Tục ngữ được coi là túi khôn của nhân loại. Kho tàng tục ngữ Việt Nam rất phong phú, gửi gắm nhiều bài học ý nghĩa. Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ mà em thích.
Nội dung bao gồm 5 đoạn văn mẫu lớp 8. Mời bạn đọc tham khảo chi tiết được đăng tải ngay sau đây.
Viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 dòng) nêu cách hiểu về một câu tục ngữ mà em thích và bài học em rút ra được từ câu tục ngữ đó.
Viết đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ mà em thích
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 1
Một trong những câu tục ngữ mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất là “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Ở vế đầu tiên, “đi một ngày đàng” ý chỉ hành động đi ra ngoài tìm hiểu, khám phá trong một khoảng thời gian. Còn vế thứ hai “học một sàng khôn” ý chỉ học được những kiến thức bổ ích, mới mẻ giúp con người hiểu biết hơn. Như vậy, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” có nghĩa là khi chúng ta đi nhiều sẽ càng học hỏi được nhiều. Chỉ cần chịu khó học hỏi chắc chắn sẽ thu được những tri thức mới mẻ. Xã hội ngày càng phát triển, khối lượng tri thức của nhân loại ngày càng nhiều. Cùng với việc học tập trong sách vở, chúng ta cần tích lũy từ những trải nghiệm thực tế. Bởi vậy, có bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia mới có thể học tập được những điều mới mẻ. Đối với một học sinh, việc tích cực đi khám phá, trải nghiệm thực tế sẽ giúp cho những kiến thức trong sách vở được tiếp thu một cách dễ dàng, sâu sắc hơn. Từ đó, chúng ta cần phải tránh xa lối sống thụ động, lười biếng. Tóm lại, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” đã giúp tôi nhận ra bài học giá trị.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 2
Tục ngữ là một thể loại văn học giàu giá trị, trong đó tôi đặc biệt yêu thích câu“Uống nước nhớ nguồn”. Đầu tiên, xét về nghĩa đen, “Uống nước nhớ nguồn” hiểu đơn giản là khi chúng ta được uống dòng nước mát thì hãy nhớ tới nơi khởi đầu đã cho dòng nước đó. Còn xét về nghĩa bóng, “uống nước” có nghĩa là hưởng những thành quả, thành tựu mà người khác tạo ra và “nhớ nguồn” chính nhớ tới những người đã tạo ra thành quả đó. Ý nghĩa của câu tục ngữ nhằm muốn khuyên nhủ con người về lòng biết ơn trong cuộc sống. Nhưng trong xã hội hiện tại, nhiều người lại có lối sống vô ơn, bội bạc. Họ chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất, sống một cách ích kỉ hẹp hòi. Đó là thái độ đáng phê phán. Đối với học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước cần phải tránh xa thái độ trên, trau dồi phẩm chất đạo đức để sống sao cho xứng đáng. Tóm lại, câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” đã gửi gắm một truyền thống tốt đẹp để thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và phát huy.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 3
Câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” đã giúp tôi nhận ra bài học ý nghĩa về sự kiên trì. Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ nói đến hình ảnh quen thuộc về công việc của những người thợ rèn. Từ một khối sắt to lớn và thô sơ, họ đã rèn ra chiếc kim nhỏ bé. Còn xét về nghĩa bóng, câu tục ngữ muốn nói rằng khi kiên trì, nỗ lực sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Cuộc sống là một chặng đường rất dài, mà đôi khi trong quá trình bước đi, chúng ta sẽ đâm phải gai nhọn, làm bàn chân rướm máu. Chỉ người bản lĩnh, kiên trì vượt qua mà không sợ khó khăn, thất bại mới có thể trở thành một cây kim sáng bóng. Đối với những học sinh - chủ nhân của đất nước, điều cần làm là luôn cố gắng học tập, không ngại phải đối mặt với những thử thách để tôi luyện bản thân trở thành một “viên ngọc sáng”. Như vậy, “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là một câu tục ngữ ngắn gọn, nhưng khiến em cảm thấy vô cùng tâm đắc.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 4
Kho tàng tục ngữ Việt Nam đã gửi gắm thật nhiều bài học giá trị, trong đó tôi thích nhất là câu: “Thương người như thể thương thân”. Trước hết, “thương người” là tình cảm yêu mến gắn liền với hành động quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” chính là trân trọng, yêu thương chính bản thân. Cách so sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi con người hãy biết yêu thương những người xung quanh giống như yêu chính bản thân. Mỗi người sinh ra đều có quyền được mọi người xung quanh yêu thương, tôn trọng. Không chỉ vậy, tình yêu thương giữa con người sẽ luôn đem đến những điều tốt đẹp xóa đi mọi khoảng cách, giúp xã hội trở nên văn minh hơn. Bài học được gửi gắm qua câu tục ngữ là mỗi người cần có tấm lòng yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn nhiều người sống vô cảm, ích kỉ. Họ thờ ơ khi thấy người đang gặp khó khăn. Đó là những hành động cần lên án, tránh xa. Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” tuy ngắn gọn nhưng lại giàu ý nghĩa.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 5
Trong cuộc sống, con người phải đối mặt với vô vàn khó khăn, bởi vậy mà tục ngữ có câu: “Có chí thì nên” như một lời khuyên quý giá dành cho mỗi con người. Câu tục ngữ chỉ có bốn từ, rất ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Từ “chí” ở đây có nghĩa là ý chí của mỗi người. Còn “nên” có nghĩa là nên việc - hiểu rộng ra nghĩa là đạt được những mục tiêu của bản thân, có được thành công trong cuộc sống. Ý cả câu tục ngữ là nếu con người có ý chí kiên cường, đủ bản lĩnh và nghị lực để vượt qua những khó khăn thì chắc chắn sẽ bước đến đích của thành công. Bài học mà câu tục ngữ muốn gửi gắm là lời nhắc nhở mỗi người cần có ý chí, nghị lực để bản thân không gục ngã. Đối với học sinh, chúng ta cần rèn luyện ý chí để kiên trì trong học tập. Không ngại khám phá để tìm đến với bầu trời tri thức mới mẻ. Và con đường đến với thành công sẽ không còn xa xôi. Như vậy, câu “Có chí thì nên” rất giàu ý nghĩa. Tôi cảm thấy rất yêu thích và luôn ghi nhớ câu tục ngữ này.