Công văn 4115/BKHĐT-PTDN triển khai Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4115/BKHĐT-PTDN | Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2013 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được công văn của nhiều Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu góp ý đối với các Đề án tái cơ cấu công ty TNHH một thành viên do mình quản lý. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
1. Về thẩm quyền xem xét, phê duyệt các Đề án tái cơ cấu DNNN thuộc UBND cấp tỉnh:
Căn cứ Điều 7 mục IV, Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ có nhiệm vụ tham gia ý kiến đối với từng Đề án tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Do vậy, việc xem xét, phê duyệt Đề án tái cơ cấu các công ty TNHH một thành viên độc lập hoàn toàn thuộc phạm vi thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (quy định điểm 3 mục IV, Quyết định số 929/QĐ-TTg).
2. Qua theo dõi tình hình triển khai Phương án sắp xếp, đổi mới DNNN và xem xét các Đề án tái cơ cấu DNNN thuộc UBND cấp tỉnh đã nhận được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một số ý kiến như sau:
Nhìn chung, các Đề án xây dựng có nội dung còn chưa sâu; nhiều Đề án có nội dung chung chung, chưa đưa ra được lộ trình và giải pháp cụ thể, chưa đi vào bản chất của vấn đề là cần xác định vị trí, vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp đối với quá trình xây dựng và phát triển của địa phương. Các nội dung về tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu đầu tư chưa thực sự được chú trọng; nhiều Đề án chỉ tập trung vào vấn đề tăng vốn điều lệ mà chưa đưa ra được các giải pháp cải thiện hoạt động và nguồn tăng vốn điều lệ; các doanh nghiệp chưa thật sự tập trung vào ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, vẫn còn hiện tượng kinh doanh các ngành, lĩnh vực không liên quan đến ngành chính, đầu tư vào các dự án xây dựng, bất động sản …
Bên cạnh đó, lộ trình sắp xếp được dự kiến thực hiện chưa mạnh; các Đề án cũng chưa đảm bảo được một số nội dung yêu cầu tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ như: chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 phù hợp với chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng về vốn và năng lực trình độ quản lý.
Về tình hình triển khai các Phương án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011 - 2015, qua tổng hợp cho thấy tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN thuộc các địa phương diễn ra chậm, kết quả đạt được thấp; với khối lượng sắp xếp DNNN chủ yếu tập trung vào hai năm 2014 - 2015, sẽ đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất lớn để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Để đảm bảo chất lượng các Đề án và triển khai thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước hiệu quả, đúng tiến độ, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung vào các nội dung sau đây:
- Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Đề án tái cơ cấu của từng công ty TNHH một thành viên do mình quản lý theo đúng yêu cầu và nội dung quy định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg và văn bản số 10800/BTC-TCDN ngày 10/8/2012 của Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg, thực hiện thẩm định chặt chẽ, nghiên cứu các ý kiến đóng góp để điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo kết quả thực hiện như yêu cầu của Chính phủ;
- Thực hiện thẩm định đối với Đề án tái cơ cấu các tổng công ty nhà nước do mình quản lý để đảm bảo chất lượng trước khi gửi các Bộ tham gia ý kiến; chỉ đạo các tổng công ty tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ và thẩm định lại trước khi ra quyết định phê duyệt Đề án;
- Thực hiện rà soát lại các đơn vị thành viên/bộ phận doanh nghiệp thuộc từng DNNN có cùng ngành, lĩnh vực kinh doanh với các doanh nghiệp/bộ phận doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác trên cùng địa bàn. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp sắp xếp để tăng hiệu quả thực hiện tái cơ cấu của toàn bộ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của địa phương.
- Tập trung đẩy mạnh việc sắp xếp và đảm bảo tiến độ triển khai Phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng tinh thần Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011 về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN; tiến hành song song tái cơ cấu doanh nghiệp với việc sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp, tránh việc chờ đợi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt xong mới tiến hành sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp; đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối; thực hiện cho được mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp theo Phương án đã được phê duyệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2013 - 2015.
Trên đây là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thực hiện.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |