Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 27 giúp các em học sinh lớp 12 trả lời các câu hỏi phần bài tập trang 124. Đồng thời hiểu được kiến thức về ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.
Bài 27: Địa lí 12 Vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm được biên soạn bám sát theo chương trình SGK trang 118→124. Qua đó giúp học sinh nhanh chóng nắm vững được kiến thức lý thuyết, biết trả lời các câu hỏi để học tốt môn Địa. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài Soạn Địa lí 12 bài 27, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm
Lý thuyết địa lí 12 bài 27
1. Công nghiệp năng lượng
a) Công nghiệp khai thác nguyên, nhiên liệu
- Công nghiệp khai thác than:
- Than Antraxit: tập trung ở khu vực Quảng Ninh với trữ lượng hơn 3 tỉ tấn, cho nhiệt lượng 7000 - 8000 calo/kg.
- Than nâu: phân bố ở đồng bằng sông Hồng, trữ lượng hàng chục tỉ tấn.
- Than bùn: tập trung nhiều ở khu vực U Minh.
- Sản lượng than liên tục tăng, năm 2005 đạt gần 34 triệu tấn.
- Công nghiệp khai thác dầu khí:
- Trữ lượng: vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí.
- Phân bố: các bể trầm tích ngoài thềm lục địa. Hai bể trầm tích lớn là Cửu Long và Nam Côn Sơn.
- Tình hình sản xuất: sản lượng liên tục tăng; khí tự nhiên sử dụng sản xuất điện, đạm; xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất.
b) Công nghiệp điện lực
- Khái quát chung:
- Nước ta có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp điện lực.
- Sản lượng điện tăng rất nhanh.
- Cơ cấu sản lượng điện phân theo nguồn có sự thay đổi: Giai đoạn 1991-1996 thủy điện chiếm hơn 70%. Đến năm 2005 nhiệt điện chiếm khoảng 70%.
- Mạng lưới tải điện đáng chú ý nhất là đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam.
- Thủy điện:
- Tiềm năng rất lớn, khoảng 30 triệu KW, tập trung ở hệ thống sông Hồng và sông Đồng Nai.
- Hàng loạt các nhà máy thủy điện công suất lớn đang hoạt động: Hòa Bình,…
- Nhiều nhà máy đang triển khai xây dựng: Sơn La, Na Hang…
- Nhiệt điện:
- Nhiên liệu dồi dào: than, dầu khí.
- Nguồn nhiên liệu tiềm tàng: năng lượng mặt trời, sức gió…
- Các nhà máy nhiệt điện phía Bắc chủ yếu dựa vào than ở Quảng Ninh, các nhà máy nhiệt điện ở miền Trung và miền Nam chủ yếu dựa vào dầu, khí.
Giải bài tập Địa lí 12 Bài 27 trang 124
Câu 1
Tại sao công nghiệp năng lượng lại là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta?
Gợi ý đáp án
- Ngành công nghiệp năng lượng ở nước ta có thế mạnh lâu dài, dựa trên nguồn tài nguyên dồi dào về than đá, dầu khí, trữ năng thuỷ điện lớn và sức gió, sức nước, năng lượng Mặt Trời lớn...
- Ngành mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.
- Ngành có tác động mạnh mẽ đến việc phát triển các ngành kinh tế khác. Công nghiệp năng lượng là một trong những ngành kinh tế quan trọng và cơ bản của một quốc gia. Nền sản xuất hiện đại chỉ phát triển được với sự tổn tại của cơ sở năng lượng nhất định. Năng lượng là tiền đề của tiến bộ khoa học - kĩ thuật.
Câu 2
Hãy xác định các nhà máy thuỷ điện lớn nhất của nước ta trên bản đồ (lược đồ) và giải thích sự phân bố của chúng.
Gợi ý đáp án
- Hòa Bình (1.920MW) trên sông Đà, Y-a-li (720MW) trên sông Xê Xan, Trị An(400MW) trên sông Đồng Nai, Hàm Thuận - Đa Mi (300MW) trên sông La Nga. Các nhà máy này phân bố ở các con sông có trữ năng thuỷ điện lớn của nước ta.
Câu 3
Phân tích cơ cấu ngành công nghiệp thực phẩm: cơ sở nguyên liệu, tình hình sản xuất và phân bố.
Gợi ý đáp án
- Công nghiệp thực phẩm có cơ cấu đa dạng, gồm phân ngành chế biến sản phẩm trồng trọt, chế biến sản phẩm ,chăn nuôi, chế biến thuỷ, hải sản. Trong mỗi phân ngành có nhiều hoạt động công nghiệp khác nhau (ví dụ, phân ngành chế biến sản phẩm chăn nuôi có hoạt động chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt). Các phân ngành này phát triển dựa trên cơ sở nguyên liệu tại chỗ và phong phú của ngành trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản.
- Ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta, phát triển mạnh mẽ với sản phẩm đa dạng. Hàng năm, ngành này cung cấp khoảng 1 triệu tấn đường, 12 vạn tấn chè, 80 vạn tấn cà phê nhân, 300 - 350 triệu hộp sữa; các sản phẩm tôm, cá đông lạnh và đồ hộp...
- Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm phát triển gắn với nguồn nguyên liệu và nhu cầu của thị trường tiêu thụ, nên thường phân bố ở vùng nguyên liệu và các đô thị lớn (ví dụ: công nghiệp đường mía phát triển dựa trên nguyên liệu tại chỗ nên phân bố tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Công nghiệp chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt đáp ứng trực tiếp cho nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, nên phát triển tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...)