Đề cương học kì 1 môn Ngữ văn 6 năm 2023 - 2024 (Sách mới)

Đề cương ôn thi học kì 1 môn Ngữ văn 6 năm 2023 - 2024 (Sách mới)

Ôn thi học kì I lớp 6 môn Văn sách KNTT, CTST, Cánh diều

Đề cương học kì 1 môn Ngữ văn 6 năm 2023 - 2024 mang tới bộ đề cương ôn tập sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Cánh diều, Chân trời sáng tạo, giúp các em học sinh lớp 6 tổng hợp toàn bộ kiến thức trọng tâm trong chương trình học kì 1, để ôn thi học kì 1 năm 2023 - 2024 đạt kết quả như mong muốn.

Với những câu hỏi ôn tập học kì 1, còn giúp thầy cô tham khảo để giao đề cương ôn thi học kì 1 môn Văn 6 cho học sinh của mình theo chương trình mới. Mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để chuẩn bị thật tốt cho kì thi cuối học kì 1 sắp tới:

Đề cương ôn thi học kì 1 môn Ngữ văn 6 sách mới

1. Đề cương học kì 1 môn Ngữ văn 6 sách Chân trời sáng tạo

A. Phần Văn bản

1. Truyền thuyết

- Khái niệm văn bản truyền thuyết: là loại truyện kể dân gian, thường kể về sự kiện, nhân vật lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử. Thể hiện nhận thức, tình cảm của tác giả dân gian đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử.

- Nhân vật truyền thuyết:

  • Thường có những điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh
  • Thường gắn với sự kiện lịch sử và có công lớn đối với cộng đồng
  • Được cộng đồng truyền tụng, tôn thờ

- Cốt truyện truyền thuyết:

  • Thường xoay quanh công trạng, kì ích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ
  • Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật
  • Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại

- Yếu tố kì ảo trong truyền thuyết:

  • Là những chi tiết, hình ảnh kì lạ, hoang đường, là sản phẩm của trí tưởng tượng và nghệ thuật hư cấu dân gian
  • Thường được sử dụng khi cần thể hiện sức mạnh của nhân vật truyền thuyết, phép thuật của thần linh
  • Thể hiện nhận thức, tình cảm của nhân dân đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử

2. Truyện cổ tích

  • Khái niệm: là loại truyện kể dân gian, kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật. Thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên ước mơ về 1 xã hội công bằng tốt đẹp.
  • Cốt truyện cổ tích: thường có yếu tố hoang đường, kì ảo, mở đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa” và kết thúc có hậu.
  • Cách kể: các sự kiện trong truyện cổ tích thường được kể theo trình tự thời gian
  • Kiểu nhân vật truyện cổ tích: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh… Với phẩm chất được thể hiện qua hành động cụ thể.

3. Thơ lục bát

  • Khái niệm: là thể thơ có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. 1 cặp câu lục bát gồm 1 dòng 6 tiếng (dòng lục) và 1 dòng thơ 8 tiếng (dòng bát)
  • Cách gieo vần: tiếng thứ 6 của dòng lục vần với tiếng thứ 6 của dòng bát; tiếng thứ 8 của dòng bát vần với tiếng thứ 6 của dòng lục tiếp theo.
  • Cách ngắt nhịp: thường ngắt nhịp chẵn như 2/2/2, 2/4/2, 4/4…

4. Truyện đồng thoại

Truyện đồng thoại là thể loại văn học dành cho thiếu nhi. Nhân vật trong truyện đồng thoại thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân hóa. Vì thế, chúng vừa phản ánh đặc điểm sinh hoạt của loài vật, vừa thể hiện đặc điểm của con người.

5. Kí

  • Kí là thể loại văn học coi trọng sự thật và những trải nghiệm, chứng kiến của chính người viết. Trong kí, có những tác phẩm thiên về kể sự việc như hồi kí, du kí… có những tác phẩm thiên về biểu cảm như tùy bút, tản văn.
  • Hồi kí chủ yếu kể lại những sự việc mà người viết đã từng tham dự hoặc chứng kiến trong quá khứ. Các sự việc trong hồi kí thường được kể theo trình tự thời gian, gắn với một hoặc nhiều giai đoạn trong cuộc đời của tác giả.
  • Du kí chủ yếu kể về những sự việc mới diễn ra hoặc đang diễn ra với các chặng đường trong hành trình tìm hiểu những vùng đất nước kì thú của Việt Nam và thế giới.
  • Nhân vật xưng “tôi” trong du kí là hình ảnh của tác giả.
  • Người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí (thường xưng “tôi”, “chúng tôi”) mang hình bóng của tác giả, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với tác giả. Bởi vì giữa tác giả và người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí luôn có những khoảng cách về tuổi tác, thời gian hay những khác biệt trong nhận thức, quan niệm…
  • Hình thức ghi chép và cách kể sự việc trong hồi kí: “ghi chép” hiểu theo cách thông thường, là việc chuẩn bị nguồn tư liệu về những điều có thật, đã xảy ra để viết nên tác phẩm. Tư liệu “ghi chép” để viết hồi kí phải đảm bảo độ xác thực, tin cậy. Nhưng “ghi chép”, hiểu cách khác cũng chính là viết, kể, sáng tác. Theo nghĩa này, người viết hồi kí không bê nguyên cái có thật, từng xảy ra ngoài đời vào văn bản mà phải ghi sao cho thành chuyện và kể sao cho hấp dẫn, sâu sắc.

B. Phần Thực hành Tiếng Việt

1 .Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy)

- Từ đơn: là từ gồm có 1 tiếng.

- Từ phức: là từ gồm 2 tiếng trở lên. Từ phức gồm từ ghép và từ láy:

  • Từ ghép là những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa
  • Từ láy là những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng

2. Thành ngữ

  • Thành ngữ: là 1 tập hợp từ cố định, quen dùng.
  • Nghĩa của thành ngữ là nghĩa của cả tập hợp từ, thường có tính hình tượng và biểu cảm.

3. Trạng ngữ

  • Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, giúp xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích… của sự việc nêu trong câu.
  • Phân loại: trạng ngữ chỉ thời gian, trạng ngữ chỉ nơi chốn, trạng ngữ chỉ nguyên nhân, trạng ngữ chỉ mục đích…

4. Lựa chọn từ ngữ phù hợp với việc thể hiện nghĩa của văn bản

- Cách lựa chọn từ ngữ phù hợp với việc thể hiện nghĩa của văn bản:

  • Xác định nội dung cần diễn đạt
  • Huy động các từ đồng nghĩa, gần nghĩa rồi lựa chọn từ ngữ có khả năng diễn đạt chính xác nhất nội dung muốn thể hiện
  • Chú ý khả năng kết hợp hài hòa giữa từ ngữ được chọn với những từ ngữ sử dụng trước và sai nó trong câu (đoạn) văn

- Tác dụng: giúp diễn đạt chính xác và hiệu quả điều mà người nói (viết) muốn thể hiện.

5. Ẩn dụ, hoán dụ

- Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.

- Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.

6. Cụm từ, cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ

- Cụm từ: Trong câu tiếng Việt, thành phần chính gồm có chủ ngữ (C) và vị ngữ (V).

- Chủ ngữ và vị ngữ của câu có thể chỉ là một từ (Ví dụ: Gà gáy, Hoa nở) nhưng cũng có thể là một cụm từ (Ví dụ: Con gà nhà tôi gáy rất to, Những bông hoa cúc nở vàng rực cả khu vườn).

- Cụm từ có hai từ trở lên kết hợp với nhau nhưng chưa tạo thành câu, trong đó có một từ (danh từ/động từ/tính từ) đóng vai trò là thành phần trung tâm, các từ còn lại bổ sung ý nghĩa cho thành phần trung tâm.

- Cụm từ đóng vai trò chủ ngữ và vị ngữ trong câu thường có những loại như:

  • Cụm danh từ có danh từ làm thành phần chính. Ví dụ: hai cái răng đen nhánh.
  • Cụm động từ có động từ làm thành phần chính. Ví dụ: thường dẫn tôi ra vườn.
  • Cụm tính từ có tính từ làm thành phần chính. Ví dụ: rất chăm chỉ.

- Cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ:

  • Biến chủ ngữ hoặc vị ngữ của câu từ một từ thành một cụm từ, có thể là cụm danh từ, cụm động từ hoặc cụm tính từ..
  • Biến chủ ngữ hoặc vị ngữ của câu từ cụm từ có thông tin đơn giản thành cụm từ có những thông tin cụ thể, chi tiết hơn.
  • Có thể mở rộng chủ ngữ hoặc vị ngữ, hoặc mở rộng cả chủ ngữ lẫn vị ngữ của câu.

=> Việc mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ làm cho thông tin của câu trở nên chi tiết, rõ ràng.

C. Phần Tập làm văn

1. Tóm tắt nội dung chính của một văn bản bằng sơ đồ

- Bước 1: Đọc kĩ văn bản cần tóm tắt:

  • Xác định văn bản gồm mấy phần hoặc mấy đoạn và quan hệ giữa các phần, các đoạn.
  • Tìm từ khóa (những từ được lặp lại nhiều lần, được in nghiêng, in đậm) và ý chính của từng phần hoặc đoạn.
  • Xác định nội dung chính của văn bản và hình dung cách vẽ sơ đồ.

- Bước 2: Tóm tắt văn bản bằng sơ đồ:

  • Dựa trên số phần hoặc số đoạn, xác định số ô hoặc số bộ phần cần có trong sơ đồ.
  • Chọn cách thể hiện sơ đồ tốt nhất (hình vẽ, mũi tên, các kí hiệu…) để trình bày nội dung chính của văn bản cần tóm tắt.

- Bước 3: Kiểm tra lại sơ đồ vẽ:

  • Việc thể hiện các ý chính của văn bản cần tóm tắt trên sơ đồ đã đủ và rõ chưa?
  • Cách thể hiện trên sơ đồ về các phần, đoạn, ý chính và quan hệ giữa chúng trong văn bản gốc cần tóm tắt đã phù hợp chưa?

2. Viết bài văn kể lại một truyện cổ tích

* Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết:

- Xác định đề tài: Em cần đọc kĩ đề bài để xác định:

  • Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì?
  • Kiểu bài mà đề yêu cầu là gì?

- Thu thập tư liệu: Em hãy tìm đọc truyện cổ tích. Trong những truyện đó, truyện nào gây cho em ấn tượng sâu sắc nhất, có nhân vật đáng nhớ nhất, có cốt truyện thú vị nhất?

* Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý:

- Tìm ý: Em hãy đọc kĩ truyện đã chọn và trả lời câu hỏi dưới đây:

  • Truyện có tên là gì? Vì sao em chọn kể lại truyện này?
  • Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện như thế nào?
  • Truyện có những nhân vật nào?
  • Truyện gồm những sự việc nào? Các sự việc xảy ra theo trình tự nào?
  • Truyện kết thúc như thế nào?
  • Cảm nghĩ của em về truyện?

- Lập dàn ý: Sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý hoàn chỉnh.

* Bước 3: Viết bài: Dựa vào dàn ý, viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết cần đảm bảo thể hiện được các đặc điểm của kiểu bài kể lại một truyện cổ tích.

* Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm: Xem lại và chỉnh sửa: Sau khi viết xong, kiểm tra lại bài viết và rút kinh nghiệm.

3. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát

* Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết:

- Xác định đề tài:

  • Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì?
  • Kiểu bài nào? Độ dài của đoạn vẫn là bao nhiêu?

- Thu thập tư liệu:

  • Cần tìm những thông tin nào?
  • Tìm những thông tin ấy ở đâu?
  • Em có thể tìm và chọn một bài thơ lục bát mà em yêu thích hoặc có cảm xúc đặc biệt để viết.

* Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý:

- Tìm ý:

  • Đọc diễn cảm bài thơ vải lần để cảm nhận âm thanh, vải, nhịp điệu của bài thơ vả xác định những cảm xúc mà bài thơ đã gợi cho em,
  • Tim và xác định ý nghĩa của những từ ngữ, hình ảnh độc đáo, những biện pháp tu tử mà tác giả bài thơ sử dụng
  • Xác định chủ đề của bài thơ
  • Lý giải vì sao em có cảm xúc đặc biệt với bài thơ.
  • Viết nhanh dưới dạng cụm từ thể hiện những ý tưởng trên.

- Lập dàn ý:

  • Mở đoạn giới thiệu cảm xúc chung về bài thơ lục bát.
  • Thân đoạn trình bày chi tiết cảm xúc của bản thân về bài thơ lục bát.
  • Kết đoạn khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.

* Bước 3: Viết đoạn: Dựa vào dàn ý, viết một đoạn vẫn hoàn chỉnh. Khi viết, cần bảo đảm các yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát.

* Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm:

  • Chỉnh sửa chính tả, lỗi dùng từ (nếu có)
  • Đọc lại đoạn văn của em để xem xét lại những cảm xúc, tình cảm mà em đã chuyển tải.

4. Kể lại một trải nghiệm của bản thân

* Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết:

- Xác định đề tài: Em có thể hồi tưởng về những kỉ niệm đáng nhớ, ví dụ:

  • Một kỉ niệm sâu sắc với gia đình, bạn bè.
  • Một lỗi lầm của bản thân.
  • Khám phá một vùng đất hoặc quyển sách mới,...

- Thu thập tư liệu: Em hãy tìm tư liệu cho bài viết bằng một số cách sau:

  • Nhớ lại những sự việc, trải nghiệm đã để lại cho em kỉ niệm sâu sắc.
  • Đọc lại câu chuyện Bài học đường đời đầu tiên, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ để học lại cách các tác giả kể lại trải nghiệm của họ.
  • Tìm những hình ảnh có liên quan đến câu chuyện.

* Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý:

- Tìm ý:

  • Không gian, thời gian xảy ra câu chuyện.
  • Trình tự các sự việc, kết quả.
  • Ý nghĩa của trải nghiệm.
  • Kết hợp kể và tả.

- Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện sẽ được kể.

+ Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện.

  • Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện và những nhân vật có liên quan.
  • Kể lại các sự việc trong câu chuyện.

+ Kết bài: Kết thúc của câu chuyện và cảm xúc của người viết.

* Bước 3: Viết bài:

- Viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết cần đảm bảo các yêu cầu đối với kiểu bài Kể lại một trải nghiệm của bản thân.

* Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm:

- Chỉnh sửa bài viết theo 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài:

+ Mở bài:

  • Dùng ngôi thứ nhất để kể.
  • Giới thiệu sơ lược về trải nghiệm.
  • Dẫn dắt chuyển ý, gợi sự tò mò, hấp dẫn với người đọc.

+ Thân bài:

  • Trình bày chi tiết về thời gian, không gian, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.
  • Trình bày chi tiết những nhân vật liên quan.
  • Trình bày các sự việc theo trình tự hợp lí, rõ ràng.
  • Kết hợp kể và tả.

+ Kết bài: Nêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân.

- Rút kinh nghiệm để bài viết được viết tốt hơn.

5. Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt

a. Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết:

* Xác định đề tài, ví dụ:

  • Cảnh sum họp của gia đình em trong ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, tết.
  • Cảnh thu hoạch ngày mùa.
  • Cảnh mua bán trong một siêu thị.
  • Cảnh sân trường trong giờ ra chơi.

* Thu thập tư liệu: Tư liệu liên quan đến cảnh sinh hoạt mà em miêu tả có thể thu thập từ những nguồn khác nhau, bao gồm tài liệu thực tế và tài liệu lưu trữ.

b. Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý:

* Tìm ý:

  • Xác định một số định hướng chung như: quan sát đối tượng miêu tả từ khoảng cách gần hay xa; nên miêu tả theo trình tự nào, cần tập trung khắc họa các hình ảnh nào,...
  • Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.
  • Quan sát lại không gian nơi diễn ra cảnh sinh hoạt mà em sẽ miêu tả, nếu có điều kiện.
  • Đọc lại Lao xao ngày hè, Thương nhớ bầy ong,... và bài văn ở mục Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản để tham khảo cách quan sát, tả cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt.

* Lập dàn ý:

- Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt được tả.

- Thân bài:

  • Tả cảnh sinh hoạt chung bằng một cái nhìn bao quát.
  • Tả một số hình ảnh cụ thể, nổi bật ở cự li gần.
  • Tả sự thay đổi của sự vật của bức tranh sinh hoạt trong thời gian, không gian.

- Kết bài: Phát biểu cảm nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.

c. Bước 3: Viết bài:

- Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài. Riêng thân bài nên viết hai đến ba đoạn. Giữa các đoạn nên dùng các từ chuyển tiếp phù hợp để thể hiện được sự thay đổi của cảnh sinh hoạt theo thời gian hoặc theo vị trí, góc độ quan sát. Trong khi tả cảnh, có thể kết hợp thể hiện cảm nhận của bản thân.

d. Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm:

* Xem lại và chỉnh sửa:

  • Tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết.
  • Tiếp theo, hãy đọc chậm bài viết của mình một lần nữa, bổ sung những nội dung còn thiếu và sửa các lỗi chính tả, dùng từ ngữ, viết câu.

* Rút kinh nghiệm:

  • Việc viết bài văn này giúp em có thêm kinh nghiệm gì trong cách quan sát cảm nhận cuộc sống con người và cảnh vật?
  • Nếu được thực hiện lại bài viết này, em sẽ điều chỉnh thế nào để bài viết tốt hơn?

2. Đề cương học kì 1 môn Ngữ văn 6 sách Kết nối tri thức

A. Phần văn bản

1. Thể loại

a. Truyện và truyện đồng thoại

- Khái niệm:

  • Truyện: là loại tác phẩm văn học kể lại 1 câu chuyện, có cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn ra các sự kiện.
  • Truyện đồng thoại là truyện viết ra cho trẻ em, có nhân vật thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân cách hóa. Các nhân vật này vừa mang những đặc tính vốn có của loài vật hoặc đồ vật, vừa mang đặc điểm của con người.

- Cốt truyện: là yếu tố quan trọng của truyện kể, gồm các sự kiện chính được sắp xếp theo một trật tự nhất định, có mở đầu, diễn biến và kết thúc.

- Người kể chuyện: là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện. Gồm có hai kiểu người kể chuyện thường gặp:

  • Người kể chuyện ngôi thứ nhất: xưng “tôi”, trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm
  • Người kể chuyện ngôi thứ ba (người kể chuyện giấu mình): không tham gia và câu chuyện, nhưng có khả năng biết hết mọi chuyện.

- Lời người kể chuyện: thuật lại các sự việc trong câu chuyện, bao gồm cả việc thuật lại mọi hoạt động của nhân vật và miêu tả bối cảnh không gian, thời gian của các sự việc, hoạt động ấy.

- Lời nhân vật: là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại), có thể được trình bày tách riêng hoặc xen lẫn với lời người kể chuyện.

* Miêu tả nhân vật trong truyện kể

- Ngoại hình: dáng vẻ bên ngoài của nhân vật, gồm thân hình gương mặt, ánh mắt, làm da, mái tóc, trang phục…

- Hành động: những cử chỉ, việc làm thể hiện cách ứng xử của nhân vật với bản thân và thế giới xung quanh

- Ngôn ngữ: lời nói của nhân vật, được xây dựng ở cả hai hình thức đối thoại và độc thoại

- Thế giới nội tâm: những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật

b. Thơ

Một số đặc điểm của thơ:

- Được sáng tác theo thể thơ nhất định với những đặc điểm riêng về số tiếng mỗi dòng, số dòng thơ trong mỗi bài. Ví dụ:

  • Thơ lục bát: gồm các cặp thơ gồm 1 câu lục (6 tiếng) và 1 câu bát (8 tiếng)
  • Thơ thất ngôn bát cú: gồm 8 dòng thơ, mỗi dòng có 7 tiếng
  • Thơ thất ngôn tứ tuyệt: gồm 4 dòng thơ, mỗi dòng có 7 tiếng
  • Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt: gồm 4 dòng thơ, mỗi dòng có 5 tiếng

- Ngôn ngữ: cô đọng, giàu nhạc điệu và hình ảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ…)

- Nội dung: chủ yếu là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc sống

- Các yếu tố trong thơ:

  • Yếu tố tự sự (kể lại 1 sự việc, câu chuyện)
  • Yếu tố miêu tả (tái hiện những đặc điểm nổi bật của đối tượng)

→ Cả 2 yếu tố này chỉ là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

2. Văn bản

- Yêu cầu: tóm tắt, chỉ ra nội dung chính, nhân vật chính, người kể chuyện, đặc điểm của nhân vật, tác giả, xuất xứ của từng văn bản đã học.

- Các văn bản đã học: Bài học đường đời đầu tiên, Nếu cậu muốn có một người bạn, Chuyện cổ tích về loài người, Mây và sóng, Bức tranh của em gái tôi, Cô bé bán diêm, Gió lạnh đầu mùa.

B. Phần thực hành tiếng Việt

1. Từ đơn và từ phức

- Từ đơn: từ chỉ có 1 tiếng

- Từ phức: là từ có 2 tiếng trở lên. Phân thành 2 loại:

  • Từ ghép: từ phức được tạo nên bằng cách ghép các tiếng, giữa các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa
  • Từ láy: từ phức mà các tiếng chỉ có quan hệ với nhau về âm (lặp lại âm đầu, vần hoặc lặp lại cả âm đầu và vần)

2. Ẩn dụ

Là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó, nhằm tăng khả năng gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

3. Mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ

- Tác dụng khi dùng cụm từ làm thành phần chính của câu: giúp câu cung cấp nhiều thông tin hơn cho người đọc, người nghe.

- Các cụm từ tiêu biểu: cụm danh từ, cụm tính từ, cụm động từ:

  • Cụm danh từ gồm danh từ và 1 hoặc 1số từ ngữ khác bổ sung nghĩa cho danh từ
  • Cụm động từ gồm danh từ và 1 hoặc 1số từ ngữ khác bổ sung nghĩa cho động từ
  • Cụm tính từ gồm danh từ và 1 hoặc 1số từ ngữ khác bổ sung nghĩa cho tính từ

C. Phần tập làm văn

1. Viết kết nối với đọc

Đề 1: Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) trình bày cảm nhận của em về nhân vật hoàng tử bé hoặc nhân vật cáo. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất 2 từ ghép và 2 từ láy.

Đề 2: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) thể hiện cảm xúc của em về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người.

Đề 3: Có nhiều nhân vật trẻ em xuất hiện trong truyện Gió lạnh đầu mùa. Hãy viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) trình bày cảm nhận về một nhân vật mà em yêu thích.

Đề 4: Hãy tưởng tượng và viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) về cảnh cô bé bán diêm gặp lại người bà của mình, trong đoạn văn có ít nhất một cụm danh từ làm thành phần chủ ngữ của câu.

2. Tập làm văn

Đề 1: Viết bài văn kể lại kỷ niệm của em trong ngày đầu tiên vào lớp 6.

Đề 2: Viết bài văn kể lại trải nghiệm của em về một chuyến đi chơi xa.

Đề 3: Tuổi học trò chắc chắn ai ai cũng đều có bên mình những người bạn và sẽ không thể nào quên những kỉ niệm hồn nhiên, ngây thơ, vui buồn…cùng bè bạn. Hãy viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ với người bạn tuổi thơ của em.

D. Một số đề thi cuối kỳ I tham khảo

Đề 1:

A. Đọc – hiểu văn bản (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau đây rồi trả lời các câu hỏi:

ĐOM ĐÓM VÀ GIỌT SƯƠNG

Tối hôm ấy không có trăng nhưng bầu trời đầy sao sáng. Đom Đóm bay từ bụi tre ngà ra ruộng lúa. Cây đèn của Đom Đóm cứ chớp lên trong đêm, trông đẹp như ngôi Sao Hôm đang nhấp nháy. Đom Đóm sà xuống ruộng lúa bắt mấy con Rầy Nâu để ăn lót dạ. Sau đó, cậu ta bay lên một gò cao, đậu lên một bông cỏ may, vừa hóng gió thu về đêm, vừa làm cho cây đèn của mình sáng thêm. Bỗng Đom Đóm nhìn sang bên cạnh, thấy cô bạn Giọt Sương đang đung đưa trên lá cỏ. Đom Đóm thầm nghĩ: “Ôi! Bạn Giọt Sương thật là xinh đẹp!”. Rồi Đom Đóm cất cánh bay quanh Giọt Sương. Lạ thật, càng đến gần Giọt Sương, Đom Đóm càng thấy giọt sương đẹp hơn. Đom Đóm cất tiếng:

- Chào bạn Giọt Sương, trông bạn lung linh, toả sáng như một viên ngọc vậy!

Giọt Sương dịu dàng nói:

- Bạn Đom Đóm ơi! Mình sáng đẹp thế này là vì mình phản chiếu ánh sáng từ các ngôi sao trên bầu trời, có khi còn mờ hơn ánh sáng cây đèn của bạn. Mình nghĩ bạn mới là người đẹp nhất vì bạn sáng lên được từ chính bản thân mình. Bạn thật đáng tự hào!

Đom Đóm nói:

- Bạn Giọt Sương khiêm tốn quá! Nhưng mình xin cảm ơn bạn về những lời tốt đẹp bạn dành cho mình. Thôi, chào bạn! Mình đi bắt bọn Rầy Nâu hai lúa đây! Đom Đóm bay đi, Giọt Sương còn nói với theo, giọng đầy khích lệ:

- Xin chúc bạn làm tròn nhiệm vụ của mình để đồng ruộng thêm tươi tốt nhé!

(Truyện ngụ ngôn)

Câu 1: Văn bản trên có đặc điểm giống với thể loại nào mà các em đã được học? Văn bản được kể lại theo ngôi thứ mấy?

Câu 2: Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong văn bản trên? Biện pháp tu từ đó đã đem lại những hiệu quả gì?

Câu 3: Nêu nội dung chính của văn bản phần đọc hiểu.

B. Tự luận (7.0 điểm)

Câu 1: Từ nội dung của văn bản trên, em rút ra cho mình những bài học gì trong các mối quan hệ, ứng xử với bạn bè xung quanh (viết đoạn văn 5-7 dòng).

Câu 2: Tuổi học trò chắc chắn ai ai cũng đều có bên mình những người bạn và sẽ không thể nào quên những kỉ niệm hồn nhiên, ngây thơ, vui buồn…cùng bè bạn. Hãy viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ với người bạn tuổi thơ của em.

Đề 2:

A. Đọc – hiểu văn bản (3 điểm)

Đọc đoạn thơ sau rồi trả lời các câu hỏi:

Dòng sông mới điệu làm sao
Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha
Trưa về trời rộng bao la
Áo xanh sông mặc như là mới may
Chiều trôi lơ lửng đám mây
Cài lên màu áo hây hây ráng vàng

(Dòng sông mặc áo, Nguyễn Trọng Tạo)

Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Đặc điểm nào giúp em nhận ra thể thơ đó?

Câu 2: Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên và nêu tác dụng.

Câu 3: Nội dung của đoạn thơ trên là gì?

B. Tự luận (7 điểm)

Câu 1: Viết đoạn văn ngắn (5 – 7 dòng) nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên.

Câu 2: Kể lại kỉ niệm ngày đầu tiên em vào lớp 6.

3. Đề cương học kì 1 môn Ngữ văn 6 Cánh diều

Phần 1: Đọc hiểu văn bản

Câu 1: Thống kê tên các thể loại, kiểu văn bản và tên văn bản cụ thể đã học trong sách Ngữ văn 6, tập 1.

- Văn bản văn học:

  • Truyện (Truyền thuyết và Cổ tích): Thánh Gióng; Sự tích Hồ Gươm; Thạch Sanh
  • Thơ lục bát: À ơi tay mẹ (Bình Nguyên); Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương).
  • Kí (Hồi kí và Du kí): Trong lòng mẹ (Nguyên Hồng); Đồng Tháp Mười mùa nước nổi (Văn Công Hùng); Thời thơ ấu của Hon -đa (Hon -đa Sô-i-chi-rô)

- Văn bản nghị luận: Nguyên Hồng - nhà văn của những người cùng khổ (Nguyễn Đăng Mạnh); Vẻ đẹp của một bài ca dao (Hoàng Tiến Tựu); Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước (Bùi Mạnh Nhị);

- Văn bản thông tin: Hồ Chí Minh và “Tuyên ngôn độc lập (Bùi Đình Phong); Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ;Giờ Trái Đất.

Câu 2: Nêu nội dung chính của các văn bản đọc hiểu trong sách Ngữ văn 6, tập 1 theo bảng sau:

Loại

Tên văn bản

Nội dung chính

Văn bản văn học

- Thánh Gióng.

- Thạch Sanh.

- Sự tích Hồ Gươm.

- À ơi tay mẹ

(Bình Nguyên)

- Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương)

- Trong lòng mẹ (Nguyên Hồng)

- Đồng Tháp Mười mùa nước nổi (Văn Công Hùng)

- Thời thơ ấu của Hon-đa (Hon -đa Sô-i-chi-rô)

- Hình tượng Thánh Gióng với nhiều màu sắc thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời là sự thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm.

- Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và chống quân xâm lược. Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta.

- Truyện Sự tích hồ Gươm ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỉ XV. Truyện cũng nhằm giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc.

- À ơi tay mẹ (Bình Nguyên) là bài thơ bày tỏ tình cảm của người mẹ với đứa con nhỏ bé của mình. Qua hình ảnh đôi bàn tay và những lời ru, bài thơ đã khắc họa thành công một người mẹ Việt Nam điển hình: vất vả, chắt chiu, yêu thương, hi sinh...đến quên mình.

- Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương) là bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình. Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiện hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con.

- Đoạn trích Trong lòng mẹ (Nguyên Hồng) đã kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng, tủi cực cùng tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn thời thơ ấu đối với người mẹ bất hạnh.

- Qua văn bản Đồng Tháp Mười mùa nước nổi (Văn Công Hùng), tác giả đã kể về trải nghiệm của bản thân khi được đến vùng đất Đồng Tháp Mười. Đó là một chuyến thú vị, tác giả đã được tìm hiểu nhiều hơn về cảnh vật, thiên nhiên, di tích, ẩm thực và cả con người nơi đây.

- Đoạn kí Thời thơ ấu của Hon-đa (Hon -đa Sô-i-chi-rô) kể về tuổi thơ sớm nhận ra hứng thú của Hon-đa với máy móc, kĩ thuật. Đồng thời, tác phẩm cũng nêu lên ước mộng của tác giả, một trong những yếu tố liên quan đến sự nghiệp của ông sau này.

Văn bản nghị luận

- Nguyên Hồng - nhà văn của những người cùng khổ (Nguyễn Đăng Mạnh)

- Vẻ đẹp của một bài ca dao (Hoàng Tiến Tựu)

- Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước (Bùi Mạnh Nhị)

- Qua Nguyên Hồng - nhà văn của những người cùng khổ, Nguyễn Đăng Mạnh đã chứng minh Nguyên Hồng là nhà văn nhạy cảm, khao khát tình yêu thường và đồng cảm với phụ nữ, trẻ em, người lao động và người dân nghèo. Sự đồng cảm và tình yêu đặc biệt ấy xuất phát từ chính hoàn cảnh xuất thân và môi trường sống của ông.

- Qua Vẻ đẹp của một bài ca dao, Hoàng Tiến Tựu đã nêu lên ý kiến của mình về vẻ đẹp cũng như bố cục của một bài ca dao. Qua đó thể hiện khả năng lập luận xuất sắc của tác giả.

- Qua văn bản Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước, Bùi Mạnh Nhị đã chứng minh rằng Thánh Gióng là một tác phẩm thành công, tiêu biểu viết về lòng yêu nước của dân tộc.

Văn bản thông tin

- Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Độc lập.

- Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Giờ Trái Đất.

- Văn bản Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Độc lập đã cung cấp đầy đủ thông tin về sự kiện ra đời bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ cung cấp thông tin về trận chiến lịch sử dân tộc ta.

- Giờ Trái Đất đã cung cấp đầy đủ thông tin về nguyên nhân, sự hình thành và phát triển của chiến dịch này.

Câu 3: Nêu những điểm cần chú ý về cách đọc truyện (truyền thuyết, cổ tích), thơ (lục bát) và kí (hồi kí, du kí)

Thể loại

Chú ý về cách đọc

Truyện (truyền thuyết, truyện cổ tích)

- Nhận biết được văn bản kể chuyện gì, có những nhân vật nào, ai là người được chú ý nhất, những chi tiết nào đáng nhớ.

- Nắm được trình tự diễn ra của các sự việc và mối quan hệ của các sự việc ấy; mở đầu và kết thúc truyện có gì đặc biệt,..

- Nhận biết được chủ đề của truyện, chỉ ra được sự liên quan của chủ đề ấy với cuộc sống hiện nay của bản thân các em.

Thơ

- Nhận biết được một số yếu tố hình thức nổi bật của bài thơ (nhan đề, dòng thơ, khổ thơ, vần và nhịp, hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ,...)

- Hiểu được bài thơ là lời của ai? nói về ai, về điều gì? ; nói bằng cách nào; cách nói ấy có gì độc đáo, đáng nhớ.

- Chỉ ra được tình cảm, cảm xúc của người viết và những tác động của chúng đến suy nghĩ và tình cảm người đọc.

(Hồi kí, du kí)

- Nhận biết được văn bản kể về ai và sự việc gì; những chi tiết nào của bài kí mang tính xác thực;...

- Chỉ ra được hình thức ghi chép của bài kí; ngôi kể và tác dụng của ngôi kể thường dùng trong kí.

- Chỉ ra những câu, đoạn trong bài kí thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của tác giả, nhận biết được tác dụng của những suy nghĩ và cảm xúc ấy đối với người đọc.

Câu 4: Theo em, trong sách Ngữ văn 6, tập 1 có những nội dung nào gần gũi và có tác dụng với đời sống hiện nay và với chính bản thân em? Hãy nêu lên một văn bản và làm sáng tỏ điều đó.

Theo em, trong sách Ngữ văn 6, tập 1, nội dung em thấy gần gũi và có tác dụng với đời sống hiện nay và với chính bản thân chính là văn bản về giờ trái đất, bởi văn bản này khuyến khích một cộng đồng toàn cầu hãy liên kết với nhau để chia sẻ những cơ hội và thách thức của việc tạo ra một thế giới phát triển bền vững. Chiến dịch Giờ Trái Đất góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giảm thiểu khí thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Phần 2: Viết

Câu 5: Thống kê tên các kiểu văn bản và yêu cầu luyện viết các kiểu văn bản đó trong sách Ngữ văn 6, tập 1 theo mẫu sau:

  • Viết được bài hoặc đoạn văn kể về một kỉ niệm của bản thân.
  • Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.
  • Tập làm thơ lục bát.
  • Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ.
  • Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự việc.

Câu 6: Nêu các bước tiến hành một văn bản, chỉ ra nhiệm vụ của mỗi bước:

Thứ tự các bước

Nhiệm vụ cụ thể

Bước 1: Chuẩn bị

- Thu thập, lựa chọn tư liệu và thông tin về vấn đề sẽ viết.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết và phát triển các ý bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi, sắp xếp các ý có một bố cục rành mạch, hợp lí.

- Lập dàn bài ( có thể bằng sơ đồ tư duy) đầy đủ 3 bước: Mở bài, thân bài, kết bài.

Bước 3: Viết

Diễn đạt các ý đã ghi trong bố cục thành những câu, đoạn văn chính xác, trong sáng, có mạch lạc và liên kết chặt chẽ với nhau.

Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa

Kiểm tra lại văn bản để xem có đạt các yêu cầu đã nêu chưa và cần sửa chữa gì không.

Câu 7: Nêu tác dụng của việc tập làm thơ lục bát và tập viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân.

- Tác dụng của làm thơ theo thể thơ lục bát để nắm được cách gieo vần và phối thanh, ngắt nhịp giản dị mà biến hoá vô cùng linh hoạt, phong phú và đa dạng trong khả năng diễn tả thể hiện sức sống mãnh liệt, mang đậm vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.

- Tập viết bài văn kể một kỉ niệm của bản thân để rèn luyện kĩ năng viết văn bản tự sự kể chuyện giúp các em tập cách diễn đạt kể chuyện, sử dụng ngôn ngữ phù hợp trong sáng để diễn tả lại điều muốn kể kể cả trong văn viết và văn nói.

Phần 3: Nói và nghe

Câu 8: Nêu các nội dung chính được rèn luyện trong kĩ năng nói và nghe ở sách Ngữ văn 6, tập 1. Các nội dung nói và nghe liên quan gì đến nội dung đọc hiểu và viết?

  • Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.
  • Kể về một trải nghiệm đáng nhớ.
  • Kể về một kỉ niệm của bản thân.
  • Trình bày ý kiến về một vấn đề.
  • Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử.

→ Học nói nghe sẽ giúp chúng ta rèn luyện kĩ năng tiếp thu nội dung thông tin cả về thái độ và tình cảm khi nghe và nói, vận dụng vào trong bài viết của mình và rút được bài học khi đọc hiểu vấn đề.

Phần 4: Tiếng Việt

Câu 9: Liệt kê tên các nội dung tiếng Việt được học thành mục riêng trong sách Ngữ văn 6, tập 1 theo bảng sau:

  • Bài 1: Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy).
  • Bài 2: Biện pháp tu từ, biện pháp tu từ ẩn dụ.
  • Bài 3: Từ đa nghĩa, từ đồng âm, từ mượn.
  • Bài 4: Thành ngữ; Dấu chấm phẩy.
  • Bài 5: Câu mở đầu bằng trạng ngữ chỉ thời gian; Mở rộng vị ngữ.

Gameshow Rung chuông vàng mini

Bước 1: GV giới thiệu luật chơi:

Mỗi HS sẽ được phát 3 tờ giấy nhớ (loại nhỏ) với 3 màu sắc khác nhau: xanh - vàng - hồng (tương với với 3 đáp án của mỗi câu hỏi theo quy định).

- HS cả lớp sẽ đứng tại chỗ để cùng tham gia trò chơi.

- GV lần lượt đọc các câu hỏi. Sau khi GV đọc xong câu hỏi, HS có 5s để giơ tờ giấy nhớ tương ứng đáp án

- HS nào trả lời sai câu hỏi sẽ tự động ngồi xuống, không được tham gia trả lời câu hỏi tiếp theo.

- Hết 10 câu hỏi, (những) HS nào còn đứng (trả lời được hết 10 câu hỏi) sẽ giành được phần thưởng.

Bước 2: GV đề nghị HS gấp toàn bộ sách và vở lại, đứng tại chỗ để tham gia Gameshow.

GV trình chiếu câu hỏi, HS trả lời câu hỏi bằng tờ giấy nhớ quy định đáp án theo màu sắc:

Câu 1: Tác phẩm nào sau đây không phải truyền thuyết?

A. Bánh trưng, bánh giầy

B. Con Rồng cháu Tiên

C. Sọ Dừa

D. Sự tích hồ gươm

Câu 2: Vật nào không có trong câu nói của Gióng với sứ giả?

A.Ngựa sắt

B. Mũ sắt

C. Roi sắt

D. Áo giáp sắt

Câu 3: Thể loại cổ tích có điểm gì khác biệt so với truyền thuyết?

A. Kể về cuộc đời của một số nhân vật: nhân vật tài năng, nhân vật thông minh, người đội lốt vật...

B. Viết về một sự kiện hoặc nhân vật liên quan đến sự kiện lịch sử.

C. Không có chi tiết hoang đường.

D. Không có chi tiết kì ảo.

Câu 4: Đặc điểm nào sau đây không đúng với thể thơ lục bát?

A. Số tiếng trong dòng thơ cố định.

B. Thường gieo vần chân và vần lưng, thường ngắt nhịp lẻ

C. Thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam.

D. Thường gieo vần chân và vần lưng, thường ngắt nhịp chẵn

Câu 5: Điền vào chỗ trống trong câu ca dao sau;

“Cần Thơ gạo trắng nước…(1)
Ai đi đến đó…(2) không muốn về”

A. (1) xanh; (2) thì

B. (1) trong; (2) hồn

C. (1) trong ; (2) lòng

D. (1) trong; (2) thì

....

>> Tải file để tham khảo toàn bộ đề cương Ngữ văn 6

Liên kết tải về

zip Đề cương ôn thi học kì 1 môn Ngữ văn 6 năm 2023 - 2024 (Sách mới)

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK