Từ ngày 15/08/2021, Thông tư 03/2021/TT-BNV sửa đổi chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do Bộ Nội vụ ban hành chính thức có hiệu lực.
Theo đó, quy định một số điểm mới về chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung. Mời các bạn hãy cùng Download.vn theo dõi bài viết dưới đây để biết được toàn bộ quy định về Phụ cấp thâm niên vượt khung nhé.
Quy định mới về phụ cấp thâm niên vượt khung
Phụ cấp thâm niên vượt khung là gì?
Phụ cấp thâm niên vượt khung là một chế độ của Nhà nước cho các cán bộ, nhân viên tại nơi công tác nhằm khuyến khích và khích lệ tinh thần.
Đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung
Điều 1 Mục I Thông tư 04/2005/TT-BNV quy định đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bao gồm những đối tượng sau:
– Cán bộ, công chức, viên chức xếp lương theo các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn và trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, gồm:
- Cán bộ bầu cử trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo
- Cán bộ, công chức, viên chức xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ
- Công chức ở xã, phường, thị trấn.
– Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.
Đối tượng không được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung gồm: chuyên gia cao cấp và cán bộ giữ chức danh lãnh đạo thuộc diện hưởng lương theo bảng lương chức vụ đã được xếp lương theo nhiệm kỳ.
3 điểm mới về phụ cấp thâm niên vượt khung
1. Bổ sung thêm đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung
Đó là những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thỏa thuận trong hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP (sau đây gọi là người lao động).
2. Thời gian để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bị kéo dài
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức hoặc cách chức thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì thời gian để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bị kéo dài được xác định như các trường hợp kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV. Thời gian cụ thể như sau:
"Trong thời gian giữ bậc lương hiện hưởng, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này như sau:
a) Kéo dài 12 tháng đối với các trường hợp:
- Cán bộ bị kỷ luật cách chức;
- Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;
- Viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.
b) Kéo dài 06 tháng đối với các trường hợp:
- Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;
- Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo;
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng.
c) Kéo dài 03 tháng đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách.
d) Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
đ) Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng quy định tại điểm a, b, c khoản này.
e) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng: nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý ký luật hành chính quy định tại khoản này”.
(Hiện hành, tại điểm 1.3 khoản 1 Mục III Thông tư 04/2005/TT-BNV, thì bị kéo dài thêm 01 năm (đủ 12 tháng).
3. Bổ sung cụm từ “và người lao động” sau cụm từ “cán bộ, công chức, viên chức” trong các quy định của Thông tư 04/2005/TT-BNV.
Cách tính phụ cấp thâm niên vượt khung
Cách tính phụ cấp thâm niên vượt khung được tính như sau:
Mức tiền phụ cấp thâm niên vượt khung = thời gian công tác đủ 5 năm thì được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung; sau đó cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) tăng thêm được tính thêm 1%.
Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng:
Mức tiền phụ cấp thâm niên = Hệ số lương theo ngạch, bậc cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x Mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định từng thời kỳ x Mức % phụ cấp thâm niên được hưởng
Lưu ý:
- Phụ cấp thâm niên vượt khung được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
- Trong trường hợp Nhà nước thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung thì cơ quan có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, xét duyệt và tổng hợp báo cáo nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung hàng năm gửi Bộ Tài chính xem xét, thẩm định theo quy định.
- Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo chi trả.
- Trong quá trình tính hệ số lương vượt khung cần phải kết hợp với hệ số lương theo ngạch, hệ số phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung và mức lương tối thiểu. Phụ cấp thâm niên vượt khung được trả vào tiền lương hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức.