Mới đây, một số các tỉnh thành như Bắc Ninh, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang… đã đồng loạt khai trương các trung tâm hành chính công trên Zalo. Điều này đã tạo nên rất nhiều thuận lợi cho người dân cũng như các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục này. Đây cũng chính là mô hình chính quyền 4.0 đang được phát triển và nhân rộng trên cả nước trong thời gian vừa qua.
Với sự thay đổi này, người dân ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam đã có thể tra cứu, theo dõi, nhận kết quả của nhiều thủ tục hành chính thông qua ứng dụng chat miễn phí này. Thậm chí, một số địa phương còn cho phép người dân nhận kết quả và giải quyết việc tranh chấp, khiếu nại thông qua Zalo.
Một số thủ tục mà hiện nay người dân có thể thực hiện và nhận kết quả thông qua Zalo, đó là:
- Đăng ký kết hôn
- Thủ tục, giấy tờ nhà đất
- Nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà
- Giấy đăng ký sử dụng đất
- Giấy phép xây dựng
- Đăng ký bổ sung hộ tịch
- Đăng ký biển số xe máy
- Nhập quốc tịch Việt Nam
- Thẩm định xếp hạng cho cơ sở lưu trú du lịch
- ...
Từ lâu, Zalo đã được sử dụng trong các hệ thống chính phủ của nhiều địa phương như một phương thức giao tiếp và liên lạc hiệu quả. Ngoài ra, phần mềm chat miễn phí này còn là công cụ đánh giá mức độ hài lòng của người dân với các cơ quan hành chính trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các vi phạm và thủ tục hành chính, cũng như thái độ với người dân trong quá trình làm việc.
Nói tới đây phải nhắc tới Bắc Ninh, vốn là tỉnh được đánh giá rất cao về quy hoạch hành chính, khi các đơn vị, tổ chức quản lý đều được tập trung ở một nơi hoặc nằm sát, gần nhau, tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn cho người dân cũng như các doanh nghiệp. Đây cũng là đơn vị đầu tiên đưa ứng dụng chat di động Zalo vào hệ thống quản lý như một kênh điều hành nội bộ của công chức, viên chức. Sắp tới đây, tỉnh cũng sẽ xây dựng thêm các kênh thông tin, chỉ đạo khác trên Zalo. Thông qua đó, các cán bộ, nhân viên sẽ được thông báo và biết khi nào có văn bản, công văn, giấy tờ, chứng từ... có liên quan đang cần xử lý.
Sau một thời gian hoạt động khá hiệu quả, hiện nay, ngoài Bắc Ninh còn có Đồng Nai, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang cũng đã hoàn thành các khâu tích hợp và giới thiệu dịch vụ này tới người dân. Và hiện cũng đang có thêm khoảng 20 tỉnh thành khác cũng đang trong quá trình xây dựng, kết nối hệ thống thủ tục vào ứng dụng chat trên điện thoại này và sẽ công khai mở rộng vào khoảng cuối năm nay.
Theo đánh giá của lãnh đạo các tỉnh, trong thời đại công nghệ tiên tiến như hiện nay, phát triển chính quyền điện tử là mục tiêu quan trọng và cần thiết. Việc thực hiện và thúc đẩy chính quyền điện tử nói chung, tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính nói riêng là cách tốt nhất để hạn chế tối đa chi phí, thời gian cho người dân cũng như nâng cao hiệu quả, chất lượng làm việc của công - viên chức.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Nhường - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, "Để việc ứng dụng Zalo trong cải cách hành chính đạt được hiệu quả cao nhất, các sở, ban, ngành cần quán triệt tới toàn bộ các cán bộ công nhân viên chức của mình, cài đặt Zalo và tăng cường sử dụng Zalo trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cũng như tương tác với người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Nội vụ cũng cần tham mưu các dự án cấp tỉnh, đưa kết quả ứng dụng Zalo trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp vào nội dung công tác thi đua hàng năm để đánh giá và khen thưởng".
Như vậy, có thể nói Zalo là ứng dụng chat miễn phí đầu tiên không chỉ là công cụ trò chuyện trên điện thoại, mà còn là phương tiện giúp thực hiện, tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính một cách hiệu quả, minh bạch, chính xác và thuận tiện. Đồng thời cũng là một kênh thông tin liên lạc, điều tra và quản lý, cải thiện mức độ hài lòng của người dân với hệ thống hành chính công và đẩy mạnh giao tiếp điện tử, chính quyền điện tử trong thời đại 4.0 này.