Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm (1921-1988). Người con làng Phượng Trì ấy là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Là một người nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Song hành và trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, hồn thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, tha thiết với quê hương, đất nước mình. Thơ ông có cái tôi hào hoa, thanh lịch, giàu chất lãng mạn, nhạy cảm với vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên và con người. Nổi bật có thể kể đến đó chính là bài thơ "Tây Tiến".
Với cảm hứng lãng mạn về người lính Tây Tiến rất bi nhưng rất hùng, rất hào hoa, lãng mạn; về núi rừng Tây Bắc dữ dội, hiểm trở nhưng rất mĩ lệ, mộng thơ thì dường như những vần thơ ấy đã để lại trong lòng mỗi người đọc những xúc cảm vô cùng sâu sắc. Hình tượng người lính Tây Tiến đã hiện lên ngay với một tầm vóc bi tráng, hào hoa, lãng mạn khác thường trên cái nền hùng vĩ và diễm lệ của núi rừng Tây Bắc. Quảng Dũng đã khắc hoạ một cách chân thực nhất cái hình tượng ấy thông qua những vần thơ trong đoạn thứ 3 của bài. Cái hình tượng ấy đồng thời cũng đã được tô đậm thêm với những nét dị thường, những hình ảnh tương phản, đối lập bằng ngôn ngữ cổ kính, trang nghiêm mà lại vô cùng độc đáo.
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giớiĐêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Tám câu thơ thật lạ. Bốn câu đầu nói về sự sống, bốn câu sau nói về cái chết. Bút pháp lãng mạn khiến cho sự sống lẫn cái chết đều độc đáo, lạ thường.
Hình ảnh “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,quân xanh màu lá dữ oai hùm” là hình ảnh được tạo lập bằng phép tạo hình dữ dội.Do những cơn sốt rét rừng ác tính, lại thêm tình trạng thiếu ăn, thiếu thuốc và chiến đấu gian lao nên tóc của những người lính bị rụng hầu hết, nước da xanh xao ,vọ vàng như màu lá. Đó là hình ảnh rất bi, vô cùng tội nghiệp. Thế nhưng, Quang Dũng đã chuyển cái bi thành cái hùng. Tóc bị rụng hết mà lại nói là “không mọc tóc”. Nói như thế là nhằm nhấn mạnh sự chủ động của người lính trong việc chuẩn bị tham chiến một cách đặc biệt. Họ đã phải cạo trọc đầu để đánh giáp lá cà với quân pháp. Nước da xanh xao, vàng vọt mà lại nói là “quân xanh màu lá”. Nói như thế là nhằm nhấn mạnh hành động hái lá cây xanh để ngụy trang, đánh lừa giặc trên đường hành quân.. Như vậy, “đầu không mọc tóc, quân xanh màu lá” là một sự hoà trộn cái bi và cái hùng. Trong đó, cái hùng nổi trội lên. Bằng chứng là quân Pháp rất khiếp sợ binh đoàn Tây Tiến. Chữ “dữ” thể hiện cái nhìn từ quân Pháp đối với người lính Tây Tiến. Chữ “oai” và chữ “hùm” thể hiện cái nhìn từ Quang Dũng, từ nhân dân đối với những chàng trai thời loạn, mang trong mình cái lí tưởng một đi không trở lại, tiếp nối hào khí Đông A “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”(ba quân mạnh như hổ báo, khí thế thôn tính (át) cả ngôi sao Ngưu) của những chàng trai đời Trần năm xưa (Thuật hoài-Phạm Ngũ Lão). Không nên hiểu chữ “hùm” là hùm beo, dùng để chỉ quân Pháp, mà nên hiểu chữ “hùm” theo hướng người lính Tây Tiến khí thế mạnh như hổ báo, đã từng đem “súng ngửi trời”, chiến đấu vô cùng dũng mãnh, rất oai phong lẫm liệt, chẳng khác gì Chúa tể sơn lâm.
Hai câu thơ kế tiếp đã diễn tả rất hay cái chí, cái tình của người lính. Đó là cái Chí Tự Do được nuôi dưỡng bằng “mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Đó là cái Tình Chân Thực được vun đắp bằng “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Hai phạm trù chung và riêng, cứng và mềm được đặt trong một cặp câu thống nhất. “Mắt trừng”, tay ôm ghì súng để xé nát màn đêm, giữ đất trời biên cương Tổ quốc là biểu hiện của Mộng chiến thắng. Đêm đêm không thể nào nguôi nỗi nhớ người thiếu nữ Hà Thành xinh đẹp với mái tóc thơm thảo, dịu hiền là biểu hiện của Mơ bình yên. Càng mộng - càng mơ, càng mơ - càng mộng. Hai lớp sóng mộng và mơ, chí và tình hoà quyện vào nhau, nâng đỡ nhau để vươn đến vỗ bờ hạnh phúc. Cách diễn đạt như thế quả là vô cùng độc đáo. Bởi qua cách diễn đạt ấy, Quang Dũng đã nói được sự cân bằng trạng thái tình cảm trong tâm hồn người lính. Sau chín năm kháng chiến chống Pháp, nhìn lại cuộc trường chinh của Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã đúc kết phẩm chất của Anh bộ đội Cụ Hồ: “Những đêm dài hành quân nung nấu, bỗng bồn chồn nhớ mắt mgười yêu”( Đất Nước, 1948-1955). Và trong thời đánh Mĩ, nhà thơ trẻ Trần Đăng Khoa , khi mặc áo lính, cũng đã thốt lên rằng: “Anh như con tàu lắng sóng về hai phía, biển một bên và em một bên”.Rõ ràng, Quang Dũng đã lộ ra một góc kín đa tình. Góc kín đa tình ấy chính là nơi ươm mầm lẽ sống. Những “mùa em”, “kìa em”,“nàng e ấp”, “dáng kiều thơm”, những “hoa về”, “nhạc về”, “hoa đong đưa”… đã là những bóng cây râm mát, những dòng suối ngọt ngào giúp cho người lính sung mãn hơn, thanh thản hơn trên bước đường băng rừng, trèo đèo, lội suối, đi về phía Mặt trời. Rõ ràng, Quang Dũng đã rất thành công trong việc nói đúng, nói hay cái chất hào hoa, lãng mạn của những chàng trai Hà Thành trong binh đoàn Tây Tiến.
Bốn câu thơ kế tiếp nói về cái chết. Tất cả được bao bọc trong một bầu không khí trang nghiêm, sang trọng, tự hào:“Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Lời thơ quả là bi thương. Dọc biên cương, “rải rác” những nấm“ mồ viễn xứ” của những chàng trai đã đem tuổi xuân của đời mình vun đắp cho mùa xuân của dân tộc. Họ đã ra chiến trường với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những nấm mồ viễn xứ đã là những cột mốc biên giới của giang sơn gấm vóc. Cái bi đã trở thành cái hùng. Cái chết đã trở thành sự sống. Đúng là sự sống đã nảy sinh từ trong cái chết.- Những từ Hán Việt “biên cương”, “viễn xứ”, “chiến trường”, “độc hành” đã tạo dựng một không khí trang nghiêm, cổ kính, phù hợp với sự hi sinh thầm lặng mà rất đỗi lớn lao. Thế nhưng, Quang Dũng chưa thoả dạ trong việc bày tỏ niềm xót thương , quí trọng, biết ơn những nấm mồ xa quê nên ông đã chọn thêm từ “áo bào” để hình tượng hoá “cuộc đời cách mạng thật là sang” (Hồ Chí Minh) của đồng đội: “Áo bào thay chiếu anh về đấtSông Mã gầm lên khúc độc hành”Âm hưởng thơ thật hào hùng. Bởi nó diễn tả một cái chết oai phong lẫm liệt như cái chết của những người tráng sĩ năm xưa. Thực tế, những người lính chết trên chiến trận không hề có một chiếc áo bào nào, mà chỉ có những manh chiếu do đồng bào thiểu số thương tặng để sinh tồn qua những cơn gió rét. Chiếc chiếu ấy đã đi theo người lính như chiếc “chiến bào”(áo mặc trong chiến trận) sang trọng của các tráng sĩ thời xưa. Để rồi khi nằm xuống, thân xác người lính được gói trong chiếc chiếu mà “về đất”(Chữ “bào”ngoài nghĩa là áo, còn có nghĩa là gói, bọc, đùm). Chính thái độ trân trọng và nỗi đau thương tiếc đã làm nên cảm hứng lãng mạn, giúp Quang Dũng có được một cái nhìn khác trước. Ở những câu thơ trước, Quang Dũng đã dùng “không bước nữa”, “bỏ quên đời”, “ chẳng tiếc đời xanh”. Đến đây, nhà thơ lại dùng thêm “về đất”. Hai chữ “về đất” nghe sao mà thanh thản, nhẹ nhàng và tràn đầy tin yêu, hi vọng! Anh về đất nghĩa là anh về với lòng đất mẹ, để đất mẹ được trường tồn. Nói cách khác, những người lính Tây Tiến đã nằm xuống để cho đất nước Việt Nam đứng lên.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là không đau thương. Sự hi sinh âm thầm mà lớn lao ấy không chỉ động đến lòng người mà còn lay thức cả đất trời. Bao nhiêu đau thương, uất nghẹn là bấy nhiêu căm thù, luyến tiếc. Và “Sông Mã” đã “gầm lên” – Đất Nước đã “gầm lên khúc độc hành” tiễn biệt. Khúc độc hành tiễn biệt ấy như một dòng nước cuồn cuộn, cuốn phăng đi lũ người cướp nước, gột hết “mùi tinh chiên vấy vá” đã bao ngày (chữ dùng của Nguyễn Đình Chiểu trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Đó là tình cảm, ý chí của không riêng gì Quang Dũng, mà còn là của mọi người dân Việt ở một thời điểm lịch sử đắng cay mà vinh quang.
Có thể nói đoạn thơ đã khắc họa rõ nét chân dung người lính với ngoại hình và tâm hồn bằng bút pháp lãng mạn, đậm chất bị trắng. Người chiến sĩ Tây Tiến đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho người đọc, tạo nên một lượng đài bất tử về anh bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp. Và hơn cả là không thể không nhắc tới sự kế hợp độc đáo giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn trong thơ của Quang Dũng. Nó là cái hiện thực đến trần trụi. Nhà thơ không né tránh hiện thực tàn khốc của chiến tranh khi nói về khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, sự xanh xao, tiều tụy của người lính; không né tránh cái chết khi miêu tả cảnh tượng hoang lạnh và sự chết chóc đang cờ đợi người lính: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ". Để thông quá đó tôn lên vẻ đẹp hình tượng của những người chiến sĩ Tây Tiến - bút pháp lãng mạn. Nó thể hiện ở nỗi nhớ và tình yêu, gắn bó, giọng điệu ngợi ca, tự hào tràn ngập trong mỗi dòng thơ về người lính. Thể hiện trong việc tô đậm vẻ đẹp lãng mạn, bay bổng, hào hoa trong tâm hồn người lính Hà Thành qua thủ pháp đối lập: vẻ ngoài dữ dội với tâm hồn bên trong dạt dào cảm xúc, bay bổng. Thể hiện ở khuynh hướng tô đậm những cái phi thường, sử dụng thủ pháp đối lập: Hiện thực, thiếu thốn, bệnh tật, chết đói đối lập với sức mạnh dữ dội, lẫm liệt và lý tưởng anh hùng cao cả, sự hi sinh bi tráng. Cái hiện thực và cái lãng mạn đã hoà quyền cùng nhau để khắc tạc nên bức tượng đài độc đáo và cao đẹp của người lính chống Pháp.
Vẻ đẹp hình tượng người lính hội tụ ở vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa nhưng lại rất mạnh mẽ, hào hùng; vẻ đẹp bi tráng gắn với lý tưởng và sự hi sinh cao cả. Vẻ đẹp đó thể hiện đậm nét phong cách thơ Quang Dũng: hiện thực đến trần trụi nhưng lãng mạn đến bay bổng, một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, tài hoa. Quả đúng là một hồn thơ đầy nghệ sĩ và đa tài!
Ngữ văn là môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại. Đây là môn học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Việc đọc và viết trong môn Ngữ văn không chỉ là kỹ năng, mà còn là nghệ thuật. Hãy để ngôn từ của bạn bay cao và khám phá thế giới văn chương!
Lớp 12 - Năm cuối ở cấp trung học phổ thông, năm học quan trọng nhất trong đời học sinh, trải qua bao năm học tập, bao nhiêu kỳ vọng của người thân xung quanh. Những nỗi lo về thi đại học và định hướng tương lai thật là nặng nề. Hãy tin vào bản thân, mình sẽ làm được và tương lai mới đang chờ đợi chúng ta!
Copyright © 2021 HOCTAPSGK