Cờ Tướng (Chinese Chess) từ lâu đã là một trò chơi, một thú vui không thể thiếu với nhiều người. Không chỉ ở Việt Nam, không chỉ ở những người trung tuổi, hay các cụ già, mà Cờ Tướng còn có một sức hút lạ kỳ với ngay cả những người thuộc tầng lớp thanh niên, thiếu niên, thậm chí là phụ nữ, hay một Quốc gia không phải châu Á. Cờ Tướng không khó chơi, nhưng để chơi được thì cũng chẳng hề dễ - câu nói tưởng chừng như chỉ là vui, nhưng lại sự thật.
Chơi Cờ Tướng (Tượng kỳ) được chia thành ba giai đoạn Khai cuộc - Trung cuộc - Tàn cuộc. Mỗi người có quan điểm và nhận xét riêng về từng giai đoạn này. Có người cho rằng quan trọng nhất là Trung cuộc, bởi nó là thời điểm người chơi ra những quyết định mang tính sống còn, những chiến thuật, toan tính được thể hiện. Cũng có người cho Tàn cuộc mới thực là quan trọng (theo "Tàn cuộc tuyệt sát"). Bởi không vô lý khi nói "Lạc nước hai Xe đành bỏ phí, gặp thời một Tốt cũng thành công", nghĩa là cho dù Trung cuộc có thế nào, nếu không thuận, cũng vô ích, các quân dù mạnh mà không được dùng đúng, dùng hợp lý thì cũng chỉ là đồ bỏ đi. Trong khi một quân yếu nhất, nếu có thời cơ và được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, sẽ làm nên chuyện.
Nhưng với rất nhiều "Kỳ giả", họ nói rằng Khai cuộc mới thực là quan trọng và bạn có thể nhận ra ai là cao nhân chỉ trong 5 nước đi đầu tiên của ván đấu đó.
Cờ thế khai cuộc hay nhất trong Cờ Tướng hiện đại
Khai cuộc tốt, người chơi sẽ có cơ hội xuất quân thanh thoát, triển khai nhanh công - thủ, tận dụng được các quân thuận và tránh được thế bí khi vận dụng các thế tiếp theo.
Mỗi người có một cách chơi khác nhau, lối đánh khác nhau khi chơi cờ Tướng, cũng không có quy định cụ thể hay ranh giới rõ ràng nào cho việc Khai cuộc thế nào là đủ, kéo dài trong bao lâu, bao nhiêu nước. Tuy nhiên, có một số lời khuyên, nguyên tắc cơ bản sau mà người chơi không nên, không thể bỏ qua, đó là:
- Cố gắng triển khai thế trận thật nhanh.
- Không nên sử dụng một quân cờ, một loại quân cho Khai cuộc. (công thủ đều nhau, lên quân đều ở 2 bên...).
- Các quân hay dùng, chủ lực phải được sử dụng sớm.
- Chỉ tấn công khi các thế trận của mình đã chắc chắn và các quân ở vị trí thuận lợi.
- Không tham ăn, tránh bị rơi vào bẫy.
- Các nước di chuyển cần thanh thoát, không gây cản trở cho nước đi tiếp theo.
- Tính kỹ trước sau, bước đi của mình và đối phương để chiếm lợi thế Khai cuộc.
Sau đây Download.vn sẽ giới thiệu tới các bạn 10 cách triển khai thế trận Khai cuộc Cờ Tướng hay nhất, phổ biến và nổi tiếng nhất mà các kỳ thủ vẫn đang sử dụng.
1. Phản công Mã
Phản công Mã, hay còn được gọi là Phản cung Mã, Giáp pháo bình phong, Nửa cõi sơn hà... là một thế trận phòng thủ cực kỳ nổi tiếng trong Cờ Tướng. Bởi cũng như Pháo đầu, đây là cách thủ phổ biến dành cho bên đi sau (đi hậu). Trong thế này, hai Mã lên giữ chính diện và để một quân Pháo ở giữa hai quân Mã này.
Đây là thế trận thông dụng nhất vì nó tỏ ta khá linh hoạt, đôi công và tranh tiên quyết liệt. Phản cung Mã vừa có thể dễ dàng chuyển đổi thế trận, các quân đều có sự ràng buộc, quân này bảo vệ quân kia, vừa có thể phòng ngự chặt, phản công nhanh, cực kỳ thuận lợi cho phục kích, cũng như du kích chiến, bẫy, hay bắt chết các quân khác của đối phương, tạo sự bất ngờ và khiến đối thủ không kịp trở tay.
2. Bình phong Mã
Một thế cờ cũng tương tự như Phản Cung Mã, nhưng Bình phong Mã lại tạo ra một thế trận cân bằng và cực kỳ ổn định. Thậm chí, trong các cuộc thi đấu Quốc tế về Cờ Tướng, người ta đã thống kê được rằng, đây là thế trận được sử dụng nhiều nhất, và cũng là thế phá "Pháo đầu" vô cùng hữu hiệu với người đi hậu.
Với Bình phong Mã, hai Mã sẽ được tấn lên giữ tốt trung tâm, hai Pháo bên cạnh sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ Mã, tạo thế giằng vô cùng chắc chắn, cộng thêm với việc quân Xe có thể tách ra một nước hoặc tấn lên chân Tượng để bảo vệ cho Pháo. Bình phong Mã là thế trận mà người chơi mới nên sử dụng.
3. Thuận Pháo
Pháo ở cùng một bên của hai người chơi cùng được sử dụng
Thuận Pháo, hay Pháo thuận - có nghĩa là cả hai người chơi cùng vào Pháo đầu, và quân Pháo được cả hai sử dụng đều ở cùng một bên bàn cờ. Với Cờ Tướng cổ Trung Hoa, thuận Pháo còn được gọi là "thuận thủ Pháo". Với cách đánh này, nếu bên nào nóng vội ăn ngay quân Tốt trung tâm của đối phương thì sẽ phạm vào cấm kỵ trong Cờ Tướng, đó là tấn công khi chưa triển khai đầy đủ lực lượng, lúc này, bên bị ăn có thể chấp nhận hy sinh Tốt đầu để tấn Mã đuổi Pháo, vừa tạo cơ hội phản tiên, lại có cơ hội xuất quân một cách hợp lý.
4. Nghịch Pháo
Nghịch Pháo còn được gọi là "liệt thủ Pháo"
Cũng là những nước Pháo đầu, nhưng nghịch Pháo (Pháo nghịch) là cách mà hai người chơi dùng quân Pháo ở hai bên khác nhau trên bàn cờ. Tuy về hình thức thì cách đánh này khá giống với thuận Pháo, nhưng trên thực tế, nghịch Pháo không ổn định, mà thường là cách Khai cuộc tạo ra nhiều thế đối công gay gắt, đánh đổi, tạo ăn thua ngay từ đầu và về Tàn cuộc thì chỉ có thắng hoặc thua, hiếm khi có Hòa cờ.
5. Bán đồ nghịch Pháo
Có thể coi đây là một biến tấu nhỏ của cách dùng Pháo đầu, khi bên hậu không dùng nghịch Pháo hay thuận Pháo để chống Pháo đầu, mà phong Mã lên giữ, sau đó đẩy Pháo qua sông, đe dọa quân Xe của đối phương, và cuối cùng mới là dùng thuận Pháo hay nghich Pháo đầu để tìm thế phản công. Trong thực chiến, "bán đồ nghịch Pháo" có vẻ chậm, thong dong hơn, nhưng cũng vẫn là những thế trận đôi công, đòi hỏi người chơi cần có tính toán kỹ càng và chính xác để không hy sinh vô ích.
6. Pháo điệp
Quân đen dùng hữu điệp Pháo
Pháo điệp hay điệp Pháo có hai loại là, Tả điệp Pháo và Hữu điệp Pháo. Có nghĩa là dùng Pháo bên trái, hoặc bên phải tấn lên một ô để giữ Tốt đầu. Đây là lối đánh khá hiếm người dùng, bởi thay vì dùng Mã (ổn định và chắc chắn hơn) thì "điệp Pháo" vô tình sẽ che đi hướng triển khai quân và thậm chí phí mất một nước trong việc điều quân trong Khai cuộc.
7. Quy Pháo bối
Quy Pháo bối - Pháo lưng rùa
Một lối đánh dân gian, với ưu tiên cho sự phòng thủ. Quy Pháo bối là dạng thức mà người dùng sử dụng quân Xe để bảo vệ Pháo,giúp Pháo truy đuổi, lùa các quân tấn công của đối phương.Trên thực tế, quy Pháo bối (Pháo lưng rùa) rất ít khi được sử dụng do tính thiên về thủ và kém linh hoạt khi triển khai quân.
8. Thiên phong Pháo
Nếu quy Pháo bối là sử dụng xe sát biên để bảo vệ Pháo thì "thiên phong Pháo" lại là cách cho quân Xe lên trước, sau đó mới kéo Pháo về để rình rập và tấn công từ xa. Lợi thế hơn của thiên phong Pháo là quân Xe sẽ ít chịu uy hiếp và có phạm vi hoạt động rộng hơn,linh hoạt hơn "Pháo lưng rùa".
9. Thiết hoạt xa
Trong 10 thế Khai cuộc phổ biến, thì đây là thế cờ mở đầu cho một cuộc "tàn sát" (thậm chí còn hơn cả "nghịch Pháo"). Một thế trận đánh đổi, ván cờ kết thúc nhanh vì bên hậu chấp nhận hy sinh một Mã để tranh tiên, chủ động tốc tiến. Dù được cho là phổ biến, nhưng cũng chỉ ở các giải nhỏ, các kỳ đài vỉa hè, hoặc những người chơi lãng tử. Đây là lối đánh khá tiêu cực và ít được dùng tại các giải đấu lớn.
10. Uyên ương Pháo
Vì được xuất phát từ Tây Tạng, nên "uyên ương Pháo" còn được gọi là "Tây Tạng quyền" - một cái tên khá võ học. Cũng vì thế mà thế cờ này được cho là bán chuyên nghiệp, bởi nó có chút hơi hướm của "thiên phong Pháo", nhưng người chơi sẽ tấn Xe hai nước để giữ một Pháo, sau đó kéo Pháo kia sang cùng một bên để ép Xe tiên đối thủ không thể xuất ra. Kết hợp với việc lên Sỹ, Tượng, uyên ương Pháo có thể tạo thế giằng với bình phong Mã, hoặc Mã quỳ khi phòng thủ chống Pháo đầu. Khai cuộc uyên ương Pháo cũng được sử dụng khá nhiều tại các giải đấu trên Thế giới.
Chúc các bạn có những giây phút giải trí vui vẻ!