Công văn số 1511/TCHQ-GSQL - thuviensachvn.com

Công văn số 1511/TCHQ-GSQL

Hướng dẫn về hiệu lực Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy ATTP

Ngày 22/03/2018, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 1511/TCHQ-GSQL thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Công văn có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Theo đó, hướng dẫn mới về hiệu lực sử dụng của Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy an toàn thực phẩm (Giấy tiếp nhận) của các sản phẩm đã được cấp phép trước ngày 02/02/2018, cụ thể:

  • Trường hợp sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận còn giá trị hiệu lực thì được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP khi nhập khẩu.
  • Việc nộp Giấy tiếp nhận thực hiện như đối với Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
  • Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 105/2017/NĐ-CP thì rượu nhập khẩu phải được cấp giấy tiếp nhận trước khi nhập khẩu, việc DN nộp bản tự công bố sản phẩm vẫn sẽ được chấp nhận để làm thủ tục theo quy định trên.

BỘ TÀI CHÍNH
TNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1511/TCHQ-GSQL
V/v thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2018

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Tiếp theo công văn số 1267/TCHQ-GSQL ngày 09/3/2018 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; Trên cơ sở kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc với Cục Hải quan TP. Hải Phòng ngày 14/03/2018 và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh ngày 15/03/2018 về tình hình triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP nêu trên; Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và Hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan hướng dẫn bổ sung một số nội dung như sau:

1. Về Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm:

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 1267/TCHQ-GSQL dẫn trên. Người khai hải quan chỉ phải nộp lần đầu bản chụp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp) khi làm thủ tục hải quan tại Chi cục; Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lập cơ sở dữ liệu để theo dõi, kiểm tra đối chiếu, không yêu cầu người khai hải quan phải nộp cho các lần nhập khẩu tiếp theo, đồng thời scan 01 bản gửi Tổng cục Hải quan (Cục GSQL về Hải quan, email: [email protected]) để tổng hợp xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc phân luồng, kiểm tra hải quan.

2. Về áp dụng Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/ Giấy tiếp nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm:

Tại khoản 1 Điều 42 quy định các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước ngày Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trên giấy và hết thời hạn sử dụng của sản phẩm. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau:

a) Trường hợp sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/ Giấy tiếp nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm còn giá trị hiệu lực thì được áp dụng miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm khi nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

b) Việc nộp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/ Giấy tiếp nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm thực hiện như đối với Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

c) Đối với sản phẩm rượu nhập khẩu:

Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh rượu thì rượu nhập khẩu phải được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) trước khi nhập khẩu.

Việc doanh nghiệp nộp bản tự công bố sản phẩm theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì được chấp nhận để làm thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP dẫn trên.

3. Về cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu:

Theo quy định tại các Điều 15, 18, 19, 37, 38, 39, các Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có trách nhiệm giao hoặc chỉ định cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày ký (ngày 02/02/2018), nhưng hiện nay cơ quan hải quan chỉ nhận được danh sách các cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế chỉ định (công văn số 730/ATTP-KN ngày 28/02/2018), do vậy, trong khi chờ các Bộ công bố Danh sách các cơ quan được giao hoặc chỉ định thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cơ quan hải quan căn cứ Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt/ không đạt yêu cầu nhập khẩu do các cơ quan đã được các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP để quyết định thông quan hàng hóa.

4. Về đối tượng phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm:

Tại Phụ lục II, III, IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP phân công Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, các Bộ đã ban hành Danh mục các sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã hết hiệu lực, do vậy trong khi chờ các Bộ ban hành Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cơ quan hải quan tiếp tục căn cứ các Danh mục đã được các Bộ ngành ban hành theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP để giải quyết thủ tục hải quan theo quy định; Đối với các mặt hàng không thuộc Danh mục ban hành kèm Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì không yêu cầu phải kiểm tra an toàn thực phẩm.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu thuộc các Danh mục các sản phẩm, hàng hóa tại Phụ lục II, III, IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP nhưng chưa được chi tiết tại các Danh mục đã được các Bộ ngành công bố thì cơ quan hải quan căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/06/2017 của Bộ Tài chính để áp mã số HS và áp dụng chính sách quản lý theo quy định.

5. Các chứng từ phải nộp theo phương thức kiểm tra giảm:

Tại các Điều 16, 18, 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định phương thức kiểm tra giảm áp dụng tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 01 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện kiểm tra hồ sơ. Để có cơ sở thực hiện phân luồng kiểm tra hồ sơ theo tỷ lệ tối đa 5% theo quy định tại Điều 19, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Hải quan chỉ yêu cầu người khai hải quan nộp lần đầu các chứng từ quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 18 (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp) khi làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục. Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lập cơ sở dữ liệu để theo dõi, kiểm tra đối chiếu, không yêu cầu người khai hải quan phải nộp cho các lần nhập khẩu tiếp theo, đồng thời scan 01 bản gửi Tổng cục Hải quan (Cục GSQL về Hải quan, email: [email protected]) để tổng hợp xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc phân luồng, kiểm tra hải quan.

Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị được biết, thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổng hợp, báo cáo Tổng cục Hải quan (qua Cục GSQL về Hải quan) để có hướng dẫn cụ thể./.


Nơi nhận:
- Như trên;

- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- TT Vũ Thị Mai (để b/c);
- TCT Nguyễn Văn Cẩn (để b/c);
- Các Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT, Tư Pháp; VCCI (để phối hợp);
- Cục QLRR, Cục CNTT&TKHQ (để th/h);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

Liên kết tải về

pdf Công văn số 1511/TCHQ-GSQL
doc Công văn số 1511/TCHQ-GSQL 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK