Với mong muốn đem đến cho các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập môn Ngữ văn lớp 6, Download.vn xin giới thiệu đến các bạn Bài văn mẫu lớp 6: Kể diễn cảm truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm.
Đây là tài liệu vô cùng hữu ích, gồm dàn ý chi tiết kèm theo 2 bài văn mẫu được chúng tôi tổng hợp từ những bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc. Tài liệu được thể hiện chi tiết và ngắn gọn nhất dành cho bạn học sinh. Hi vọng qua tài liệu này các bạn đã có được những sự tham khảo để làm văn tốt hơn. Chúc các bạn thành công, học tập tốt.
Dàn ý Kể diễn cảm truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm
a. Mở bài
- Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện: Cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo, trong buổi đầu còn gặp nhiều khó khăn. Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần. Sau thắng lợi, Lê Lợi trả lại thanh gươm.
b. Thân bài
- Lê Thận bắt được lưỡi gươm thần
+ Lê Thận ba lần kéo lưới, bắt được lưỡi gươm.
+ Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn; Lê Lợi đến nhà thấy lưỡi gươm.
- Cuộc chia tay
+ Lê Lợi bị giặc đuổi, thấy chuôi gươm nạn ngọc trong rừng.
+ Lưỡi gươm lắp vào chuôi gươm vừa như in.
+ Lê Thận nói: Đây là ý trời.
+ Có gươm thần, cuộc chống Minh giành được thắng lợi
+ Gươm thần theo Lê Lợi và nghĩa quân tung hoành trận mạc.
+ Nghĩa quân vượt qua khó khan, quân Minh khiếp đảm.
+ Cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, đất nước sạch bóng quân thù.
- Long Quân lấy lại gươm thần
+ Một năm sau ngày thắng lợi, vua Lê Lợi cưỡi thuyền dạo trên hồ Tả Vọng.
+ Rùa vàng nổi lên, nói: xin bệ hạ hoàn lại gươm.
+ Vua Lê Lợi trả gươm, rùa vàng mang gươm lặn xuống nước.
c. Kết bài
- Từ đó hồ Tả Vọng có tên là Hồ Gươm.
Kể diễn cảm truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm - Mẫu 1
Vào thế kỉ XV, dưới ách đô hộ của giặc Minh, nhân dân ta phải chịu bao điều cơ cực. Mọi người căm giận quân xâm lược tới xương tủy. Nghĩa binh Lam Sơn buổi đầu nổi dậy lực lượng còn yếu. Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần dẹp giặc.
Một đêm nọ, ở Thanh Hóa có người dân chài tên là Lê Thận đi đánh cá. Sau hai lần quăng chài, Thận đều kéo được một thanh sắt. Lần thứ ba cũng vậy. Xem kĩ, Thận mới biết đó là lưỡi gươm bèn đem về nhà.
Sau đó, Thận gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Một lần, Lê Lợi vào thăm nhà Thận, đột nhiên lưỡi gươm lóe sáng. Lê Lợi cầm xem, thấy hai chữ Thuận Thiên, nhưng không biết đó là gươm quý.
Một lần bị giặc đuổi, lúc chạy qua khu rừng, Lê Lợi nhìn thấy ánh sáng lạ phát ra trên ngọn cây cao. Ông trèo lên thì phát hiện đó là một chiếc chuôi gươm nạm ngọc. Lê Lợi giắt chuôi gươm vào thắt lưng và giữ gìn cẩn thận. Ba ngày sau, Lê Lợi kể cho mọi người nghe chuyện này. Lê Thận đem lưỡi gươm của mình ra xin tra vào gươm thì vừa như in. Mừng rỡ, Lê Thận kính dâng thanh gươm báu cho chủ tướng Lê Lợi.
Từ ngày có gươm thần, khí thế nghĩa quân tăng lên rất mạnh, xông xáo tung hoành tìm giặc, đánh đâu thắng đó. Quân Minh bạt vía kinh hồn phải rút chạy. Đất nước ta sạch bóng quân xâm lược.
Một năm sau ngày chiến thắng, vua Lê dạo chơi bằng thuyền trên hồ Tả Vọng. Bỗng một con Rùa Vàng rất lớn nhô mình lên khỏi làn nước xanh. Thuyền đi chậm lại. Tự nhiên nhà vua thấy thanh gươm đeo bên mình động đậy. Rùa Vàng nổi hẳn lên mặt nước và nói: Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân! Vua Lê rút gươm thả về phía Rùa Vàng. Rùa đớp lấy và lặn nhanh xuống nước. Một vệt sáng vẫn còn le lói dưới hồ sâu.
Kể diễn cảm truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm - Mẫu 2
Tương truyền rằng, thời vua Lê Lợi đánh tan được giặc Minh là nhờ có gươm thần của Long Vương. Đến khi thiên hạ thái bình, Long Vương cho rùa thần ngoi lên đòi lại gươm khi nhà vua dạo thuyền trên hồ Tả Vọng, hiện nay còn gọi là hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.
Hồ Hoàn Kiếm được xem là biểu tượng thiêng liêng của thủ đô Hà Nội. Ai đã dừng chân ở thủ đô thì ít nhất một lần đã ghé thăm địa danh này, ngắm tháp Rùa cổ kính và dạo quanh Hồ Gươm. Năm ấy, giặc Minh đô hộ nước ta, coi mạng dân như cỏ rác, chúng đặt ra những chính sách ngang ngược khiến muôn dân lầm than. Bấy giờ , các nghĩa quân Lam Sơn tuy sức mạnh còn yếu kém nhưng với tấm lòng yêu nước vô cùng đã tập hợp lại để nổi dậy khởi nghĩa. Khi đó, ở Thanh Hóa có một người tên là Lê Thận.
Một hôm, Thận thả lưới ở khúc sông vắng, lúc kéo lên thấy nặng tay, chàng nghĩ thầm chắc là một mẻ cá lớn nhưng lại là một thanh sắt, chàng vứt luôn xuống sông và thả lưới ở một chỗ khác. Lần thứ hai, lần này cũng nặng tay, không ngờ lại là thanh sắt ban nãy, chàng lại vứt xuống sông. Đến lần thứ ba kéo lưới lên, một lần nữa thanh sắt lại mắc vào lưới. Lấy làm lạ, chàng ké mùi lửa để nhìn rõ ràng hơn, nào ngờ đó là một lưỡi gươm.
Sau đó, Lê Thận gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn, quyết chiến đấu vào sinh ra tử để diệt bè lũ cướp nước, bảo vệ dân tộc. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng đoàn quân tùy tùng đến nhà Thận. Trong gian nhà nhỏ tối om, bỗng nhiên Lê Lợi thấy có vật lóe sáng, tiến lại gần mới biết là một lưỡi gươm có khắc hai chữ “Thuận Thiên”. Nhưng chẳng ai hay biết đó là một lưỡi gươm thần. Một hôm trong lúc xung trận, Lê Lợi bị lâm vào thế bí, phải tách quân nhằm đánh lạc hướng quân giặc.
Khi đi qua khu rừng, ông thấy trên ngọn cây phát ra ánh sáng lạ kì, trèo lên mới biết đó là một gươm nạm ngọc, chợt nhớ đến lưỡi gươm của Lê Thận, ông cất chuôi gươm vào thắt lưng và nhanh chóng quay về doanh trại. Sau khi trở về, Lê Lợi tra thử lưỡi gươm vào chuôi gươm thì quả nhiên vừa vặn khớp với nhau trước đông đủ nghĩa quân đang vui mừng khôn xiết. Lê Thận nâng thanh gươm lên ngang đầu và hô lớn: “Chúng tôi nguyện đem hết sức mình cũng như tính mạng để đánh đuổi quân giặc, khôi phục giang sơn”.
Kể từ khi có thanh gươm báu phù trợ, khí thế của nghĩa quân ngày càng mạnh, nhiều lần khiến quân địch phải kinh hồn bạt vía, nhờ đó tiếng tăm của nghĩa quân Lam Sơn ngày càng tăng. Nghĩa quân thu được nhiều kho lương thực của giặc., chiếm được nhiều vùng đất. Với tài mưu lược của tướng Lê Lợi, đoàn quân Lam Sơn giành được đại thắng khiến giặc Minh phải đầu hàng và tháo chạy về nước.
Lê Lợi lên ngôi vua, quy tụ giang sơn về một mối, đời sống nhân dân ngày càng no ấm. Trong một lần vua dạo hồ Tả Vọng, rùa thần ngoi lên nói: “Xin Bệ hạ hoàn trả gươm báu cho Long Vương!”. Vừa lúc vua Lê Lợi rút thanh gươm ra thì thanh gươm tự động bay về phía rùa vàng, rùa vàng há miệng ngậm lấy thanh gươm, sau đó lặn xuống làn nước trong xanh. Khi ấy, mọi người vẫn thấy một vệt sáng lóe lên dưới hồ nước sâu, giống như ánh sáng từ thanh gươm thần. Kể từ lúc đó, hồ Tả Vọng đổi tên thành Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.