “The Artist” mặc dù được sản xuất năm 2011, lại đơn phương độc mã đi theo một con đường hoàn toàn khác, đưa dòng phim câm, trắng đen một lần nữa lên màn ảnh rộng và đưa tên mình vào danh sách những bộ phim giành giải Oscars ở 5 hạng mục đánh giá, trong đó có Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
“The Artist” là câu chuyện về George Valentin – một chàng diễn viên điển trai, giàu có và tài năng, đang đứng trên đỉnh cao danh vọng của thể loại phim câm. Thế rồi, bi kịch đời anh ập đến khi thời thế thay đổi, công nghệ mới lên ngôi, người ta đưa được âm thanh, tiếng động vào từng thước phim. Và anh với những thước phim im lặng của anh trở thành thừa thãi, bị lãng quên vào quá khứ. George từ đỉnh cao, nay đã xuống tận đáy của cuộc đời. Anh mất tất cả: nhà cửa, tài sản, quần áo và người vợ với cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã lâu. Anh chỉ còn lại những cuộn phim từng kiếm cho anh bộn tiền, chú chó Uggie và người tài xế trung thành. George cũng mất cả lòng kiêu hãnh của một người đàn ông khi cô vũ công anh từng phải lòng và giúp đỡ, nay lại trở thành một minh tinh của dòng phim nói. Cô đã vô tình xúc phạm anh và thể loại phim câm cũ kỹ mà anh đại diện. Phim là chuyện đời, chuyện nghề và chuyện tình của những người nghệ sỹ chân chính.
Phim Oscars hiếm có phim nào mang nhiều yếu tố giải trí, hài hước hay dễ xem. Thế nhưng đó hẳn chỉ là định kiến dập khuôn bởi “The Artist” hoàn toàn là một bộ phim như thế. “The Artist” không có những twist long twist bất ngờ để ta phải ồ à, há hốc mồm. Cũng không có những pha hành động máu lửa để câu khách. Các nhà làm phim cũng không hề biến nền công nghiệp điện ảnh thành cái gì bi kịch, giật gân. “The Artist” cũng không khó hiểu đến nỗi khán giả xem xong chả hiểu nổi. Vậy, bộ phim này có gì?
Phim đặc biệt ở chỗ nó loại bỏ tất cả các yếu tố gây phân tâm cho khán giả như màu sắc, tiếng động nhỏ nhặt hay thậm chí là những đoạn hội thoại không cần thiết để khán giả chỉ tập trung vào nội dung và diễn xuất. Là phim câm, “The Artist” có lối kể chuyện rất riêng. Người diễn viên khi nhập vai hẳn phải chịu rất nhiều thách thức khi không thể biểu hiện quá lố cảm xúc để người xem dễ chú ý, cũng không thể giấu quá kỹ biểu cảm để rồi người xem không nhận ra rằng nhân vật đang vui hay buồn, hơn nữa, người diễn viên cũng không thể dùng câu thoại để thể hiện mình. Thế nhưng, với màn trình diễn xuất sắc của Jean Dujardin và Bérénice Bejo, ta có thể khẳng định rằng im lặng không bao giờ là một chướng ngại vật quá lớn. Jean và Bérénice đều hóa thân trở thành những người nghệ sỹ chân chính, hoạt bát và cá tính nhưng cũng rất thường, rất đời. Cũng chính nhờ việc chỉ cần ngôn ngữ hình thể mà người ta không cần tuyển diễn viên ở cùng một quốc gia, không cần có chất giọng phù hợp với nhân vật họ nhập vai. Chính vì vậy mà mặc dù lấy bối cảnh ở Hollywood hào nhoáng nhưng hai diễn viên chính lại mang quốc tịch Pháp và Argentina.
Một yếu tố thành công khác của “The Artist” chính là nhạc phim tuyệt vời. Chính vì không thể biểu hiện quá lộ liễu cảm xúc, không thể nói lời thoại nên nhạc phim lại có một vị trí vô cùng quan trọng – quan trọng hơn nhiều so với vị trí của nó trong dòng phim hiện đại. Nhạc trong phim có tác dụng rất lớn trong việc dẫn dắt, điều khiển nhịp phim, đồng thời cũng bộc lộ tinh tế tính cách, cảm xúc nhân vật. Khi George thành công, ta nghe được hòa thanh vui nhộn, hối thúc của cả dàn nhạc. Ở những phân cảnh đầu tiên của Peppy Miller, ta lại cảm nhận được nét hóm hỉnh, mộng mơ nhưng cũng đầy nữ tính của giai điệu. Khi George và Peppy khiêu vũ, nhìn sâu vào đôi mắt nhau và nảy sinh tình cảm, ta lại thấy những giai điệu nhẹ nhàng, tế nhị của tình yêu. Và ta cũng ứa nước mắt khi George mất tất cả, trở về trong căn buồng chật hẹp, nghĩ về hào quang quá khứ và anh của hiện tại. Tiếng nhạc buồn bã, xót xa vang lên.
“The Artist” không hề giống những bộ phim đoạt giải “Phim xuất sắc nhất” của Viện Hàn Lâm trong những năm gần đây, có lẽ cũng bởi vị đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius đã làm những điều mà chẳng ai trong những cộng sự Hollywood của ông dám làm. Ông đã tìm về “quá khứ tươi đẹp”, tìm về những giá trị mà lâu nay bị lãng quên. Câu chuyện của George trong phim hẳn cũng giống chúng ta, luôn phải tập quen và thích nghi với những thứ mới mẻ để tồn tại và phát triển. Rõ ràng, phim không hề chê bai hay phản đối nền công nghiệp điện ảnh hiện đại với những thước phim màu sắc nét, rực rỡ cùng âm thanh, kỹ xảo đẹp mắt. “The Artist” là một cái quay đầu lại đằng sau để nhìn thấy nơi ta bắt đầu, tìm lại những vẻ đẹp thuần khiết, nguyên sơ của điện ảnh ta từng có, để từ đó tiếp tục kế thừa và phát triển cho tương lai.