Dẫn chứng về tấm gương khuyết tật vượt lên số phận mang tới những ví dụ tiêu biểu, đặc sắc trong cuộc sống, giúp các em học sinh lớp 9 lồng ghép vào bài văn nghị luận của mình dễ dàng, cho bài văn thêm sinh động.
Trong cuộc sống có nhiều người kém may mắn khi sinh ra đã bị khuyết tật, thế nhưng họ đã không buông xuôi, mặc cảm mà vươn lên thành công trong cuộc sống. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để nhanh chóng hoàn thiện bài văn nghị luận xã hội của mình.
Dẫn chứng về tấm gương khuyết tật vượt lên số phận
Cô gái “xương thủy tinh” Nguyễn Phương Anh
Tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s got talent 2011), cô gái xương thủy tinh Nguyễn Phương Anh đã bất ngờ lọt vào vòng chung kết và được đông đảo mọi người biết tới. Dù không đoạt giải nhưng hình ảnh cô gái có thân hình nhỏ bé với nghị lực phi thường đã khiến nhiều khán giả thán phục. Ngoài ra, cô cũng từng đạt giải nhì trong một cuộc thi hát tiếng anh.
Phương Anh theo học tại trường THPT Việt Đức, dù mang trong mình căn bệnh quái ác, nhưng không vì thế mà cô sống khép mình hay tủi thân trái lại rất hòa đồng tham gia vào rất nhiều các hoạt động cùng bạn bè. Câu chuyện về nghị lực của cô gái xương thủy tinh như một tấm gương để các bạn trẻ thêm tin yêu và lạc quan trong cuộc sống.
Nguyễn Công Hùng - Hiệp sĩ công nghệ thông tin
Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 2 tuổi, Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng mắc phải một căn bệnh khiến anh bị bại liệt toàn thân, từ đó thường xuyên phải điều trị trong bệnh viện. Thương cha mẹ vất vả, bằng nghị lực cùng sự thông minh, năm 2003, anh đã thành lập Trung tâm Nghị lực sống, nhằm dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.
Từ những đóng góp và cống hiến không biết mệt mỏi, anh đã được Tạp chí eChip trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin cùng nhiều danh hiệu khác do Nhà nước trao thưởng. Cuối năm 2012, trên đường vào Vĩnh Long, Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng đã đột ngột qua đời. Đây là một sự mất mát nhưng tin chắc rằng, cuộc đời chỉ 30 năm của anh đã trở thành một biểu tượng về ý chí cho thanh niên Việt.
Nguyễn Minh Trí - Chàng sinh viên không tay kiên cường
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại đông con, không được may mắn như bạn bè khi không có hai cánh tay do dị tật bẩm sinh nhưng Trí vẫn lạc quan, quyết tâm học để đổi đời. Thương cha mẹ, Trí đã tự mình vươn lên, rèn luyện đôi chân để sinh tồn và điều khiến mọi người bất ngờ là Trí có thể viết được chữ.
Người đã truyền nghị lực cho Trí chính là thầy Nguyễn Ngọc Ký. Với ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, bằng tất cả sự nỗ lực và cố gắng, Trí đã thi đỗ vào Trường Đại học An Giang theo đúng chuyên ngành.
Đoàn Phạm Khiêm - Người soạn từ điển cho trẻ câm điếc
Có lẽ với người bình thường, theo học hết phổ thông rồi bước tới đại học đã là một sự cố gắng thì đối với những người điếc câm, lại là cả một sự phi thường. Đoàn Phạm Khiêm, anh được mọi người biết đến không chỉ là học sinh khá giỏi suốt nhiều năm mà còn là thủ khoa Hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM. Anh chính là sinh viên câm điếc đầu tiên theo học một trường đại học chính quy trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Khi mới hơn 1 tuổi, một cơn sốt ập đến như một tai họa đã cướp đi vĩnh viễn khả năng nói và nghe của anh. Tưởng như cuộc sống xung quanh anh sụp đổ, nhưng với sự nỗ lực, Khiêm bắt đầu tới trường để làm quen với con chữ qua những ngôn ngữ ký hiệu bằng cử chỉ. Trước những thành công nối tiếp nhau, anh vinh dự là 1 trong 5 người xuất sắc nhất trong dự án biên soạn bộ Từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để dạy cho người câm điếc trong cả nước. Anh cũng đồng thời là giảng viên chính giảng dạy miễn phí cho người câm điếc nhằm giúp họ được học cao hơn, hòa nhập với cuộc sống.
Bùi Ngọc Thịnh - Kỷ lục gia châu Á 12 tuổi chơi 7 nhạc cụ
Tấm gương nghị lực của cậu bé mù Bùi Ngọc Thịnh quê Khánh Hòa, được mọi người biết đến là khả năng chơi được nhiều nhạc cụ và đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận. Ngay từ lúc 6 tuổi, Thịnh đã bắt đầu làm quen với dàn trống, tiếp đến khám phá guitar cổ, rồi thử sức với đàn organ, đàn sến, đàn cò, mới đây nhất là đàn tranh, đàn kim và chinh phục đàn piano.
Là người con duy nhất trong gia đình có bố mẹ đều bị mù, nhưng với tình yêu thương của cha mẹ, sự cố gắng không ngừng học hỏi, đến nay Thịnh đã chơi được hơn một trăm bài hát bằng nhiều loại đàn khác nhau.