Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội là tài liệu vô cùng hữu ích tổng hợp toàn bộ kiến thức về cách làm đoạn văn nghị luận xã hội. Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ gồm khái niệm, các thao tác lập luận, cấu trúc đoạn văn nghị luận xã hội, cách làm dàn ý chi tiết kèm theo một số đoạn văn mẫu.
Viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) là một dạng đề quen thuộc trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Không có một khuôn mẫu nào chung cho sự sáng tạo trong văn học. Vì thế dưới đây là toàn bộ kiến thức về cách viết đoạn văn nghị luận xã hội hi vọng sẽ giúp các bạn định hướng đúng nội dung cần luận, đảm bảo tính chính xác, tính thẩm mỹ. Bên cạnh đó các bạn xem thêm 150 đoạn văn nghị luận xã hội.
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ chi tiết
- I. Định nghĩa nghị luận xã hội
- II. Phân loại
- III. Các thao tác lập luận
- IV. Cấu trúc đoạn văn nghị luận xã hội
- V. Các bước viết đoạn văn nghị luận xã hội
- VI. Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận 200 chữ
- VII. Lưu ý làm các dạng bài nghị luận
- VIII. Dàn ý đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
- IX. Một số đoạn văn nghị luận 200 chữ hay
Như các bạn đã biết từ năm 2017 Bộ GD&ĐT đã thay đổi cấu trúc và nội dung môn thi Ngữ văn. Về mặt hình thức, không còn viết một bài văn hoàn chỉnh mà chỉ cần viết một đoạn văn khoảng 200 chữ. Về mặt nội dung, cũng không còn trình bày suy nghĩ về một vấn đề độc lập mà là một vấn đề có liên quan đến nội dung đoạn Đọc – hiểu.
I. Nghị luận xã hội là gì
Nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội, chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc làm sáng tỏ cái đúng – sai, tốt xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào trong đời sống.
II. Phân loại
- Thông thường sẽ có hai loại chính:
- Nghị luận về một tư tưởng đạo lí
- Nghị luận về một hiện tượng xã hội.
- Ngoài ra còn có nghị luận về một vấn đề xã hội rút ra trong tác phẩm văn học.
III. Các thao tác lập luận
Trong đoạn văn nghị luận 200 chữ thường sử dụng các thao tác lập luận sau:
- Thao tác lập luận giải thích.
- Thao tác lập luận phân tích.
- Thao tác lập luận chứng minh.
- Thao tác lập luận bình luận.
- Thao tác lập luận so sánh.
- Thao tác lập luận bác bỏ.
IV. Cấu trúc đoạn văn nghị luận xã hội
*Đoạn nghị luận hiện tượng đời sống xã hội:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu luận điểm.
- Sử dụng 1 đến 2 câu văn để dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.
2. Thân đoạn: Cần đảm bảo các nội dung sau:
- Nêu được thực trạng của vấn đề (có dẫn chứng, số liệu cụ thể)
- Nguyên nhân của vấn đề (Vận dụng kiến thức để giải thích rõ nguyên nhân của vấn đề).
- Hậu quả (hoặc kết quả) của vấn đề (kết hợp đưa dẫn chứng, số liệu để làm rõ hậu quả hoặc kết quả của vấn đề)
- Đưa ra các giải pháp để thực hiện vấn đề. Trình bày các biện pháp để khắc phục hạn chế hoặc phát huy mặt ưu điểm.
- Liên hệ bản thân, nêu lên những việc cần thiết bản thân cần thực hiện cũng như trách nhiệm của cộng đồng, của thế hệ trẻ hiện nay.
3. Kết đoạn: Sử dụng 1 câu văn để khẳng định tính đúng đắn, tầm quan trọng của vấn đề
*Đoạn nghị luận vấn đề tư tưởng đạo lý:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu luận điểm.
- Sử dụng 1 đến 2 câu văn để dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.
2. Thân đoạn
- Nêu khái niệm, giải thích rõ vấn đề cần nghị luận.
- Bàn luận giải quyết vấn đề. Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng , đạo lí cần bàn luận:
+ Biểu hiện của vấn đề trong cuộc sống.
+ Tại sao ta cần phải thực hiện đạo lý đó.
+ Chúng ta cần phải làm gì để thực hiện đạo lý đó.
- Bày tỏ quan điểm của người viết:
+ Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng - sai, đóng góp - hạn chế của vấn đề.
+ Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm...
+ Đề xuất phương châm đúng đắn...
3. Kết đoạn: Khẳng định vấn đề
- Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (...)
- Lời nhắn gửi đến mọi người (...)
V. Các bước viết đoạn văn nghị luận xã hội
Bước 1: Đọc kỹ đề bài
Dựa vào cấu trúc đề thi mẫu của Bộ GD- ĐT, dạng bài nghị luận – xã hội sẽ lấy một ý nhỏ trong bài đọc hiểu để làm đề thi viết đoạn văn 200 từ. Vì vậy cần lưu ý như sau:
- Trước hết các em phải đọc kỹ bài đọc hiểu, nắm được cốt lõi nội dung. Từ đó xem đề yêu cầu mình bàn về vấn đề gì? Nhất là phải xác định được vấn đề đó thuộc về dạng bài Tư tưởng đạo lý hay Hiện tượng đời sống.
- Xác định xong dạng bài nghị luận xã hội, các em viết dàn ý mẫu của dạng bài đó.
Ví dụ được trích từ Bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesley của thầy Hiệu trưởng David McCullough.
“Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh. Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em. Hãy đến Paris để tận hưởng cảm giác đắm chìm trong Paris chứ không phải lướt qua đó để ghi Paris vào danh sách các địa điểm các em đã đi qua và tự hào mình là con người từng trải.
Tập luyện những suy nghĩ độc lập, sáng tạo và táo bạo không phải để mang lại sự thỏa mãn cho bản thân mà là để đem lại lợi ích cho 6,8 tỷ người trên trái đất của chúng ta. Rồi các em sẽ phát hiện ra sự thật vĩ đại và thú vị mà những kinh nghiệm trong cuộc sống mang lại, đó là lòng vị tha mới chính là điều tốt đẹp nhất mà các em có thể làm cho bản thân mình. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả. Bởi tất cả mọi người đều như thế “.
Câu nghị luận xã hội cho là: Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em.”
Như vậy, để có thể làm tốt dạng bài nghị luận – xã hội các em cần đọc kỹ phần đọc hiểu. Có như vậy, các em mới nắm bắt được những ý tác giả muốn nói tới. Cùng cảm nhận thế giới và cảm nhận thái độ ứng xử văn hóa trước thế giới, trước cuộc đời.
Bước 2: Xây dựng câu mở đoạn
Giống như phần mở bài vậy, câu mở đoạn phải có cái nhìn tổng quát, khái quát được nội dung mà đề thi yêu cầu. Phải hiểu được đề thi bàn về vấn đề gì? Câu mở đoạn có thể dùng 1-3 câu.
Cách xây dựng câu mở đoạn: nêu nội dung khái quát rồi dẫn câu nói vào (hoặc không dẫn nguyên câu thì trích vào cụm từ khóa).
Ví dụ theo đề trên ta có thể viết như sau:
Thành công luôn là khao khát của mỗi con người trên hành trình chinh phục những ước mơ và khát vọng – nhưng khi lên đến đỉnh của thành công, điều quan trọng nhất vẫn là để “ngắm nhìn thế giới” chứ không phải là để cho ai đó nhận ra mình.
Bước 3. Cách triển khai ý ở thân bài
- Đi thẳng vào vấn đề: Giải thích các cụm từ khóa, giải thích cả câu (cần ngắn gọn, đơn giản).
- Bàn luận, phân tích:
– Đặt ra các câu hỏi vì sao , tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
– Đưa ra dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
– Quan điểm của mình về vấn đề đó, đồng tình hay không đồng tình, phân tích theo quan điểm đó.
– Rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Dung lượng từng phần( tham khảo)
- Giải thích 4 dòng
- Bàn luận 12 dòng
- Mở rộng vấn đề – 4 dòng
- Bài học – 5 dòng
Bước 4: Cách viết kết đoạn bài nghị luận 200 từ( 2-3 dòng)
- Liên hệ với bản thân.
- Liên hệ với những vấn đề tương tự. Hoặc mở rộng vấn đề, có thể kết lại bằng một danh ngôn hay câu nói nổi tiếng.
VI. Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận 200 chữ
1. Phân loại dạng đề nghị luận : Có thể chia làm ba dạng
- Dạng 1: Nghị luận về một câu nói, ý kiến,tư tưởng trong phần ngữ liệu đọc hiểu → Đọc hiểu tích hợp nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
- Dạng 2: Nghị luận về một hiện tượng đời sống được đề cập đến trong phần đọc hiểu → Đọc hiểu tích hợp về một hiện tượng đời sống, xã hội.
- Dạng 3: Nghị luận về một thông điệp, ý nghĩa rút ra, gợi ra trong phần đọc hiểu → Đọc hiểu tích hợp nghị luận về một thông điệp, ý nghĩa gợi ra từ phần đọc hiểu.
2. Cách nhận biết các dạng đề
Nhận biết các dạng, kiểu đề để từ đó biết cách triển khai vấn đề, lập dàn ý sao cho phù hợp.
- Dạng 1: Là một câu nói, y kiến, tư tưởng giống như một câu danh ngôn hoặc một câu nói, ý kiến, tư tưởng có nội dung giống với nội dung trong ngữ liệu phần Đọc hiểu.
- Dạng 2: Thường đề phần nghị luận xã hội sẽ có các từ khóa như: hôm nay, hiện nay, ở Việt Nam,…
- Dạng 3: Đề yêu cầu rút ra thông điệp, ý nghĩa trong ngữ liệu phần đọc hiểu (thường là đoạn thơ, bài thơ hoặc đoạn trích, đoạn văn, bài văn).
3. Cách làm dạng đề cụ thể
a. Dạng 1: Đọc hiểu tích hợp nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
Các ý triển khai:
* Giải thích: Từ ngữ, ý kiến.
* Phân tích, chứng minh
- Tại sao ý lại như vậy?
- Dẫn chứng làm rõ.
* Bình luận
- Bàn luận mở rộng, lật ngược vấn đề nghị luận.
- Vấn đề đó đang diễn ra trong xã hội như thế nào?
* Bài học và liên hệ bản thân
- Từ đó, rút ra bài học cho bản thân và mọi người.
- Hành động thực tế.
- Kết thúc vấn đề bằng câu thơ, châm ngôn, khẩu hiệu, danh ngôn tạo ấn tượng.
Ví dụ:
Đề bài: Viết đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong phần đọc hiểu: “Cách tốt nhất thích ứng với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình”.
Hướng dẫn viết:
1. Hình thức: Đúng yêu cầu của một đoạn văn. Đủ số từ quy định; diễn đạt mạch lạc, rõ ràng làm sáng tỏ cho chủ đề.
2. Nội dung: Làm sáng tỏ các nội dung sau:
* Giải thích:
- Thực tế là gì? Thực tế là trạng thái của những điều thực sự tồn tại hiện thực.
- “Chấp nhận thực tế”: là biết chấp nhận hiện thực, chấp nhận tình trạng hiện tại và sống hòa hợp với nó; “tin vào chính mình” là tin tưởng khả năng, sự lựa chọn của bản thân.
* Phân tích, chứng minh
- Vì cuộc sống luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ không thể biết trước, không ngoại trừ những điều không như mong muốn có thể xảy đến với chúng ta. Như khi không thể vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh, khả năng của bản thân có giới hạn, … thì nên chấp nhận hiện tại, sống hòa hợp với nó. Tại sao vậy? Vì khi ta chấp nhận hiện tại ta sẽ cảm thấy dễ chịu, đầu óc cũng đủ tỉnh táo để tìm ra giải pháp tốt nhất.
- Và hãy “tin vào chính mình”, tin vào nghị lực, tài năng, lòng can đảm, sức mạnh và sự tự tin đều tiềm ẩn bên trong con người và sẽ có đủ khả năng vượt qua những khó khăn ấy. Đó là cách tốt nhất để vực lại chính mình.
* Bình luận
- Nếu không “chấp nhận hiện thực và tin vào chính mình” thì sau những vấp ngã, lỗi lầm ta sẽ dễ trách móc bản thân, như “ giá như…”, “ nếu biết trước thì…”. Những việc làm ấy không những vô nghĩa, mà ngược lại còn khiến cho ta dễ rơi vào tuyệt vọng, căng thẳng, giày vò bản thân. Không chỉ vậy, không biết “ chấp nhận hiện thực” còn tạo nên lối sống thiếu thực tế, tạo thói quen đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, thiếu trách nhiệm với hành động, lời nói của bản thân.
- Và cũng cần hiểu chấp nhận thực tế không phải là buông xuôi.
* Bài học và liên hệ bản thân
- Vì vậy, hãy biết “chấp nhận thực tế và tin vào chính mình” để mình luôn vui vẻ, hạnh phúc và trưởng thành.
b. Dạng 2: Đọc hiểu nghị luận tích hợp về một hiện tượng xã hội.
Dạng đề về hiện tượng tiêu cực: Các ý triển khai:
* Giải thích (nếu có)
* Thực trạng: Vấn đề đó đang diễn ra như thế nào?
* Nguyên nhân do đâu và hậu quả để lại?
* Giải pháp thiết thực và bài học
* Liên hệ bản thân.
Dạng đề về hiện tượng tích cực: Các ý triển khai:
* Giải thích (nếu có)
* Phân tích, chứng minh
* Bình luận
Ví dụ:
Đề bài: Từ nội dung văn bản phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay.
Trả lời
1. Hình thức: Đúng yêu cầu của một đoạn văn. Đủ số từ quy định; diễn đạt mạch lạc, rõ ràng làm sáng tỏ cho chủ đề.
2. Nội dung: Làm sáng tỏ các nội dung sau:
* Giải thích
- Thực phẩm bẩn là những thực phẩm có chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.
* Thực trạng
- Vấn đề thực phẩm bẩn là một hiện tượng phổ biến, đang diễn ra từng ngày: thịt có chất tạo nạc, ra có thuốc trừ sâu; làm đỏ ruốc bằng hóa chất… Tuy là vấn đề không còn mới mẻ, lạ lẫm với bất cứ người nào nhưng ngày càng ở mức độ báo động cao, gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe cho con người.
* Nguyên nhân và hậu quả
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số doanh nghiệp, nhà sản xuất quá quan tâm đến lợi nhuận, thiếu đạo đức nghề nghiệp. Người tiêu dùng thiếu hiểu biết, ham của rẻ mà tạo cơ hội cho thực phẩm bẩn tràn lan. Một phần do các cơ quan có thẩm quyền quản lí thực phẩm còn lỏng lẻo.
- Hậu quả là sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng trực tiếp bị đe dọa khi sử dụng thực phẩm bẩn hàng ngày. Gây tâm lí hoang mang cho người tiêu dùng và bất ổn cho xã hội.
* Giải pháp
- Cần có những biện pháp khắc phục vấn nạn thực phẩm bẩn: nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng, hướng người tiêu dùng đến với thực phẩm sạch. Cần đưa ra những biện pháp xử lí mạnh, nghiêm minh đối với những cơ sở, người sản xuất thực phẩm bẩn.
* Bài học và liên hệ với bản thân
- Tuy nhiên, giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn không phải một sớm một chiều mà rất cần sự chung tay góp sức từ mỗi người. Mỗi người hãy tự học cách trở thành người tiêu dùng khôn ngoan để bảo vệ bản thân. Và có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.
c. Dạng 3: Đọc hiểu tích hợp nghị luận về thông điệp, ý nghĩa rút ra, gợi ra trong phần đọc hiểu
Các ý triển khai:
* Nêu vấn đề, tóm tắt nội dung câu chuyện
* Giải thích, phân tích, chứng minh
* Bình luận
* Bài học và liên hệ bản thân.
Ví dụ:
Đề bài:
“Trở về sau một ngày làm việc mệt mỏi, người mẹ xách giỏ vào bếp. Đón chị là đứa con trai đang háo hức mách mẹ những gì mà em nó đã làm: “Mẹ ơi,lúc bố đang gọi điện thoại, con đang chơi ngoài sân thì em lấy bút chì màu viết lên tường, chỗ mới sơn trong phòng ấy. Con đã nói nhưng em không nghe”. Người mẹ rên rỉ: “Trời ơi!”,buông gió và bước qua phòng, nơi cậu con trai út đang trốn. Đứa bé run lên vì sợ. Trong khoảng mười phút, người mẹ giáo huấn con về công sức, tiền bạc và khoản chi phí vì trò chơi không đúng chỗ của con. Càng la mắng, chị càng giận và lao đến chỗ thằng bé đang sợ sệt lấy thân mình che tác phẩm của nó. Khi nhìn thấy dòng chữ “Con yêu mẹ” được viết nắn nót trên tường, viền bằng một trái tim nguệch ngoạc nhưng rất ngộ nghĩnh, dễ thương, đôi mắt người mẹ nhòa đi”.
( Theo “Hạt giống tâm hồn”-NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh,2011,tr.42-43)
Anh/chị hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của câu chuyện được gợi ra trong phần đọc hiểu.
Trả lời
1. Hình thức: Đúng yêu cầu của một đoạn văn. Đủ số từ quy định; diễn đạt mạch lạc, rõ ràng làm sáng tỏ cho chủ đề.
2. Nội dung: Làm sáng tỏ các nội dung sau:
* Tóm tắt và nêu vấn đề
- Trong câu chuyện, vì người mẹ vội vã, thiếu toàn diện khi nhìn nhận một vấn đề mà dẫn đến la mắng, trách nhầm con mình.
- Từ câu chuyện rút ra thông điệp ý nghĩa: Khi nhìn nhận, đánh giá một vấn đề nào đó cũng cần cẩn thận, toàn diện và khách quan để không gây ra những hậu việc đáng tiếc
* Phân tích, chứng minh
- Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhất là đối với con trẻ. Cậu con út trong câu chuyện, đơn giản chỉ muốn thể hiện tình cảm của mình dành cho mẹ, mong làm mẹ vui. Nhưng cậu còn quá nhỏ để nhận thức được: Tình cảm chân thành cũng cẩn thể hiện đúng lúc, đúng chỗ.
- Về phần người mẹ, bà đã quá vội vàng kết luận khi chưa nhìn ra mọi mặt vấn đề đã giận dữ và dạy cho con mình một bài học. Kết quả, khi vỡ lẽ, bà đã hối hận vì hành động của mình.
* Bình luận
- Dù cuộc sống vội vã, có quá nhiều thứ để lo toan nhưng cha mẹ nên chăng cũng cần dành nhiều thời gian quan tâm và để hiểu hơn về con cái.
- Khi đánh giá, nhận xét một vấn đề nào đó cần cẩn thận tìm hiểu mọi mặt rồi đưa ra kết luận.
- Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhất là đối với con trẻ. Vậy nên, chúng ta cũng cần có cái nhìn cảm thông thay vì vội vàng giận dữ, truy cứu đến cùng.
VII. Lưu ý làm các dạng bài nghị luận
- Đây là phần dễ kiếm điểm nhất trong cấu trúc đề thi. Với thiết kế đề thi như vậy, các em sẽ rất dễ dàng triển khai vấn đề.
- Dung lượng yêu cầu khoảng 200 chữ, vì vậy cần viết ngắn gọn súc tích. Đi thẳng trực tiếp vào vấn đề, chia luận điểm, luận cứ rõ ràng.
- Thời gian viết bài nghị luận dao động từ 20-25 phút. Tránh tập trung quá nhiều vào dạng bài này mà mất thời gian câu sau.
- Lưu ý đối với cách trình bày: trình bày như 1 đoạn văn, không có ngắt xuống dòng. Tuy vậy, vẫn đảm bảo đủ 3 phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Bài 200 chữ ứng với khoảng 20 dòng, 2/3 tờ giấy thi.
Tóm lại, nghị luận xã hội là thể văn hướng tới phân tích, bàn bạc các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội. Đoạn nghị luận xã hội chú trọng việc bày tỏ quan điểm cá nhân, nên chúng ta rất khuyến khích các em sáng tạo trong cách nghĩ, cách viết, bộc lộ cá tính. Nhưng cần nhớ sự sáng tạo, khác biệt vẫn phải dựa trên lí lẽ, căn cứ xác đáng với một thái độ chân thành, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Bởi lẽ mục đích cuối cùng của nó là tạo ra những tác động tích cực đến con người và các mối quan hệ xã hội, giúp chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế khi làm bài các em nên chú ý lan tỏa những thông điệp tích cực, tốt đẹp.
VIII. Dàn ý đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
*Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về một vấn đề xã hội
Ví dụ: Viết đoạn văn về trải nghiệm đối với tuổi trẻ
A – Phần mở đoạn: Nêu vấn đề cần nghị luận: vai trò của trải nghiệm đối với tuổi trẻ.
B – Phần thân đoạn
– Giải thích: Trải nghiệm là tự mình trải qua để có được hiểu biết, kinh nghiệm.
– Bày tỏ ý kiến: Trải nghiệm có vai đặc biệt quan trọng đối với con người, đặc biệt là tuổi trẻ, vì:
+ Trải nghiệm đem lại hiểu biết và kinh nghiệm thực tế; giúp người trẻ mau chóng trưởng thành về cách nghĩ, cách sống, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, giúp tuổi trẻ gắn bó và góp phần cống hiến cho cuộc đời.
+ Trải nghiệm giúp tuổi trẻ khám phá phá chính mình để có lựa chọn đường đời đúng đắn.
+ Trải nghiệm giúp người trẻ dấn thân, thử nghiệm để sáng tạo; biết cách vượt qua những trở ngại khó khăn, tôi luyện bản lĩnh, ý chí để thành công.
+ Thiếu trải nghiệm cuộc sống của tuổi trẻ sẽ nghèo nàn, thụ động, nhàm chán, vô ích…
+ Lấy dẫn chứng về những người trải nghiệm để chứng minh.
– Bàn mở rộng:
+ Khuyên con người, đặc biệt là những người trẻ cần trải nghiệm để khám phá cuộc sống và chính mình. Cần tạo điều kiện để tuổi trẻ được trải nghiệm cuộc sống tốt đẹp và hữu ích.
– Thực tế, nhiều bạn trẻ chưa coi trọng hoạt động trải nghiệm để bản thân trưởng thành. Đó là những người chỉ chú ý vào việc học tập, thi cử mà chưa chủ động, tích cực trải nghiệm, rèn kĩ năng sống. Một số khác lại đắm chìm trong thế giới ảo. Cá biệt, có những bạn trẻ lại lao vào thử nghiệm những điều có hại, sa vào tệ nạn…
C – Phần kết đoạn: Nêu bài học nhận thức và hành động:
Cần nhận thức được vai trò quan trọng và cần thiết của trải nghiệm, biết trải nghiệm tích cực để giúp bản thân trưởng thành, vững vàng và sống đẹp hơn. Khẳng định lại vấn đề cần bàn luận.
*Viết đoạn văn nghị luận về tư tưởng đạo lý
A – Phần mở đoạn: Giới thiệu về câu ngạn ngữ trong đề bài
B – Phần thân đoạn:
1, Giải thích câu ngạn ngữ:
– Tư tưởng lớn là những tư tưởng đem đến những phát minh hay những cống hiến vĩ đại cho nhân loại về kinh tế, chính trị, khoa học,… người có tư tưởng lớn là vĩ nhân, con người kiệt xuất.
– Trái tim lớn là trái tim cháy bỏng đam mê, khát khao sáng tạo không ngừng hướng tới những điều tốt đẹp cho con người.
– Ân tình nặng là tình yêu thương sâu nặng, sự gắn bó, sẻ chia giữa con người với con người.
– Lẽ phải là những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Như vậy, trái tim lớn là nguồn gốc tạo nên tư tưởng lớn và lẽ phải là cái gốc để đem đến những ân tình sâu nặng.
2, Phân tích, lý giải:
– Câu ngạn ngữ phản ánh một quy luật, trái tim lớn là nguồn gốc của tư tưởng lớn. Nhờ sự thôi thúc của trái tim lớn mà nhân loại có được những phát minh, cống hiến vĩ đại trên các lĩnh vực, làm giàu thêm kho tàng tri thức của loài người.
Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người mang trong mình trái tim cao cả, sẵn sàng hi sinh để cho những tư tưởng lớn ra đời. Thực tế, nhiều nhà tư tưởng lớn của thế giới cũng như của nước ta đều xuất phát từ trái tim mãnh liệt hướng tới những cống hiến cho con người.
Vì thế muốn có những tư tưởng lớn, con người phải có những đam mê, khám phá sáng tạo.
– Lẽ phải cũng là cái gốc của những ân tình sâu nặng. Đó chính là phẩm chất, đạo đức tốt đẹp giữa con người với con người, cá nhân với cộng đồng. Có thể nói tất cả những điều tốt
đẹp trong cuộc sống đều bắt nguồn từ lẽ phải.
– Câu ngạn ngữ đã chỉ ra mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa trái tim lớn với tư tưởng lớn, giữa lẽ phải với ân tình sâu nặng. Nếu không có trái tim lớn thì cũng không có được những tư tưởng lớn và không có lẽ phải thì cũng không có ân tình sâu nặng.
3, Mở rộng vấn đề:
Nhưng khi vận dụng vào đời sống cũng cần hiểu một cách linh hoạt: không phải khi nào trái tim lớn cũng đem đến những tư tưởng lớn, đúng đắn, tiến bộ và không phải khi nào lẽ phải cũng đem đến những ân tình nặng,…
– Tư tưởng lớn tác động trở lại giúp cho trái tim có thêm đam mê, nghị lực phấn đấu, vươn lên; ân tình sâu nặng cũng củng cố cho lẽ phải vững chắc hơn, đúng đắn hơn.
C – Phần kết đoạn: Rút ra bài học cho bản thân.
IX. Một số đoạn văn nghị luận 200 chữ hay
Đề 1: Viết đoạn văn nghị luận về tình mẫu tử
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Tình mẫu tử từ lâu đã trở thành một trong những tình cảm máu thịt cao quý và thiêng liêng nhất đối với mỗi con người. Tình mẫu tử là khái niệm thuộc phạm trù tinh thần, được hiểu là tình cảm gắn bó, yêu thương, ruột thịt của mẹ và con. Đây là tình cảm được xuất phát từ hai phía, mẹ yêu thương con, con kính trọng, hiếu thuận với mẹ. Tình mãu tử trong xã hội được biểu hiện đa dạng với những hành động cụ thể khác nhau. Chúng ta có thể bắt gặp những bà mẹ tảo tần, lặn lội sương gió, yêu thương, che chở và hy sinh cả cuộc đời mình vì con cái; bắt gặp người con hiếu thảo, chăm sóc, bảo vệ mẹ già. Đó đều là hành động minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp và đáng trân trọng. Tình mẫu tử như một bài ru ngọt ngào, tiếp thêm động lực, sức mạnh cho cả mẹ và con trước bất kì khó khăn, gian khổ nào của cuộc đời. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không khỏi đau xót và phẫn uất trước tình trạng tha hóa đạo đức khi mẹ ruột nhẫn tâm vứt bỏ con cái của mình, khi con cái đánh đập, bất hiếu với cha mẹ già đã tảo tần hi sinh ngày nào. Thậm chí, có những bà mẹ, những người con còn ra tay giết chết máu mủ ruột già của mình chỉ vì sự nóng giận, ích kỉ. Những hành động đó đã và đang diễn ra một cách trần trụi và nhức nhối, bóp méo đi hai chữ “mẫu tử” thiêng liêng, gây ảnh hưởng xấu đến văn minh xã hội. Chính vì vậy, chúng ta cần có giải pháp kịp thời để ngăn chặn hành vi đi trái với đạo đức đó, cưu mang, cứu giúp kịp thời những hoàn cảnh đáng thương của sự suy đồi về nhân cách của con người.
