Bài thu hoạch tập huấn SGK lớp 4 năm 2023 - 2024

Bài thu hoạch tập huấn sách giáo khoa lớp 4 năm 2023 - 2024

Những điểm mới trong chương trình Âm nhạc 4

Bài thu hoạch tập huấn sách giáo khoa lớp 4 năm 2023 - 2024 giúp thầy cô tham khảo, có thêm nhiều kinh nghiệm, ý tưởng mới để hoàn thiện bài thu hoạch bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 4 Chương trình GDPT 2018.

Nội dung bài thu hoạch là viết về những điểm mới trong chương trình Âm nhạc 4 năm học 2023 - 2024. Qua đó, sẽ giúp thầy cô nắm được những điểm mới, ưu điểm nổi bật, yêu cầu cần đạt ở lớp 4 theo Chương trình GDPT 2018. Vậy mời thầy cô cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Bài thu hoạch tập huấn sách giáo khoa lớp 4 năm 2023 - 2024

TRƯỜNG TH……..
TỔ: 4,5

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BÀI THU HOẠCH BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN
SỬ DỤNG SGK LỚP 4 CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018
NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG CHƯƠNG TRÌNH ÂM NHẠC LỚP 4
NĂM HỌC 2023 – 2024

1. Điểm mới chương trình Âm nhạc lớp 4:

* Sách giáo khoa Âm nhạc 4 kết nối tri thức được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cuốn sách có một số đặc điểm sau:

- Sách có cấu trúc rõ ràng: Theo 8 chủ đề: Mỗi chủ đề có 1 bài hát và một số mạch nội dung khác nhau như: Nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ, thường thức âm nhạc, lý thuyết âm nhạc. Ở mỗi chủ đề cách trình bày các hoạt động và các câu lệnh, câu hỏi rõ ràng, các em có thể đọc sách và tự học trong quá trình chuẩn bị bài.

- Nội dung nhạc cụ các em có thể được học nhạc cụ gõ hoặc một trong hai nhạc cụ giai điệu Ri – coóc – đơ hay kèn phím.

- Sách vẫn được thống nhất hình vẽ biểu trưng giống như ở lớp 1,2,3 để các em dễ nhận biết.

- Ngoài sự hướng dẫn của thầy cô trên lớp các em HS có thể đọc sách giáo khoa bản giấy , phiên bản điện tử Âm nhạc với các học liệu hỗ trợ để thực hành, luyện tập và thể hiện các ý tưởng sáng tạo của cá nhân.

* Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở lớp 4 theo chương trình GDPT 2018:

Căn cứ yêu cầu cần đạt về năng lực và nội dung giáo dục âm nhạc đối với từng cấp học, chương trình môn Âm nhạc xác định nội dung giáo dục và yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp. Các yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp vừa cụ thể hoá yêu cầu đối với cấp học vừa thể hiện kết quả giáo dục gắn với mỗi nội dung giáo dục, chủ đề học tập cụ thể. Mỗi lớp học sau đều có những yêu cầu riêng cao hơn, đồng thời bao gồm yêu cầu đối với các lớp học trước đó. Một số yêu cầu cần đạt tuy được lặp lại ở nhiều lớp hoặc tất cả các lớp nhưng gắn với nội dung giáo dục, chủ đề học tập cụ thể nên vẫn thể hiện mức độ cao hơn của lớp sau so với lớp trước.

Nội dung

Yêu cầu cần đạt

Hát

Bài hát tuổi học sinh (9 – 10 tuổi), dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Các bài hát có nội dung, âm vực phù hợp với độ tuổi; đa dạng về loại nhịp và tính chất âm nhạc.

– Hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái.

– Hát rõ lời và thuộc lời; biết cách lấy hơi; duy trì được tốc độ ổn định.

– Biết hát với các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca.

– Cảm nhận được tình cảm của bài hát.

– Nêu được tên bài hát, tên tác giả và nội dung của bài hát.

– Phân biệt được sự giống nhau hoặc khác nhau giữa các câu hát.

– Bước đầu biết nhận xét về việc trình diễn bài hát của bản thân hoặc người khác.

– Biết hát kết hợp gõ đệm, vận động hoặc trò chơi.

– Biết biểu diễn bài hát ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Nghe nhạc

Một số bản nhạc có lời và không lời phù hợp với độ tuổi.

– Biết lắng nghe và biểu lộ cảm xúc; biết vận động cơ thể hoặc gõ đệm phù hợp với nhịp điệu.

– Bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc; biết tưởng tượng khi nghe nhạc.

– Nêu được tên bản nhạc và tên tác giả.

Đọc nhạc

Giọng Đô trưởng. Các bài đọc nhạc ngắn, dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi. Sử dụng trường độ: trắng, trắng có chấm dôi, đen, móc đơn, và các dấu lặng.

– Đọc đúng cao độ gam Đô trưởng.

– Đọc đúng tên nốt; thể hiện đúng cao độ và trường độ bài đọc nhạc.

– Hiểu được các kí hiệu trong bài đọc nhạc.

– Biết đọc nhạc kết hợp gõ đệm.

Nhạc cụ

Một số bài tập tiết tấu và giai điệu đơn giản. Sử dụng trường độ: trắng, trắng có chấm dôi, đen, móc đơn, và các dấu lặng.

– Bước đầu biết chơi nhạc cụ đúng tư thế và đúng kĩ thuật.

– Thể hiện đúng cao độ, trường độ các bài tập tiết tấu và giai điệu; duy trì được tốc độ ổn định.

– Biết điều chỉnh cường độ để tạo nên sự hài hoà.

– Biết sử dụng nhạc cụ để đệm cho bài hát.

– Tự làm được nhạc cụ gõ đơn giản từ chất liệu sẵn có (vỏ chai nhựa, cốc nhựa, mảnh gỗ,...).

– Biết biểu diễn nhạc cụ ở trong và ngoài nhà trường với hình thức phù hợp.

Lí thuyết âm nhạc

– Khuông nhạc, khoá Son, dòng kẻ phụ, nốt nhạc.

– Các hình nốt: tròn, trắng, đen, móc đơn, móc kép và các dấu lặng.

– 7 bậc cơ bản và vị trí trên khuông.

– Nhận biết và thể hiện được một số kí hiệu âm nhạc thông qua thực hành.

– Biết ghi chép bản nhạc đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên.

Thường thức âm nhạc

– Tìm hiểu nhạc cụ: Một số nhạc cụ phổ biến của Việt Nam và nước ngoài.

– Nêu được tên và một vài đặc điểm của nhạc cụ; mô tả được động tác chơi nhạc cụ.

– Cảm nhận và phân biệt được âm sắc của nhạc cụ; nhận biết được một số nhạc cụ khi xem biểu diễn.

– Câu chuyện âm nhạc: Một số câu chuyện âm nhạc phù hợp với độ tuổi.

– Nêu được tên các nhân vật yêu thích hoặc ý nghĩa của câu chuyện.

– Biết kể lại câu chuyện theo cách riêng.

– Biết minh họa cho một số tình tiết của câu chuyện bằng âm thanh hoặc động tác.

– Tác giả và tác phẩm: Một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi.

– Nêu được đôi nét về cuộc đời nhạc sĩ và kể tên một vài ca khúc tiêu biểu.

– Cảm nhận được vẻ đẹp của giai điệu và lời ca trong ca khúc.

– Biết vận dụng một vài ca khúc tiêu biểu vào các hoạt động âm nhạc.

– Hình thức biểu diễn: Đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca.

– Phân biệt được hình thức biểu diễn đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca.

– Vận dụng phù hợp các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca trong hoạt động âm nhạc.

2.  Đặc điểm của sách giáo khoa kết nối tri thức:

+ Đặc điểm thứ nhất: Cấu trúc hài hòa

Sách được biên soạn cho thời lượng dạy học là 35 tiết trong một năm; sách có 8 chủ đề, mỗi học kì có 4 chủ đề và mỗi chủ đề được dạy học trong 4 tiết. Cấu trúc của mỗi chủ đề đều có các phần: Mở đầu; Kiến thức mới – Luyện tập; Vận dụng.

Mỗi chủ đề thường có 4 trong số 6 nội dung là: hát, nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ, lí thuyết âm nhạc và thường thức âm nhạc. Với cấu trúc như vậy, cuốn sách sẽ giúp HS thường xuyên được luyện tập những kĩ năng thực hành, để phát triển năng lực âm nhạc.

Chủ đề SGK Âm nhạc được thiết kế đảm bảo tính đa dạng và phù hợp độ tuổi HS, góp phần hình thành và phát triển cho các em những phẩm chất tốt đẹp. Tên các chủ đề của sách là:

1- Âm thanh ngày mới.

2- Giai điệu quê hương

3- Thầy cô với chúng em

4- Vui đón tết

5- Thiên nhiên tươi đẹp

6- Tình bạn tuổi thơ

7- Âm nhạc nước ngoài

8- Chào mùa hè

+ Đặc điểm thứ hai: Nội dung hay

Nội dung của sách thể hiện đầy đủ các mạch kiến thức theo Chương trình môn Âm nhạc lớp 4, đảm bảo tính cơ bản, khoa học, thiết thực, và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Sách vừa có sự kế thừa nội dung sách hiện hành, vừa có sự đổi mới, lựa chọn được những bài học hấp dẫn, đảm bảo tính vừa sức và khả thi.

- Nội dung hát là trục chính trong các chủ đề, là bối cảnh để tổ chức một số hoạt động âm nhạc như gõ đệm, vận động, trải nghiệm, sáng tạo... vì vậy tất cả các chủ đề đều được mở đầu bằng nội dung hát, sau đó mới đến các nội dung khác.

- Về nội dung nghe nhạc, sách chọn một số bản nhạc không lời và có lời phù hợp với độ tuổi HS lớp 4.

- Về nội dung đọc nhạc, sách xây dựng 4 bài đọc nhạc có giai điệu đẹp, vừa sức HS, sử dụng đầy đủ 7 âm của giọng Đô trưởng.

- Về nội dung nhạc cụ, sách thiết kế những bài tập Nhạc cụ thể hiện tiết tấu và Nhạc cụ thể hiện giai điệu theo quy định của chương trình môn Âm nhạc 2018. Đến lớp 4, HS bắt đầu được học nhạc cụ giai điệu. Sách xây dựng song song 2 hệ thống bài tập giai điệu, để HS chọn một trong hai nhạc cụ: Sáo ri-coóc-đơ (recorder) hoặc Kèn phím.

- Nội dung thường thức âm nhạc gồm tìm hiểu về một nhạc cụ của Việt Nam là đàn tranh, tìm hiểu một nhạc cụ nước ngoài là Kèn Trôm - pét; nghe một câu chuyện của nước ngoài là Pi – tơ và chó sói.

Như vậy, nội dung của sách đảm bảo sự hài hòa giữa những nội dung của Việt Nam và nước ngoài, vừa có sự kế thừa, vừa có sự đổi mới, đảm bảo tính phù hợp, khả thi, giúp HS phát triển được năng lực âm nhạc và những phẩm chất tốt đẹp.

+ Đặc điểm thứ ba: Hình thức đẹp

Bản nhạc, kênh hình và kênh chữ của sách đảm bảo sự hài hòa và cân đối. Những hình vẽ không chỉ để minh họa mà còn hỗ trợ hoạt động học tập của HS, giúp các em tăng cường khả năng tương tác và tự học.

Hình vẽ trong sách rất gần gũi với thiên nhiên, có những khung cảnh ở thành phố, nông thôn, miền núi, miền biển; các hình vẽ có tính thẩm mĩ, đảm bảo sự cân bằng về giới tính giữa HS nam và HS nữ. Một số hình vẽ còn thể hiện được HS trong trang phục đặc trưng ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ.

+ Đặc điểm thứ tư: Phương pháp dạy học tích cực

Sách thiết kế đa dạng hóa hoạt động học tập, lựa chọn các hoạt động phù hợp với sở thích và nhận thức của học sinh tiểu học như: chơi các trò chơi, nghe kể chuyện, vận động tích cực,…

Sách chú trọng những hoạt động âm nhạc đặc thù như thực hành, luyện tập, cảm thụ, ứng dụng và sáng tạo,... đồng thời vận dụng những phương pháp dạy học phù hợp với xu thế giáo dục của các nước tiên tiến như: nghe nhạc kết hợp vận động; thể hiện tiết tấu bằng động tác cơ thể,… để giúp HS được học Âm nhạc với sự phong phú về nội dung và hình thức.

+ Đặc điểm thứ năm: Sách thiết kế theo hướng mở

Theo tinh thần "Mang cuộc sống vào bài học- Đưa bài học vào cuộc sống" của bộ sách kết nối tri thức sách Âm nhạc 4 giúp HS được trải nghiệm những hoạt động gần gũi với đời sống, thông qua những bài tập rất thú vị và sinh động như: Khám phá bức tranh và kể tên những nhạc cụ; Nghe âm sắc đoán tên nhạc cụ; Sáng tạo động tác phụ hoạ cho bài hát; Tự làm nhạc cụ gõ đơn giản; Đặt lời cho bài đọc nhạc theo nhóm; Dùng cốc nhựa làm nhạc cụ gõ để đệm cho bài hát,…

Như vậy, sách có 5 ưu điểm nổi bật, đó là: cấu trúc hài hòa, nội dung hay, hình thức đẹp, phương pháp dạy học tích cực, và được thiết kế theo hướng mở. Những điều đó sẽ giúp cuốn sách này phù hợp với các trường học ở khắp vùng miền của đất nước.

…..., ngày 3 tháng 8 năm 2023

NGƯỜI VIẾT THU HOẠCH

Liên kết tải về

pdf Bài thu hoạch tập huấn sách giáo khoa lớp 4 năm 2023 - 2024
doc Bài thu hoạch tập huấn sách giáo khoa lớp 4 năm 2023 - 2024 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK