Bài văn mẫu lớp 12: Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu - Những bài văn hay lớp 12

Bài văn mẫu lớp 12: Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu

Những bài văn hay lớp 12

Chắc hẳn hiện nay các bạn học sinh đang tăng tốc để ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, để có thể giúp sức cho các bạn một phần nào đó. Chúng tôi xin giới thiệu bài văn mẫu lớp 12: Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu, đã được chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại đây.

Bài thơ Tiếng hát con tàu được Chế Lan Viên gửi vào đấy lòng yêu Tổ Quốc của mình. Sau đây là dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu lớp 12: Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu, mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu

Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu

I. Mở bài:

- Giới thiệu vài nét vể tác giả: Chế Lan Viên

– Tập thơ “Điêu tàn” xuất bản năm 1937 đã khẳng định Chế Lan Viên là nhà thơ tiêu biểu của trào lưu Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám 1945.

– Ông hang hái tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đó, ông đã làm một cuộc hoá thân trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác để hòa hợp với nhân dân, đất nước.

– Bài thơ “Tiếng hát con tàu” ra đời ở hoàn cảnh cụ thể là thời kì phong trào nhân dân miền xuôi lên miền núi khai hoang, xây dựng và phát triển kinh tế. Bài thơ vừa là tiếng hát say mê của một tâm hồn thoát khỏi cái tôi nhỏ bé để đến với cái ta rộng lớn là nhân dân, đất nước; vừa là nỗi nhớ thiết tha và lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với Tây Bắc – mảnh đất nặng nghĩa nặng tình.

II. Thân bài:

1. Ý nghĩa của lời để từ:

Ngay mới chỉ trong lời để từ, tác giả đã thể hiện tư tưởng chủ đề bài thơ và tình cảm của mình. Câu hỏi tu từ: Tây Bắc ư? Có gì riêng Tây Bắc…chính là lời lòng tự hỏi lòng, chứa đựng nỗi băn khoăn, trăn trở rất thực trong tâm trạng nhà thơ nói riêng và tầng lớp văn nghệ sĩ nói chung ở thời điểm lịch sử đó.

2. Hai khổ thơ đầu là lời giục giã với những câu hỏi ngày càng thôi thúc.

– Dường như hình ảnh con tàu là một hình ảnh là ẩn dụ nghệ thuật có ý nghĩa tượng trưng cho ước mơ, khát vọng vượt ra khỏi cuộc sống chật hẹp quẩn quanh để đến với cuộc sống rộng lớn của nhân vật trữ tình. Nhà thơ đã khéo léo ví von tâm hồn mình như một con tàu đang mở hết tốc lực về với nhân dân, đất nước.

– Tây Bắc – tên gọi cụ thể chỉ địa danh một vùng đất xa xôi của Tổ quốc nhưng lại còn là một biểu tượng cuộc sống lớn lao của nhân dân và đất nước.

-Tây Bắc chính là cội nguồn cảm hứng của hồn thơ, của sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, lời giục giã lên Tây Bắc cũng là về với chính lòng mình, với những tinh cảm trong sáng, nghĩa tình gắn bó sâu nặng với nhân dân và đất nước.

3. Chín khổ thơ tiếp theo là một mạch ngàm của niềm hạnh phúc và khao khát về với nhân dân, gợi lại những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình trong những năm kháng chiến.

– Khung cảnh thiên nhiên, con người Tây Bắc nay đã đổi thay.

– Đến với Tây Bắc là đến vùng đất thân yêu của tâm hồn mình, là làm cuộc hành trình về với Mẹ nhân dân – Mẹ Tổ quốc thân yêu.

– Kĩ niệm về đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc được tác giả nhắc lại qua hình ảnh của những con người cụ thể (người anh du kích, bà mẹ tóc bạc, người em nhỏ liên lạc…).

– Sự cưu mang, đùm bọc, tình yêu thương chân thành của những người dân thân thiện Tây Bắc như đã tiếp thêm sức mạnh cho nhà thơ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và để lại những kĩ niệm sâu sắc không thể nào quên.

–Thể hiện được rõ nét về niềm khao khát mãnh liệt và niềm hạnh phúc lớn lao của nhà thơ khi trở về với nhân dân.

