Viết bài băn phân tích hai khổ thơ đầu của bài thơ Sang thu (Hửu Thỉnh)
Với một đoạn thơ ngắn vẻn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động.
Nếu mùa xuân là mùa hội tụ của những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thì mùa thu bước vào trong thơ ca cũng tự nhiên và gần gũi. Trước đây, Nguyễn Khuyến nổi tiếng với ba bài thơ thu: “Thu điếu”, “Thu vịnh, Thu ẩm", sau này Xuân Diệu có “Đây mùa thu tới”. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, Hữu Thỉnh cũng góp vào cho mùa thu đất nước một góc quê hương sang thu:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu."
Đoạn thơ có cái hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ. Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra là hương vị ổi pha trong gió. Mùi hương quê nhà mộc mạc được gió đưa trong không gian cứ lan tỏa, thoang thoảng bay. Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ: “bỗng nhận ra". Một sự bất ngờ mà như đã đợi sẵn, đợi từ lâu rồi, để giờ đây có dịp là buông ra ngay. Trong số chúng ta chắc chắn không ai chưa một lần nếm vị ổi: giòn ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi. Cái dư vị của hương thơm đó cứ vấn vít vương lại trong ta khi chợt đọc câu thơ của Hữu Thỉnh. Có hương ổi, và gió, và sương. Những hạt sương thu mềm mại, ươn ướt giăng màn qua ngõ. Mùa thu lại về. Mùa thu mang theo hương quê và mang theo sương mờ ướt lạnh. Dường như có thêm sương nên thu dễ nhận ra hơn. “Sương chùng chình qua ngõ", “chùng chình" hay là đợi chờ gì đây? Cứ dần dần như thế, cứ nhẹ nhàng, mềm mại như thế, thu đến tự lúc nào không hay. “Hình như thu đã về" nhà thơ giật mình, hơi bối rối. Tự bao giờ nhỉ? Thu về? Từ hương ổi hay từ gió, hay từ sương ? Hữu Thỉnh cũng hơi ngỡ ngàng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. Thu về, thu lại về trên quê hương, trên những con đường bờ đê và trên cả những con sông, cánh chim trời.
Cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám máy mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu."
Con sông quê hương dâng nước chở mùa thu. Những cánh chim bay vội vã. Thật lạ lùng mùa thu! Nơi thì “chùng chình”, "dềnh dàng”, mà nơi thì “vội vã", hối hả... Nhưng tất cả đều với một cảm giác mới mẻ, xôn xao khi mùa thu về. Không còn cái gay gắt của mùa hè nóng nực, chỉ còn lại một bầu không gian ẩm ướt và se lạnh. Một thoáng rối lòng để rồi nhường lại cho thu. Mùa thu vừa chớm rất nhẹ, rất dịu, rất êm, mơ hồ như cả đất trời đang rùng mình thay áo mới. Hữu Thỉnh không tả trời thu “xanh ngắt mấy tầng cao” như Nguyễn Khuyến mà chỉ điểm vào bức tranh thu một chút mây vương lại của mùa hè vừa qua:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu"
Mây trời vắt nửa mình sang thu. Lối diễn đạt của nhà thơ thật độc đáo. Hình như trong đám mây đó còn lại một vài làn nắng ấm mùa hè nên mới "vắt nửa mình” thu về làm cho bao cảnh vật đổi thay và đám mây cũng khác lạ.
Với một đoạn thơ ngắn vẻn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Với những từ ngữ lấp láy: “chùng chình", “vội vã", “dềnh dàng”, và một giọng thơ vừa có thoáng ngỡ ngàng, vừa vui sướng. Hữu Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người.
“Sang thu” - một hình ảnh quê hương tự nó đã tôn thêm vẻ đẹp cho đất nước, cho quê nhà, cho đồng quê trong mùa thu chung của cả đất trời Việt Nam.
Ngữ văn là môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại. Đây là môn học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Việc đọc và viết trong môn Ngữ văn không chỉ là kỹ năng, mà còn là nghệ thuật. Hãy để ngôn từ của bạn bay cao và khám phá thế giới văn chương!
Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, chúng ta sắp phải bước vào một kỳ thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô. Áp lực từ kỳ vọng của phụ huynh và tương lai lên cấp 3 thật là lớn, nhưng hãy tin vào bản thân và giữ vững sự tự tin!
Copyright © 2021 HOCTAPSGK