Bài văn mẫu lớp 9: Bút pháp xây dựng hình ảnh thơ trong các bài thơ Đồng chí và Ánh Trăng là những gợi ý hữu ích cho các em học sinh lớp 9 hoàn thiện trước khi đến lớp.
Đây là tài liệu vô cùng hữu ích được chúng tôi tổng hợp từ những bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc. Hi vọng qua tài liệu này các bạn đã có được những sự tham khảo để làm văn tốt hơn.
Bút pháp xây dựng hình ảnh thơ trong các bài thơ Đồng chí và Ánh Trăng
Trong một cuộc gặp gỡ với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Văn hóa cũng là một mặt trận và văn nghệ sĩ chúng ta cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Theo lời dạy của Bác, không ít các nhà văn, nhà thơ vừa cầm bút vừa cầm súng. Tài năng của họ được bồi đắp và trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến trường kì chống ngoại xâm đau thương mà hào hùng của dân tộc.
Chính Hữu với bài thơ Đồng chí sáng tác trong thời kì 9 năm chống thực dân Pháp đã ghi một cái mốc đáng nhớ vào quá trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại. Lần đầu tiên, chân dung anh bộ đội Cụ Hồ được tác giả miêu tả bằng bút pháp tả thực thông qua lời kể của nhân vật về mình và đồng đội.
Bài thơ mở đầu bằng giọng điệu tâm tình mộc mạc, tự nhiên.
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!
Đó là lời tâm sự của hai người lính xa quê vào những phút nghỉ ngơi sau chặng đường dài hành quân vất vả hay sau một trận đánh ác liệt tiêu diệt quân thù.
Đáp lời sông núi, hàng triệu thanh niên nông dân tình nguyện gia nhập quân đội, chiến đấu để bảo vệ chủ quyền độc lập tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Trong cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, chiến sĩ ta đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau. Một tình cảm mới mẻ nảy sinh và ngày càng trở nên sâu sắc, thiêng liêng. Đó là tình đồng chí.
Nhà thơ Chính Hữu tỏ ra khá nhạy cảm khi phát hiện điều làm cho những người tưởng chừng xa lạ dễ xích lại gần, dễ hiểu nhau hơn, đó chính là tình cảm và những câu chuyện kể về quê hương của mỗi người. Quê hương anh là vùng nước mặn đồng chua ven biển. Làng tôi là một làng trung du. Chúng ta sinh ra và lớn lên từ những chốn quê nghèo như thế nhưng rất giàu lòng yêu nước, thương nòi. Để lại sau lưng lũy tre, cây đa, giếng nước, mái nhà tranh, thửa ruộng, mảnh vườn,… chúng ta cùng lên đường chiến đấu chống xâm lăng.
Trong bài thơ Đồng chí, hình tượng thơ có tính chất khái quát rất cao. Nhà thơ tập trung thể hiện những nét tương đồng của nhiều người lính nông dân cầm súng để tạo nên chân dung anh chiến sĩ Vệ quốc buổi đầu kháng chiến:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Gian nan, thiếu thốn là thế mà vẫn vui vẻ và tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng. Đó chính là chất lạc quan, tinh thần dũng cảm của con người Việt Nam từ trước tới nay.
Chính Hữu khép lại bài thơ bằng một hình tượng thơ tuyệt đẹp:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Chất hiện thực nghiệt ngã và lãng mạn bay bổng đã hòa quyện với nhau để tạo nên hình tượng để đời ấy. Đêm khuya chờ giặc, trăng đã xế ngang tầm súng. Bất chợt, các chiến sĩ ta có một phát hiện thú vị: Đầu súng trăng treo. Câu thơ như một tiếng reo vui hồn nhiên mà chứa đựng đầy ý nghĩa. Trong sự tương phản giữa súng và trăng, người đọc vẫn tìm ra được sự gắn bó gần gũi. Súng tượng trưng cho tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược. Trăng tượng trưng cho cuộc sống thanh bình, yên vui. Khẩu súng và vầng trăng là hình tượng sóng đôi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam bất khuất và hào hoa muôn thuở.
Đúng như tên gọi, bài Đồng chí là bức chân dung sống động về anh bộ đội Cụ Hồ buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính Hữu đã khắc họa bức chân dung ấy bằng tình yêu và lòng cảm phục chân thành, sâu sắc.
Trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy sáng tác năm 1978, khi đất nước đã sống trong không khí hòa bình, thống nhất được ba năm, hình tượng thơ cũng được xây dựng bằng sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình. Bài thơ như một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị và hiền hậu. Nó có ý nghĩa nhắc nhở mọi người thái độ sống uống nước nhớ nguồn, giữ ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng lớp nghĩa. Trăng gắn liền với kỉ niệm của tuổi thơ trên quê hương yêu dấu. Trăng gắn liền với cuộc sống chiến đấu vất vả, gian lao luôn đối mặt với kẻ thù:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Trăng là hình ảnh của thiên nhiên vĩnh hằng, bất diệt. Giữa máu lửa chiến tranh, vầng trăng như một niềm an ủi, xoa dịu tâm hồn người lính, chắp cánh cho trí tưởng tượng của họ bay bổng, vượt lên đau thương, chết chóc, khơi dậy khát khao cháy bỏng về một cuộc sống thanh bình. Con người với thiên nhiên như hòa làm một:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Dòng cảm xúc trữ tình của nhà thơ tuôn chảy qua lời kể theo trình tự thời gian: vầng trăng với tuổi thơ, vầng trăng với đời chiến sĩ và giờ đây là vầng trăng với con người trong cuộc sống hòa bình.
Trong âm hưởng của mấy khổ thơ cuối, có cái gì đó như day dứt, ân hận và tự trách mình sao đã vội quên trăng:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Đến đây thì vầng trăng không đơn thuần chỉ là vầng trăng đại diện cho thiên nhiên mà đã mang ý nghĩa biểu tượng cho quá khứ sâu nặng nghĩa tình. Vầng trăng trước sau vẫn vậy nhưng lòng người thì đã đổi thay. Cái vầng trăng tình nghĩa tưởng chừng đã in sâu trong tâm khảm thì giờ đây bị nhìn bằng ánh mắt vô cảm như người dưng qua đường.
Cái tác nhân gợi nhớ đến trăng lại chính là sự cố mất điện bất ngờ. Cả căn phòng trong tòa cao ốc tối om và chính lúc đó, vầng trăng hiện lên trước mắt vẫn tròn đầy, lung linh tỏa sáng, soi tỏ cả những góc khuất trong tâm hồn con người. Ánh trăng đánh thức những gì tốt đẹp nhất đang bị che phủ bởi cuộc sống hiện tại ồn ã, bon chen:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu thể hiện hình tượng người lính cách mạng và sự gắn bó keo sơn của họ qua những chi tiết, hình ảnh ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng giàu sức biểu cảm. Ánh trăng là tiếng lòng, là sự suy ngẫm riêng của Nguyễn Duy về quá khứ và hiện tại được thể hiện bằng giọng điệu tâm tình tự nhiên, bằng hình ảnh vầng trăng giàu sức biểu cảm.
Hai bài thơ sáng tác ở hai thời kì khác nhau nhưng cùng về đề tài người lính. Đặt hai hình tượng thơ song song, ta sẽ thấy chúng bổ sung cho nhau để hoàn thiện bức chân dung về đời sống tinh thần đẹp đẽ, phong phú của những con người trực tiếp cầm súng bảo vệ non sông, đất nước.