Từ những kỉ niệm ân tình với đồng bào vùng cao Tây Bắc, tác giả đã nâng lên thành những suy ngẫm, những chiêm nghiệm giàu sức khái quát, những chân lí được rút ra từ trải nghiệm của chính mình.

– Nói về tình yêu nhưng tác giả lại hướng tới sự cắt nghĩa, lí giải để làm bừng sáng ý nghĩa của cả đoạn thơ. Chế Lan Viên như đã thật hay về phép màu của tình yêu. Chính tình yêu đã biến những miền đất xa xôi trở thành thân thiết như quê hương ta, hoá thành máu thịt tâm hồn ta.

– Nói đến tình yêu và nỗi nhớ, Chế Lan Viên không ngại ngần đã diễn tả thật hóm hỉnh và sâu sắc mối quan hệ khăng khít, sự gắn bó chặt chẽ giữa những người đang yêu bằng những hình ảnh rực rỡ sắc màu và đậm đà phong vị vùng cao.

– Với nghệ thuật đặc sắc của nhà thơ rất sáng tạo khi nói về nhân dân, về tình yêu con người, tình yêu cuộc sống. Các ẩn dụ nghệ thuật đều có tính đa nghĩa. Nhịp điệu thơ biến đổi linh hoạt, vừa sôi nổi vừa da diết, lắng sâu.

4. Bốn khổ thơ cuối là khúc hát lên đường sôi nổi, tin tưởng và say mê.

– Tiếng gọi của đất nước, của nhân dân, của đời sống đã thành sự thồi thúc mãnh liệt, thành lời giục giã của chính lòng mình, thành nỗi khát khao nóng bỏng.

– Những lời tự cổ vũ, động viên và khẳng định quyết tâm lên đường.

– Nhà thơ mượn hình ảnh tượng trưng trong ca dao xưa để biểu đạt vẻ đẹp cao quý của tâm hồn.

– Bài học triết lí nhân sinh và quan điểm nghệ thuật được tác giả đặt ra trong những khổ thơ cuối: Hiện thực cuộc sống là mạch nguồn vô tận của cảm hứng sáng tác. Văn chương không thể tách rời hiện thực. Hiện thực là cơ sở phát sinh cảm hứng trữ tình cách mạng…

III. Kết bài :

– Có thể nói thơ Chế Lan Viên giàu chất trí tuệ và đậm đà tính trữ tình.

– Phong cách nghệ thuật của Chế Lan Viên – nhà thơ trữ tình cách mạng nổi tiếng trong thơ ca Việt Nam hiện đại.

Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu - Mẫu 1

Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu

"Ôi, một cánh hoa dù hái vô tình
Cũng là vì yêu cuộc đời quá đẹp
Nói chi lời thơ viết trong nước mắt
Chính là mang hạnh phúc đến lòng anh...".

(Khi đã có hướng rồi)

Không biết sinh thời Chế Lan Viên đã có bao nhiêu "lời thơ trong nước mắt", nhưng có nhiều bài thơ đẹp như "một cánh hoa...". Tiếng hát con tàu" là một bài thơ như thế! Sáng tác vào năm 1960, "Tiếng hát con tàu" là một giò phong lan trong tập thơ "Ánh sáng và phù sa" của Chế Lan Viên, "Tập thơ đã gây một tiếng vang cực lớn... đã thành cái mốc chuyển biến quan trọng trong thơ của Chế Lan Viên nói riêng, của thơ Việt Nam nói chung... đã xuất hiện một thi pháp mới, một giọng điệu mới, một cách nghĩ, cách cảm mới". (Người làm vườn vĩnh cửu - Trần Mạnh Hảo)

Bài thơ, ngoài 4 câu đề từ còn có 15 khổ thơ, gồm 60 câu, chủ yếu mỗi dòng thơ 8 từ, chỉ có một câu 12 từ, đó là diện mạo của "Tiếng hát con tàu".

Năm 1960, miền Bắc bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, xây dựng và phát triển kinh tế, vãn hóa. Cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi xây dựng kinh tế miền núi trở thành một phong trào cách mạng rộng lớn để biến "Tây Bắc thành hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc" (Phạm Văn Đồng). Bài thơ "Tiếng hát con tàu" đã "mang hồn thời đại bay cao" (Tố Hữu), nó đã vượt lên khỏi tính chất thời sự mà trở thành ca khúc thể hiện đắm say khát vọng lên đường, gắn bó với cuộc sống sôi động bằng tình yêu Tổ quốc và nhân dân, để lao động, khám phá và sáng tạo. Chất suy tưởng giàu có, óng ánh vẻ đẹp trí tuệ, sự biện luận sắc sảo và hình tượng mới lạ, độc đáo... đã hội tụ và kết tinh làm nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật đích thực của bài thơ kiệt tác nay.

Trước hết nói về khổ thơ đề từ rất độc đáo và tài hoa. Cấu trúc vần thơ dưới hình thức hỏi – đáp. Không chỉ hỏi bằng câu hỏi mà đáp cũng bằng câu hỏi. Giọng điệu ngân vang, say mê, hào hứng:

"Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu,
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?".

Bao trùm lời đề từ là niềm tự hào về một tình yêu lớn của nhà thơ. Hỏi - đáp để tự khẳng định sự nhận thức của tâm hồn mình. Câu 1 nói lên tình cảm đẹp, rộng lớn: không chỉ yêu riêng Tây Bắc mà nhà thơ còn hướng tâm hồn mình đến mọi miền của đất nước bao la với tất cả tình yêu thương tha thiết. Câu thứ 2 thứ 3 chỉ rõ nguồn gốc của tình cảm cao đẹp đó. Điều kiện chủ quan là "Khi lòng ta đã hóa những con tàu", tự thân "ta" đã sống với khát vọng đẹp muốn đi tới mọi miền của Tổ quốc thân yêu để hiến dâng và phục vụ. Điều kiện khách quan là hiện thực xã hội, là không khí của thời đại: "Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát". Đó là một thời kì rất đẹp, rất sôi động trên miền Bắc nước ta. Nhân dân phấn khởi, hào hứng xây dựng đất nước và cuộc sống mới. Một nhà thơ khác đã ca ngợi là "... bài thơ miền Bắc - rất tự do nên tươi nhạc, tươi vần". Câu thơ thứ 4 là hệ quả tất yếu mà điều kiện chủ quan và khách quan đưa tới: "Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?". Câu hỏi tu từ vang lên kiêu hãnh biểu lộ tâm hồn mình đã hòa nhập, đã gắn bó, đã mến yêu nồng hậu Tây Bắc. Cách so sánh và cách nói mới mẻ, hấp dẫn. Khổ thơ đề từ không chỉ nói lên tình yêu Tây Bắc, tình yêu Tổ quốc mà còn thể hiện sự biện luận sắc sảo - một nét đẹp trong thi pháp của Chế Lan Viên.

"Anh đi chăng?" hay "anh giữ trời Hà Nội?"; "Anh có nghe...?" và "Tàu gọi anh đi, sao anh chửa ra đi?" - Đó là tâm trạng, là nỗi niềm băn khoăn về chuyện đi hay ở lại? Tâm trạng ngại đi xa, sợ khó khăn gian khổ... là một sự thật của lòng người, không chỉ riêng nhà thơ trong những tháng ngày hòa bình sau 9 năm kháng chiến chống Pháp. Cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra trong mỗi con người, đó là một sự thật. Chế Lan Viên đã sử dụng biện pháp tương phản để tô đậm tâm trạng và nỗi niềm băn khoăn ấy. Hàng loạt câu hỏi tu lừ xuất hiện, âm điệu thơ đầy ám ảnh, giục giã:

"Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
... Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
...Tàu gọi anh đi,sao chửa ra đi!".

Hình ảnh con tàu trong 2 khổ thơ đầu: "Con tàu lên Tây Bắc anh đi chăng?" và "Tàu đói những vành trăng" - mới chỉ là một biểu tượng về một hành trình đi xa; con tàu này còn "đói những vành trăng" nghĩa là chưa có nhiều động lực để phóng tới những không gian, những chân trời. Nó chưa phải là "Tiếng hát con tàu". Đó là sự tinh tế trong tư duy nghệ thuật của Chế Lan Viên.

Chín khổ thơ tiếp theo hàm chứa những tư tưởng tình cảm đẹp khi nhà thơ nghĩ về Tây Bắc và con người Tây Bắc vói bao kỉ niệm sâu sắc, cảm động. Bài học về nghĩa tình thuỷ chung đối với đất nước và nhân dân làm cho ta lớn lên về mặt tâm hồn và để ta nhớ mãi.

