Chỉ thị 37/CT-TTg - Quản lý chặt các khoản vay nước ngoài cho địa phương vay lại

Chỉ thị 37/CT-TTg

Quản lý chặt các khoản vay nước ngoài cho địa phương vay lại

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 37/CT-TTg nhằm đề ra một số giải pháp để tăng cường quản lý, giám sát nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương. Vì nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tốt các giải pháp tiêu biểu sau :

- Quản lý vay, trả nợ vay chính quyền địa phương thật chặt chẽ; đảm bảo tuân thủ kế hoạch vay, trả nợ vay hằng năm của địa phương đã được Quốc hội phê duyệt.

- Ưu tiên sử dụng vốn vay ODA với điều kiện ưu đãi cao cho các chương trình, dự án quan trọng và cấp bách ; không sử dụng vốn vay nước ngoài cho chi thường xuyên mà chỉ dùng cho chi đầu tư phát triển.

- Lập kế hoạch vay, trả nợ chi tiết cho nội dung vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ cùng với các nội dung khác theo quy định.

Chỉ thị 37/CT-TTg - Tăng cường quản lý vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/CT-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2017

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, GIÁM SÁT VAY VỀ CHO VAY LẠI ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Trong thời gian qua, việc Chính phủ vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài cho các địa phương vay lại đã góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai các chương trình, dự án cấp thiết của địa phương. Mặt khác, theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, khoản vay về cho vay lại không tính trong hạn mức huy động vốn của chính quyền địa phương, vì vậy việc giải ngân rút vốn không bị ảnh hưởng bởi hạn mức vay nợ.

Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 (Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, có hiệu lực từ năm ngân sách 2017) quy định ngân sách địa phương cấp tỉnh có bội chi và mức vay, trả nợ hàng năm được Quốc hội phê chuẩn. Mặt khác, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã đưa ra giới hạn về dư nợ tối đa của từng địa phương, theo đó tất cả các khoản vay từ các nguồn như vay kiên cố hóa kênh mương, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay tồn ngân của Kho bạc Nhà nước và vay về cho vay lại từ nguồn vốn nước ngoài đều phải tính trong hạn mức dư nợ tối đa theo quy định.

Để chấp hành nghiêm Luật Ngân sách nhà nước và kế hoạch vay, trả nợ của ngân sách địa phương được Quốc hội phê duyệt, đồng thời để quản lý nợ công, nợ Chính phủ bền vững trong tình hình hiện nay theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát dụng nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương

a) Về nguyên tắc, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, quản lý vay, trả nợ vay chính quyền địa phương chặt chẽ, đảm bảo không vượt quá mức dư nợ tối đa của từng tỉnh, thành phố theo quy định của Luật. Đồng thời, việc vay, trả nợ phải đảm bảo tuân thủ kế hoạch vay, trả nợ hàng năm của chính quyền địa phương được Quốc hội phê duyệt.

b) Trong bối cảnh nợ công, nợ Chính phủ tăng cao, các khoản vay ODA giảm dần, Việt Nam phải thực hiện các khoản vay hỗn hợp bao gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi với điều kiện vay gần sát với thị trường. Các địa phương khi đề xuất đầu tư cần ưu tiên sử dụng vốn vay ODA với điều kiện ưu đãi cao cho các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương; vốn vay nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

c) Trên cơ sở kế hoạch vay, trả nợ của ngân sách địa phương được Quốc hội phê duyệt, các địa phương lập kế hoạch vay, trả nợ chi tiết, trong đó phân chia theo từng nội dung: Vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn, tạm ứng vốn nhàn rỗi của Kho bạc nhà nước, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (nếu có) và giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng của địa phương tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ, đúng quy định.

d) Khi thực hiện kế hoạch vay, trả nợ nước ngoài, các địa phương ưu tiên giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vay về cho vay lại đã cam kết với nhà tài trợ. Trường hợp sử dụng khoản vay về cho vay lại làm cho dư nợ thực tế vượt quá mức dư nợ tối đa cho phép hoặc vượt quá dự toán vay trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương phải bố trí giảm kế hoạch vay các khoản khác hoặc thực hiện trả nợ để đảm bảo các giới hạn nợ theo quy định. Trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ, các địa phương có báo cáo gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Để triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số công việc cụ thể như sau:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Thực hiện việc quản lý, giám sát vay, trả nợ của chính quyền địa phương, báo cáo thực hiện kế hoạch vay, trả nợ hàng năm.

- Rà soát, tổng hợp trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội phê duyệt mức bội chi hàng năm của từng địa phương phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Thông báo cho từng địa phương mức bội chi ngân sách địa phương của năm kế hoạch, tổng số vay trong năm, gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Giám sát, có các giải pháp đảm bảo việc vay, trả nợ của địa phương trong phạm vi dư nợ tối đa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm được Quốc hội phê duyệt.

- Khi thẩm định các dự án mới Chính phủ vay về cho địa phương vay lại phải thẩm định mức dư nợ vay của địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Rà soát, tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm, ưu tiên bố trí đủ dự toán chi đầu tư nguồn vốn ngoài nước của ngân sách trung ương, trong đó có nguồn hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương và kế hoạch vốn đối ứng theo tiến độ chương trình, dự án đã ký kết thỏa thuận vay và theo tỷ lệ vốn cấp phát được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Khi trình cấp có thẩm quyền dự án mới, đối với phần vốn hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương theo tỷ lệ phải khẳng định được khả năng bố trí trong khuôn khổ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

- Chỉ vay trong phạm vi mức bội chi được Quốc hội phê duyệt hàng năm; khi đề xuất dự án phải tính toán, đảm bảo khả năng vay, trả nợ, khả năng giải ngân trong dự toán và trong phạm vi mức bội chi được duyệt hàng năm; khi thực hiện kế hoạch vay, trả nợ nước ngoài, các địa phương ưu tiên giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vay về cho vay lại đã cam kết với nhà tài trợ.

- Bố trí đủ nguồn vốn đối ứng, đảm bảo triển khai các dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đúng thời hạn quy định.

- Trường hợp sử dụng khoản vay về cho vay lại làm cho dư nợ thực tế vượt quá mức dư nợ tối đa cho phép hoặc vượt quá dự toán vay trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương phải bố trí giảm kế hoạch vay các khoản khác hoặc thực hiện trả nợ để đảm bảo các giới hạn nợ theo quy định.

- Ưu tiên huy động nguồn vốn vay ODA với điều kiện ưu đãi cao để đầu tư.

- Địa phương sử dụng khoản vay từ nguồn vốn nước ngoài vay về cho vay lại có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn; định kỳ báo cáo tình hình giải ngân, trả nợ của địa phương cho Bộ Tài chính để tổng hợp.

3. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành. Bộ Tài chính có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ về việc thực hiện Chỉ thị này và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đối với vấn đề vướng mắc phát sinh./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, QHQT (2).KN 204

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

Liên kết tải về

pdf Chỉ thị 37/CT-TTg
doc Chỉ thị 37/CT-TTg 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK