Máy tính là một trong những công cụ không thể thiếu đối với mỗi người trong chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, đại đa số người dùng thường chỉ biết cách sử dụng và quan tâm tới hiệu năng mà máy tính mang lại chứ không hề biết tới cách sửa máy tính, hay thậm chí là kiểm tra các phần mềm, bộ phận của máy tính.
Một điều mà dân công nghệ thường hay làm đối với máy tính của mình, đó là thường xuyên kiểm tra phần cứng máy tính. Điều này không chỉ tạo ra thói quen và có thể làm vệ sinh máy mà còn giúp bạn kịp thời phát hiện ra phần cứng nào lỗi, phần cứng nào đang hoạt động không ổn định để giải quyết vấn đề trước khi nó trở nên nghiêm trọng hơn.
Bộ phận máy tính nào dễ hỏng nhất
Đối với một chiếc máy tính, (cả PC và laptop) thì những bộ phận dễ hỏng nhất là quạt gió, ổ cứng, CPU, GPU... Nhưng ngoài ra, còn một bộ phận vô cùng quan trọng nhưng cũng rất dễ hỏng khác, đó chính là RAM. RAM lỗi, RAM hỏng, chết chính là nguyên nhân dẫn tới việc máy tính không thể khởi động.
Nói riêng về RAM, có hai nguyên nhân chính dẫn tới việc một thanh RAM máy tính không hoạt động hoặc bị lỗi. Đó là nhiệt độ và điện áp. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia:
- Nhiệt độ vận hành lý tưởng của RAM là từ 0 - 85 độ C, RAM chỉ hoạt động tốt trong phạm vi này, ngoài ra, RAM sẽ dễ bị lỗi, hoặc thậm chí hỏng hoàn toàn.
- Đối với điện áp, chỉ cần một pha tăng điện áp bất chợt phát ra từ bo mạch chủ cũng đủ khiến điện nguồn không ổn định và gây lỗi RAM.
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn hai cách kiểm tra phần cứng máy tính để kịp thời phát hiện vấn đề với thiết bị này, đó là Performance Monitor và Windows Memory Diagnostic. Đây là hai công cụ có sẵn trên Windows 10, có thể giúp người dùng phân tích hiệu năng hệ thống máy cũng như kiểm tra bộ nhớ.
Performance Monitor
Đây là công cụ cho phép người dùng máy tính có thể quản lý, giám sát cũng như phân tích và đưa ra những đánh giá về cách mà máy tính của chúng ta đang sử dụng tài nguyên hệ thống. Performance Monitor có thể hiển thị kết quả dưới dạng biểu đồ, đồ họa hoặc các giá trị chữ số cụ thể để chúng ta có thể dễ dàng quan sát, so sánh cũng như đưa ra nhận định chính xác nhất.
Cũng từ những kết quả này mà ta có thể biết được phần, bộ phận hay tính năng nào của máy tính đang hoạt động tốt, không tốt, hiệu quả, không hiệu quả để từ đó đưa ra những quyết định sửa chữa, thay thế hay nâng cấp cho chúng.
Cách sử dụng Performance Monitor trên Windows 10:
- Nhấn chuột trái vào thanh Type here to search trên màn hình máy tính.
- Nhập từ khóa "Performance Monitor" vào đó.
- Chọn tiếp Performance Monitor từ danh sách kết quả hiện ra.
Khi giao diện của Performance Monitor hiện ra, bạn có thể quan sát các số liệu mình muốn trong các tùy chọn có sẵn.
Ví dụ như các thông tin tổng quan về các phần cứng máy tính (Reports / System / System Diagnostics / <tên_máy_tính>), hoặc nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về biểu đồ hiệu suất trực tiếp theo thời gian thực từ Monitoring Tools / Performance Monitor.
Windows Memory Diagnostic
Như đã nói ở trên, RAM là một trong những bộ phận vô cùng quan trọng trong một máy tính. Không chỉ giữ vai trò là bộ nhớ ngắn hạn để xử lý dữ liệu mà bộ phận này còn ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ hoạt động, hiệu suất của máy, nhưng RAM cũng có đặc điểm là mọi thứ chứa trong bộ phận sẽ mất đi khi bạn tắt máy.
Có nhiều dấu hiệu để chúng ta nhận ra RAM đang hoạt động tốt hay không? Hiệu năng máy giảm đi trông thấy, thường xuyên mắc các vấn đề về card màn hình, dữ liệu đôi khi dễ hỏng, thông tin về RAM hiển thị cho người dùng không chính xác khi được yêu cầu truy xuất.
Và cũng rất may mắn cho chúng ta, đặc biệt là những người đang sử dụng hệ điều hành Windows 10, bởi hệ điều hành này có một công cụ được tích hợp sẵn, cho phép chúng ta có thể kiểm tra nhanh "sức khỏe" của RAM máy tính, đó chính là Windows Memory Diagnostic.
Cách sử dụng Windows Memory Diagnostic
Cũng tương tự như trên, các bạn nhập từ khóa Windows Memory Diagnostic vào thanh tìm kiếm trên màn hình desktop (gần vị trí nút Start).
Chọn kết quả hiện ra bên trên.
Lúc này một bảng thông báo hiện ra, chọn "Restart now and check for problems (recommended)” để khởi động lại máy tính và bắt đầu quá trình kiểm tra bộ nhớ RAM. Chú ý, các bạn cần tiến hành lưu lại phiên làm việc của mình trước khi thực hiện thao tác xác nhận.
Sau khi khởi động lại, máy tính sẽ tự động kiểm tra RAM, các bạn chờ một chút tới khi quá trình hoàn tất, máy tính sẽ vào lại Windows như bình thường.
Để xem kết quả, làm như sau:
Nhập từ khóa Event Viewer vào thanh tìm kiếm cạnh nút Start hoặc nhấn trực tiếp chuột phải vào biểu tượng Windows ở góc trái màn hình, chọn tiếp Event Viewer từ menu hiện ra sau đó.
Hộp thoại Event Windows hiện ra, chọn vào Windows Logs / System trong danh mục bên trái.
Tiếp tục nhấn vào Find ở cửa cửa sổ bên phải để mở hộp thoại mới.
Tại đây, bạn nhập MemoryDiagnostic vào thanh tìm kiếm Find Next rồi chờ vài giây.
Khi kết quả hiện ra ở ngay giao diện trắng của hộp thoại Event Viewer, bạn sẽ thấy được tình trạng cửa RAM cũng như có lỗi nào đang xảy ra hay không?
Ngoài những công cụ trực tiếp được tích hợp trong hệ điều hành này, các bạn còn có thể tính tới việc sử dụng một trong những phần mềm từ bên thứ ba, như:
- Công cụ test RAM - MemTest86
- Công cụ kiểm tra và đánh giá tình trạng ổ cứng - CrystalDiskInfo
- Phần mềm kiểm tra thông tin phần cứng - HWiNFO
- ...
Ưu điểm của các phần mềm này là chúng đều hoàn toàn miễn phí, không chỉ mang lại kết quả chính xác mà giao diện cũng rất thân thiện và dễ sử dụng.
Nếu muốn biết rõ chiếc máy tính của mình cũng như muốn tìm hiểu thêm về các bộ phận, yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc sử dụng máy tính hàng ngày thì việc thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho chúng là điều không thể lơ là.