Cựu tổng thống Hoa Kỳ, John.F.Kennedy từng khẳng định: “Rập khuôn là cai tù của tự do và là kẻ thù của phát triển”. Những hành động nôi theo dấu vết của khuôn khổ tựa những xiềng xích nặng nề kìm hãm bước chân của ta. Tựa bàn tay của gã hung thần bẻ gãy đôi cánh của con người và giam lỏng quyền được tự do trong chiếc lồng sắt mang tên “Đồng phục tư tưởng”. Chính những bản thể “giống nhau y đúc” đã khiến nhà văn Tô Hoài tạc vào trang viết “Dế mèn phiêu lưu kí” những dòng chữ : “Hỡi ôi! Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và tấm lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng”. Song, trong xã hội nhân loại ngày nay, một số bạn trẻ đã lựa chọn lối sống khác khuôn khổ bằng phẳng bằng cách: ăn mặc lố lăng, hành xử đầy tính bạo lực, phát ngôn làm tổn thương người khác,… nhằm thể hiện mình nổi bậc, khác đời và hơn người. Hành động ấy đã gợi cho ta bao suy ngẫm về cách sống của những chủ nhân tương lại đất nước.
Từ khoảnh khắc ta bắt đầu nhịp sống đã có những quy luật và khuôn khổ ngự trị bền vững từ lớp người trước đến lớp người sau. Để rồi ta vô thức thốt lên câu hỏi trăn trở như tự vấn, cũng như hỏi đời: Sống theo khuôn khổ bằng phẳng là gì ? Là sống như thế ta đang “ký sinh” vào những luật lệ, quy tắc. Một chiếc khung được xã hội đặt ra và ta phải sống sao cho vừa chiếc khung ấy. Nói cách khác, kịch bản của thước phim dài tập mang tên “Cuộc đời chính bạn” lại phải viết theo một “dàn bài” của xã hội. Kịch bản ấy sẽ an toàn, êm ả. Thế nhưng, khi bạn dừng lại để soi lại chính mình, bất tri bất giác bạn nhận ra rằng cuộc sống của bạn quay đi ngoảnh lại chỉ toàn sự tẻ nhạt, đơn điệu và buồn chán. Hẳn Tô Hoài đang muốn nói lên tâm tư và khát khao của tuổi trẻ – lứa tuổi căng tràn nhựa sống và đầy ắp hoài bão. Những thanh thiếu niên sôi nổi và nhiệt huyết. Họ không muốn giam mình trong chiếc lồng sắt nào cả, họ khao khát được khám phá, sáng tạo và sống một cuộc đời mới mẻ với màu sắc riêng của bản thân, vượt lên trên những khuôn khổ đơn điệu, bình lặng.
Thế nhưng, thực trạng hiện nay lại có một số bạn trẻ lựa chọn lối sống khác khuôn khổ bằng phẳng với những hành vi có chiều hướng tiêu cực. Họ ăn mặc lố lăng, hành xử đầy tính bạo lực, phát ngôn làm tổn thương người khác,…Đó là lối sống hoàn toàn sai lệch, đi ngược lại với chuẩn mực xã hội, phá vỡ những luật lệ của cộng đồng, một lẽ sống đầy ích kỷ và ái kỷ. Có thể nói, tuổi trẻ mà cứ mãi vô tình hay hữu ý ôm khư khư những lề luật đã được định sẵn, không bức phá và lười sáng tạo thì giai điệu thanh xuân sẽ mãi lặng thinh và nhạt nhòa như sương, như khói. Nhưng lối sống khác khuôn khổ bằng phẳng của một số bạn trẻ, phong cách “sống khác” đầy tiêu cực, phá vỡ thuần phong mỹ tục thì không thể nào chấp nhận được.
Nhà tù lớn nhất mỗi người tự đưa mình vào là “nhà tù tâm trí”, nghĩa là chúng ta không cho phép suy nghĩ của mình vượt ra khỏi cái khuôn đúc hạn hẹp sẵn có, để rồi cuộc sống ta ngày càng trở nên nhàm chán, tù túng và bế tắc. Năm 18 tuổi phải có bằng lái xe, 26 tuổi kết hôn, 30 tuổi phải có sự nghiệp… Bạn có cảm thấy những điều này thật “quen tai” không? Từ bao giờ những quy chuẩn ngầm của xã hội lại trở thành khuôn mẫu để đánh giá cuộc sống của con người ? Bạn có từng bị ai đó đặt ra một khuôn mẫu lý tưởng và buộc bạn phải thay đổi mình để giống với khuôn mẫu đó ? Tôi, bạn và những con người ngoài kia – chúng ta có lẽ đều từng trải qua tình thế ấy. Sự thật là không phải ai cũng có thể lên tiếng nói rằng mình không muốn trở thành thế này, không muốn phải làm thế kia và tự chối việc sống một cuộc đời được “đôi tay của ngoại cảnh” vẽ nên một cách máy móc và nhàm chán. Việc phải trở thành một bản thể hoàn hảo với “chiếc khung” mà xã hội đặt ra đã trở thành nỗi sợ hay “những viên gạch của áp lực” cứ chất chồng lên nhau trong tiềm thức của một bộ phận giới trẻ. Một hình mẫu lý tưởng cứ đeo đẳng ta và muốn xâm chiếm chỉnh thể con người có thể làm tê liệt đi sức mạnh của mỗi cá nhân khi lựa chọn con đường cho riêng mình. Những thanh âm hạnh phúc nhất trong bản nhạc của mỗi người chưa bao giờ và cũng không bao giờ được cất lên từ lối chơi nhạc máy móc theo một khuôn khổ được định sẵn. Như Paulo Coelho từng khẳng định :”Nếu bạn cho rằng phiêu lưu là nguy hiểm, hãy thử cuộc sống lặp đi lặp lại. Nó có thể gây chết người”. Với những người trẻ, lối sống khuôn khổ bằng phẳng chính là “sợi dây” kìm hãm sự tự do và phát triển, đẩy họ vào viễn cảnh “chết tâm” và “chết người”.
Song, việc sống khác khuôn khổ bằng phẳng không có nghĩa là sống phi chuẩn mực và phi đạo đức. Ấy vậy mà có một số bạn trẻ hiện nay đã đánh đồng “sống khác” với “sống sai”. Từ lối tư duy lệch lạc ấy đã dẫn đến việc hình thành các hành vi suy đồi nhân phẩm, trái với luân thường đạo lý. Lối ăn mặc lố lăng của một bộ phận thanh thiếu niên đang là một trong số những vấn đề gây bức xúc cộng đồng. Nhiều bạn trẻ còn quan niệm rằng :”Bây giờ mặc hở mới đẹp, mới thế hiện đẳng cấp thời trang sành điệu…”. Ở những khu đô thị phồn hoa, trên đường phố và thậm chí là những nơi công cộng, không khó để bắt gặp hình ảnh những bộ cánh “khoe thân” bó sát và hở hang, những chiếc áo mỏng manh, phần cổ áo được khoét sâu, eo xẻ cao, quần jean xé gấu ngắn cũn, áo thun in những dòng chữ tối nghĩa hoặc tục tĩu,… Thậm chí là một số hiện tượng “cưỡng bức văn hoá” , “xúc phạm Quốc kì” như việc ghép đôi áo dài với quần soóc, hay áo dài với tất lưới gợi cảm. Ngày 20/1/2018, khi cả nước đang hân hoan trong niềm vui chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam, hình ảnh những cô gái không ngần ngại trút bỏ xiêm y và che những phần nhạy cảm của cơ thể bằng Quốc kỳ – một hành động hết sức phản cảm và cần phái lên án. Bên cạnh đó là cách đối nhân xử thế đầy tính bạo lực, dùng “nắm đấm” thay vì phương thức hoà bình để giải quyết mọi việc, ví như hiện trạng bạo lực học đường ngày này. Theo thống kê của Bộ Công An mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Đâu chỉ dừng lại ở những thương tổn thể xác, chính những phát ngôn vô văn hóa, những chê bai, chỉ trích trực tiếp hay thông qua “thế giới ảo” đã gây ra bao vết thương hoại tử trong tâm can người khác. Lối sống khác khuôn khổ bằng phẳng theo một con đường bất thiện của một bộ phận giới trẻ chính là “tử huyệt” hủy diệt bản ngã thiện lương của bản thân và gây ra những vết sẹo hằn sâu, cứ mãi rỉ máu trong trái tim người khác. Xã hội, đất nước lâm vào viễn cảnh phát triển trì trệ, đến cuối cùng chỉ còn là tàn cuộc sau thời thịnh thế.
Tôi rất thích quyển sách “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” của Cao Minh bởi đó là cuốn sách dành cho những mảnh ghép hình tròn trong những ô vuông không vừa vặn, những người nhìn mọi thứ khác biệt, không chấp nhận đánh mất bản thân để hài hòa với khuôn khổ của xã hội. Dù là thiên tài hay kẻ điên, họ đều là những người có “thế giới duy ngã” của riêng mình, đó là một thế giới quan được nhìn dưới lăng kính cảm nhận của riêng họ chứ không phải của bất kì một “chiếc khung” nào. Những người luôn tạo ra sự thay đổi, mang trong mình tư tưởng sáng tạo hướng đến những giá trị tốt đẹp chính là “viên ngọc trai đen” giữa hàng loạt “viên ngọc trai trắng” giống y đúc nhau. Bạn có thể đồng ý, có thể phản đối, có thể vinh danh hay lăng mạ họ, nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là phủ nhận sự tồn tại của “thiểu số” trong “đại đa số”. Như Georg Cantor từng quan niệm:”Đừng chỉ luôn mù quáng theo hướng dẫn và các chỉ dẫn từng bước; bạn luôn có thể phát hiện ra điều gì đó thú vị”. Sống khác khuôn khổ bằng phẳng còn để thực hiện “phép nhân” cho hạnh phúc, để góp phần vào quá trình phát triển dân tộc, nâng đỡ đất nước ngày càng hưng thịnh.
Tuổi trẻ, hãy để bản lĩnh trong bạn thức tỉnh, dám đập tan gông xiềng của quy tắc, đạp đổ mọi cách thức lỗi thời và khuôn mẫu áp đặt. Đừng sống trong những nỗi sợ hãi rằng những quyết định mình sắp đưa ra sẽ khác với những thứ đã trở thành “mặc định”. Hãy cứ sống tự do, thoải mái và vui vẻ bởi vì bạn chính là hình mẫu lý tưởng nhất cho bản thân mình. Sử dụng bán cầu não phải của bạn để thai nghén nên tư duy khác biệt, tự phát, tự do, và nằm ngoài ranh giới hạn hẹp của những lẽ đã rất đổi “thông thường”. Thường xuyên sáng tạo ra những điều mới mẻ trong học tập và lao động, thể hiện tài năng, lòng nhiệt thành và bản lĩnh của bản thân. Lối sống khác khuôn khổ bằng phẳng sẽ được chấp nhận bởi ta được quyền “khác biệt” nhưng hãy sáng tạo theo hướng tích cực, đúng đắn và tiến bộ.
Thế nhưng, thật đáng buồn khi xã hội vẫn còn đó những cá nhân đáng phê phán. Một số bạn trẻ có lối tư duy thụ động, mặc nhiên biến bản thân trở thành “robot” được lập trình sẵn. Người khác bảo họ đi đằng đông, họ liền chẳng ngẫm suy đúng sai mà nhanh chóng làm theo. Chỉ vì những cái cau mày, những đánh giá chủ quan của kẻ khác cũng đủ thay đổi “kịch bản” của cuộc đời họ. Những kiếp người ấy có khác gì đâu hàng loạt các bức họa được sao lưu, nhân bản, đơn điệu, bình thường đến mức tầm thường, nhạt nhòa và vô vị. Trên phương diện học tập, ta vẫn thường bắt gặp những chuẩn mực “bất di bất dịch”. Nhiều bạn trẻ đã ngầm nhận định rằng bí kíp đạt điểm cao trong các môn học là phải làm bài sao cho càng giống như thầy cô giảng, giống y như trong sách giải, sách văn mẫu, giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Thực tế, đây là tư duy học tập kiểu “rập khuôn”, kém sáng tạo. Một số thanh niên còn tự nguyện hoặc bị cưỡng ép phải đi trên hành trình mà cha mẹ đã vạch sẵn. Bên cạnh đó, việc đổi mới theo chiều hướng lệch lạc, vi phạm thuần phong mĩ tục, ảnh hưởng đến những giá trị truyền thống là lối sống hoàn toàn sai lầm.
Bạn đang cháy hết mình để sống hay chỉ đang tồn tại như một lữ khách mờ nhạt của chốn tạm bợ mang danh “Cõi trần” ? Chuyến tàu “cuộc sống” vẫn luôn chuyển động trên đường ray. Thác suối “thời gian” vẫn nghiễm nhiên chảy trôi vĩnh hằng. Tuổi trẻ muốn chạm tay đến ánh sáng ấm áp của hạnh phúc, muốn thành công và nổi bật thì hãy chèo lái con thuyền ra khỏi “bến đỗ an toàn” để ngao du và chinh phục đại dương rộng lớn, mạnh dạn lựa chọn cách sống đúng đắn và tiến bộ. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, ta cần sống như một nguyên bản độc đáo, hành động khác số đông nhưng đúng đắn và hữu ích. Đừng tồn tại như một máy móc được lập trình sẵn và hãy đặt dấu chấm hết cho lối sống khác khuôn khổ bằng phẳng có khuynh hướng suy đồi nhân cách, trái với đạo lí làm người.
Ngữ văn là môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại. Đây là môn học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Việc đọc và viết trong môn Ngữ văn không chỉ là kỹ năng, mà còn là nghệ thuật. Hãy để ngôn từ của bạn bay cao và khám phá thế giới văn chương!
Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, chúng ta sắp phải bước vào một kỳ thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô. Áp lực từ kỳ vọng của phụ huynh và tương lai lên cấp 3 thật là lớn, nhưng hãy tin vào bản thân và giữ vững sự tự tin!
Copyright © 2021 HOCTAPSGK