Hôm nay, Download.vn xin giới thiệu đến cho quý thầy cô và các bạn học sinh Bộ đề thi thử vào lớp 6 trường THCS và THPT M. V. Lômônôxốp năm 2020-2021, với 3 môn học là Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh.
Đây là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho các bạn học sinh có thể dễ dàng lắm bắt được cấu trúc đề thi, với mỗi đề thi này thì các bạn học sinh có 45 phút để làm bài. Dưới đây sẽ là bộ đề thi khảo sát năng lực của trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, xin mời các bạn cùng tham khảo.
Bộ đề thi thử vào lớp 6 năm 2020-2021
Môn Tiếng Việt
ĐỀ MINH HỌA KHẢO SÁT NĂNG LỰC VÀO LỚP 6
NĂM HỌC: 2020 - 2021
MÔN: TIẾNG VIỆT Thời gian: 45 phút
(Đề gồm 4 trang, học sinh làm bài vào đề này)
I. Đọc văn bản sau và khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng cho mỗi câu
Chiều tối
Nắng bắt đầu rút lên những chòm cây cao, rồi nhạt dần và như hoà lẫn với ánh sáng trắng nhợt cuối cùng.
Trong những bụi cây đã thấp thoáng những mảng tối. Màu tối lan dần dưới từng gốc cây, ngả dài trên thảm cỏ, rồi đổ lốm đốm trên lá cành, trên những vòm xanh rậm rạp.
Bóng tối như bức màn mỏng, như thứ bụi xốp, mờ đen, phủ dần lên mọi vật. Trong nhập nhoạng, thỉnh thoảng lại bật lên một mảng sáng mờ của ánh ngày vương lại. Một vài tiếng dế gáy sớm, vẻ thăm dò, chờ đợi. Có đôi ánh đom đóm chấp chới, lúc lên cao, lúc xuống thấp, lúc lại rơi xuống mặt cỏ không còn rõ hình cây lá nữa mà mịn màng hoà lẫn như một mặt nước lặng êm.
Trong im ắng, hương vườn thơm thoảng bắt đầu rón rén bước ra, và tung tăng trong ngọn gió nhẹ, nhảy lên cỏ, trườn theo những thân cành.
(Theo Phạm Đức, Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
Câu 1. (0.5 điểm) Dòng nào dưới đây nêu đúng đặc điểm của nắng lúc chiều tối?
A. Nhạt, thỉnh thoảng lại bật lên
B. Rút lên những chòm cây cao, rồi nhạt dần
C. Đổ lốm đốm trên lá cành
D. Trắng nhợt
Câu 2. (0.5 điểm) Theo em, nội dung chính của văn bản trên là gì?
A. Miêu tả cảnh nắng nhạt của vườn cây lúc chiều tối
B. Miêu tả hương thơm trong vườn cây lúc chiều tối
C. Miêu tả âm thanh, hoạt động của các con vật khi chiều tối
D. Miêu tả vẻ đẹp của cảnh vật trong vườn cây lúc chiều tối
Câu 3. (0.5 điểm) Trong các dòng sau, dòng nào chỉ gồm các từ láy gợi tả dáng điệu, động tác?
A. Rón rén, mịn màng B. Tung tăng, rậm rạp
C. Rón rén, tung tăng D. Nhập nhoạng, lốm đốm
Câu 4. (0.5 điểm) Chủ ngữ của câu “Trong im ắng, hương vườn thơm thoảng bắt đầu rón rén buớc ra, và tung tăng trong ngọn gió nhẹ, nhảy lên cỏ, trườn theo những thân cành.” là:
A. Hương vườn B. Hương vườn thơm thoảng
C. Trong im ắng, hương vườn D. Hương vườn thơm thoảng bắt đầu
Câu 5. (0.5 điểm) Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào trong câu văn: “Bóng tối như bức màn mỏng, như thứ bụi xốp, mờ đen, phủ dần lên mọi vật.”?
A. So sánh B. Nhân hoá C. Điệp ngữ D. Cả A và B
Câu 6. (0.5 điểm) Từ “nhập nhoạng” có nghĩa là gì?
A. Lúc nhìn thấy rõ, lúc mờ mờ
B. Tối hẳn, thỉnh thoảng lóe sáng
C. Vẫn còn sáng nhờ nhờ, chưa tối hẳn
D. Mờ mờ, thỉnh thoảng lóe sáng
Câu 7. (0.5 điểm) Dòng nào dưới đây gồm các từ đồng nghĩa với từ “im ắng”?
A. Im lặng, bình yên, im lìm, vắng vẻ B. Lặng lẽ, im lặng, im lìm, yên bình
C. Vắng lặng, lẳng lặng, yên ổn, yên bình D. Lặng im, yên ắng, im lìm, tĩnh mịch
Câu 8. (0.5 điểm) Sắp xếp những câu văn sau theo trình tự hợp lí để tạo thành đoạn văn nêu cảm nhận về tác dụng của biện pháp nghệ thuật nhân hóa trong câu: “Trong im ắng, hương vườn thơm thoảng bắt đầu rón rén bước ra, và tung tăng trong ngọn gió nhẹ, nhảy lên cỏ, trườn theo những thân cành.”
(1) Không những thế ta còn cảm nhận được làn hương lúc đầu chỉ thoảng nhẹ nhưng về sau ngan ngát và náo nức bao trùm khắp không gian…
(2) Trong bài “Chiều tối”, khi miêu tả “hương vườn”, tác giả Phạm Đức viết: “Trong im ắng, hương vườn thơm thoảng bắt đầu rón rén bước ra, và tung tăng trong ngọn gió nhẹ, nhảy lên cỏ, trườn theo những thân cành.”
(3) Nhờ có phép nhân hóa, ta hình dung được “hương vườn” cũng có tâm trạng như con
người, cũng bắt đầu rụt rè, e sợ khi mới bước ra không gian, rồi sau đó “tung tăng” bay lượn thấm đẫm toàn cảnh vật.
(4) Đọc câu văn, ta thấy tác giả đã sử dụng thành công biện pháp nghệ thuật nhân hóa để miêu tả “hương vườn” với những hoạt động như con người qua từ “tung tăng” và “rón rén”.
A. (2) - (4) - (3) - (1) B. (4) - (2) - (3) - (1)
C. (3) - (1) - (2) - (4) D. (2) - (1) - (4) - (3)
II. Hãy trình bày nội dung câu trả lời vào phần trống dưới các câu hỏi
Câu 1. (1 điểm) Các câu văn sau được liên kết với nhau bởi những phép liên kết nào? Chỉ rõ các từ ngữ thể hiện các phép liên kết đó.
“Mọi người đều sững sờ vì lời thú tội của Chôm. Nhưng nhà vua đã đỡ chú bé đứng dậy. Ngài hỏi còn ai để chết thóc giống không.”
Câu 2. (2 điểm) Câu văn sau thuộc kiểu câu nào xét theo cấu tạo ngữ pháp? Gạch một gạch dưới bộ phận trạng ngữ, gạch hai gạch dưới bộ phận chủ ngữ và ba gạch dưới bộ phận vị ngữ của câu.
“Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những ao hồ quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông.”
Câu 3. (1 điểm) Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm.”
Câu 4. (1 điểm) Trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”
a. Nêu ý nghĩa của hai từ “Mặt trời” có trong hai câu thơ trên.
b. Qua hai câu thơ, em cảm nhận gì về tình cảm của người mẹ dành cho đứa con của mình?
Câu 5. (1 điểm) Hãy sử dụng biện pháp nhân hóa hoặc so sánh để diễn đạt lại câu văn dưới đây cho sinh động, gợi cảm: “Buổi sáng, mặt trời lên cao.”
Câu 6. (4 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 5 câu) phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật nhân hóa trong khổ thơ sau:
Tiếng chim lay động lá cành
Tiếng chim đánh thức chồi xanh dậy cùng
Tiếng chim vỗ cánh bầy ong
Tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm...
(Định Hải, Tiếng chim buổi sáng)
Câu 7. (6 điểm) Em hãy viết đoạn văn (khoảng 12 câu) miêu tả cảnh mặt trời mọc trên quê hương em.