Ngọn lửa kháng chiến thần kì, những bản, những con đèo, dòng suối, những anh du kích, em bé liên lạc, bà mế, cô gái Tây Bắc "vắt xôi nuôi quân" đã trở thành kỉ niệm, để thương để nhớ, đã hóa tâm hồn người cán bộ kháng chiến miền xuôi, nhà thơ...

Tây Bắc là hồn thiêng sông núi, là nơi rực cháy ngọn lửa kháng chiến, ngọn lửa Điện Biên thần kì, là "xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng", là mảnh đất yêu thương "nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất – Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân". Tự hào mà hướng về tương lai với bao niềm tin sáng ngời:

"Ơi kháng chiến!Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường".

Nhận thức ấy đã khai sáng tâm hồn, nhận thức về con đường đi tới còn nhiều gian khổ mà tự ý thức "con cần vượt nữa"để được trở về cội nguồn "cho con về gặp lại Mẹ yêu thương". "Mẹ" được viết hoa, một mĩ từ, là hình ảnh cao đẹp của Bà Mẹ Tổ quốc muôn quý nghìn yêu. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ chính xác, biểu cảm, sáng tạo hình ảnh đã làm cho vần thơ "Tiếng hát con tàu" cất cánh: "xứ thiêng liêng", "nơi máu rỏ", "trái chín đầu xuân", "ngọn lửa... soi đường", "Mẹ yêu thương". Các số từ chỉ lượng thời gian: "mười năm qua", "nghìn năm sau" là một cách nói mang tính triết luận về một chiêm nghiệm lịch sử vô cùng thấm thía.

Với Chế Lan Viên thì gặp lại nhân dân là một niềm vui lớn, một khao khát lớn, một niềm hạnh phúc lớn:

"Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ,
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa".

Một cách nói vừa quen vừa là lạ. Năm hình ảnh so sánh liên tiếp xuất hiện để cụ thể hóa, hình tượng hóa niềm vui, niềm hạnh phúc to lớn "Con gặp lại nhân dân". Có hình ảnh về thế giới thiên nhiên, có hình ảnh vẻ cõi đời, tuổi thơ. Nhân dân là cội nguồn của sự sống và hạnh phúc, là suối mát mùa xuân đón bầy nai đói khát trở về chốn cũ yêu thương, là hơi ấm mùa xuân đem lại màu xanh và hương mật cho cỏ, là ánh thiều quang cho chim én sánh đôi kết đàn, là dòng sữa ngọt cho bé thơ đói lòng, là cánh tay nhẹ đưa nôi mềm đem lại giấc ngủ say, cơn mơ đẹp cho em nhỏ... Có hình ảnh thơ mộng. Có hình ảnh ấm áp sâu nặng nghĩa tình. Những so sánh ấy còn mang một ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc: về với nhân dân là trở về ngọn nguồn hạnh phúc, là hợp đạo lí và đúng lẽ tự nhiên. Triết luận ấy càng trở nên sâu sắc, thấm thìa vì nó được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ chọn lọc, hình tượng, gợi cảm, thi vị.

Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu - Mẫu 2

Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Con đường sáng tác của nhà thơ trải qua nhiều thăng trầm với những bước ngoặc trong phong cách nghệ thuật và tư tưởng chủ đạo, không còn là thế giới kinh dị, huyền bí trong Điêu tàn, sau năm 1945, ông đã rẽ hướng tập trung khai thác đề tài con người và đất nước trong kháng chiến. Thơ Chế Lan Viên mang đậm vẻ đẹp trí tuệ và giàu suy tư triết lý với những hình ảnh thơ đa dạng, phong phú, đầy sức sáng tạo.

Tiếng hát con tàu được rút ra từ tập Ánh sáng và phù sa, bài thơ được lấy cảm hứng từ một sự kiện kinh tế - chính trị có ý nghĩa vô cùng lớn lao: Cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế nơi miền núi Tây Bắc. Bài thơ là sự kết tinh xuất sắc giữa tư tưởng và nghệ thuật của Chế Lan Viên trong sự nghiệp thi ca cách mạng của mình.

Những câu thơ trong lời đề từ cất lên thổn thức, lay động lòng người đọc, nó đã thể hiện được tư tưởng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm:

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”

Câu hỏi tu từ vang lên thật nhẹ nhàng “Tây Bắc ư?” chứa đựng nỗi trăn trở, băn khoăn của nhà thơ trước tình cảnh đất nước lâm nguy. Tiếng gọi của Tổ quốc cứ vang vọng bên tai và tâm hồn Chế Lan Viên giờ đây chỉ còn là Tây Bắc xa xôi kia, ông chẳng còn ngại khó khăn, cũng chẳng sợ hiểm nguy rình rập bởi vì trái tim đã hòa chung nhịp đập Tổ quốc, bởi lòng ông đã “hoá những con tàu”.

Hai khổ thơ mở đầu vang lên những lời thơ như thúc giục, như rộn rã hơn, ngôn từ thật tha thiết, những câu hỏi ngày càng dồn dập đang xoáy sâu trong lòng tác giả nói riêng và thế hệ văn nghệ sĩ nói chung:

“Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”

Hình ảnh ẩn dụ “con tàu” mang ý nghĩa biểu trưng cho khát vọng, hoài bão lớn lao đang tuôn chảy trong lòng hàng triệu nhân dân Việt Nam ta khi ấy. Tiếng con tàu vút cao lên như lời kêu gọi mạnh mẽ, nồng nhiệt của Chế Lan Viên. Biện pháp tu từ nhân hoá “Tàu đói những vành trăng” thật biểu cảm, sinh động, “vành trăng” hình ảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình cũng là biểu tượng cho ánh sáng, niềm tin và hi vọng dạt dào về chiến thắng vang dội vào một tương lai không xa. Động từ “đói” gợi cho người đọc bao suy ngẫm, đất nước thật sự đang rất cần sự đồng lòng, sự đoàn kết trong nhân dân, dấn thân sẵn sàng hi sinh để xây dựng Tổ quốc ngày càng vững mạnh. Tây Bắc - một địa danh cụ thể xa xôi, hiểm trở cũng là một hình ảnh biểu trưng cho đất nước, Tây Bắc là cội nguồn làm nên linh hồn của bài thơ, của sáng tạo nghệ thuật dạt dào. “Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp”, nghệ thuật đối lập tương phản gợi sự trăn trở, day dứt trong lòng mỗi độc giả. Ta sống dưới sự che chở của thiên nhiên, sự bao bọc của Tổ quốc nhưng có khi nào ta giật mình nhìn lại mình đã làm được gì cho đất nước hay chỉ sống một cuộc đời vô nghĩa “lòng đóng khép” với thế sự ngoài kia.

Niềm hạnh phúc dâng trào, niềm vui sướng khi trở về với vòng tay quê hương được nhà thơ tái hiện thật chân thành, mộc mạc trong chín khổ thơ tiếp theo, qua đó gợi lại về những kỷ niệm tươi đẹp, gắn bó thuở kháng chiến:

“Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân
… Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương.”

Con người khung cảnh nay đã đổi thay, mười năm kháng chiến đi qua “như ngọn lửa” rạo rực, vẫn đang bùng cháy trong lòng tác giả. Có lẽ lúc này, tâm hồn cần sự nghỉ ngơi, cần sự an ủi bởi bàn tay gia đình cho nguôi đi nhớ thương chất chứa trong lòng bao năm, “Cho con về gặp lại mẹ yêu thương”. “Mẹ” ở đây ngoài là người mang nặng đẻ đau, thì cũng có thể là mẹ thiên nhiên, mẹ Tổ quốc thân thương. Biết bao kỉ niệm vùng Tây Bắc vẫn in đậm trong tâm trí tác giả, hình ảnh “người anh du kích”, “thằng em liên lạc”, người mẹ tóc bạc, nhớ “bản sương giăng”, nhớ cả “đèo mây phủ”, những hình ảnh thật cụ thể, giàu liên tưởng sâu sắc. Tình yêu thương sâu nặng, sự che chở, đùm bọc của đồng bào nơi đây như tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sĩ trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Chế Lan Viên bằng sự nhạy cảm của mình cũng đã khám phá ra quy luật rất đặc biệt trong suy nghĩ con người: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Thuở đầu đặt chân đến vùng đất mới, mọi thứ trong ta hoàn toàn xa lạ, đất chỉ đơn giản là nơi ta sinh sống, tồn tại. Nhưng thời gian thấm thoát thoi đưa, lâu dần mảnh đất ấy trở nên thân thuộc, từng cái cây ngọn cỏ, từng dáng vẻ con người hằn sâu trong trái tim ta thật sâu sắc, khó phai nhòa, trở thành một phần trong mảnh ghép “tâm hồn” những con người xa quê. Sự chuyển hoá lạ kỳ ấy không phải tự nhiên mà có, nó xuất phát từ tình yêu thương, gắn bó, sự đồng cảm của tâm hồn, nó biến vùng đất lạ lẫm trở thành quê hương thứ hai của mọi người.

Tình yêu trong thơ Chế Lan Viên chẳng phải là tình cảm lứa đôi đơn lẻ mà nó còn hòa mình cùng tình yêu thương đất nước, quê hương. Anh nhớ em! Nỗi nhớ dạt dào, da diết “như đông về nhớ rét”, gắn bó keo sơn, đẹp đẽ, thơ mộng “như cánh kiến hoa vàng”. Tình anh và em nồng nàn, cháy bỏng trong sự chứng kiến của núi rừng Tây Bắc, chỉ cần nắm tay nhau đi qua biết bao mùa chiến dịch. Tình yêu ta đã hoá miền đất xa lạ trở thành thân quen, gần gũi như quê hương máu thịt, tâm hồn. Bằng ngòi bút tài hoa đậm chất nghệ sĩ lãng mạn của mình, Chế Lan Viên không ngần ngại diễn tả tình yêu với sự hóm hỉnh sâu lắng, sự khăng khít, thuỷ chung với những hình ảnh rực rỡ sắc màu, mang đậm dư vị của núi rừng vùng cao Tây Bắc.

Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu - Mẫu 3

Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu

Chế Lan Viên (1920 – 1989) tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị. Ông sáng tác rất sớm và nổi tiếng với tập thơ Điêu tàn xuất bản năm 1937 và được đánh giá là nhà thơ lãng mạn tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Trước Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên đã từng viết: Với tôi tất cả như vô nghĩa, Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau, đã từng cầu xin: Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh, Một vì sao trơ trọi cuối trời xa… để ẩn náu, trốn tránh mọi khổ đau, phiền não của cuộc sống. Sau Cách mạng, trong sự hóa thân kì diệu của đất nước và dân tộc, nhà thơ cũng đã làm một cuộc hóa thân để hòa nhập với cuộc sống xung quanh và cũng là tìm về với chính mình.

Hòa bình lập lại, nhân dân miền Bắc phấn khởi bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống hòa bình, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Năm 1958, Đảng và Nhà nước ta phát động phong trào khai hoang, phát triển kinh tế ở vùng cao. Phong trào này đã được nhân dân miền xuôi, nhất là những địa phương đất chật người đông như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… hưởng ứng rất nhiệt tình. Thanh niên được coi là lực lượng tiên phong lên Việt Bắc, Tây Bắc vỡ đất khai hoang, xây dựng nông trường, làm thay đổi bộ mặt của chiến khu xưa.

Trong kháng chiến chín năm chống Pháp, nhà thơ Chế Lan Viên thường xuyên đi công tác nên được sống trong sự đùm bọc và tình yêu thương của đồng bào Việt Bắc, Tây Bắc. Tình cảm quý báu đó khơi nguồn thi hứng để tác giả sáng tác bài thơ Tiếng hát con tàu. Bài thơ vừa là khúc hát say mê, rạo rực của một hồn thơ đã thoát khỏi khung trời chật hẹp của cái tôi nhỏ bé để ra với chân trời rộng lớn của cái ta là nhân dân, đất nước ; vừa thể hiện lòng biết ơn sâu nặng và nỗi nhớ da diết của nhà thơ về Tây Bắc – quê hương thứ hai, nơi có những con người đã gắn bó, chia sẻ gian nan, cùng vào sống ra chết với mình trong thời kì chống Pháp.

Bài thơ được bố cục theo trình tự diễn biến tâm trạng. Giọng điệu, âm hưởng cũng biến đổi theo mạch tâm trạng. Hai khổ đầu là sự trăn trở và lời mời gọi lên đường. Chín khổ thơ giữa thể hiện khát vọng về với nhân dân, gợi lên những kỉ niệm kháng chiến đầy nghĩa tình với nhấn dân và đất nước. Bốn khổ cuối là khúc hát lên đường sôi nổi, tin tưởng và say mê.

