Câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã gửi gắm bài học về lòng biết ơn. Hôm nay, Download.vn sẽ giới thiệu Bài văn mẫu lớp 7: Đoạn văn giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 7 nắm rõ hơn nội dung câu tục ngữ trên. Mời tham khảo 3 đoạn văn mẫu được đăng tải chi tiết dưới đây.
Đoạn văn giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Đoạn văn giải thích câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Mẫu 1
Ông cha ta đã có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để khuyên nhủ con người bài học về lòng biết ơn. Câu tục ngữ được hiểu theo hai nét nghĩa. Về nghĩa đen, khi chúng ta được thưởng thức hoa thơm, quả ngọt cần phải nhớ tới công lao của người gieo trồng. Còn về nghĩa bóng, câu tục ngữ nhắc nhở con người sống cần có lòng biết ơn. Khi được hưởng một thành quả nào đó, cần phải ghi nhớ công lao của những người đã tạo ra nó, trân trọng thành quả mình đang được hưởng. Lịch sử dân tộc đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh để bảo vệ đất nước. Rất nhiều thế hệ đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Bởi vậy, mỗi người cần sống sao cho xứng đáng với công ơn đó. Ngày hôm nay, lòng biết ơn được thể hiện qua những hành động như một lời cảm ơn chân thành, những buổi viếng thăm các thương binh liệt sĩ… Như vậy, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đem đến một lời khuyên quý giá đến mỗi người.
Đoạn văn giải thích câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Mẫu 2
Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là lời nhắc nhở con người về lòng biết ơn trong cuộc sống. Theo nét nghĩa đen, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hiểu đơn giản là mỗi người khi được thưởng thức hoa thơm quả ngọt, hãy nhớ đến người đã có công vun trồng, chăm sóc cây cối. Còn theo nét nghĩa bóng, câu tục ngữ gửi gắm bài học về truyền thống biết ơn - một truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Từ xa xưa cho đến ngày nay, lòng biết ơn vẫn luôn được nhân dân ta gìn giữ và phát huy. Những việc làm như thờ cúng tổ tiên, tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các bậc anh hùng. N hiều ngày lễ lớn nhằm tri ân một đối tượng cụ thể như mùng 8 tháng 3 - Quốc tế phụ nữ, 27 tháng 2 - Ngày thầy thuốc Việt Nam, 27 tháng 7 - Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam, ngày 20 tháng 11 - Ngày nhà giáo Việt Nam… Tất cả đều thể hiện được tính nhân văn cao đẹp. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận có lối sống vô ơn, bội bạc. Đó là cách sống cần lên án và tránh xa. Mỗi người hãy nhớ rằng lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta sống tử tế và tốt đẹp hơn.
Đoạn văn giải thích câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Mẫu 3
Câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nhắc nhở chúng ta cần có lòng biết ơn, quý trọng tình nghĩa. Về nghĩa đen, hiểu đơn giản “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” có nghĩa là chúng ta được thưởng thức hoa thơm, quả ngọt cần phải nhớ tới công lao của người gieo trồng. Về nghĩa bóng, câu tục ngữ nhắc nhở con người sống cần có lòng biết ơn. Khi được hưởng một thành quả nào đó, cần phải trân trọng công lao của những người đã tạo ra nó, nhận được sự giúp đỡ của người khác cần phải biết ơn. Sống luôn biết ơn sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp. Đó chính là tình cảm yêu thương, trân trọng từ mọi người xung quanh. Từ xa xưa, ông cha ta đã thể hiện lòng biết ơn qua việc thờ cúng tổ tiên, hay các lễ hội tưởng nhớ công ơn của những bậc anh hùng có công với đất nước như hội Gióng, hội gò Đống Đa, hội Cổ Loa… Đến ngày hôm nay, lòng biết ơn thể hiện qua các hành động nhỏ bé nhưng rất ý nghĩa. Lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác. Các cuộc viếng thăm những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đối với mỗi học sinh, việc thể hiện lòng biết ơn lại đến từ những hành động vô cùng đơn giản: lễ phép với ông bà, giúp đỡ bố mẹ công việc nhà, chăm chỉ học tập, tích cực rèn luyện… Qua câu tục ngữ, mỗi người hãy biết tự hào với truyền thống vẻ vang của nước nhà, tích cực giữ gìn và phát huy truyền thống đó.