Giải Sinh 9 Bài 36 giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi phần nội dung bài học và câu hỏi cuối bài Các phương pháp chọn lọc thuộc chương 6 Ứng dụng di truyền.
Soạn Sinh 9 Bài 36 Các phương pháp chọn lọc được biên soạn với các lời giải chi tiết, đầy đủ và chính xác bám sát chương trình sách giáo khoa. Hi vọng đây sẽ là tài liệu cực kì hữu ích hỗ trợ các em học sinh lớp 9 trong quá trình giải bài tập. Đồng thời qua bài học này các bạn hiểu được vai trò của chọn lọc trong chọn giống. Ngoài ra các bạn xem thêm nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Sinh học 9.
Sinh 9 Bài 36: Các phương pháp chọn lọc
Lý thuyết Sinh 9 Bài 36: Các phương pháp chọn lọc
I. Vai trò của chọn lọc trong chọn giống
- Trong quá trình lai tạo giống và chọn giống đột biến, nhiều biến dị tổ hợp, đột biến cần được đánh giá, chọn lọc qua nhiều thế hệ thì mới hi vọng trở thành giống tốt, đáp ứng được yêu cầu của người sản xuất và tiêu dùng.
- Trong thực tế chọn giống, người ta áp dụng 2 phương pháp chọn lọc cơ bản: chọn lọc hàng loạt và chọn lọc cá thể.
II. Chọn lọc hàng loạt
- là dựa trên kiểu hình chọn ra một nhóm cá thể phù hợp nhất với mục tiêu chọn lọc để làm giống.
1. Phương pháp:
- Trường hợp chọn lọc một lần:
+ Năm I, người ta gieo trồng giống khởi đầu để chọn lọc các cây ưu tú, phù hợp với mục đích chọn lọc (1). Hạt của các cây ưu tú được thu hoạch chung để làm giống cho vụ sau (năm II).
+ Ở năm II, người ta so sánh giống tạo ra bằng chọn lọc hàng loạt, được gọi là “giống chọn lọc hàng loạt” (3) với giống khởi đầu (2) và giống đối chứng (4).
+ Một giống tốt đang được sử dụng đại trà trong sản xuất được dùng làm giống đối chứng. Qua đánh giá nếu giống chọn hàng loạt đã đạt được yêu cầu đặt ra thì không cần chọn lọc lần 2.
+ Nếu vật liệu (giống) khởi đầu có chất lượng quá thấp hay thoái hoá nghiêm trọng, chọn lọc lần 1 chưa đạt yêu cầu thì tiếp tục chọn lọc lần 2 hoặc lần 3, 4... cho đến khi đạt yêu cầu.
- Trường hợp chọn lọc hai lần:
+ Lần 2 cũng thực hiện theo trình tự như chọn lọc một lần, chỉ khác là trên ruộng chọn giống năm II người ta gieo trồng giống chọn lọc hàng loạt để chọn các cây ưu tú. Hạt của những cây này cũng được thu hoạch chung để làm giống cho vụ sau (năm III).
+ Ở năm III cũng so sánh giống chọn lọc hàng loạt với giống khởi đầu và giống đối chứng.
2. Ứng dụng:
- Ưu điểm: là đơn giản, dễ làm, ít tốn kém nên có thể áp dụng rộng rãi.
- Nhược điểm: là chỉ dựa vào kiểu hình nên dễ nhầm với thường biến phát sinh do khí hậu và địa hình. Vì vậy, phải trồng giống khởi đầu trên đất ổn định, đồng đều về địa hình và độ phì.
- Áp dụng trên vật nuôi và đã tạo ra những giống có năng suất cao về thịt, trứng, sữa và lông. Chọn lọc hàng loạt thường chi đem lại kết quả nhanh ở thời gian đầu, nâng sức sản xuất đến một mức độ nào đó rồi dừng lại.
III. Chọn lọc cá thể
- là chọn lấy một số ít cá thể tốt, nhân lên một cách riêng rẽ theo từng dòng. Do đó, có thể kiểm tra được kiểu gen của mỗi cá thể.
1. Quy trình
+ Ở năm I, trên ruộng chọn giống khởi đầu (1) người ta chọn ra những cá thể tốt nhất. Hạt của mỗi cây được gieo riêng thành từng dòng để so sánh (năm II).
+ Các dòng chọn lọc cá thể (3; 4; 5; 6) được so sánh với nhau, so sánh với giống khởi đầu (2) và giống đối chứng (7) sẽ cho phép chọn được dòng tốt nhất, đáp ứng mục tiêu đặt ra.
2. Ứng dụng:
- Ưu điểm: đạt kết quả nhanh.
- Nhược điểm: đòi hỏi theo dõi công phu và chặt chẽ.
- Chọn lọc cá thể thích hợp với cây tự thụ phấn, cho hiệu quả nhanh, cũng thích hợp cho những cây có thể nhân giống vô tính bằng cành, củ, mắt ghép.
Trả lời câu hỏi Sinh học 9 Bài 36
Trả lời câu hỏi Sinh 9 Bài 36 trang 106 (ngắn nhất): Hãy trả lời các câu hỏi sau:
- Chọn lọc hàng loạt một lần và hai lần giống và khác nhau như thế nào?
- Có hai giống lúa thuần chủng tạo ra đã lâu: giống lúa A bắt đầu giảm độ đồng đều về chiều cao và thời gian sinh trưởng, giống lúa B có sai khác rõ rệt giữa các cá thể về hai tính trạng nói trên. Em sử dụng phương pháp và hình thức chọn lọc nào để khôi phục lại 2 đặc điểm tốt ban đầu của hai giống nói trên ? Cách tiến hành trên từng giống như thế nào?
Trả lời:
Giống:
- Chọn lọc hàng loạt 1 lần và chọn lọc hàng loạt hai lần đều chọn lọc dựa vào đặc điểm kiểu hình.
- Chọn lọc hàng loạt một lần và hai lần đều tiến hành theo các bước sau:
Gieo trồng giống khởi đầu để chọn lọc ra các cây ưu tú, phù hợp với mục đích chọn lọc.
Hạt của các cây ưu tú được thu hoạch chung và làm giống cho vụ sau.
So sánh giống chọn lọc hàng loạt với giống đối chứng và giống khởi đầu rồi đánh giá chất lượng của giống chọc lọc hàng loạt.
Khác nhau:
Chọn lọc hàng loạt một lần | Chọn lọc hàng loạt hai lần |
---|---|
Chỉ tiến hành chọn lọc trên giống khởi đầu 1 lần ở năm I | Tiến hành chọn lọc hàng loạt hai lần trên giống khởi đầu, năm II chọn lọc dựa trên năm I |
So sánh chất lượng giống chọn lọc hàng loạt với giống đối chứng và giống khởi đầu ở năm II | So sánh chất lượng giống chọn lọc hàng loạt với giống đối chứng và giống khởi đầu ở năm III |
Áp dụng với những giống cây trồng mà giống khởi đầu bắt đầu giảm độ đồng đều về các tính trạng | Áp dụng với những giống khởi đầu bị thoái hóa nghiêm trọng về năng suất và chất lượng |
- Giống lúa A chỉ mới bắt đầu giảm độ đồng đều về chiều cao và thời gian sinh trưởng nên ta tiến hành phương pháp chọn lọc hàng loạt một lần.
- Giống lúa B có sự sai khác rõ rệt giữa các cá thể về hai tính trạng tức là giống lúa B đã bị thoái hóa nghiêm trọng nên ta áp dụng biện pháp chọn lọc hàng loạt hai lần hoặc nhiều lần.
Giải bài tập SGK Sinh 9 Bài 36 trang 107
Câu 1
Phương pháp chọn lọc hàng loạt một lần và hai lần được tiến hành như thế nào, có ưu nhược điểm gì và thích hợp với loại đối tượng nào?
Gợi ý đáp án
* Phương pháp chọn lọc hàng loạt 1 lần tiến hành như sau:
- Năm I: gieo trồng giống khởi đầu, chọn lọc cây ưu tú phù hợp với mục đích chọn lọc. Hạt các cây ưu tú được thu hoạch chung trộn lẫn để làm giống cho năm sau.
- Năm II: gieo và so sánh giống tạo ra bằng chọn lọc hàng loạt (giống chọn lọc hàng loạt) với giống khởi đầu và giống đối chứng ( giống tốt đang được sử dụng đại trà trong sản xuất). Nếu giống chọn hàng loạt đã đạt yêu cầu đặt ra, hơn giống ban đầu, hơn hoặc bằng giống đối chứng thì dùng làm giống không cần chọn lọc lần 2.
* Nếu giống chưa đạt yêu cầu thì tiếp tục chọn lọc lần 2 cho đến khi đạt yêu cầu. Trình tự giống chọn lọc một lần, chỉ khác là trên ruộng chọn giống năm II người ta gieo trồng chọn hàng loạt để chọn cây ưu tú. Hạt của những cây này cũng được thu hoạch chung để làm giống cho vụ sau (năm III). Ở năm III cũng so sánh giống chọn lọc hàng loạt với giống khởi đầu và giống đối chứng.
* Ưu điểm: đơn giản, dễ làm, ít tốn kém nên có thể áp dụng rộng rãi, kết quả nhanh, ở thời gian đầu.
Nhược điểm: dễ nhầm với thường biến phát sinh do khí hậu và địa hình vì chọn lọc chỉ dựa và kiểu hình.
Câu 2
Phương pháp chọn lọc cá thể được tiến hành như thế nào? Có ưu nhược điểm gì so với phương pháp chọn lọc hàng loạt và thích hợp với đối tượng nào?
Gợi ý đáp án
* Phương pháp chọn lọc cá thể một lần:
- Năm I: gieo trồng giống khởi đầu, chọn ra những cá thể tốt nhất.
- Năm II: hạt mỗi cây được gieo riêng thành từng dòng để so sánh với giống khởi đầu và giống đối chứng sẽ chọn được giống tốt nhất, đáp ứng với mục tiêu đề ra.
* Ưu điểm: có thể kiểm tra được kiểu gen của mỗi cá thể, phối hợp được việc chọn lọc dựa trên kiểu hình với kiểm tra kiểu gen sẽ đạt kết quả nhanh.
Nhược điểm: phải theo dõi công phu, chặt chẽ tốn nhiều công sức.
* Phương pháp chọn lọc này thích hợp với cây tự thụ phấn, cây nhân giống vô tính bằng cành, củ, ghép mắt.