Đề 2: Đoạn văn nghị luận về sự sẻ chia trong cuộc sống
Đối với mỗi cuộc đời con người, sự sẻ chia trong cuộc sống là điều vô cùng cần thiết. Vậy sẻ chia là gì? Tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Sẻ chia là một dạng tình cảm xuất phát từ trái tim, sự đồng cảm, và tình yêu thương, được thể hiện khi ta biết quan tâm, lo lắng và giúp đỡ những người xung quanh. Nói cách khác, sẻ chia chính là cho đi mà không mong muốn được nhận lại. Bạn biết đấy, cuộc sống là sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Biết sẻ chia chắc chắn sẽ giúp bạn phát triển các mối quan hệ xã hội, tạo nên sự gắn kết với những người xung quanh, từ đó không bao giờ cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo. Đồng thời khi ai đó gặp khó khăn, giúp được họ - dù chỉ một chút thôi – chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và thanh thản hơn rất nhiều. Trong thực tế, không khó để ta bắt gặp và cảm phục những con người mang trong mình đức tính này. Những tình nguyện viên mang trên mình màu áo xanh tình nguyện, các mạnh thường quân không quản ngại khó khăn đến với vùng bão lũ hay đơn giản hơn là một cậu bé biết dành tiền ăn sáng tặng cho người hành khất…, đó đều là những bông hoa đẹp điểm tô cho vườn đời thêm rực rỡ. Tuy nhiên, vẫn có một số người sống ích kỉ, chỉ biết nhận lại chứ không biết cho đi. Họ chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình mà không quan tâm đến người khác muốn gì, nghĩ gì, cần giúp đỡ gì. Đứng trước hiện tượng này, tất cả chúng ta cần học cách đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh từ những việc làm nhỏ nhất: gửi lời chào tới bố mẹ trước khi đi học, chúc người bạn cùng bàn một ngày tốt lành khi tới lớp… Như vậy, chắc chắn cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều. Bởi đúng như một nhà văn Nga từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương của con người”.
Đề 3: Đoạn văn nghị luận về lòng dũng cảm
Lòng dũng cảm là một trong những đức tính vô cùng cần thiết và đáng quý ở mỗi con người. Dù ở nơi đâu khi làm bất cứ việc gì con người cũng đều cần đến lòng dũng cảm. Dũng cảm là không sợ nguy hiểm, khó khăn. Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa. Dũng cảm là sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cứu giúp những người khó khăn hoạn nạn. Trong chiến tranh, nhờ những tấm gương dũng cảm như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, La Văn Cầu… và bao tấm gương thương binh, liệt sĩ mà đất nước mới có được nền độc lập. Trong hoà bình những người lính, những chiến sĩ công an dũng cảm đấu tranh với tội phạm để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Người dũng cảm là người bản lĩnh, dám đương đầu và không lùi bước. Và cũng như bản lĩnh, dũng cảm sẽ giúp con người vươn đến thành công. Người dũng cảm luôn được mọi người yêu mến và quý trọng. Qua đây ta cũng cần phê phán những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Phê phán những kẻ hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống. Dũng cảm là cần thiết, vì vậy cần rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Luôn đấu tranh loại bỏ sự hèn nhát, rèn cho mình ý chí, nghị lực, bản lĩnh. Hãy nhớ rằng, hèn nhát là bóng tối đẩy lùi bước tiến của xã hội và chỉ có dũng cảm mới có thể dẫn lối soi đường cho ta thoát khỏi con đường hầm tăm tối đó.
Đề 4: Đoạn văn nghị luận về sự thành công
Thành công vốn là thứ con người chúng ta ai rồi cũng sẽ đạt được tùy vào mức độ và sự cố gắng của từng người. Vậy có khi nào bạn tự hỏi: Thế nào là thành công? Thành công là cảm giác vui sướng, hạnh phúc, viên mãn khi chúng ta đạt được những mục tiêu, những lí tưởng mà chúng ta phấn đấu, mong muốn có được nó sau một quá trình nỗ lực, phấn đấu. Xã hội luôn phát triển, nếu con người không cố gắng vươn lên, nỗ lực, cố gắng sẽ bị thụt lùi về sau và sớm muộn cũng bị đào thải khỏi vòng xoay của xã hội. Mỗi con người cần phải có ước mơ thì mới có ý chí vươn lên, sống tốt hơn thì mới trở thành công dân có ích giúp đất nước giàu đẹp. Trên con đường chinh phục ước mơ, thành công chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và những vấp ngã, sau khi đứng lên sau vấp ngã, khó khăn đó chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân, từ đó tích lũy được kinh nghiệm sống, hoàn thiện mình. Có rất nhiều tấm gương về thành công mà chúng ta cần học tập trong đó không thể không nhắc đến Bác Hồ, người đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ để mang lại thành công to lớn là dành được độc lập cho nước nhà. Tuy nhiên, tỏng cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống không có ước mơ, không biết phấn đấu vươn lên, chỉ ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, không biết tự làm chủ cuộc sống của mình hoặc khi vấp ngã thì nản chí, những người này sẽ không có được thành công, sẽ sớm bị xã hội đào thải; đáng bị xã hội chỉ trích, phê phán. Mỗi chúng ta cần có suy nghĩ và hành động đúng đắn để cuộc sống của mình thêm tốt đẹp hơn và sớm đạt được thành công như chúng ta mong muốn.
Đề 5: Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của Ý Chí (Nghị lực)
Muốn vượt qua gian nan thử thách trên đường đời, con người không thể thiếu đi nghị lực. Vậy nghị lực là gì? Đó là là ý chí, là bản lĩnh, lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Người giàu nghị lực luôn có sức sống mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi thử thách khó khăn, kiên trì vượt qua nghịch cảnh để đi đến thành công. Trong thực tế, ta có thể bắt gặp không ít con người như vậy. Nguyễn Ngọc Ký thiếu đi đôi tay nhưng không ngừng nỗ lực để trở thành một người thầy đáng kính, Nick Vujicic sinh ra với tứ chi khiếm khuyết nhưng chưa một lần chịu thua số phận, Stephen Hawking bị bại liệt ở tuổi ngoài 20 và được ngợi ca là nhà vật lí học đương đại nổi tiếng nhất… Họ chính là những tấm gương sáng, đem đến cho ta bài học quý báu về giá trị của ý chí, nghị lực và sự quyết tâm. Vậy nhưng, trong xã hội vẫn có một số người có lối sống ỷ lại, dựa dẫm, không có tinh thần phấn đấu, ý chí tiến thủ. Không chỉ tự đưa mình vào ngõ cụt, những người như vậy còn kéo lùi dòng chảy văn minh của nhân loại, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thế hệ trẻ hôm nay cần phê phán lối sống này, không ngừng rèn đức luyện, nỗ lực bằng tất cả khả năng để có thể vững vàng tiến về phía trước. Bởi đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “Tuổi trẻ là tuổi của tương lai. Muốn có tương lai tốt đẹp thì phải chiếm lấy bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân”.
Xem thêm: Đoạn văn nghị luận về ý chí và nghị lực
Đề 6: Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200) chữ bàn về tính Trung Thực
“Trung thực là “chương đầu tiên” trong cuốn sách về sự khôn ngoan” - Thomas Jefferson. Quả đúng như vậy, trung thực là một đức tính quý báu mà bất cứ ai trong cuộc đời cũng đều mong muốn có cho mình. Vậy trung thực là gì? Đó là lối sống ngay thẳng, không bao giờ nói sai sự thật, luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ công bằng; trung thực là không dối trá, sống đúng lương tâm mình. Trung thực được thể hiện ở rất nhiều mặt của đời sống. Đó là lúc bạn sai lầm và mạnh dạn nhận lỗi về mình. Trong thi cử chấp nhận điểm kém còn hơn gian lận, quay cóp. Trung thực còn giúp cho chúng ta rất nhiều điều khác trong cuộc sống nữa. Nó giúp ta có được sự tin tưởng, tin yêu của người khác. Trong công việc làm ăn, nếu chúng ta làm ăn trung thực với nhau, không gian dối thì cả hai bên đều có lợi. Nếu mỗi con người là một tấm gương sáng về trung thực thì sẽ tạo nên một xã hội văn minh, công bằng, xã hội ổn định, phát triển. Ta cũng cần phê phán những kẻ gian dối, thiếu trung thực. Những kẻ không trung thực là những kẻ xấu, dễ gây mất niềm tin đối với người xung quanh, khiến ai cũng phải dè chừng. Trong cuộc sống hằng ngày, khi vi phạm lỗi lầm gì thì cố gắng kiếm cớ, nói dối sao cho mình thoát khỏi tội. Đó là những hành vi đê hèn của kẻ không trung thực. Người không trung thực là người không tốt. Vậy nên chúng ta cần đấu tranh loại bỏ thói xấu này ra khỏi xã hội. Tóm lại, trung thực là một đức tính tốt, cao quý rất đáng để cho chúng ta noi theo. Vì thế, ngay từ giờ phút này, hãy chung tay loại bỏ thói dối trá ra khỏi đời sống xã hội, hãy cùng nhau tạo nên một thế giới nơi con người tin tưởng và sống với nhau bình đẳng và bác ái.
Xem thêm: Đoạn văn nghị luận về lòng trung thực
Đề 7: Đoạn văn viết về lòng biết ơn
Trong mỗi chúng ta, được sinh ra trên cuộc đời này, được nuôi dưỡng nên người là những ân nghĩa vô cùng cao đẹp và to lớn. Chính vì thế chúng ta cần sống với lòng biết ơn mọi người, biết ơn cuộc sống để thấy cuộc đời ý nghĩa hơn. Biết ơn chính là việc mỗi chúng ta cảm kích, trân trọng và có hành động báo đáp trước những hành động, việc làm tốt đẹp hoặc sự giúp đỡ của người khác dành cho mình. Người sống có lòng biết ơn là những người biết nói “cảm ơn”, trân trọng những việc làm của người khác đối với mình khiến bản thân mình tốt hơn. Họ cũng là những người biết giúp đỡ lại người khác ngay khi có thể, sống chan hòa với mọi người, không so đo, đố kị với bất kì ai. Khi nhận ơn nghĩa của người khác, người sống với lòng biết ơn thì biết truyền tải đi những thông điệp tốt đẹp để khiến cho xã hội này tốt đẹp hơn. Lòng biết ơn có những lợi ích và vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người. Việc nhận ơn nghĩa từ người khác khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, vượt qua được những khó khăn trước mắt, từ đó sống tốt hơn. Mỗi con người sống với lòng biết ơn thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, giàu tình cảm hơn và gắn bó với nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, lòng biết ơn giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp khác, truyền tải những thông điệp tích cực ra xã hội. Từ xưa đến nay, con người Việt Nam ta luôn sống với truyền thống biết ơn. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến là các học sinh của cụ giáo Chu Văn An dù trưởng thành và có địa vị trong xã hội vẫn không quên ơn nghĩa dạy dỗ của thầy, vào ngày mừng thọ thầy, họ vẫn tề tựu đông đủ, kính cẩn với thầy… Là một học sinh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần biết ơn công lao sinh thành của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô giáo và cố gắng vươn lên, trở thành một công dân có ích cho xã hội. Mỗi ngày rèn luyện một chút sẽ khiến cho bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Đề 8: Đoạn văn viết về trân trọng cuộc sống mỗi ngày
Mỗi con người khi sinh ra đều được ban quyền sống và chỉ sống một lần, không ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, vì thế hãy tự tạo ra tương lai tốt đẹp cho bản thân bằng việc hãy sống thật hạnh phúc và trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Thành công không phải là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa dẫn tới cánh cửa thành công. Nếu bạn yêu điều bạn đang làm, bạn sẽ thành công. Mỗi chúng ta khi mới tuổi đôi mươi thì ít ai băn khoăn về cuộc sống thế nào là hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản lắm chỉ là việc mỗi ngày thức dậy thấy khỏe mạnh, bình yên trong lòng, có một công việc mình thích và đủ để sống tốt, được đi du lịch, về thăm gia đình cùng cả nhà ăn uống quây quần bên nhau, có một người bạn thật sự thân và có thể vô tư chia sẻ về công việc cuộc sống, tình yêu, công việc. Hạnh phúc giúp chúng ta sống ý nghĩa hơn, sống giá trị và từ đó biết vươn lên phía trước; không ngừng học hỏi, kiên trì và luôn có định hướng kế hoạch rõ ràng để đạt được thành công. Bất cứ nơi đâu cũng đều có những niềm hạnh phúc riêng. Mỗi ngày hãy tự tạo ra những niềm hạnh phúc, sự vui tươi riêng biệt của chính bản thân mình. Suy nghĩ tích cực làm việc cố gắng, luôn nỗ lực và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch mà mình đặt ra, biết yêu thương mọi người xung quanh nhiều hơn chắc chắn hạnh phúc sẽ tìm đến với ta. Khi chúng ta biết làm bản thân mình hạnh phúc cũng như biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày của chính mình, chúng ta sẽ có được một cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp.
Đề 9: Viết đoạn văn về lòng hiếu thảo
Mỗi con người chúng ta được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Công ơn trời biển ấy kể sao cho xiết! Chính vì thế, chúng ta cần phải luôn hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Công cha nghĩa mẹ to lớn vô cùng. Không có cha mẹ thì sẽ không có chúng ta. Mẹ phải vất vả chín tháng mười ngày thai nghén bao gian truân, cơ cực. Chín tháng hay chín năm, gian khó khôn cùng để sinh ra ta. Mẹ chắt chiu dòng sữa nuôi con khôn lớn. Khi con ốm đau, mẹ quên ăn quên uống, thức trắng cùng những cơn sốt, cơn đau của con, thao thức lo toan. Khi con đã lớn lên: từ bát cơm mỗi ngày, từ manh áo đến mọi tiện nghi học hành cha mẹ lo cho con tất cả. Cha mẹ như cánh cò cần cù nhẫn nại, vật lộn với đời thường để chắt chiu lo cho con ăn học thành tài. Cha mẹ hết lòng vì con cái, chẳng giành lại cho mình điều gì. Chẳng ai biết giới hạn cuối cùng của việc thế nào là trọn đạo; chỉ biết rằng, nụ cười mẹ cha khi thấy con được điểm tốt, niềm mãn nguyện khi con biết vâng lời phải, sự tự hào khi con lớn khôn, đấy là minh chứng cho thấy con đã làm đúng đạo của mình rồi. Cha mẹ sẽ hạnh phúc làm sao khi bạn mạnh khỏe, ngoan ngoãn học hành. Cha mẹ sẽ đau đớn biết bao khi nhìn nguồn sống, niềm tin của mình sa ngã? Chẳng cần làm những điều cao cả, đôi khi chỉ cần chạy đến ôm mẹ như thuở còn thơ thôi, ấy cũng đã là trọn đạo rồi. Mỗi con người có một cách thể hiện tình cảm, lòng hiếu thảo với cha mẹ khác nhau, chúng ta hãy sống trọn đạo làm con để cuộc đời thêm ý nghĩa hơn.
Đề 10: Viết đoạn văn về tinh thần tự học
Ngày nay, khi khoa học kĩ thuật phát triển thì việc học tập cũng phát triển theo. Chính vì vậy giới học sinh chúng ta đã sáng tạo ra rất nhiều cách học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho bản thân. Nhưng dù là phương pháp học thế nào thì ý thức tự học của mỗi người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Tự học là việc con người phát huy những kiến thức, kĩ năng đã được truyền lại bằng chính sức lực, khả năng của riêng mình. Việc tự học cho bản thân là rất quan trọng. Nó chính là một chiếc chìa khóa đưa ta đến kho tàng tri thức, là điều kiện giúp ta thành công trong học tập. Nếu chúng ta biết tự học cho bản thân thì chúng ta chắc chắn sẽ thành công và nâng cao được tri thức của chính mình. Tự học giúp con người có được ý thức tốt nhất trong quá trình học: chủ động suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, nghiên cứu và nắm được bản chất vấn đề từ đó tự học giúp ta tiếp thu được kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau như sách, báo, từ truyền hình tivi, từ bạn bè hoặc từ những người xung quanh, những kinh nghiệm sống của nhân dân. Tự học giúp ta có thể chủ động ghi nhớ các bài giảng trên lớp, tiết kiệm được thời gian, có thể tiếp thu một lượng kiến thức lớn mà vẫn hiểu và nắm chắc bài học. Và tự học, từ lí thuyết, chúng ta biết chủ động luyện tập thực hành, giúp ta có thể nhanh chóng hình thành kĩ năng, củng cố và nâng cao kiến thức đã học. Vì vậy, chủ động tự học sẽ giúp ta tìm ra được phương pháp học tốt nhất mang lại hiệu quả cao cho chính bản thân mình. Tự học là cách tốt nhất giúp ta tiến bộ hơn trong học tập, mang lại một kết quả học tập cao nhất có thể. Nếu chúng ta biết nỗ lực tự học, chúng ta sẽ thành công, sẽ mở được một tương lai rộng mở cho chính mình. Nếu chúng ta thành công, chúng ta sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, cho đất nước, đưa đất nước ngày càng đi lên, phát triển đến một tầm cao mới.
Đề 11: Viết đoạn văn 200 chữ về tinh thần trách nhiệm
Con người muốn hoàn thiện bản thân thì cần rèn luyện nhiều đức tính tốt đẹp, một trong số đó chính là sống có trách nhiệm và đẩy thói vô trách nhiệm ra xa bản thân. Trách nhiệm là việc mỗi người ý thức được công việc, nhiệm vụ của bản thân mình và cố gắng hoàn thiện chúng một cách trọn vẹn và nhanh nhất mà không để người khác phải nhắc nhở, khiển trách. Vô trách nhiệm trái ngược trách nhiệm, là việc mỗi người không có ý thức hoàn thành công việc, nghĩa vụ của mình một cách đúng hạn mà dửng dưng, để người khác phải nhắc nhở, khiển trách. Mỗi chúng ta khi sinh ra được sống trong nền hòa bình đã là một sự may mắn, chính vì vậy chúng ta cần phải cống hiến nhiều hơn để phát triển nước nhà vững mạnh, có thể chống lại mọi kẻ thù. Khi chúng ta tích cực học tập, lao động, tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp cũng chính là cống hiến cho tổ quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cần biết yêu thương, giúp đỡ đồng bào, đoàn kết không chỉ giúp cho chúng ta được yêu thương, trân trọng trong mắt mọi người mà nó còn thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh,… Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn sống không có trách nhiệm với bản thân mình cũng như với những người xung quanh. Những người này sẽ khó có được sự tin tưởng, tín nhiệm và sớm bị xã hội đào thải. Mỗi người chỉ được sống có một lần, hãy trở thành một công dân tốt, có đạo đức, trách nhiệm, tránh xa thói vô trách nhiệm và biết sống vì mọi người nhiều hơn.
Đề 12: Viết đoạn văn về trách nhiệm của công dân với đất nước
Từ thuở xa xưa thanh niên Việt Nam đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Trong thời chiến họ luôn là lực lượng tiên phong trong các phong trào đánh giặc cứu nước, luôn là lực lượng nòng cốt của cách mạng, xả thân vì tổ quốc mà không tiếc thời tuổi trẻ. Vậy chúng ta những thanh niên may mắn được sinh ra trong thời bình, chúng là phải có trách nhiệm như thế nào để gìn giữ và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng đã được đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước, phải làm gì để xứng đáng hưởng được những thành quả ngày hôm nay. Mỗi chúng ta phải xác định cho mình một lí tưởng sống cao đẹp, phải có ước mơ và hoạch định ra cho mình một kế hoạch cụ thể, phải rèn đức luyện tài, phải hiểu được vai trò đất nước đối với chúng ta, có như vậy chúng ta mới xác định được đúng đắn nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Chúng ta ra sức học tập cũng là đang thực hiện nhiệm của của mình với đất nước, nó không phải là một cái gì đó sâu xa như các bạn nghĩ nó chỉ đơn giản là làm tốt bổn phận của mình để phấn đấu trở thành một công dân tốt góp phần xây dựng một đất nước giàu đẹp vững mạnh. Như vậy trách nhiệm của thanh niên ở thời chiến hay thời bình đều do ý thức mỗi con người tuy nhiên nó lại được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau.
Đề 13: Viết đoạn văn về lối sống ích kỷ
Mỗi con người khi sinh ra đều là những cá thể khác biệt, có những nét tính cách khác nhau. Nhưng sống trong một xã hội ngày càng đề cao tính cộng đồng, mỗi người không nên có tính ích kỉ. Ích kỉ là chỉ sống cho bản thân mình, lo cho bản thân mà mặc kệ, không quan tâm đến người khác. Những người ích kỉ lúc nào cũng đặt quyền lợi của bản thân lên quyền lợi của mọi người, của tập thể. Họ sống trong tư thế không chịu mở lòng, luôn ngại khó, ngại khổ mà đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, chỉ thích hưởng quyền lợi mà không thích làm việc. Ví dụ như trong lớp học, khi có bạn đến hỏi cách giải một bài toán khó mà mình đã giải ra, vì sợ bạn cũng làm ra rồi giỏi hơn mình nên né tránh, nói dối rằng chưa làm ra rồi lảng sang việc khác. Hay khi cả lớp đi uống nước sau những buổi lao động ở trường, trong lúc bạn bè nói chuyện vui vẻ thì bạn nhíu mày nhăn mặt tính toán: “Mình thì làm mệt phờ người còn nó chỉ làm một chút mà cũng được ngồi uống nước như mình.” Chẳng phải Bác Hồ đã từng nói : “Lao động là vinh quang” sao? Nhưng lúc đó bạn có nghĩ được như vậy không ? Chắc chắn là không đâu khi mà sự ích kỉ đang quấn lấy trí óc bạn, khiến cho bạn càng thêm mệt mỏi. Ích kỉ là một lối sống tiêu cực, không chỉ bào mòn bản chất của chính mình mà còn ảnh hưởng đến xã hội.
Đề 14: Viết đoạn văn về bệnh vô cảm
Vô cảm là một trong những căn bệnh “ung thư tâm hồn” của một bộ phận người trong xã hội. Vậy vô cảm là gì? Vô cảm là thái độ sống thờ ơ, dửng dưng, không cảm xúc với tất cả sự việc và con người xung quanh. Vô cảm hiện nay không chỉ dừng lại ở thái độ sống mà cao hơn, nó đã trở thành lối sống tiêu cực của một bộ phận người. Biểu hiện rõ nhất của người có lối sống vô cảm đó là hành động ích kỉ, không quan tâm đến mọi người xung quanh, thờ ơ trước mọi nỗi đau của xã hội, thậm chí thờ ơ với chính người thân và bản thân của mình. Một cô gái bị bạn trai đánh đập giữa đường nhưng hành động của những người xung quanh lại chỉ dừng lại ở việc mở điện thoại ra quay phim, chụp ảnh rồi up lên các trang mạng xã hội cùng lời “bàn tán vô ích”. Đáng trách hơn là những người chủ động chọn cho mình lối sống vô cảm, tự cô lập bản thân, tách biệt mình khỏi xã hội với những suy nghĩ tiêu cực, ích kỉ. Vậy thì nguyên nhân từ đâu mà họ lại chọn cho mình lối sống vô cảm? Có thể xét đến chính ý thức, lí tưởng sống lệch lạc, tiêu cực cùng những tham vọng ích kỉ của họ, nhưng cũng cần suy nghĩ đến sự tác động của xã hội, của đám đông vào tâm lí của họ, sự thiếu quan tâm của gia đình, người thân khiến cho họ trở nên trơ lỳ về cảm xúc. Song, dù có vì bất kì nguyên do gì thì thái độ sống, lối sống vô cảm vẫn là mối lo ngại của xã hội khi nó không chỉ làm tha hóa, mai một về nhân cách con người mà còn ảnh hưởng đến xã hội, đến sự đoàn kết của tập thể.
Đề 15 Viết đoạn văn về lối sống giản dị
Trong cuộc sống của mỗi người, đức tính giản gị là vô cùng quan trọng. Lối sống giản dị là điều chúng ta cần học hỏi và noi theo. Đây là một lối sống lành mạnh, chuẩn mực. Nhưng chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ giữa những hành vi thể hiện lối sống giản dị với những hành vi khác. Như việc sống luộm thuộm, cẩu thả hay sơ sài, chúng ta không thể coi đó là sống giản dị được. Hay việc nói cộc lốc, trống không đây là những hành vi trái ngược với lối sống giản dị. Mỗi chúng ta cần phải có ý thức rèn luyện để tạo dựng cho mình một lối sống tiết kiệm, thực hành tiết kiệm. Bên cạnh đó phải lên án, phê phán những hành vi sống không lành mạnh, xa hoa, lãng phí. Cần lắm những hành động sống và làm việc theo Bác Hồ. Một vị lãnh tụ không chỉ giản dị trong cách sống mà còn giản dị cả trong lời nói. Chúng ta sẽ mãi không quên những hình ảnh chiếc áo bộ đội sờn màu, đôi dép cao su mòn vẹt nhưng vẫn đi khắp các chiến trường, các con núi, con sông. Bữa ăn chỉ là cháo be, với rau măng, bữa cơm quá đỗi thanh đạm. Một cuộc đời của vị lãnh tụ chính là một bài học cho chúng ta về đức tính giản dị.
Đề 16: Đoạn văn nghị luận về tình phụ tử
Tình cha luôn là một đề tài rất sâu sắc và có ý nghĩa đối với tất cả chúng ta. Đặc biệt là trong những năm tháng trưởng thành, chúng ta càng hiểu rõ hơn về tình cảm, nỗ lực và hy sinh của cha mẹ cho con cái. Khi còn nhỏ, chúng ta thường không hiểu tại sao cha lại nghiêm khắc, cứng rắn hơn mẹ. Nhiều lần, chúng ta có thể cảm thấy khó chịu và giận dữ với cha mình. Tuy nhiên, khi ta trưởng thành, ta càng nhận ra rằng cha luôn suy nghĩ cho lợi ích của con, và những hành động của cha đều được hướng tới mục đích đó. Tôi cảm thấy may mắn khi có một người cha như vậy, và tôi luôn trân trọng tình cảm của ông. Tình cha là một niềm tự hào và biết ơn của tất cả chúng ta. Cha mẹ là người đã cho chúng ta cuộc đời và tình yêu thương vô bờ bến. Tôi luôn cảm thấy trân trọng và biết ơn cha mẹ của mình, và tôi sẽ luôn cố gắng để trở thành một con người tốt và làm cho cha mẹ hạnh phúc. Điều quan trọng nhất là chúng ta không cần phải đắn đo hay phân tích xem cha mình như thế nào. Cha mẹ là những người vĩ đại nhất, và tình cảm của họ dành cho con là vô giá. Đó là một tình yêu không điều kiện, không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần chúng ta biết trân trọng và yêu quý họ. Hãy cảm nhận và trân trọng tình cảm của cha mẹ, bởi đó là một kho báu vô giá mà không ai có thể thay thế được.