Bạn muốn cải thiện chất lượng chơi game trên laptop mượt mà và ổn định hơn? Nếu đúng, hãy áp dụng ngay những mẹo tăng hiệu suất hệ thống để chơi game tốt hơn trên máy tính xách tay dưới đây.
Laptop gần như đã thay thế chiếc máy tính để bàn cồng kềnh bởi nó dễ dàng di chuyển để sử dụng khắp mọi nơi. Tuy nhiên, nếu chơi game trên thiết bị này, bạn khó đạt được hiệu suất như mong đợi ở máy tính để bàn. Không thể nâng cấp phần cứng như người dùng desktop, người dùng laptop chỉ có thể nâng cấp bộ nhớ hay ổ cứng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không thể chơi những game mới nhất trên laptop của mình. Vậy bạn có thể làm gì để cải thiện hiệu suất chơi game trên laptop? Hãy áp dụng những mẹo sau (chủ yếu là dành cho Windows 10), chắc chắn bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt.
Cách cải thiện hiệu suất chơi game trên laptop hiệu quả
- 1. Vệ sinh máy tính sạch sẽ, không còn bụi bẩn
- 2. Nâng cấp driver
- 3. Cài đặt phiên bản DirectX mới nhất
- 4. Ép xung GPU
- 5. Điều chỉnh cài đặt năng lượng máy tính
- 6. Sử dụng Game Mode trên Windows 10
- 7. Tắt các ứng dụng chạy nền
- 8. Nếu chơi game online, kiểm tra tốc độ mạng
- 9. Quản lý các cập nhật tự động
- 10. Điều chỉnh cài đặt Texture và Shader của game
- 11. Tăng bộ nhớ ảo
1. Vệ sinh máy tính sạch sẽ, không còn bụi bẩn
Đây là điều đầu tiên mà người dùng laptop luôn phải lưu ý. Máy tính của bạn chỉ có thể đạt được hiệu suất tốt nhất nếu nó được làm sạch bụi bẩn thường xuyên. Các mảnh nhỏ li ti này sẽ làm giảm luồng không khí và khiến máy tính quá nóng.
Khi nhiệt độ của máy quá cao, bộ xử lý, GPU và hầu hết các bộ phận khác đều hoạt động chậm lại. Giải pháp tốt nhất lúc này là vệ sinh làm sạch bụi.
2. Nâng cấp driver
Ngày nay, các máy tính chạy hệ điều hành Windows, macOS và Linux hầu như đều dựa trên cùng một phần cứng, có cùng cấu trúc. Điều đó có nghĩa là với bất cứ hệ điều hành nào, việc cập nhật driver là vô cùng quan trọng. Quy trình này hiện nay cũng không còn rắc rối nữa.
Tuy nhiên, khi nói đến các driver đồ họa, bạn có thể cần nhìn nhận thực tế hơn. Đồ họa Intel - phần lớn là không phù hợp để chơi game hardcore - sẽ được update driver thông qua bản cập nhật Windows. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo các phần mềm quản lý cập nhật driver (như Nvidia GeForce hoặc AMD Driver Autodetect) được đặt thành tự động cập nhật.
Bạn có thể tham khảo:
Cập nhật Driver tự động và tăng tốc máy tính với Driver Booster 6
Hướng dẫn cập nhật driver cho card đồ họa NVIDIA
3. Cài đặt phiên bản DirectX mới nhất
Có một loạt các công cụ phần mềm hỗ trợ đồ họa khi chơi game, trong đó, DirectX rất quan trọng để chơi game trên Windows (thậm chí trên các máy chơi game Xbox). Rất nhiều phiên bản DirectX được phát hành trong những năm qua. Chẳng hạn phiên bản DirectX cuối cùng chạy trên Windows XP là DirectX 9.0. Nếu đang muốn cải thiện hiệu năng của laptop, bạn không nên chạy hệ điều hành này.
Ra mắt vào năm 2015, DirectX 12 là phiên bản mới nhất và bạn nên cài đặt nó trên máy tính của mình. Trong hầu hết trường hợp, phiên bản DirectX mới sẽ được tự động cài đặt khi một game mới yêu cầu. Ở trường hợp khác, việc cài đặt DirectX 12 được thực hiện như một phần của Windows Update.
Để xem phiên bản DirectX hiện tại của mình, bạn nhấn WIN + R để mở menu Run, nhập dxdiag. Đợi DirectX Diagnostic Tool (DXDiag) tải, sau đó mở tab Render, bạn sẽ thấy thông tin về card đồ họa chuyên dụng của mình. Trong bảng Drivers, hãy tìm Direct3D DDI được đánh số theo phiên bản DirectX mới nhất.
Bên cạnh cập nhật driver đồ họa, bạn cũng nên đảm ảo driver âm thanh phù hợp để chơi game. Người dùng có thể kiểm tra trạng thái của driver âm thanh trong tab Sound của DXDiag và thấy ngày driver được cài đặt. Bên cạnh đó, các driver thiết bị Input cũng được tóm tắt ở đây.
DXDiag là cách tốt để kiểm tra xem máy tính chơi game của bạn có thiếu driver nào không. Những nếu nghi ngờ, hãy chạy Windows Update hoặc cập nhật thủ công các driver cho thiết bị.
4. Ép xung GPU
Ép xung là việc đưa một bộ phận của máy tính như CPU, GPU, RAM hay màn hình, chạy ở thông số kỹ thuật cao hơn mức mà nhà sản xuất đánh giá. Việc ép xung có thể tăng thêm hiệu suất cho card đồ họa.
Ép xung sử dụng nhiều điện hơn. Do đó, bạn sẽ cần điều chỉnh cài đặt năng lượng máy tính của mình một cách thích hợp. Nhưng ép xung cũng làm GPU nóng lên. Thông thường, vấn đề này được xử lý bởi hệ thống tản nhiệt tích hợp trên laptop. Bộ phần tản nhiệt và quạt làm mát trên laptop cần được vệ sinh thường xuyên. Nếu không, máy tính sẽ tự động tắt để đảm bảo an toàn.
Bạn đang tìm kiếm một công cụ ép xung GPU? Công cụ phổ biến nhất hiện nay là MSI Afterburner, phù hợp với card đồ họa Nvidia và AMD.
Bạn có thể tận hưởng trải nghiệm tuyệt vời khi ép xung, tuy nhiên hãy cẩn thận ép xung GPU một cách an toàn.
5. Điều chỉnh cài đặt năng lượng máy tính
Rất ít thiết bị có thể hoạt động tốt nếu không quản lý năng lượng hiệu quả. Khi nói đến laptop - thiết bị được thiết kế chuyên để sử dụng khi ở xa nguồn điện, quản lý năng lượng là một yếu tố quan trọng.
Windows cung cấp cho bạn một số tùy chọn quản lý năng lượng chi tiết, nhưng khi sử dụng máy tính xách tay thì những điều này thường bị bỏ qua. Nhưng để có trải nghiệm chơi game mạnh mẽ trên laptop, hãy kết nối máy tính của mình với nguồn điện.
Khi đã cắm điện trực tiếp cho máy, đây là lúc người dùng nên xem xét đến việc cài đặt năng lượng cho máy tính. Trong Windows 10 bạn mở System > Power and sleep > Additional power settings và chọn High performance. Nhấp vào Change plan settings > Change advanced power settings để xem các điều chỉnh.
6. Sử dụng Game Mode trên Windows 10
Đây mà một mẹo mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng. Windows 10 được trang bị một ứng dụng Xbox (nếu bạn đã xóa nó, có thể tải về tại Xbox cho Windows 10). Cùng với tính năng ghi và stream màn hình, ứng dụng Xbox cũng cho phép cài đặt Game Mode.
Để kích hoạt tính năng này, mở bảng Xbox bằng cách nhấn WIN + G sau khi đã bật trò chơi và nhấp vào Settings. Trong tab General, đánh dấu tích vào Use Game Mode for this game.
Sau khi được bật, Game Mode của Windows 10 sẽ đảm bảo hệ điều hành chạy trò chơi với các cài đặt tối ưu, có thể là đóng hoặc tạm dừng một số chương trình chạy nền.
7. Tắt các ứng dụng chạy nền
Nếu không có Game Mode, bạn có thể thực hiện tắt các ứng dụng chạy nền thủ công trước khi mở trò chơi. Khi đã hoàn thành, hãy xem lại khay hệ thống (System Tray). Phần này của thanh taskbar Windows liệt kê các ứng dụng đang chạy nền. Nhấp chuột phải vào từng biểu tượng và đóng. Dĩ nhiên bạn có thể muốn giữ lại ứng dụng quản lý card đồ họa hoặc một công cụ chat voice như Discord.
8. Nếu chơi game online, kiểm tra tốc độ mạng
Hiệu suất chơi game trên máy tính xách tay chủ yếu phụ thuộc vào phần cứng, driver và cách cấu hình máy tính của bạn. Nhưng nếu chơi các trò chơi trực tuyến, bạn cần chú ý đến một yếu tố nữa là tốc độ kết nối Internet.
Rắc rối thường gặp khi chơi game trực tuyến là độ trễ. Điều này có thể do kết nối Internet của bạn. Nếu driver card mạng không dây đã được cập nhật mới nhất mà không thay đổi được tình hình, hãy xem xét đến việc kết nối với mạng có dây.
9. Quản lý các cập nhật tự động
Rất có thể khi bạn đang chơi trò chơi này thì trò chơi khác sẽ tải xuống các bản cập nhật. Để tránh điều đó, hãy vào Steam > Settings. Trong tab Downloads, bỏ tích ở hộp Allow downloads during gameplay. Nhấn OK để xác nhận thay đổi.
Bạn cũng có thể quản lý các quy tắc cập nhật từng trò chơi cụ thể. Nhấp chuột phải vào trò chơi trong menu Steam, chọn Properties > Updates và kiểm tra xem bạn có hài lòng với các tùy chọn Automatic updates và Background downloads không.
10. Điều chỉnh cài đặt Texture và Shader của game
Cuối cùng, hãy xem cài đặt card đồ họa của bạn. Tại đây, người dùng sẽ thấy các thiết lập texture và shader chi tiết, quyết định game của bạn sẽ trông như thế nào. Texture độ phân giải cao sẽ tiêu tốn RAM và làm ảnh hưởng đến tốc độ khung hình. Ngoài ra, người dùng cũng có thể thiết lập texture và shader cho từng game riêng lẻ.
11. Tăng bộ nhớ ảo
Tăng bộ nhớ ảo gấp đôi RAM, hệ thống máy tính sẽ có khả năng ghi nhớ nhiều hơn. Bộ nhớ này được sử dụng khi hệ thống hết RAM, vì thế, bộ nhớ ảo càng nhiều, càng tốt.
Cài đặt bộ nhớ ảo ẩn bên trong cài đặt hệ thống:
Tới Control panel > System and security.
System > Advanced system settings > Performance > Advanced > Virtual Memory.
Thiết lập nó gấp đôi mức RAM hiện tại. Ví dụ, RAM ở đây là 8GB, vì thế, bộ nhớ ảo được đẩy lên 16000mb (16GB).
Trên đây là những cách mà bạn có thể áp dụng để tăng cường hiệu suất chơi game trên máy tính xách tay. Mặc dù hầu hết phương pháp này áp dụng trên laptop chạy Windows 10 nhưng một số mẹo bạn có thể thực hiện tương tự trên các laptop chạy hệ điều hành macOS hay Linux.