Bài viết số 1 lớp 6 đề 1: Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết Con rồng cháu Tiên, là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho học sinh lớp 6 khi làm bài viết số 1.
Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết và 5 bài văn mẫu, sẽ được chúng tôi đăng tải chi tiết dưới đây.
Bài văn mẫu lớp 6: Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết Con rồng cháu Tiên
- Dàn ý đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết
- Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 1
- Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 2
- Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 3
- Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 4
- Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 5
Dàn ý đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết
1. Mở bài
Giới thiệu sự ra đời, tài năng và những hành động cao đẹp của Lạc Long Quân.
2. Thân bài
Kể các sự việc chính sau:
- Chuyện Long Quân gặp Âu Cơ.
- Âu Cơ sinh con.
- Long Quân về thuỷ cung.
- Long Quân và Âu Cơ cùng các con chia về hai miền xuôi ngược.
3. Kết bài
Sự ra đời của nhà nước Văn Lang và các vua Hùng.
Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 1
Ta là Lạc Long Quân, vốn thuộc nòi Rồng, con trai của Thần Long Nữ. Gia tộc ta định cư hàng ngàn năm nay tại vùng đất Lạc Việt phì nhiêu. Sinh ra, ta đã mang mình rồng, có sức khoẻ vô địch và biết rất nhiều phép lạ. Họ hàng nhà rồng của ta vốn quen sống dưới nước nên chỉ thỉnh thoảng mới lên trên mặt đất. Mỗi khi lên cạn, là thường dùng phép thần thông của mình để diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh - những loài yêu quái bấy lâu làm hại dân lành. Thương đời sống của nhân dân còn cực khổ, ta bèn dạy họ trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở. Xong việc, ta lại về thủy cung báo hiếu với Thần Long Nữ - mẫu hậu của mình. Chỉ khi có việc cần ta mới hiện lên.
Vào một ngày đẹp trời, trong khi đang đi thăm thú dân tình, ta gặp một người con gái xinh đẹp tuyệt trần đang dạo bước gần cung điện Long Trang. Hỏi ra mới biết nàng tên gọi Âu Cơ, thuộc dòng họ Thần Nông sinh sống ở vùng núi cao phương Bắc. Nghe tiếng vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ, nàng tìm đến thăm. Sau nhiêu lần trò chuyện, ta và nàng đem lòng thương mến nhau rồi chúng ta kết duyên vợ chồng, cùng nhau chung sống trên cạn ở cung điện Long Trang.
Ta hạnh phúc vô cùng khi ít lâu sau Âu Cơ mang thai. Sau chín tháng mười ngày, thật kì lạ, nàng sinh ra một bọc trăm trứng. Kỳ lạ hơn nữa, trăm trứng nở ra một trăm chú bé con bụ bẫm, trắng trẻo, hồng hào. Trông chúng mới đáng yêu làm sao. Bởi ta là giống Rồng, vợ ta - nàng Âu Cơ lại là giống Tiên nên những đứa con của chúng ta sinh ra không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô và đứa con nào cũng có sức khoẻ như ta. Từ khi có đàn con khoẻ mạnh, xinh đẹp, cuộc sống của vợ chồng ta ngày càng hạnh phúc và vui vẻ. Cung điện lúc nào cũng rộn rã tiếng, cười nói, nô đùa của bọn trẻ. Thế nhưng không hiểu sao trong lòng ta luôn cảm thấy một nỗi trống trải không yên. Đó là nỗi niềm nhớ sông, nhớ nước, nhớ quê hương… da diết. Nỗi nhớ cứ ngày một trào dâng trong lòng ta. Cuối cùng, không thể sống mãi trong nỗi nhớ nhung được nữa, ta đành từ biệt người vợ yêu và đàn con để trở về thuỷ cung. Thật tội nghiệp! Âu Cơ phải ở lại một mình nuôi con, tháng ngày chờ đợi mong ta quay về. Ta biết nàng buồn tủi cho phận mình lắm! Nhưng ta cũng không thể sống mãi trên cạn được. Ta vốn nòi Rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng Tiên ở chốn non cao. Kẻ ở cạn, người ở nước, tính tình tập quán khác nhau khó mà ăn ở cùng nhau lâu dài được. Cuối cùng, sau bao ngày trăn trở nghĩ suy, ta quyết định nói hết tâm ý của ta cho nàng. Hiểu được suy nghĩ và những khó khăn của ta, Âu Cơ đồng ý đưa năm mươi con lên núi. Năm mươi người con còn lại theo ta xuống biển. Tuy xa cách nhưng khi có việc vẫn giúp đỡ lẫn nhau, không bao giờ quên lời hẹn ước.
Với tài năng và sức mạnh của thần, người con trưởng của ta theo mẹ được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Trong triều đình có tướng văn, tướng võ. Những đứa cháu của ta sinh ra trai thì gọi là lang, gái thì gọi là Mị Nương. Con cháu ta thay phiên nhau đời đời cai quản đất Phong Châu. Hiệu Vùng Vương được giữ đến 18 đời. Cứ cha truyền con nối không hề thay đổi.
Dù sống xa sông cách núi nhưng con cháu của ta luôn tự nhắc nhở nhau biết mình đều là con Rồng, cháu Tiên, phải thương yêu, giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn, làm cho nước nhà ngày càng thêm phồn vinh, hùng cường.
Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 2
Thuở ấy, đã lâu lắm rồi, có lẽ đến hơn bốn nghìn năm về trước, lúc đất nước ta vẫn còn hoang sơ lắm. Trên đất chủ yếu là núi đồi, cỏ cây hoa lá chứ chưa có con người đông đúc như bây giờ. Trên trời hay dưới nước, ở mỗi vùng đất đều do các vị thần tiên cai quản, trông nom.
Là con trai của thần Long Nữ, vị thần được thần trời giao cho cai quản vùng sông nước Lạc Việt, cha mẹ đặt tên cho ta là Lạc Long Quân. Được cha mẹ chỉ dạy đủ điều từ thủa ấu thơ, lại thêm sức lực vốn có của giống rồng, ta đã luyện được rất nhiều phép lạ. Khi còn trẻ, ta thường hay xin phép Đức Long Vương lên trần gian thăm thú, giúp dân tiễu trừ bọn yêu tinh, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách ăn ở. Trần gian nhiều cảnh đẹp khiến ta gắn bó như đang sống dưới thủy cung.
Một hôm, đang thỏa chí ngao du sơn thuỷ, ta say hứng quá chân lên tận vùng núi cao phương Bắc. Bỗng ta gặp một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Hỏi ra mới biết nàng là Âu Cơ, con gái Thần Nông. Nghe nói vùng Lạc Việt có nhiều hoa thơm, cỏ lạ, nàng xin phép cha dạo bước đến thăm. Ta cùng Âu Cơ mến cảnh hợp người, đem lòng yêu thương rồi thề ước nguyện cùng chung sống trọn đời.
Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Kỳ lạ thay! Đến ngày sinh nở, nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng. Rồi trăm trứng nở ra trăm con đều đẹp đẽ, hồng hào chẳng cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi. Vợ chồng ta hết sức vui mừng, hết lòng chăm chút cho đàn con nhỏ.
Sống ở trần thế đã lâu, ta cũng thấy nóng lòng. Ở thuỷ cung, cha mẹ đã già, công việc không biết ai gánh vác. Trăn trở nhiều lần, ta nghĩ: “Âu Cơ vốn thuộc dòng tiên hợp với non cao, ta lại là giống rồng quen sống nơi biển cả; tính tình, tập quán hẳn có nhiều cái khác nhau nên một cuộc biệt ly trong nay mai khó là tránh khỏi”. Ta bèn gọi trăm con cùng Âu Cơ và nói:
- Ta và nàng tuy sống chưa lâu nhưng nghĩa tình đến sông cạn đá mòn cũng không thay đổi. Ta vốn là giống rồng, nàng là giống tiên, vậy khó mà tính kế dài lâu được. Nay vì đại nghiệp và vì sự mưu sinh của trăm con, ta sẽ đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau ra mà cai quản các phương hễ có việc gì thì báo cho nhau để mà tương trợ.
Âu Cơ nghe thấy hợp tình cũng đành nghe theo, cuộc chia ly ngậm ngùi, da diết. Ta đưa năm mươi con xuống vùng đồng thấp dạy các con nghề biển mà an cư lập nghiệp. Âu Cơ đưa các con lên núi cao, lập con trưởng làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt nước hiệu là Văn Lang, truyền đời nối ngôi đều lấy hiệu Hùng Vương, không hề thay đổi.
Sau đó rất lâu, ta và Âu Cơ không gặp lại nhau nhưng tình nghĩa vẫn không phai. Hơn thế, nghĩa “đồng bào” trong trăm con ta cũng không thay đổi. Bởi thế cho nên đến tận ngày nay, trên đất nước ta dẫu có tới trên năm mươi dân tộc, nhưng đều là anh em ruột thịt một nhà.
Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 3
Ngày ấy, đất nước ta còn hoang sơ lắm. Chưa có con người đông đúc như bây giờ, chỉ có các vị thần tiên cai quản đất đai, trông coi mọi việc. Bà Nữ Oa lo việc chống trời, Thần Nông trồng lúa, Thần Núi vun đất thành núi đồi, thần Sông lo việc tưới tiêu... Bởi thế nên dân gian mới có câu hát:
“Ông tát bể
Ông kể sao
Ông đào sông
Ông xây rú (núi)…”
Các vị thần trên trời và các vị thần dưới nước cũng không xa cách như bây giờ mà thường xuyên qua lại, thăm hỏi lẫn nhau.
Lúc bấy giờ ta cũng còn rất trẻ, chỉ vừa mười tám đôi mươi. Lòng khao khát khám phá thế giới, ta thường xin phép Đức Long Vương (cha ta) lên trần gian ngao du sơn thuỷ. Cảnh đẹp cùng bao hoa thơm trái ngọt chốn trần gian làm ta say mê, nhiều khi quên cả đường về. Cha ta nhiều lần phải cho người lên tìm. Không ít lần Người đã trách mắng nhưng ta khó lòng xa cách hẳn được chốn trần gian đẹp như vậy.
Một lần ta vui chân đi quá lên thượng nguồn, bỗng bắt gặp một người con gái đẹp tuyệt trần đang đi dạo giữa bầy tiên nữ. Hỏi ra mới biết nàng tên là Âu Cơ, con gái út của vị Thần Nông trên trời chuyên lo việc trồng cấy. Nàng cũng như ta, vô cùng thích thú trước cảnh đẹp chốn trần gian. Mến cảnh mến người, ta và nàng cùng nhau thề nguyền chung thuỷ, lấy sợi chỉ đỏ buộc hai cổ tay để làm lễ xe tơ kết tóc.
Chẳng bao lâu sau, Âu Cơ có mang. Đủ ngày đủ tháng nàng sinh ra một cái bọc, trong có một trăm trứng, sau đó một trăm trứng lại nở ra một trăm người con dung mạo đẹp đẽ, tính nết vừa mạnh mẽ vừa hiền hoà. Chúng ta vô cùng mừng rỡ. Mải vui hạnh phúc, ta quên mất mình còn một vương quốc dưới thuỷ cung. Đã lâu ta không về dưới ấy, chắc cha ta mong ta lắm. Ta đang định về ít ngày rồi quay lên thì có sứ giả lên báo gấp: Cha ta đang ốm nặng, có lẽ không qua khỏi, ta phải về ngay để gánh lấy trọng trách lớn lao.
Biết giờ phút chia tay đã điểm, ta bèn gọi các con lại, sau đó nói với Âu Cơ rằng:
- Âu Cơ nàng hỡi! Ta và nàng gắn bó bấy nay, thời gian tuy chưa nhiều nhưng nghĩa tình thì nước ở dòng sông này dẫu có chảy đến một nghìn năm cũng không sánh nổi. Nay ta vì đại sự mà phải trở về. Hơn nữa, ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, sống với nhau suốt đời kể cũng không thể được. Vậy ta sẽ đem năm mươi con xuống miền biển xa, để lại cho nàng năm mươi đứa. Nàng hãy cùng các con cai quản rừng núi. Nếu có chuyện gì thì báo cho nhau biết, anh em trong nhà phải hỗ trợ nhau.
Nói rồi ta đem năm mươi người con xuống vùng đồng bằng ven biển. Sau khi dạy các con cách đắp đê ngăn mặn, trồng cấy, đánh cá… Ta về cai quản thế giới dưới Long cung.
Dù xa cách nhưng ta vẫn biết, sau khi ta ra đi, Âu Cơ đã cử con trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, lại đặt tên nước là Văn Lang. Nàng chia những người con còn lại đi trấn giữ các nơi, lập thành các tộc người như Tày, Nùng, Thái, Mèo, Lô Lô…
Thế đấy các cháu ạ. Dòng dõi người Việt là dòng dõi Rồng Tiên, các cháu đừng bao giờ quên nguồn gốc tổ tiên cao quý của mình.
Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 4
Ta, Lạc Long Quân - là con trai của thần Long Nữ. Được cha mẹ chỉ dạy từ khi còn thơ ấu, lại thêm sức lực của giống rồng, nên ta biết được nhiều phép lạ.
Khi còn trẻ, ta thường xuống trần gian diệt trừ yêu tinh, dạy cho người trần cách làm nhà, săn bắn. Chính vì vậy, họ rất kính trọng và yêu mến ta. Một ngày nọ, ta gặp được một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Nàng là Âu Cơ, con gái Thần Nông. Vì biết đến vùng đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ nên tìm đến để thăm thú. Ta và nàng vừa gặp nhau thì đã đem lòng yêu mến rồi nguyện kết duyên để cùng chúng sống trọn đời.
Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Đến ngày sinh nở, nàng đẻ ra bọc trăm trứng. Rồi từ bọc trăm trứng nở ra một trăm người con. Tất cả đều trắng trẻo, khỏe mạnh khiến ta cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Sống ở trần thế lâu ngày, ta bỗng thấy nhớ quê hương. Cha mẹ ta cũng đã già, cần có người chăm sóc. Trăn trở rất lâu, ta bèn gọi Âu Cơ đến bên và bảo:
- Ta và nàng tuy sống chưa lâu nhưng tình nghĩa sâu nặng. Nhưng thiết nghĩ, ta khó mà sống với nhau lâu dài được.
Âu Cơ nghe vậy liền nhìn ta rồi bật khóc:
- Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc con thiếp sống bơ vơ khổ não.
Nghe vậy, ta bèn lựa lời khuyên giải:
- Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.
Âu Cơ nghe xong, suy nghĩ một hồi và cảm thấy lời chồng nói là có lý. Cuộc chia tay diễn ra thật ngậm ngùi.
Về sau, người con trưởng theo Âu Cơ lên núi được tôn lên làm vua, đóng đô ở đất Phong Châu, lấy hiệu là Văn Lang. Ta và Âu Cơ sau đó cũng hiếm khi có dịp gặp lại. Dù vậy thì tình nghĩa đôi bên vẫn không thay đổi.
Đóng vai Lạc Long Quân kể lại truyền thuyết - Mẫu 5
Từ rất lâu về trước, lúc đất nước ta vẫn còn hoang sơ. Trên trời, dưới nước - mỗi vùng đất đều do các vị thần tiên cai quản, trông nom.
Ta vốn là Lạc Long Quân, con trai của Kinh Dương Vương - thủ lĩnh một tộc ở Lĩnh Nam và Long Nữ - con gái của Dương Vương. Khi còn thơ ấu, ta được cha mẹ chỉ bảo nên biết nhiều phép lạ. Ta thường xuống trần gian giúp nhân dân diệt trừ Hồ tinh và còn dạy họ làm nhà, săn bắn.
Bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đến Lĩnh Nam đem theo cả người con gái yêu rất xinh đẹp của mình là Âu Cơ và nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý liền muốn xây dựng thành đắp lũy để ở lại lâu dài. Điều đó khiến nhân dân phải phục dịch hết sức khổ cực phải cầu cứu đến ta. Sau khi nghe chuyện, ta liền hóa thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, đem theo hàng trăm người hầu đến chỗ Đế Lai. Đến nơi, ta không thấy Đế Lai đâu cả mà chỉ thấy một cô gái xinh đẹp tuyệt trần. Thấy ta tuấn tú, cô gái đem lòng say mê và theo ta về cung điện. Lại nói đến Đế Lai lúc trở về không thấy con gái mình đâu liền sai quân đi tìm kiếm. Ta sai hàng vạn các ác thú ra chặn các nẻo đường, xé xác bọn chúng làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy khiến cho Ðế Lai đành thu quân về phương bắc.
Sau một thời gian chung sống, thì Âu Cơ có mang. Ít lâu sau đó nàng đẻ ra một bọc trăm trứng. Từ bọc trăm trứng để ra một trăm người con đều khỏe mạnh, trắng trẻo và thông minh hơn người. Ta dù sống hạnh phúc bên gia đình nhưng lòng vẫn không nguôi nhớ về thủy phủ. Một hôm ta bèn từ giã vợ và các con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây, bay về biển cả. Vợ ta muốn đi theo mà không được. Một ngày nọ, ta bỗng nghe thấy tiếng gọi của Âu Cơ: “Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này”.
Ta bèn trở về thăm vợ và các con. Âu Cơ gặp lại ta dù vui mừng nhưng vẫn oán trách:
- Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, vậy mà gặp gỡ và ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc con thiếp sống bơ vơ khổ não?
Ta bèn lựa lời giải thích:
- Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.
Âu Cơ nghe xong cũng cảm thấy hợp lý, rất nhanh sau đó cuộc chia tay đã diễn ra. Hai vợ chồng ta từ biệt nhau, ta đem năm mươi con xuống biển. Còn Âu Cơ đem năm mươi con lên núi. Người con trai trưởng theo Âu Cơ được tôn lên làm vua, đóng đô ở đất Phong Châu, lấy hiệu là Văn Lang. Ta và Âu Cơ sau đó cũng hiếm khi có dịp gặp lại. Dù vậy thì tình nghĩa đôi bên vẫn không thay đổi.