Cuộc thi "Cùng bạn đọc sách vượt qua thử thách 2021" hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời 2021, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của học tập suốt đời đối với phát triển cá nhân và xã hội.
Thời gian nhận bài dự thi Cùng bạn đọc sách vượt qua thử thách 2021 từ ngày 10/10 đến 30/11/2021. Bài dự thi sẽ được chấm qua hai vòng là sơ khảo và chung khảo. Vòng chung khảo sẽ được đăng tải để công chúng tham gia bình chọn, thời gian bình chọn từ ngày 02/12 - 15/12/2021.
Câu hỏi Cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách 2021
Thí sinh tham gia Cuộc thi “Cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách” trả lời 3 câu hỏi sau:
Câu 1: Trình bày quan niệm của anh (chị) về vai trò của việc tự học và học tập suốt đời đối với phát triển cá nhân và xã hội? Chia sẻ các trải nghiệm của bản thân về tự học và học tập suốt đời.
Câu 2: Cảm nhận của anh (chị) về Kênh Cùng bạn đọc sách? Chia sẻ một kỷ niệm về Kênh Cùng bạn đọc sách đã giúp cho anh (chị) hoặc người khác vượt qua thử thách, vươn lên làm chủ số phận. Anh chị có ý tưởng gì trong việc hoàn thiện, phát triển Kênh Cùng bạn đọc sách để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho mọi người, đặc biệt là người khuyết tật, người khiếm thị trong học tập, nghiên cứu và giải trí.
Câu 3: Để góp phần truyền cảm hứng và nêu cao trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc tự học và học tập suốt đời góp phần xây dựng xã hội học tập và hỗ trợ cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, anh (chị) có thể chọn 1 trong 3 nội dung sau:
- Thứ 1: Đề xuất các giải pháp khuyến học và thúc đẩy học tập suốt đời ở Việt Nam, đặc biệt là giải pháp dành cho người khuyết tật và người khiếm thị?
- Thứ 2: Chia sẻ về một tấm gương điển hình đã thành công nhờ ham học và học tập suốt đời.
- Thứ 3: Sáng tác 1 tác phẩm truyền cảm hứng, thúc đẩy khuyến học và học tập suốt đời dưới hình thức: thơ, truyện ngắn, truyện tranh, kịch...
Gợi ý trả lời:
1. Vai trò của việc tự học
Tự học có vai trò to lớn trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho học sinh sinh viên. Việc tự học rèn luyện cho HS,SV thói quen độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề khó khăn trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, giúp cho họ tự tin hơn trong việc lựa chọn cuộc sống cho mình. Hơn thế, tự học thúc đẩy lòng ham học, ham hiểu biết, khát khao vươn tới những đỉnh cao của khoa học, sống có hoài bão, ước mơ. Qua đó có thể nói rằng tự học không chỉ là một nhân tố quan trọng trong lĩnh hội tri thức mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người.
Tự học giúp cho mọi người có thể chủ động học tập suốt đời, học tập để khẳng định năng lực phẩm chất và để cống hiến. Tự học giúp con người thích ứng với mọi biến cố của sự phát triển kinh tế - xã hội. Bằng con đường tự học mỗi cá nhân sẽ không cảm thấy bị lạc hậu so với thời cuộc, thích ứng và bắt nhịp nhanh với những tình huống mới lạ mà cuộc sống hiện đại mang đến, kể cả những thách thức to lớn từ môi trường nghề nghiệp. Do đó, việc tự học không nên chỉ giới hạn trong các giờ học trên lớp, với sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kĩ năng tự học, biết linh hoạt vận dụng những điều đã học vào thực tiễn thì sẽ tạo cho họ lòng ham học, nhờ đó kết quả học tập sẽ ngày càng được nâng cao.
2. Một số kinh nghiệm của bản thân về tự học
Trước tiên, bắt đầu tự học bằng cách loại bỏ sự thụ động
Nếu như xác định mục đích học là để thu nạp kiến thức, hỗ trợ công việc mà mình mong muốn trong tương lai, hay bạn yêu một ngành nghề nên mục đích học bạn đặt ra là để hiểu được những vấn đề liên quan đến ngành nghề đó thì sẽ tạo cho bạn có tâm lý học thoải mái, luôn sẵn sàng để nhận thêm kiến thức.
Hai là, xây dựng phương pháp tự học
Phương pháp tự học của mỗi người là khác nhau, nó phụ thuộc vào điều kiện sống, lượng thời gian dành cho việc học, khả năng vốn có và nhiều điều khác nữa. Một khi bạn đã gạt bỏ đi sự thụ động thì lúc này bạn sẽ tự động xây dựng được một phương pháp tự học hiệu quả, phù hợp với bản thân.
Cuối cùng, hiệu quả của tự học nằm ở sự nỗ lực và kiên trì
Tự học tức là học với chính mình, tự tìm ra cách học của mình mà không có sự quản lý, kiểm tra của ai cả. Người duy nhất biết được bạn học như thế nào là chính bạn. Vậy nên sự nỗ lực và kiên trì là yếu tố quyết định rất lớn, bởi nếu khi nào chán nản, lười nhác người quyết định học tiếp hay không là chính bạn. Kiên trì sẽ giúp bạn bám sát được các kế hoạch đề ra, đảm bảo được tiến độ, chất lượng học. Nếu không có nó, mọi phương pháp học sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.