Dự kiến, năm 2021 là năm cuối cùng cán bộ, công chức, viên chức áp dụng tính lương theo cách thức cũ (hệ số lương x mức lương cơ sở).
Từ ngày 01/07/2022 lương của các đối tượng này sẽ thay đổi theo cách tính mới theo Quyết định số 01/QĐ-LĐTBXH. Vậy 5 bảng lương mới là gì? Mời các bạn hãy cùng Download.vn theo dõi bài viết dưới đây.
5 bảng lương mới 2022 của cán bộ, công viên chức
I. Tính lương theo vị trí việc làm
So với dự kiến trước đó, việc cải cách tiền lương sẽ được thực hiện trong năm 2021, tuy nhiên do khó khăn dịch bệnh Covid 19 nên việc cải cách tiền lương sẽ được lùi lại, áp dụng từ ngày 01/07/2022 theo Quyết định số 01/QĐ-LĐTBXH.
Căn cứ theo Kế hoạch hành động từ ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-LĐTBXH ngày 04/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo áp dụng 05 bảng lương mới theo quy định từ 1/7/2022.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 13 vào ngày 9/10/2020, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến 1/7/2022 thay vì từ năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW .
Căn cứ theo Mục 5, Phần II: Nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch hành động này nêu rõ:
“Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để thực hiện trong năm 2022 theo lộ trình đã được Hội nghị Trung ương 13 kết luận.”
II. 5 bảng lương mới 2022
Việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Cụ thể 05 bảng lương mới được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) được quy định như sau:
1 bảng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo
Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Xây dựng theo nguyên tắc:
Bảng lương của cán bộ công chức phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị.
- Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị: Giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; Giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau;
- Mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.
- Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.
1 bảng lương đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Bảng lương này được xây dựng trên nguyên tắc:
- Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;
- Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;
- Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm:
- 01 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
- 01 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;
- 01 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
III. Cơ cấu tiền lương mới
Căn cứ theo kế hoạch được chỉ đạo thì thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm:
- Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương);
- Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương);
- Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
- Căn cứ vào kế hoạch và thiết kế cơ cấu tiền lương các đơn vị sẽ thiết kế bảng lương riêng cho đơn vị của mình. Với cơ cấu tiền lương mới sẽ đảm bảo tốt hơn nhu cầu cũng như năng lực của từng đối tượng người lao động.