Bốn câu thơ đề từ chính là tư tưởng chủ đề bài thơ, đã khái quát suy nghĩ và tình cảm của tác giả:

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.

Câu hỏi tu từ: Tây Bắc ư? là lời lòng tự hỏi lòng, chứa đựng nỗi băn khoăn, trăn trở rất thực trong tâm trạng nhà thơ nói riêng và tầng lớp văn nghệ sĩ nói chung ở thời điểm lịch sử đó.

Hai khổ thơ đầu là lời giục giã với những câu hỏi thôi thúc. Nhà thơ chọn hình ảnh con tàu và địa danh Tây Bắc làm biểu tượng nghệ thuật của bài thơ:

Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng ?
Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô ? Tàu đói những vành trăng.
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi ?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.

Nhà thơ ví tâm hồn mình như một con tàu đang mở hết tốc lực trong hành trình tiến lên phía trước mà đích đến là đất nước, là nhân dân vĩ đại và cao cả, là cuộc sống đầy ắp chất liệu và cảm hứng nuôi dưỡng hồn thơ.

Con tàu ờ đây là biểu tượng cho khát vọng ra đi, đến với những miền xa xôi, đến với nhân dân, đất nước và cũng còn là đến với những mơ ước, những ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật.

Ở thời điểm đó chưa có đường tàu lên Tây Bắc, cho nên hình ảnh con tàu trong bài thơ này hoàn toàn mang ý nghĩa tượng trưng. Đó là con tàu trong tâm tưởng chỗ đầy khát vọng hòa hợp với dân tộc, đất nước và niềm tin vào tương lai tươi sáng. Chế Lan Viên đã mượn hình ảnh thiên nhiên để khơi gợi khát vọng lên đường của mọi người. Khao khát tìm đến những chân trời rộng mở : Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi, Ngoài cửa ô ? Tàu đói những vành trăng. Nhà thơ nói với người khác mà cũng là tự nhủ với chính lòng mình.

Đánh thắng giặc xong, đất nước xây dựng lại rất cần sự đóng góp của mỗi người. Hãy thoát ra khỏi cái tôi chật hẹp mà hòa nhập với mọi người. Đi theo con đường ấy có thể tìm kiếm được nghệ thuật chân chính và gặp được tâm hổn của chính mình trong cuộc sống rộng lớn của nhân dân.

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.

Chế Lan Viên đã khẳng định về mối liên quan máu thịt giữa văn chương, nghệ thuật với hiện thực cuộc sống, bởi cuộc sống phong phú muôn màu muôn vẻ chính là kho chất liệu, là nguồn cảm hứng vô tận của văn nghệ sĩ. Điều đó cho thấy một nhà thơ Chế Lan Viên hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn với Chế Lan Viên – nhà thơ lãng mạn trước Cách mạng bế tắc và tuyệt vọng giữa cuộc đời tù túng, phức tạp.

Tây Bắc, ngoài tên gọi cụ thể của một vùng đất, còn là tiêu biểu cho mọi miền xa xôi của Tổ quốc, nơi có cuộc sống gian lao mà nặng nghĩa nặng tình, nơi đã ghi khắc những kỉ niệm không thể quên của những người đã trải qua cuộc kháng chiến, nơi đang vẫy gọi mọi người đi tới chung sức, chung lòng xây dựng lại quê hương.

Đến với Tây Bắc, mảnh đất nặng nghĩa nặng tình là đến với nhân dân đã chở che, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ ta trong suốt cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược. Chính vì lẽ đó, tiếng gọi thôi thúc lên Tây Bắc đồng nghĩa với tiếng gọi về với chính lòng mình, với tâm hồn mình với những tình cảm thiết tha, trong sáng.

Nếu hai khổ thơ đầu là sự trăn trở và lời giục giã mời gọi lên đường thì chín khổ tiếp theo lại là niềm hạnh phúc và khát vọng về với nhân dân, gợi lại những kỉ niệm sâu nặng đầy tình nghĩa trong những năm kháng chiến ; xen với những hình ảnh lung linh của hồi tưởng là những chiêm nghiệm, đúc kết trong giọng thơ trầm lắng.

..............

Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết tại file dưới đây!

Liên kết tải về

pdf Bài văn mẫu lớp 12: Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu
doc Bài văn mẫu lớp 12: Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 12

Văn 12

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK