Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 33: Cảm ứng ở sinh vật và tập tính ở động vật giúp các em học sinh lớp 7 có thêm vốn kiến thức, dễ dàng trả lời các câu hỏi SGK Khoa học tự nhiên 7 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 138, 139, 140.
Với lời giải Khoa học tự nhiên 7 chi tiết từng phần, từng bài tập, các em dễ dàng ôn tập, củng cố kiến thức Bài 33 Chương VIII: Cảm ứng ở sinh vật. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo soạn giáo án cho học sinh của mình. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Download.vn:
Giải KHTN Lớp 7 Bài 33: Cảm ứng ở sinh vật và tập tính ở động vật
Mở đầu
Khi ta chạm tay vào lá cây trinh nữ (xấu hổ), lá cây sẽ cụp lại (hình bên). Đây là hiện tượng gì. Hiện tượng này có ý nghĩa như thế nào đối với sinh vật.
Trả lời:
Hiện tượng lá cây trinh nữ cụp lại khi ta chạm tay vào là hiện tượng cảm ứng của cây trinh nữ trước tác nhân kích thích là sự va chạm.
Hiện tượng cảm ứng này giúp cho sinh vật thích nghi được với môi trường sống, tránh được những ảnh hưởng bất lợi từ môi trường.
I. Cảm ứng và vai trò của cảm ứng ở sinh vật
1. Cảm ứng ở sinh vật là gì?
Câu 1: Quan sát hình 33.1 và hoàn thành theo mẫu bảng sau
Trả lời:
Bảng
Hình | Kích thích | Phản ứng |
a | Ánh sáng | - Ngọn cây hướng về phía có ánh sáng |
b | Nước | - Rễ cây hướng về phía nguồn nước |
c | Nhiệt độ | - Khi trời lạnh, da tím tái, lỗ chân lông thu lại (sởn gai ốc), mặc thêm áo ấm.- Khi trời nóng, cơ thể thoát nhiều mồ hôi, mặc quần áo mỏng. |
d | Tiếng kêu của gà mẹ | - Gà con sẽ chạy đến chỗ mẹ khi nghe thấy tiếng kêu của gà mẹ. |
e | Giá thể (tiếp xúc) | - Cây trầu bà quấn quanh giá thể để vươn lên cao. |
Câu 2: Nêu thêm một số ví dụ về hiện tượng cảm ứng ở thực vật và động vật. Chỉ rõ tác nhân kích thích và phản ứng của sinh vật
Trả lời:
Ví dụ về hiện tượng cảm ứng:
- Con người nổi da gà khi trời lạnh
- Gà chạy đến khi nghe người gọi cho ăn
- Chó sủa khi gặp người lạ
- Cây hoa quỳnh nở vào ban đêm
2. Vai trò của cảm ứng ở sinh vật
Nếu các sinh vật không có phản ứng đối với các kích thích đến từ môi trường (ví dụ cây ở hình 33.1.a) không có phản ứng hướng về phía có ánh sáng) thì điều gì sẽ xảy ra? Từ đó cho biết vai trò của cảm ứng đối với sinh
Trả lời:
Ví dụ nếu cây ở hình 33.1a không sinh trưởng hướng về phía ánh sáng thì lá cây sẽ ngả vàng, thân còi cọc, nhìn thiếu sức sống do không tổng hợp được chất hữu cơ nuôi cơ thể. Vì vậy, việc cây vươn về phía ánh sáng là một hiện tượng cảm ứng hướng sáng giúp cây sinh tồn và phát triển. Tóm lại, đối với sinh vật cảm ứng giúp sinh vật thích ứng với những thay đổi của môi trường để tồn tại và phát triển.
II. Tập tính ở động vật
1. Tập tính là gì?
Câu 1: Đặt tên tập tính của các động vật thể hiện trong hình 33.2a, b, c, d
Trả lời:
a. Tập tính di cư của chim- Hằng năm chim di cư về phương nam tránh rét
b. Tập tính sống bầy đàn của trâu rừng- giúp chúng hỗ trợ nhau trong việc kiếm ăn và chống lại kẻ thù
c. Tập tính kiếm ăn của mèo- mèo đuổi và vờn chuột, chuột chạy để tự về
d. Tập tính chăm sóc con non của chim- chim mẹ kiếm mồi mớm cho chim non
Câu 2: Lấy thêm ví dụ về tập tính ở người và động vật.
Trả lời:
Ở người có một số tập tính như:
- Tập tính bẩm sinh ở người: Trẻ sơ sinh sinh ra đã biết khóc; Phụ nữ cơ thể phát triển bình thường thì có thể sinh con để duy trì nòi giống…
- Tập tính học được ở người: Người tham gia giao thông thấy đèn đỏ thì dừng lại trước vạch kẻ trắng; Trẻ con gặp người lớn, người già lễ phép chào hỏi; Con người biết kiềm chế cảm xúc, hành vi của mình khi tức giận; …
Ở động vật có một số tập tính như:
- Tập tính bẩm sinh ở động vật: Nhện biết chăng tơ; Cá chép đẻ trứng trong nước; Ếch đực kêu sau cơn mưa đầu hạ để gọi ếch cái; Mèo nhìn thấy chuột là rượt đuổi và bắt; Chim làm tổ để bảo vệ trứng; Tu hú đem trứng của mình cho loài chim khác nuôi;…
- Tập tính học được ở động vật: Mèo bắt chuột (mèo mẹ dạy mèo con); Chim làm tổ; Tinh tinh biết đứng lên thùng gỗ để lấy chuối nhờ con người huấn luyện; Chim vẹt nói được các từ/cụm từ do con người dạy; …
2. Vai trò của tập tính
Hoàn thành nội dung bảng sau:
Tập tính ở động vật | Tác dụng đối với động vật |
Mèo bắt chuột thường rình mồi, vồ mồi, vờn mồi | |
Chim công đực thường múa kheo bộ lông sặc sỡ để quyến rũ con cái vào mùa sinh sản | |
Chim én di cư về phương nam vào cuối thu | |
Chó sói thường đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu | |
Trâu rừng thường sống theo đàn |
Trả lời:
Tập tính ở động vật | Tác dụng đối với động vật |
Mèo bắt chuột thường rình mồi, vồ mồi, vờn mồi | Nâng cao hiệu suất săn mồi của mèo |
Chim công đực thường múa, khoe bộ lông sặc sỡ để quyến rũ con cái vào mùa sinh sản | Thu hút bạn tình, kết đôi và sinh sản để duy trì nòi giống |
Chim én di cư về phương nam vào cuối mùa thu | Tránh rét và tìm được nơi có nguồn thức ăn tốt hơn vào mùa đông |
Chó sói thường đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu | Bảo vệ được nguồn thức ăn, nơi ở và sinh sản cho bản thân chúng |
Trâu rừng thường sống theo đàn | Hỗ trợ nhau khi gặp nguy hiểm hoặc điều kiện không thuận lợi |
Tập thể dục buổi sáng ở người | Nâng cao sức khỏe cho bản thân |
Lý thuyết Cảm ứng ở sinh vật và tập tính ở động vật
I. CẢM ỨNG VÀ VAI TRÒ CỦA CẢM ỨNG Ở SINH VẬT
1. Cảm ứng ở sinh vật là gì?
- Khái niệm: Cảm ứng là phản ứng của sinh vật đối với các kích thích đến từ môi trường.
- Ví dụ: Ngọn cây hướng về phía có ánh sáng; rễ cây hướng về phía nguồn nước; khi trời lạnh, da người tím tái, lỗ chân lông thu lại (sởn gai ốc), mặc thêm áo ấm; khi trời nóng, cơ thể người thoát nhiều mồ hôi, mặc quần áo mỏng; gà con sẽ chạy đến chỗ mẹ khi nghe thấy tiếng kêu của gà mẹ; cây trầu bà quấn quanh giá thể để vươn lên cao;…
2. Vai trò của cảm ứng ở sinh vật
- Vai trò: Cảm ứng giúp sinh vật thích ứng với những thay đổi của môi trường để tồn tại và phát triển.
- Ví dụ: Nếu cây không có phản ứng hướng về phía có ánh sáng thì cây sẽ không đủ ánh sáng để quang hợp, dần dần sẽ gây chết cây.
II. TẬP TÍNH Ở ĐỘNG VẬT
1. Tập tính là gì?
- Khái niệm: Tập tính là một chuỗi những phản ứng trả lời các kích thích đến từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, đảm bảo cho động vật tồn tại và phát triển. Tập tính ở động vật rất đa dạng và phức tạp.
- Phân loại: Tập tính ở động vật được chia thành 2 nhóm là tập tính bẩm sinh và tập tính học được.
- Tập tính bẩm sinh: là loại tập tính sinh ra đã có, được di truyền từ bố mẹ, đặc trưng cho loài. Ví dụ: Nhện giăng tơ,…
- Tập tính học được: là loại tập tính được hình thành trong quá trình sống của cá thể, thông qua học tập và rút kinh nghiệm. Ví dụ: Người tham gia giao thông dừng lại khi nhìn thấy tín hiệu đèn đỏ,…
- Một số tập tính thường gặp ở động vật: tập tính kiếm ăn, tập tính bảo vệ lãnh thổ, tập tính sinh sản, tập tính di cư,…
2. Vai trò của tập tính
- Vai trò: Tập tính giúp động vật thích nghi với môi trường, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của chúng.
- Ví dụ: Chim công đực có tập tính xòe lông đuôi để quyến rũ con cái vào mùa sinh sản nhằm thu hút bạn tình, kết đôi và sinh sản để duy trì nòi giống.