Khi đóng dấu vào văn bản, giấy tờ phải đúng quy định pháp luật. Vậy đóng dấu như nào là đúng pháp luật? Đóng dấu chữ ký, đóng dấu treo, dấu giáp lai, đóng dấu nổi như nào cho đúng quy định theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì mời các bạn cùng theo dõi bài viết:
Cách đóng dấu văn bản đúng luật theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP
1. Đóng dấu chữ ký
Dấu chữ ký là dấu được đóng trên chữ ký của người có thẩm quyền ký ban hành văn bản, đây là con dấu khẳng định giá trị pháp lý của văn bản.
Cách đóng dấu chữ ký:
- Đóng dấu sau khi có chữ ký của người có thẩm quyền, không đóng dấu khi chưa có chữ ký.
- Dấu đóng rõ ràng, đúng chiều và dùng màu mực đúng quy định (màu đỏ).
- Khi đóng dấu lên chữ ký thì dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.
2. Đóng dấu treo
Đóng dấu treo để khẳng định văn bản được đóng dấu treo là một bộ phận của văn bản chính, cũng như xác nhận nội dung để tránh việc giả mạo giấy tờ cũng như thay đổi giấy tờ.
Cách đóng dấu treo:
- Đóng lên trang đầu, trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tên của phụ lục đính kèm văn bản, hợp đồng (bản chính). Thường thì tên cơ quan tổ chức thường được viết bên phía trái, trên đầu của văn bản, phụ lục nên khi đóng dấu treo, người có thẩm quyền sẽ đóng dấu lên phía trái.
3. Đóng dấu giáp lai
Dấu giáp lai được đóng để trên tất cả các tờ của văn bản đều có thông tin về con dấu nhằm đảm bảo tính chân thực của từng tờ trong văn bản và ngăn ngừa việc thay đổi nội dung, giả mạo văn bản.
Cách thức đóng dấu:
- Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.
4. Đóng dấu nổi
Dấu nổi là con dấu trên bề mặt có nội dung thông tin giống như dấu ướt, khi sử dụng đóng lên văn bản, giấy tờ sẽ in nổi nội dung thông tin trên bề mặt con dấu.
Lưu ý: Những quy định nêu trên áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.