Trang chủ Ngữ văn Lớp 9 Tìm những tác giả sinh sống ở Hà Nội và...

Tìm những tác giả sinh sống ở Hà Nội và các tác phẩm viết về Hà Nội câu hỏi 56903 - hoctapsgk.com

Câu hỏi :

Tìm những tác giả sinh sống ở Hà Nội và các tác phẩm viết về Hà Nội

Lời giải 1 :

1/Hoàng Ngọc Phách

Nhà văn Hoàng Ngọc Phách, (1896 - 1973) là tác giả tiểu thuyết Tố tâm, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam

Hoàng Ngọc Phách cũng chính là một trong những nhà văn Việt Nam hôm nay mà sự nghiệp sáng tác gắn với Hà Nội, do ở Hà Nội mà viết, và ban đầu cũng viết ngay về những nét sinh hoạt của Hà Nội.

Nguyên ông vốn người Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nhưng ngay từ khi mười ba tuổi, tóc còn để chỏm đào, đã ra Hà Nội, học ở một trường tư thục thuộc ấp Thái Hà, sau đó học tiểu học ở trường Hàng Vôi (nơi đã đào tạo ra Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Liên, v.v…) rồi học trường Bưởi bốn năm. Thời thanh niên của Hoàng Ngọc Phách gắn liền với những kỷ niệm về các trường học này của Hà Nội, cũng như ở trường Cao đẳng Sư phạm về sau. Trong Tố Tâm, có đoạn nhìn ra Hồ Tây, nhân vật Đạm Thuỷ tự kể:

- Tôi nhớ khi còn học trường Bưởi bên cạnh hồ này, mấy anh em ra đứng bờ hồ, ném thia lia, thả thuyền giấy, chơi đùa hớn hở, phong cách xem như bỡn cợt với mình.

Sau khi tiểu thuyết này ra đời đã dấy lên phong trào say mê tìm đọc của thanh niên, học sinh Việt Nam vào thời điểm ấy. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết có số lần tái bản kỷ lục lên tới hàng mấy chục lần. Tố Tâm đã đưa tên tuổi Song An - Hoàng Ngọc Phách vào hàng các nhà văn tên tuổi lúc bấy giờ “Trong cái rừng văn chương tương đối rậm rạp có trăm ngàn bông hoa đua nở, sản xuất ra các nhà văn viết đủ các loại truyện… Song An Hoàng Ngọc Phách chính là một thứ văn gia, tiểu thuyết “của một cuốn sách” trong văn học sử nước ta” (Vũ Bằng).

2/Nguyễn Công Hoan

Nguyễn Công Hoan tác giả tiểu thuyết Bước đường cùng đã học ở trường Bưởi Hà Nội từ khi chưa đầy mười tuổi. Ông còn nhớ rất rành mạch cuộc sống khi nội trú trong trường, khi ra trọ ở Hàng Hài (phố Hàng Bông hiện nay)… Nói chung nhiều mặt đời sống Hà Nội những năm ấy, còn được ghi lại trong các tập Đời viết văn của tôi, Nhớ và ghi. Nào là vụ dịch tả ở Hà Nội hè 1914; nào cảnh người ngoài phố giàu có bấy giờ còn đi xe ngựa song mã, độc mã, các thày giáo ở trường Bưởi còn đội khăn, đi giày ta, bít tất trắng. Nào những hiệu bán sách vở giấy bút, nào hiệu cho thuê xe đạp để tập, v.v… Chúng ta có thể nhận xét tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cậu học sinh này rất hóm, nghịch, hay tò mò để ý mọi chuyện, và hay phá quy tắc “vượt rào” làm chuyện ngược đời. Mặt khác, từ nhỏ, Nguyễn Công Hoan đã quen với nhân tình thế thái người phường phố, thành thạo sự đời, và chả coi cái gì làm quan trọng. Đấy là những đặc tính ăn sâu vào cách nhìn của ông trước đời sống. Thành thử, tuy không phải bao giờ cũng trực tiếp đả động đến chuyện Hà Nội, nhưng trong cái nhìn của ông, chất Hà Nội rất rõ.

3/Ngô Tất Tố

Quê ông ở Lộc Hà (trước thuộc Từ Sơn Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) ra thủ đô, thậm chí vào lục tỉnh Sài Gòn làm báo. Ngô Tất Tố vẫn giữ cốt cách một nhà nho nghèo. Với ông, sống ở Hà Nội có nghĩa là sống để mà viết.

Trong các tiểu phẩm của ông, in lại trong Ngô Tất Tố tác phẩm, tập 1, chúng ta bắt gặp những đoạn ông chửi bọn đồng cốt lừa bịp ở đền Hàng Trống, hoặc có cả một phóng sự ngắn mang tên Dao cầu thuyền tán, tố cáo các loại lang băm. Đối với bọn văn sĩ tư sản dùng ngòi bút để xúi giục người ta đi vào con đường hư hỏng kiểu “vui vẻ trẻ trung”, Ngô Tất Tố cũng có những đòn đả kích thậm tệ. Nói chung, trong các tiểu phẩm của Ngô Tất Tố, đời sống Hà Nội hiện ra như một thứ kẻ chợ lộn xộn, ồn ào, phồn vinh giả tạo, một nhà nào như ông thấy rất chướng tai gai mắt (tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc ấy, ở nông thôn thì đời sống cũng rất đen tối!. Chỉ riêng trong Lều chõng, chúng ta thấy Hà Nội hiện lên với nhiều nét đẹp, người Hà Nội từ những cô hàng bán giấy bút, cho đến ông chủ quán trọ cũng đều hết sức tài hoa, lịch thiệp. Lều chõng thường vẫn được mô tả như là một tác phẩm có những nét tự truyện. Bởi vậy, với Lều chõng, có thể nói Ngô Tất Tố đã ghi nhận một phần những ảnh hưởng mà Hà Nội để lại trong cuộc đời những kẻ sĩ tương tự như ông. Bấy giờ mức độ xâm nhập của văn minh Tây Âu vào xã hội Việt Nam còn là hạn chế. Hà Nội chưa có vẻ sầm uất với nhiều nét sinh hoạt thị dân rõ rệt như sau này. Nhưng lên Hà Nội, lớp học trò như Đào Vân Hạc vẫn cảm thấy có gì thật thoải mái, họ dễ dàng tìm được chút tự do lặt vặt như xuống xóm cô đầu… cô đầu lúc ấy còn là một thú chơi thanh nhã hoặc thăm thú các nơi. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn: lên đây, những kẻ gọi là nhân tài các tỉnh có dịp trò chuyện, “đấu” với nhau để tự kiểm tra sức học, trình độ năng lực của mình. Riêng với Đào Vân Hạc, thì trong những dịp thi cử, chàng cảm thấy cái vô nghĩa của con đường hoan lộ mà việc học đã mở ra và chàng cả quyết sống theo lối ở ẩn giữa đời. Đấy cũng là những kết luận mà chỉ những kẻ sĩ tương đối từng trải mới có được.

4/Nguyễn Tuân

Không những chỉ sinh ở phố Hàng Bạc, mà Nguyễn Tuân còn chính là người gốc ở một vùng đất ngoại thành nổi tiếng: làng Nhân Mục (làng Mọc); tức ông đồng hương với Đặng Trần Côn.

Trước cách mạng, Nguyễn Tuân ở Hà Nội là chính. Ông cũng luôn luôn đi khắp nơi trên đất nước. Song, mỗi lần hoàn thành tác phẩm, ông đều trở lại thủ đô sống, cái không khí nghề nghiệp cho thật đã. Cũng có lần năm 1941, ông bị bắt và bị bắt ngay ở Hà Nội, để rồi đầy đi Vụ Bản, nhưng mấy tháng sau được tha ngay.

Lần Nguyễn Tuân xa Hà Nội lâu nhất là thời kháng chiến chống Pháp. Xa và nhớ Hà Nội lắm! Nhìn cột mốc cây số nào cũng thấy nó dẫn về Hà Nội. Và từ Việt Bắc, ông thấy nhớ đủ thứ của đời sống thủ đô hôm qua. Nhân gặp một ông hàng phở, Nguyễn Tuân viết:

“ Bây giờ là mùa hè 1948. Nắng lắm. Thêm cái bóng me và sấu lùm buổi sớm của Dốc Hàng Kèn, những giờ đi “đả phở tập thể” (chắc là “hội” những anh em làm báo, như chúng ta đã biết ở đoạn trên!). Gặp ông Xước, thủ thư cũ của Thư viện quốc gia, Nguyễn Tuân thấy xao xuyến nhớ “cả một thời thanh bình độc thư săn tàng thư lâu lá mùa thu rụng từng cái một bên đường Trường Thi”. Rồi gặp ông Cai Lộc phát hành báo; cô Lan bán hoa; anh Két đưa cốc-tay ở Thuỷ Tạ; chị Nhâm cua bể chợ Đồng Xuân; anh Khôi kính-coong v.v…

Lùi về trước nữa, lần Pháp cho phá thành cổ, xây phố xá, cũng đã được Nguyễn Tuân kể lại rất có không khí, nhân khi viết bạt cho cuốn Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng.

Nguyễn Tuân đã thật sự trở thành một pho sử sống của Hà Nội. Nhiều trang viết của ông có thể sẽ còn mãi, bởi ghi được một cách cô đọng những cảnh sắc Hà Nội, khiến cho chúng lung linh lên, khắc sâu vào trí nhớ. Gần đây nhất, là những đoạn Nguyễn Tuân tả Hà Nội trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ như trong tác phẩm “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Nhưng không phải chỉ có thế. Bốn chục năm trước, Nguyễn Tuân cũng đã từng ghi lại cảnh Hà Nội tập báo động, chủ yếu là ở khu vực trung tâm thành phố.

5/Nam Cao

Nhà văn Nam Cao vốn không phải gốc Hà Nội. Ông lại lên thủ đô hơi muộn, khi đã có vợ con gia đình, và lên để dạy học, để kiếm sống.

Thế nhưng, xét về những ảnh hưởng của đô thị trong tác phẩm của Nam Cao, lại thấy một sự thực ngược lại là Nam Cao rất hiểu Hà Nội, Nam Cao có “đôi mắt” của người dân thành phố trong việc xem xét mọi chuyện.

Khi cần phải miêu tả những người dân ngoại ô, như trong Chuyện người hàng xóm, Nam Cao cho ta thấy một sự thực: Một mặt, họ sống rất cơ cực, quẩn quanh, vớ vẩn, người nọ làm khổ người kia: con đường đi tới của những Tiền, Hiền, Lộc…là con đường rơi vào truỵ lạc, bế tắc, một ít nhân từ tốt bụng giữa họ với nhau, không đủ mang lại cho họ hạnh phúc. Mặt khác, họ vẫn rất yêu vùng đất ngụ cư mà số phận đã đưa họ trôi dạt đến. Lên đây, lên Hà Nội, dẫu sao họ cũng đỡ khổ hơn so với ở nhà quê, nơi người nông dân sống trong tăm tối, bọn địa chủ và các loại hào lý tha hồ hoành hành, nơi dân cùng đinh không sao mở mắt ra nổi.

Ở Sống mòn, mỗi khi đề cập tới các tầng lớp dân nghèo thành thị, tác giả cũng trình bày quan niệm tương tự. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp anh chàng Mô, lao công ở cái trường học có Thứ dạy, lấy Hà, một người nghèo khác. Cả Mô và Hà đều hiểu rất rõ ở nhà quê, họ không đào đâu ra tiền để cưới nhau, mà giá có đi vay, thì cũng nặng nợ suốt đời. Chỉ ở cái đất không ai biết họ này, họ mới về với nhau một cách êm thấm. Một nhân vật sang trọng hơn Mô rất nhiều là hiệu trưởng Đích, người đứng ra mở trường tư để sống trên lưng San và Thứ, còn bản thân Đích đi làm công chức ở tỉnh xa; đến cuối Sống mòn, đột nhiên Đích ốm thập tử nhất sinh. Vậy mà Đích vẫn “Tuyên bố” thà chết ở Hà Nội, hơn là về quê. Thì ra, Hà Nội mang lại cho họ một chút tự do mà họ thèm khát, tự do cả trong lúc sống, lẫn trong lúc chết.

6/ Nguyễn Huy Tưởng

Với Những người ở lại, Luỹ Hoa, Sống mãi với Thủ đô… Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người xứng đáng nhất với danh hiệu nhà văn Hà Nội. Những thành công chính của ông đều gắn với đề tài này. Lại nữa, trong khi viết về thủ đô, ông biết mang lại cho sinh hoạt nơi đây một vẻ trang nghiêm, một không khí lịch sử, nó là cái sắc thái cần thiết cho suy nghĩ của người ta về thủ đô mọi nước nói chung, và rất tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Đời sống văn học Thủ đô những năm Nguyễn Huy Tưởng mới bước vào nghề đã giúp một phần trong việc khẳng định những đặc sắc ấy của nhà văn.

Nguyễn Huy Tưởng thời thanh niên được nâng đỡ và chắp cánh bởi lòng yêu nước, tinh thần tự hào vì truyền thống dân tộc. Cộng với vốn kiến thức chắc chắn về lịch sử và ảnh hưởng của những sáng tác mà Nguyễn Huy Tưởng say mê, như Chiến tranh và Hoà bình của Tôn-xtôi, Gia đình Ti-bô của Rô-giê Mác-tanh đuy Ga, có thể nói những tiền đề có những sáng tác như Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì… đã khá đầy đủ. Dĩ nhiên là trong những tác phẩm này Hà Nội đóng vai trò một thứ nhân vật trung tâm.

Sau cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ viết về các chuyện lịch sử, mà còn viết ngay về những mảng đời sống xảy ra ngay hôm nay như cuộc chiến đấu ở Hà Nội tháng chạp 1946 trận Cao-Lạng giải phóng biên giới, hoặc Cải cách ruộng đất. Một mặt, như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ trong khi viết về những sự kiện đương thời, Nguyễn Huy Tưởng vẫn biết phát huy thế mạnh vốn có, ông thường mang lại cho các sự kiện ngày hôm nay một vẻ nghiêm trang, như các sự kiện lịch sử. Mặt khác, ta cũng có dịp chứng kiến khả năng quan sát, những rung động của ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với chúng ta, nhất là ở những trang Nguyễn Huy Tưởng miêu tả phố xá.

Đọc Sống mãi với Thủ đô, có thể bắt gặp một Nguyễn Huy Tưởng quen thuộc. Khi qua miệng một nhân vật, ông ca ngợi rừng bàng Yên Thái hay bến trúc Nghi Tàm “hàng vạn cây trúc thân vàng soi bóng xuống nước hồ biếc”… Nhưng cũng rất thú vị là những đoạn Nguyễn Huy Tưởng tả Hà Nội hôm nay. Cũng như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng rất thuộc khu trung tâm thủ đô, đặc biệt là chung quanh hồ Hoàn Kiếm, quãng từ Hàng Đào, chợ Đồng Xuân trở lên, và thường tả các sinh hoạt ở đó với rất nhiều trìu mến.

Phải nói cách nhìn nhận, xem xét Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng đằm thắm, đôn hậu, và phải nói là ông tả được những nét sang trọng, lịch sự của thủ đô. Sang trọng, lịch sự mà vẫn yêu nước, ghét Tây, và không sa đà vào thứ văn chương trưởng giả. Hà Nội đã vào văn ông, làm nên toàn bộ hồn cốt đường nét trong văn ông. ảnh hưởng đó là rất lớn.

7/Tô Hoài

Tô Hoài luôn luôn sống ở Thủ đô. Tính đến đầu 1985, ông từng viết 43 cuốn sách về Hà Nội. Ngoài sáng tác văn học, có lúc ông còn trực tiếp làm công tác đường phố. chúng ta đã biết hai chữ Tô Hoài là do Tô Lịch và Hoài Đức ghép lại. Một người như Tô Hoài mà có viết nhiều về Hà Nội là chuyện đương nhiên! Giữa Thủ đô và một đời như đời văn của Tô Hoài, quả là có một mối quan hệ đặc biệt.

Óc quan sát tinh tế và tỉ mỉ đã giúp cho Tô Hoài nhớ và ghi được nhiều chi tiết về cuộc sống ở Hà Nội. Ông đính chính hộ nhiều người những cái nhầm lẫn, vì như nhiều người cứ nghĩ chung quanh Hồ Gươm: nhiều liễu, hoá ra bây giờ còn mỗi một cây, v.v. Ông lại giúp cho chúng ta tự tìm hiểu thêm về những địa điểm trong sinh hoạt thành phố (chẳng hạn, tại sao gọi là Vườn hoa canh nông?). Rồi, nguồn gốc nem cuốn ở đâu? Nghề làm giấy ở Bưởi đòi hỏi người thợ thủ công trước đây phải khéo léo, vất vả thế nào?

Về nội thành, những xóm rác ven hồ Bảy Mẫu cũ, đầu hoà bình lập lại được ông phác qua trong Những ngõ phố và một số nét sinh hoạt Hà Nội hồi đánh B52 được ông vẽ nên trong Người đường phố (cả hai tiểu thuyết đều được in ra 1980)

Trong cuốn Nguời đường phố trên kia đã nhắc (cũng như trong nhiều tập sách khác, trong đó có Chuyện cũ Hà Nội) Tô Hoài kể ra một số vùng ngoại ô với những nghề nghiệp cha truyền con nối, lên làm ăn ở thành phố. Cổ Nhuế, thợ may, hàng thầu; Thủ Lệ, giặt là; Lai Xá, thợ ảnh; Thanh Nhàn, cắt tóc; Thuỵ Khuê, xôi lúa, quà vặt v.v… và v.v… Quả ngoại ô Hà Nội là một “thế giới” phong phú. Trong “thế giới” đó, cũng có sự phân công lao động rất tỉ mỉ, khiến cho từng người làm nghề trở thành những người nghệ sĩ tài hoa và hết lòng với nghề, được mọi người kính trọng. Từ các làng xóm chung quanh nội thành, người đi viết văn, viết báo xưa nay không phải ít, nếu kể ra các vùng quê mới cắt từ Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây, Hà Đông để nhập vào Hà Nội, thì số tác giả của Thủ đô thật là nhiều. Song có lẽ chỉ có Tô Hoài là mang được cái chất riêng của vùng đất mà mình đã từ đó trưởng thành. Và giữ được cái chất đó, trong suốt cuộc đời cầm bút.

Thảo luận

Lời giải 2 :

- Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam

- Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân

- Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài

- "Thương nhớ mười hai", "Miếng ngon Hà Nội" của Vũ Bằng

- Thú ăn chơi người Hà Nội của Băng Sơn

Bạn có biết?

Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự 9

Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK