Giải Lịch sử lớp 6 Bài 1: Lịch sử và cuộc sống giúp các em học sinh lớp 6 tham khảo, nắm chắc kiến thức, dễ dàng trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Lịch sử Địa lí 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống trang 9, 10.
Qua đó, các em sẽ hiểu được lịch sử là những gì đang diễn ra trong quá khứ, giải thích được vì sao cần học lịch sử. Đồng thời, cũng giúp thầy cô soạn giáo án Bài 1 Chương 1: Vì sao phải học Lịch sử. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Soạn Sử 6 Bài 1: Lịch sử và cuộc sống
Mở đầu
Quan sát hình 1, em hãy chỉ ra những điểm thay đổi theo thời gian của máy tính điện tử. Theo em sự thay đổi theo thời gian như vậy được hiểu là gì?
Trả lời:
Những điểm thay đổi theo thời gian của máy tính điện tử: Từ những chiếc máy cũ kĩ, nhiều chi tiết linh kiện đến những chiếc máy hiện đại.
Sự thay đổi theo thời gian được gọi là Lịch sử.
1. Lịch sử là gì?
Khái niệm lịch sử được hiểu như thế nào? Nêu ví dụ cụ thể.
Trả lời:
Lịch sử là tất cả những gì đã xảy ra và lịch sử còn được hiểu là một khoa học nghiên cứu và phục dựng lại quá khứ.
Ví dụ:
- Quá trình hình thành và phát triển của loài người (từ vượn thành người)
- Lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước Việt Nam
- Các triều đại nhà Triệu, Đinh, Lý, Trần
2. Vì sao phải học lịch sử?
Câu 1. Nêu ý nghĩa hai câu thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam"
Trả lời:
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
“Biết sử ta” không phải chỉ đơn thuần là ghi nhớ một số sự kiện, một vài chiến công nói lên tiến trình đi lên của dân tộc hay ghi nhớ công lao của một số người làm nên sự nghiệp to lớn đó, mà còn phải biết tìm hiểu “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức, của đạo lý làm người Việt Nam. Vì chính đó là gốc của mọi sự nghiệp lớn hay nhỏ của dân tộc, không phải chỉ ở thời xưa mà ở cả ngày nay và mai sau.
Câu 2. Theo em, việc biên soạn các tác phẩm như hình 2 có tác dụng gì?
Trả lời:
Việc biên soạn như hình 2 giúp làm phong phú hơn về số lượng các tác phẩm liên quan đến lịch sử. Giúp dễ dàng tiếp nhận kiến thức, tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho độc giả.
Câu 3. Vì sao phải học lịch sử?
Trả lời:
Học lịch sử giúp chúng ta tìm hiểu quá khứ, tìm về cội nguồn của chính bản thân, gia đình, dòng họ,... và rộng hơn là của cả dân tộc, nhân loại. Học lịch sử còn để đúc kết những bài học kinh nghiệm về sự thành công và thất bại của quá khứ để phục vụ hiện tại và xây dựng cuộc sống mới trong tương lai.
Trả lời câu hỏi phần Luyện tập và vận dụng
Câu 1
Nhà chính trị nổi tiếng của La Mã cổ đại Xi-xe-rông đã nói: "Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống". Em có đồng ý với nhận xét đó không? Vì sao?
Trả lời:
Đồng ý với ý kiến vì:
- Lịch sử cho ta biết về quá khứ của một dân tộc, nền văn hóa và truyền thống của một dân tộc, chủ quyền của đất nước. Qua đó nhắc nhở ta hãy nhớ về quá khứ của dân tộc mình, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và hơn hết nhắc nhở ta đấu tranh bảo vệ đất nước.
- Lịch sử còn để đúc kết những bài học kinh nghiệm về sự thành công và thất bại của quá khứ để phục vụ hiện tại và xây dựng cuộc sống mới trong tương lai
=> Chính vì vậy lịch sử xứng đáng được coi là thầy dạy của cuộc sống.
Câu 2
Các bạn trong hình bên đang làm gì? Theo em, việc làm đó có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
Các bạn hình bên đang lau dọn lại các phần mộ. Đây là hành động thể hiện sự nhớ ơn và trân trọng những người đã khuất.
Câu 3
Hãy chia sẻ với thầy/cô giáo và các bạn các hình thức học lịch sử mà em biết; cách học lịch sử nào giúp em hứng thú và đạt hiệu quả tốt nhất.
Trả lời:
* Một số hình thức học lịch sử mà em biết:
+ Học Lịch sử thông qua sơ đồ tư duy.
+ Học lịch sử thông qua cách trình bày Infographic (kết hợp thông tin kiến thức với hình ảnh minh họa trực quan, sinh động).
+ Tìm hiểu lịch sử thông qua:
- Phim ảnh đề tài về lịch sử. ví dụ: seri phim hoạt hình lịch sử “Hào khí ngàn năm”.
- Văn học. Ví dụ: tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán; tiểu thuyết “Hoàng Lê nhất thống chí”; các câu đố/ca dao/dân ca; truyện tranh…
- Âm nhạc. Ví dụ: bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân; “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận….
- Phim tài liệu.
+ Học lịch sử thông qua việc tham quan/ trải nghiệm thực tiễn. Ví dụ:
- Tham quan địa đạo Củ Chi; Thành cổ Quảng Trị; Hoàng thành Thăng Long; Kinh đô Huế…
* Cách học lịch sử giúp em thấy hứng thú và đạt hiệu quả nhất là:
- Học lịch sử thông qua cách trình bày Infographic.
- Tìm hiểu lịch sử qua: phim hoạt hình; truyện tranh; câu đố dân gian; tiểu thuyết đề tài lịch sử…
- Học lịch sử thông qua việc tham quan/ trải nghiệm thực tiễn.
Câu 4
Em hãy điều tra xem trong lớp có bao nhiêu bạn thích học môn Toán, môn Ngữ văn và môn Lịch sử. Theo em, các bạn thích học những môn khác có cần biết lịch sử không? Vì sao?
Trả lời:
Ai cũng cần biết lịch sử bởi tầm quan trọng và ý nghĩa của lịch sử trong cuộc sống, đặc biệt đối với học sinh. Lịch sử giúp ta nhìn lại quá khứ, biết ơn người đi trước và phấn đấu cho tương lai.
Lý thuyết Lịch sử và cuộc sống
1. Lịch Sử là gì?
- Lịch Sử là tất cả những gì đã xảy ra. Lịch sử còn được hiểu là một khoa học nghiên cứu và phục dựng lại quá khứ
- Môn Lịch sử là môn học tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người từ khi con người xuất hiện trên Trái Đất cho đến ngày nay.
2. Vì sao phải học lịch sử?
- Học Lịch sử giúp ta tìm hiểu về quá khứ, tìm về cội nguồn của chính bản thân, gia đình, dòng họ,... và rộng hơn là của cả dân tộc, nhân loại.
- Đúc kết những bài học kinh nghiệm của quá khứ để phục vụ hiện tại và tương lai.