Chế độ làm việc của giáo viên mầm non như nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ những quy định, để không mất quyền lợi của mình.
Chế độ làm việc của giáo viên mầm non mới nhất 2017
Hỏi: Vợ tôi là giáo viên mầm non ở vùng biên giới Lai Châu, hiện nuôi con nhỏ 5 tháng, đặc thù công việc của vợ tôi là ngoài dậy giờ hành chính phải cho trẻ ăn và trông cho trẻ ngủ trưa, vợ tôi nuôi con nhỏ thì có phải làm thêm giờ vào buổi trưa như vậy không?
Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư 48/2011/TT - BGDĐT quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non thì:
Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên:
"Điều 3. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên
1. Thời gian làm việc trong một năm của giáo viên mầm non là 42 tuần, trong đó:
a) 35 tuần làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ (sau đây gọi chung là dạy trẻ);
b) 04 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;
c) 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;
d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
2. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);
b) Các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động và các quy định hiện hành. Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định."
Giờ dạy của giáo viên mầm non
1. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
2. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 04 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
3. Đối với giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, mỗi giáo viên dạy đủ số giờ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này; trong đó, cứ có 01 trẻ khuyết tật/lớp, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.
4. Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.
Như vậy, trong trường hợp của vợ bạn, ngoài dậy giờ hành chính phải cho trẻ ăn và trông cho trẻ ngủ trưa. Do đó, đây được coi như là một đặc thù của công việc chứ không phải là chế độ làm thêm. Đối với giáo viên dạy mầm non 2 buổi/ngày như vợ anh thì chỉ cần dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để đảm bảo là làm việc 40 giờ/tuần. Nếu trong tuần, kể cả giờ dạy hành chính và giờ trông trẻ ăn, trông trẻ ngủ vượt quá 40 giờ/tuần thì thời gian vượt quá đó được coi là thời gian làm thêm. Mà theo quy định tại Điều 155, Bộ Luật lao động 2012 quy định về chế độ bảo vệ thai sản đới với lao động nữ thì pháp luật không cho phép người sử dụng lao động sử dụng lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ.
Chế độ thai sản giáo viên:
"Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".
Vậy, căn cứ vào những quy định pháp luật trên, anh có thể xem xét để bàn bạc với vợ của mình ý kiến với Hiệu trưởng trường mầm non - nơi vợ anh đang công tác để có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.