Trang chủ Hướng dẫn Giáo dục - Học tập

Cách viết sổ gọi tên và ghi điểm chi tiết nhất

Hướng dẫn ghi sổ gọi tên và ghi điểm

Hướng dẫn ghi sổ gọi tên và ghi điểm năm 2022 - 2023 giúp giáo viên có thêm nhiều gợi ý tham khảo để biết cách viết sổ ghi điểm cho đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Sổ gọi tên và ghi điểm là mẫu sổ được lập ra để ghi chép lại điểm của học sinh theo từng bộ môn giáo viên đó giảng dạy. Sổ gọi tên và ghi điểm lập thành văn bản trên giấy theo mẫu của Bộ GD&ĐT; có đủ dấu của nhà trường đóng giáp lai giữa hai trang liên tiếp. Vậy cách viết sổ gọi tên và ghi điểm như thế nào? Mời các bạn hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn.

Hướng dẫn cách viết Sổ gọi tên và ghi điểm

I. Quy định chung về sổ ghi điểm

1. Sổ gọi tên và ghi điểm là hồ sơ pháp lý ghi nhận kết quả học tập và rèn luyện học sinh trong một năm học và được lưu giữ vĩnh viễn.

2. Sổ gọi tên và ghi điểm lập thành văn bản trên giấy theo mẫu của Bộ GD&ĐT; có đủ dấu của nhà trường đóng giáp lai giữa hai trang liên tiếp (kể cả các trang bìa).

3. Danh sách học sinh được xếp thứ tự theo vần a, b, c,... Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi số thứ tự, họ và tên học sinh vào các trang trong Sổ Gọi tên và ghi điểm (phải thống nhất giữa các trang). Nếu học sinh thôi học, dùng bút đỏ gạch ngang tên học sinh.

4. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh căn cứ vào Quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT hiện hành.

5. Chỉ sử dụng bút có mực màu đen để ghi Sổ gọi tên và ghi điểm (trừ nội dung sửa chữa).

6. Điểm các bài kiểm tra, Điểm trung bình môn (học kỳ, cả năm), Điểm trung bình các môn (học kỳ, cả năm) ghi bằng số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số (Ví dụ: 5,0; 6,5; 8,2). Xếp loại học kỳ, cả năm đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét được phép ghi tắt: Đạt yêu cầu (Đ); Chưa đạt yêu cầu (CĐ).

7. Kết quả xếp loại học lực (trừ học lực Kém), hạnh kiểm được viết tắt. Cụ thể Hạnh kiểm: Tốt (T), Khá (K), Trung bình (Tb), Yếu (Y); Học lực: Giỏi (G), Khá (K), Trung bình (Tb), Yếu (Y), Kém (Kém).

8. Sửa chữa khi ghi sai điểm hoặc ghi sai kết quả đánh giá xếp loại, danh hiệu: Người ghi sai dùng bút mực màu đỏ: Gạch 1 nét ngang nội dung cần sửa chữa, ghi nội dung sửa chữa (phía trên, bên phải nội dung vừa gạch ngang). Cuối mỗi trang giáo viên chủ nhiệm cần xác nhận số lỗi thuộc từng nội dung (điểm, kết quả xếp loại, danh hiệu).

II. Quy định riêng với từng nội dung

1. Sơ yếu lý lịch học sinh (trang 2, 3)

- Họ và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính (Nam, nữ); Dân tộc; Họ và tên cha, mẹ (hoặc người giám hộ) của học sinh: Ghi theo giấy khai sinh hoặc quyết định công nhận của cấp có thẩm quyền. Nơi sinh chỉ ghi: Huyện (thị xã, thành phố); tỉnh (thành phố) theo giấy khai sinh.

- Chỗ ở hiện tại: Ghi theo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của học sinh theo trình tự: Xã (phường, thị trấn), huyện (thị xã, thành phố).

- Nghề nghiệp của cha, mẹ (hoặc người giám hộ): Ghi theo nghề nghiệp hiện tại, không viết tắt.

- Những thay đổi cần chú ý của học sinh (hoàn cảnh gia đình, nơi ở, sức khỏe, ...): Ghi ngay sau khi có sự thay đổi.

2. Phần kiểm diện học sinh

Giáo viên chủ nhiệm cập nhật điểm danh hàng tuần, cuối tháng tổng hợp và ghi số ngày nghỉ của từng học sinh trong tháng đúng vị trí quy định.

3. Phần ghi điểm và tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại học kỳ, cả năm

- Giáo viên bộ môn: Hàng tuần ghi điểm các bài kiểm tra của học sinh đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của nhà trường; Cuối học kỳ, cuối năm học ghi điểm trung bình môn và xếp loại môn học (các môn đánh giá bằng nhận xét) vào Sổ gọi tên và ghi điểm.

- Giáo viên chủ nhiệm: Ngay sau khi giáo viên bộ môn hoàn thành việc ghi học ghi điểm trung bình môn và xếp loại môn học, phải tính và ghi điểm trung bình các môn, ghi kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm, ghi kết quả được lên lớp hay không được lên lớp (được xét tốt nghiệp THCS hay không được xét tốt nghiệp THCS, được thi THPT quốc gia hay không được thi THPT quốc gia), ghi danh hiệu đạt được (nếu có): Học sinh giỏi, học sinh tiên tiến,... (học kỳ, cả năm). Chậm nhất 15 ngày trước khi bắt đầu năm học tiếp theo, phải hoàn thành việc ghi các kết quả của học sinh sau khi kiểm tra lại (rèn luyện lại) trong hè (nếu có).

Chú ý:

- Đối với các lớp học cuối cấp phải hoàn thành các nội dung theo quy định về thời gian xét công nhận (thi) tốt nghiệp hằng năm của Sở GD&ĐT.

- Đối với học sinh THCS học theo mô hình trường học mới thì thực hiện theo quy định hiện hành

- Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, ký xác nhận và quản lý theo quy định.

Chủ đề liên quan

Hướng dẫn

Giáo dục - Học tập

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK