Cuộc thi Tìm hiểu 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2021) nhằm tuyên truyền sâu rộng, khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ động viên lực lượng An ninh nhân dân phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang.
Thời gian nộp bài dự thi từ ngày triển khai kế hoạch đến 15h00’, ngày 14/6/2021 (không nhận bài dự thi sau thời gian này). Cuộc thi được thi theo hình thức viết, với 3 câu hỏi. Sau đây mời các bạn cùng tham khảo gợi ý đáp án cuộc thi Tìm hiểu 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân trong bài viết dưới đây:
Đáp án cuộc thi tìm hiểu về 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân
Họ và tên:.............................................................
Cấp bậc:...............................................................
Chức vụ:...............................................................
Đơn vị công tác:...................................................
Số điện thoại:.......................................................
BÀI DỰ THI TÌM HIỂU 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG AN NINH NHÂN DÂN (12/7/1946 - 12/7/2021)
Câu 1 (1,5 điểm): Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân được xác định là ngày, tháng, năm nào (0,5 điểm)? Ý nghĩa của việc xác định Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (01 điểm)?
Ngày 12/7/1946, lực lượng An ninh đã huy động gần 200 trinh sát, công an xung phong và một trung đội tự vệ chiến đấu phối hợp, đập tan âm mưu đảo chính phản Cách mạng, góp phần giữ vững chính quyền Cách mạng đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Sự kiện đó được xác định là 1 mốc son, đặt nền móng cho truyền thống anh hùng của lực lượng lượng An ninh nhân dân. Và, các thế hệ nối tiếp không ngừng bồi đắp, kế thừa, phát huy để phẩm chất đó ngày một rạng rỡ hơn.
Chính vì vậy, ngày 24/5/2001, Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định số 457/2001/QĐ-BCA(X11) chính thức công nhận "Ngày 12/7/1946 là ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân".
Việc xác định Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân đến lực lượng đang ngày đêm gìn giữ an ninh Tổ quốc. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sỹ CAND nói chung và lực lượng An ninh nhân dân nói riêng phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững niềm tin, tinh thần độc lập, ý chí tự cường, tích cực đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Việc xác định Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân còn có ý nghĩa tuyên truyền cho các thế hệ đi sau những truyền thống, sự hi sinh và những thành công mà cha ông đi trước đã đạt được. Khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng An ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.
Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân ra đời mang ý nghĩa xác định một mốc son, đặt nền móng cho truyền thống anh hùng của lực lượng lượng An ninh nhân dân. Đồng thời cũng là nêu lên những tấm gương đẹp để các thế hệ nối tiếp không ngừng bồi đắp, kế thừa, phát huy để phẩm chất đó ngày một rạng rỡ hơn.
Câu 2 (2,5 điểm): Hãy nêu những chiến công tiêu biểu ở mỗi thời kỳ cách mạng của lực lượng An ninh nhân dân trong 75 năm qua (02 điểm)? Những danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đã tặng cho lực lượng An ninh nhân dân (0,5 điểm)?
Những chiến công tiêu biểu ở mỗi thời kỳ cách mạng của lực lượng An ninh nhân dân trong 75 năm qua:
Trải qua 75 năm phát triển, lực lượng An ninh nhân dân đã tạo nên những chiến công to lớn, trong số những chiến tích ấy, không thể công kể đến chiến công đầu tiên, đó là cuộc tổng trấn áp, phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu: Lực lượng An ninh đã huy động gần 200 trinh sát, Công an xung phong có thêm một trung đội tự vệ chiến đấu phối hợp, đồng loạt khám xét trụ sở của Quốc dân đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu và 40 địa điểm khác là trụ sở công khai và bí mật của Quốc dân đảng, bắt gần 300 tên, thu thập nhiều tài liệu phản động, dụng cụ làm bạc giả, dụng cụ tra tấn, thuốc mê và đào được 6 xác người bị chúng giết chôn trong vườn tại trụ sở số 7 phố Ôn Như Hầu, giải thoát nhiều người bị chúng bắt chưa kịp thủ tiêu, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng trước 48 giờ. Ngay trong quá trình trấn áp, lực lượng An ninh đã tổ chức triển lãm về những bằng chứng tội ác của Quốc dân đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu: Hàng vạn đồng bào Hà Nội đã tới xem trong mấy ngày, thấy rõ tội ác dã man và bộ mặt giả dối của Quốc dân đảng.
Trải qua các thời kỳ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ An ninh nhân dân đã cống hiến trí tuệ, sức lực, xương máu, lập nhiều chiến công trên mặt trận đấu tranh chống phản Cách mạng, làm rạng rỡ thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã ghi nhận, đánh giá cao những công lao, cống hiến của lực lượng An ninh nhân dân.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, và Đế Quốc Mỹ, lực lượng an ninh nhân dân luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân bảo vệ an toàn vùng căn cứ kháng chiến, đưa đón và bảo vệ an toàn cán bộ lãnh đạo xuống chiến trường để lãnh đạo cuộc kháng chiến; thực hiện tốt nhiệm vụ “bảo mật, phòng gian, diệt ác phá kìm” bảo vệ an toàn các cuộc hội nghị quan trọng để các đồng chí lãnh đạo bàn bạc quyết định những chủ trương, chiến lược quan trọng để đánh địch. Trong công tác, chiến đấu với một tương quan lực lượng ít hơn địch nhiều lần, lực lượng an ninh đã dựa vào Nhân dân sáng tạo nhiều cách đánh hiệu quả cao ... cho đến tổng tiến công, nổi dậy và giành chiến thắng mùa xuân năm 1975.
Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ hòng chuyển hóa thể chế chính trị ở Việt Nam. Lực lượng an ninh Nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng phản bác các luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động của những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, đòi đa nguyên, đa đảng. Chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh vô hiệu hoá âm mưu, hoạt động của các tổ chức phản động người Việt lưu vong , bắt nhiều tên xâm nhập làm thất bại ý đồ liên kết trong ngoài của địch. Tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các phần tử phản động không để công khai hình thành tổ chức chống đối trong nước. Kịp thời tham mưu cho Đảng bộ, Chính quyền tập trung giải quyết các vấn đề nổi lên đảm bảo an ninh chính trị.
Những danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đã tặng cho lực lượng An ninh nhân dân:
- Huân chương Sao Vàng (1995)
- Huân chương Hồ Chí Minh
- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
- Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Tổng cục An ninh I, Tổng cục An ninh II
- Ngày 12/7/2016 Tổng cục An ninh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ 2
- Nhiều cá nhân được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huy chương Chiến sỹ vẻ vang; hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được tặng cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an
Câu 3 (05 điểm): Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia và liên hệ với thực tiễn công tác của đồng chí (02 điểm); cảm nhận (hoặc kỷ niệm sâu sắc) của bản thân về hình ảnh, gương người chiến sỹ An ninh nhân dân tiêu biểu và nhận thức của đồng chí về mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với lực lượng Công an nhân dân (03 điểm)?
Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia được quy định tại Điều 17 Luật An ninh Quốc gia 2004 như sau:
1. Tham gia lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.
2. Tố cáo hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3. Phát hiện, kiến nghị với chính quyền hoặc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia khắc phục sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia.
4. Phát hiện, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia cho chính quyền hoặc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia nơi gần nhất.
5. Thực hiện yêu cầu của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.
6. Giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.
Cảm nhận (hoặc kỷ niệm sâu sắc) của bản thân về hình ảnh, gương người chiến sỹ An ninh nhân dân tiêu biểu
Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây chưa lâu, công ty lừa đảo bán hàng qua mạng MB24 đã bị lực lượng công an triệt phá. Nhưng ít người biết rằng, Công an tỉnh Phú Thọ có công "nổ phát súng đầu" phá vụ án này. Tác phong điềm đạm, nhưng khi Đại tá Nguyễn Khắc Hoạt, Trưởng phòng PC46 kể chuyện phá án thì mắt anh sáng lên: "Trong khi các địa phương còn lúng túng chưa tìm ra chứng cứ buộc tội MB24 lừa đảo, chúng tôi đã ngày đêm nghiên cứu hồ sơ, rồi quyết định bắt các đối tượng cầm đầu công ty này về tội trốn thuế, để từ đó mở rộng điều tra hành vi lừa đảo. Sau này, đồng nghiệp nhiều nơi đã tìm đến Công an Phú Thọ để học hỏi kinh nghiệm". Đại tá Nguyễn Khắc Hoạt còn chia sẻ thành tích xử lý 28 xe ô-tô hạng sang mang biển ngoại giao đã hết niên hạn và lưu hành trái phép. "Trong những trường hợp nhạy cảm, nhất là với tội phạm cần phải biết kiên quyết, khôn khéo như lời Bác Hồ dạy thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ", anh Hoạt tự hào nói. Với nhiều thành tích nổi bật, Đại tá Nguyễn Khắc Hoạt đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới.
Cách trò chuyện vui vẻ, tác phong nhanh nhẹn nhưng chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Phú đã mang trên vai quân hàm Thượng úy, giữ chức Phó Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Ninh. Sinh năm 1985, vào ngành chưa lâu, anh đã trực tiếp cùng đồng đội đấu tranh triệt phá, làm rõ 123 chuyên án, trọng án phức tạp, bắt giữ 283 đối tượng gây án; liên tục được tuyên dương là Tài năng trẻ, Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác...
Nhận thức về mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với lực lượng Công an nhân dân
Thấm nhuần những quan điểm của học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và kinh nghiệm của ông cha về phát huy vai trò của nhân dân trong dựng nước, giữ nước; trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng vai trò của quần chúng và vận động, giác ngộ quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh giành, giữ chính quyền cách mạng, kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong gần một thế kỷ qua. Có thể khẳng định những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, những thành quả to lớn mà đất nước ta có được hôm nay là do quần chúng nhân dân được giác ngộ bởi sự lãnh đạo của Đảng, với sức mạnh vô địch đã tạo ra.
Tổ quốc thống nhất, chiến tranh quân sự đã kết thúc, nhưng nhiều thách thức mới về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đe dọa nghiêm trọng sự vững mạnh của chế độ, thành quả cách mạng, sự yên bình, ổn định của đất nước. Vượt qua những mất mát, đau thương, khó khăn chồng chất do chiến tranh để lại, quần chúng nhân dân lại tiếp tục là chỗ dựa vững chắc nhất cho lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới, cuộc chiến đấu mới không kém phần cam go, quyết liệt. Trên cơ sở của phong trào quần chúng rộng khắp, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động, tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Tây Nam, phía bắc, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; chủ trì, nòng cốt trong đấu tranh làm thất bại kế hoạch hậu chiến, mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước; hoạt động của các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; thể hiện tinh thần quốc tế cao cả vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các tầng lớp nhân dân lại tiếp tục giúp đỡ Công an nhân dân trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nòng cốt bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh. Không chỉ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà những đóng góp ý kiến của quần chúng nhân dân cũng là chất liệu quan trọng cho lực lượng Công an nhân dân trong hoạt động tham mưu với Đảng và Nhà nước các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự. Sự chấp hành pháp luật, đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân là điều kiện tiên quyết để công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thật sự hiệu quả. Dưới sự hướng dẫn của lực lượng Công an nhân dân, quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và “thế trận lòng dân” vững chắc; trên lĩnh vực đối ngoại về an ninh, trật tự, đồng hành cùng lực lượng Công an nhân dân cũng luôn có sự quan tâm, vào cuộc, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Những đóng góp đặc biệt quan trọng đó của quần chúng nhân dân đã giúp cho lực lượng Công an nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam đã cho thấy, những đóng góp của quần chúng nhân dân ở mọi miền đất nước, thuộc các tầng lớp, trong các dân tộc đã quyết định thắng lợi của công tác công an dưới sự lãnh đạo của Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Để có được sự giúp đỡ to lớn, quý báu đó của quần chúng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam với bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra đã luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, nhận thức đầy đủ về vai trò và sứ mệnh của quần chúng nhân dân; vận động, thuyết phục, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia vào các mặt công tác chiến đấu ngày càng tự giác, hiệu quả. Thông qua công tác, chiến đấu, trong mối quan hệ với nhân dân đã làm cho quần chúng nhân dân thấy rõ bản chất cách mạng của Công an nhân dân Việt Nam là Công an của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.