Dàn ý phân tích thơ chi tiết nhất

Dàn ý phân tích bài thơ, đoạn thơ

Lập dàn ý phân tích thơ chi tiết

Phân tích bài thơ, đoạn thơ là một trong những dạng văn cơ bản mà các em được học từ chương trình lớp 6 và học kĩ ở lớp 9, 10, 11, 12. Tuy nhiên nhiều em vẫn chưa biết cách lập dàn ý, phân tích thơ như thế nào cho hay, đủ ý. Vì thế hãy cùng Download.vn theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Phương pháp phân tích đoạn thơ, bài thơ là phân tích những từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, giọng điệu, biện pháp tu từ... được sử dụng trong bài thơ để từ đó làm nổi bật những tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm. Qua đó giúp chúng ta cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ đó. Đồng thời thấy được tài năng, sự sáng tạo, độc đáo của tác giả trong việc lựa chọn những hình ảnh, từ ngữ. Vậy dưới đây là TOP 4 dàn ý phân tích thơ hay chi tiết nhất mời các bạn cùng đón đọc nhé.

Các bước phân tích một bài thơ, đoạn thơ, câu thơ

Cách 1

Bước 1: Tìm hiểu đề (xác định yêu cầu của đề bài)

Xác định yêu cầu đề bài là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng không thể bỏ qua khi làm bài phân tích bài thơ, đoạn thơ cũng như với tất cả các dạng bài tập làm văn khác.

* Khi phân tích bài thơ, đoạn thơ các em cần đọc kĩ đề bài để xác định yêu cầu của đề bài gồm có:

- Bài thơ ấy cần phần tích (Đặc biệt chú ý đến: tên bài thơ, tác giả)

- Đối tượng cần phân tích:

  • Xét về hình thức: câu thơ, khổ thơ hay bài thơ
  • Xét về nội dung: nội dung chính, hình ảnh trong bài thơ, cảm xúc của nhân vật trữ tình…

=> Khi đã xác định được yêu cầu của đề bài, việc phân tích và triển khai nội dung bài viết của các em cũng được tập trung, bám sát đề và dễ “ăn” điểm hơn.

* Ví dụ: Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Qua tìm hiểu đề, ta xác định được:

  • Bài thơ cần phân tích: Bài thơ về tiểu đội xe không kính
  • Tác giả: Phạm Tiến Duật
  • Đối tượng cần phân tích: Hình tượng chiếc xe không kính

Bước 2: Lập dàn ý

Việc lập dàn ý cho bài phân tích không chỉ giúp các em ghi lại những ý tưởng, nội dung cho bài phân tích mà còn hỗ trợ trực tiếp cho quá trình viết bài. Dựa vào dàn ý đã xây dựng, các em có thể triển khai bài phân tích theo đúng dự kiến/ý tưởng ban đầu. Từ đó có thể đảm bảo đúng và đủ ý, cũng như tính mạch lạc, thống nhất của bài viết.

* Cấu trúc dàn ý:

  • Mở bài: Giới thiệu về đối tượng cần phân tích (Có thể giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp - nhưng cần giới thiệu đúng vấn đề cần phân tích).
  • Thân bài: Triển khai nội dung bài phân tích.
  • Kết bài: Đánh giá bài thơ, đoạn thơ hoặc trình bày khái quát cảm nhận về bài thơ, đoạn thơ ấy.

Dàn ý phân tích thơ - Mẫu 1

I. Mở bài:

– Giới thiệu sơ lược về tác giả: tên tuổi, bút danh, vị trí trong nền văn học, chủ đề sáng tác, phong cách sáng tác, những đóng góp của tác giả đối với phong trào văn học, giai đoạn văn học và nền văn học dân tộc.

– Giới thiệu tổng quát về bài thơ: hoàn cảnh xuất xứ, đại ý, nội dung chính của đoạn thơ/bài thơ. Dẫn vào đoạn thơ, bài thơ cần phân tích: trích lại bài thơ (nếu ngắn) còn khổ thơ thì phải ghi lại tất cả.

II. Thân bài:

– Khái quát về vị trí trích đoạn hoặc bố cục, mạch cảm xúc chủ đạo của khổ thơ, bài thơ.

– Giới thiệu vấn đề nghị luận và phương hướng nghị luận.

– Phân tích bài thơ/đoạn thơ: trích thơ rồi lần lượt phân tích những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, v.v…. trong từng câu thơ, giải mã đúng từ ngữ, hình ảnh đó để giúp người đọc cảm thấy được những cái hay, cái đặc sắc về nội dung, nghệ thuật cảu bài thơ.

Lưu ý: Nên phân tích từ nghệ thuật đến nội dung, khi phân tích phải dựa vào từ ngữ có trong bài thơ, hoàn cảnh ra đời, phong cách sáng tác của tác giả để tránh suy diễn miên man, không chính xác, cụ thể:

* Phân tích khổ thơ thứ nhất :

+ Nêu nội dung chính của khổ thơ thứ nhất:

(Trích thơ…)

+ Áp dụng các thủ pháp phân tích thơ để phân tích những hình ảnh, từ ngữ, biện pháp nghệ thuật tu từ, nhịp điệu, v.v. trong từng câu thơ; giải mã những từ ngữ, hình ảnh đó có ý nghĩa gì, nó hay, đặc sắc ở chỗ nào.

+ Liên hệ, so sánh với những bài thơ cùng chủ dề.

+ Chuyển sang khổ thứ hai.

* Phân tích khổ thơ thứ hai:

+ Cách làm bốn bước tương tự khổ thứ nhất.

+ Rồi cứ tiếp tục như thế đến hết bài.

(Lưu ý: đôi khi có thể phân tích hai khổ thơ cùng một lúc nếu hai khổ thơ cùng một ý nghĩa)

– Nhận xét đánh giá bài thơ:

+ Đánh giá về nội dung, tư tưởng của bài thơ. (Nét đặc sắc về nội dung của bài thơ là gì? Thành công/hạn chế?)

+ Đánh giá về nghệ thuật. (Thành công/hạn chế?)

+ Đánh giá về phong cách tác giả. (Qua bài thơ em thấy tác giả là người như thế nào; có thể nói thêm những đặc điểm về phong cách nghệ thuật và đóng góp của nhà thơ trên văn đàn lúc bấy giờ).

III. Kết bài:

+ Khẳng định lại toàn bộ giá trị về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

+ Liên hệ bản thân và cuộc sống (nếu có).

Dàn ý phân tích thơ - Mẫu 2

A. MỞ BÀI

Thường theo cách gián tiếp và thường gồm hai bước:

Bước 1: Có thể theo thao tác diễn dịch, quy nạp hoặc so sánh...

- Nếu dùng thao tác diễn dịch thì có thể dẫn vào đề theo ba cách sau:

  • Giới thiệu khái quát về thân thế, sự nghiệp của tác giả, về tác phẩm hoặc chỉ iới thiệu tác phẩm, giá trị của tác phẩm.
  • Giới thiệu hoàn cảnh lịch sử, xã hội, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
  • Giới thiệu xuất xứ của tác phẩm (hoặc đoạn trích)

Bước 2: Chép nguyên văn tác phẩm hay đoạn trích (nếu ngắn) hoặc chép câu đầu, câu cuối, ở giữa hai câu này có một hàng dấu chấm lửng (nếu là tác phẩm, đoạn trích khá dài) hoặc giới thiệu nhân vật, khía cạnh phân tích (nếu đề ra yêu cầu phân tích một nhân vật hay một khía cạnh về nội dung nghệ thuật của tác phẩm).

B. THÂN BÀI

Đây là phần phân tích chi tiết tác phẩm. Có thể phân tích theo một trong ba cách đã nói ở trên.

- Cách cắt ngang'. thường áp dụng cho một bài thơ ngắn hoặc tác phẩm có bố cục, đoạn mạch rõ ràng.

- Cách bổ dọc. thường áp dụng cho tác phẩm tự sự.

- Cách kết hợp cắt ngang với bổ dọc. thường áp dụng cho tác phẩm mà nhiều ý tưởng đan xen vào nhau khó tách bạch thành từng đoạn mạch theo ý được.

Lưu ý:

* Nếu phân tích tác phẩm trữ tình phần thân bài có thè vận dụng cách sau:

- Nêu chủ đề tác phẩm.

- Phân tích giá trị nội dung của tác phẩm.

- Phân tích giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

- Đánh giá, nhận xét chung.

* Nếu phân tích tác phẩm tự sự phần thân bài có thể vận dụng cách sau:

- Khái quát chủ đề tác phẩm.

- Phân tích đoạn mạch chủ yếu của tác phẩm (trên cơ sở chủ đề, có thể tìm ý trong bài thơ để phân tích. Có thể phân tích theo ý nhỏ, có thể phân tích theo khổ thơ. Khi phân tích nên đi từ việc phát hiện từ ngữ, hình ảnh thơ, những biện pháp nghệ thuật để đến cái đích là bộc lộ nội dung tác phẩm. Những ý nhỏ trong phần phân tích này bao giờ cũng được sắp xếp mạch lạc, hợp lí góp phần bộc lộ chủ đề.)

- Nhận xét đánh giá.

* Dạng tổng quát phần thân bài của kiểu bài phân tích tác phẩm văn học như sau:

(I) Phân tích tác phẩm (hoặc đoạn trích)

(1). Nêu chủ đề và phân tích ý nghĩa của chủ đề (nhận xét khái quát bước đầu)

(2). Phân tích các khía cạnh (ý) của chủ đề:

a) Khía cạnh 1:

- Nêu ý

- Phân tích các chi tiết biểu hiện theo hướng kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật.

- Tiểu kết, bình giá, chuyển ý.

b) Khía cạnh 2:

- Nêu ý

- Phân tích các chi tiết biểu hiện theo hướng kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật.

- Tiểu kết, bình giá, chuyển ý.

c) Khía cạnh 3:

- Nêu ý

- Phân tích các chi tiết biểu hiện theo hướng kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật.

- Tiểu kết, bình giá, chuyển ý.

(3) Tổng hợp các khía cạnh đã phân tích ớ trên.

(II) Đánh giá tác phẩm (hoặc đoạn trích)

(1) Nêu giá trị của tác phẩm:

(a) Giá trị nội dung.

(b) Giá trị nghệ thuật.

(c) Giá trị của đoạn trích trong việc biểu hiện tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm).

(2) Nêu giá trị của tác phẩm lúc ra đời và hiện nay.

- Đối với cuộc sống.

- Đối với sự phát triển văn học.

(3). Chỉ ra hạn chế về nội dung, nghệ thuật (nếu có).

C. KẾT BÀI

- Tóm tắt những thành công và hạn chế (nếu có) của tác phẩm để đánh giá chung.

- Phát biểu cảm nghĩ, ấn tượng sâu sắc nhất của bản thân về tác phẩm.

- Rút ra bài học tư tưởng, tình cảm... đối với bản thân.

Dàn ý phân tích đoạn thơ, bài thơ - Mẫu 3

I. Mở bài :

  • Giới thiệu tác giả và bài thơ, đoạn thơ cần phân tích (chép nguyên văn đoạn thơ trong đề bài, nếu là đoạn thơ dài thì chỉ cần chép hai câu đầu, chấm chấm, rồi chép câu cuối).
  • Giới thiệu ý kiến bàn về bài thơ (nếu đề bài yêu cầu nghị luận về ý kiến)
  • Giới thiệu vấn đề nghị luận.
  • Nếu là dạng đề so sánh hai bài thơ, hai đoạn thơ thì mở bài phải giới thiệu cả hai tác giả và hai bài thơ.

Lưu ý: Phần mở bài chỉ cần nêu ngắn gọn nét chính về tác giả tác phẩm (vài dòng)

II. Thân bài :

+ Khái quát về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính, … của bài thơ

+ Nêu vị trí đoạn thơ, thể thơ, chú ý âm điệu, giọng điệu

+ Phân tích cụ thể :

Có thể bổ ngang : phân tích từng khổ, từng dòng, nếu là thơ Đường luật thì phân tích theo từng cặp Đề – Thực- Luận -Kết .Riêng đối với thơ tứ tuyệt (ví dụ một số bài thơ của Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù), cách thức thông thường là chia theo cấu trúc: khai, thừa, chuyển, hợp; hoặc chia thành hai câu đầu và hai câu cuối (tuỳ từng bài cụ thể).

Có thể bổ dọc bài thơ : Phân tích theo hình tượng, theo nội dung xuyên suốt bài thơ.Đưa các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ thành các luận điểm lớn, nếu đề yêu cầu cảm nhận đoạn thơ, câu thơ, thì các em chia nhỏ các nội dung có trong đoạn, trong câu, biến chúng thành các luận điểm lớn để đi sâu cảm nhận.

Chú ý những hình ảnh biểu tượng, những lối nói ví von so sánh, những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu . Cần bám sát từ ngữ, âm thanh, vần , nhịp điệu, cấu tứ,… của bài thơ để phân tích .Khi phân tích thì thao tác giảng giải, cắt nghĩa là quan trọng nhất, nhằm giúp cho người đọc hiểu được ý nghĩa của các hình ảnh biểu tượng, ý nghĩa của từ ngữ, câu thơ, đoạn thơ.

Trong quá trình phân tích, luôn luôn hướng đến sự tổng hợp, khái quát ở từng cấp độ sao cho thích hợp để rồi tiến tới những khái quát lớn của toàn bài. Phân tích phải đi kèm với đánh giá và bình luận, tránh diễn nôm bài thơ.Mỗi đoạn văn các em nên viết theo cách diễn dịch hoặc quy nạp, nhớ trình bày rõ câu chốt, câu diễn giải, câu dẫn chứng, câu khái quát nội dung đoạn, câu chuyển đoạn linh hoạt.

III. Kết bài : Đánh giá khái quát về bài thơ, đóng góp riêng của tác giả

Mẫu dàn ý phân tích bài thơ

a) Mở bài:

– Giới thiệu vài nét về Nguyễn Duy

+ Nguyễn Duy (1948) được biết đến là một trong những nhà thơ có rất nhiều những sáng tác được nhiều bạn đọc đón nhận.

– Giới thiệu khái quát về tác phẩm Ánh trăng.

+ “Ánh trăng” là một bài thơ hay viết vào năm 1978, 3 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, được nhà thơ viết tại Thành phố Hồ Chí Minh và in trong tập “Ánh trăng”.

Ví dụ:

Nguyễn Duy là một nhà thơ nổi tiếng và đi đầu trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thơ văn của ông gần gũi với cuộc sống, mang hương vị thân thương, giản dị và đằm thắm. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Duy là tác phẩm Ánh trăng, tác phẩm rất đỗi gần gũi và giản dị. Tác phẩm đã mang lại cho chúng ta cảm giác chân thực và vô cùng sâu sắc.

b) Thân bài: Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

* Khái quát về bài thơ

– Hoàn cảnh sáng tác:

  • Bài thơ ra đời vào năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh – nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại, nơi những người từ trận đánh trở về đã để lại sau lưng cuộc chiến gian khổ mà nghĩa tình.
  • In trong tập thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy – tập thơ đạt giải A của Hội nhà Văn Việt Nam năm 1984.

– Mạch cảm xúc: Bài thơ mượn đề tài thiên nhiên để nói tới suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ và con người, cuộc đời theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại gắn với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người.

* Vầng trăng trong quá khứ:

– Hồi nhỏ sống:

  • với đồng.
  • với sông.
  • với bể.

-> Tác giả nhớ đến kỉ niệm của mình với trăng lúc nhỏ: gắn bó với đồng, với sông, với bể,…

=> Điệp từ “với” được lặp lại ba lần càng tô đậm thêm sự gắn bó chan hòa của con người với thiên nhiên, với những tươi đẹp của tuổi thơ.

– “Hồi chiến tranh ở rừng” – những năm tháng gian khổ, ác liệt thời chiến tranh,“vầng trăng thành tri kỉ” -> Nghệ thuật nhân hóa

-> Tác giả nhớ đến hồi khi chiến tranh mình và trăng đã ở trong rừng cùng nhau, trăng là người bạn thân thiết, tri âm tri kỉ, là đồng chí cùng chia sẻ những vui buồn trong chiến trận với người lính – nhà thơ.

  • Hành quân giữa đêm, trên những nẻo đường chông gai ra mặt trận, những phiên gác giữa rừng khuya lạnh lẽo, những tối nằm yên giấc dưới màn trời đen đặc, người lính đều có vầng trăng bên cạnh.
  • Trăng ở bên, bầu bạn, cùng cảm nhận cái giá buốt nơi “Rừng hoang sương muối” (Đồng chí)
  • Cùng trải qua bao gian khổ của cuộc sống chiến đấu, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ; cùng hân hoan trong niềm vui thắng trận, cùng xao xuyến, bồn chồn, khắc khoải mỗi khi người lính nhớ nhà, nhớ quê…

– “Trần trụi với thiên nhiên/ hồn nhiên như cây cỏ” -> Vầng trăng trong quá khứ mới đẹp làm sao!

=> Phép liên tưởng đầy tính nghệ thuật “trần trụi với thiên nhiên”, so sánh độc đáo “hồn thiên như cây cỏ” -> cho ta thấy rõ hơn vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, trong sáng, rất đỗi vô tư, hồn nhiên của vầng trăng. Đó cũng chính là hình ảnh con người lúc bấy giờ: vô tư, hồn nhiên, trong sáng.

– “không… quên… vầng trăng tình nghĩa” -> thể hiện tình cảm thắm thiết với vầng trăng.

  • Vầng trăng đã gắn bó thân thiết với con người từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành, cả trong hạnh phúc và gian lao.
  • Trăng là vẻ đẹp của đất nước bình dị, hiền hậu; của thiên nhiên vĩnh hằng, tươi mát, thơ mộng.

=> Vầng trăng không những trở thành người bạn tri kỉ, mà đã trở thành “vầng trăng tình nghĩa” biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình.

* Vầng trăng của hiện tại:

– Chiến tranh kết thúc:

  • Đất nước hòa bình.
  • Hoàn cảnh sống thay đổi: người lính từ giã núi rừng trở về với thành phố nơi đô thị hiện đại, sống sung túc trong “ánh điện cửa gương” – cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, khép kín trong những căn phòng hiện đại, xa rời thiên nhiên.

– “Vầng trăng đi qua ngõ – như người dưng qua đường”

  • Vầng trăng bây giờ đối với người lính năm xưa giờ chỉ là dĩ vãng, dĩ vãng nhạt nhòa của quãng thời gian xa xôi nào đó.
  • Biện pháp nhân hóa, so sánh: “Vầng trăng tình nghĩa” trở thành “người dưng qua đường”.
  • Vầng trăng vẫn “đi qua ngõ”, vẫn tròn đầy, vẫn thủy chung tình nghĩa, nhưng con người đã quên trăng, hờ hững, lạnh nhạt, dửng dưng đến vô tình.

-> Vầng trăng giờ đây bỗng trở thành người xa lạ, chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay biết.

=> Khi thay đổi hoàn cảnh, con người có thể dễ dàng quên đi quá khứ, có thể thay đổi về tình cảm, phản ánh một sự thực trong xã hội thời hiện đại.

– Con người gặp lại vầng trăng trong một tình huống bất ngờ:

  • Tình huống: mất điện, phòng tối om.
  • “Vội bật tung”: vội vàng, khẩn trương đi tìm nguồn sáng

-> Phép đảo ngữ từ láy “thình lình”, “đột ngột” được đưa lên đầu câu: nhấn mạnh sự việc bất ngờ là mất điện.

+ Ngay lúc đó trăng hiện ra “đột ngột” khiến con người bàng hoàng xúc động.

=> Sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng khiến nhà thơ ngỡ ngàng, bối rối, gợi cho nhà thơ bao kỉ niệm nghĩa tình.

* Cảm xúc của tác giả về trăng với con người:

– Tâm trạng, cử chỉ của con người khi đối diện với vầng trăng

  • Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt”: là tư thế trực tiếp đối mặt
  • Phép nhân hóa, từ mặt thứ hai chỉ vầng trăng tròn, đó là thiên nhiên hồn nhiên tươi mát, đó còn là quá khứ bạn bè tươi đẹp.
  • So sánh, liệt kê, điệp ngữ, lặp cấu tứ “như là đồng là bể – như là sông là rừng”: diễn tả dòng hoài niệm ùa về và con người thấy trăng là thấy người bạn tri kỉ ngày nào.

=> Cảm xúc chừng như nén lại nhưng cứ trào ra thổn thức.

  • Trăng tròn đầy vành vạnh có hai lớp nghĩa: nghĩa tả thực về sự tròn đầy lung linh của trăng, thiên nhiên vũ trụ vĩnh hằng, gợi quá khứ bạn bè tươi đẹp chẳng thể phai mờ
  • Trăng còn được nhân hóa “kể chi người vô tình – ánh trăng im phăng phắc” gợi thái độ bao dung, nhân hậu
  • Trăng tròn vành vạnh – con người vô tình, trăng im phăng phắc – con người vô tình.

=> Câu thơ cuối mang ý nghĩa nhân văn, cái giật mình thức tỉnh của con người từng bội bạc trở nên đáng trân trọng bởi nhớ quên là lẽ thường tình, quan trọng là biết thức tỉnh lương tâm.

*Đánh giá về nghệ thuật

– Thể thơ 5 chữ, nhịp thơ linh hoạt theo mạch cảm xúc

– Phương thức biểu đạt tự sự kết hợp với trữ tình.

– Giọng thơ mang tính tự bạch, chân thành sâu sắc.

– Hình ảnh vầng trăng – “ánh trăng” mang nhiều tầng ý nghĩa.

c) Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

– Nêu cảm nhận chung của em về bài thơ.

Liên kết tải về

pdf Dàn ý phân tích bài thơ, đoạn thơ
doc Dàn ý phân tích bài thơ, đoạn thơ 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 10

Văn mẫu 10 CTST

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK