Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà quân sư chính trị lỗi lạc mà còn là nhà thơ, nhà văn lớn, ông được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa xuất sắc của thế giới. Sáng tác của Nguyễn Trãi thấm nhuần lí tưởng độc lập dân tộc và tư tưởng nhân nghĩa; là vẻ đẹp của người anh hùng vĩ đại và cũng là con người trần thế. Nguyễn Trãi nổi tiếng với hai tập thơ “Ức Trai thi tập” và “Quốc âm thi tập. “Cảnh ngày hè” là một trong những bài thơ đặc sắc nằm trong tập thơ “Quốc âm thi tập” thuộc mục “Bảo kính cảnh giới”. Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và khát vọng về một cuộc sống thanh bình no đủ cho muôn dân của Nguyễn Trãi:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.”
Mở đầu bài thơ là trạng thái thư thả, nhàn rỗi: “Rồi hóng mát thuở ngày trường” Câu thơ mở đầu có cách ngắt nhịp 1/2/3 thật độc đáo . Chữ “rồi” rơi vào nhịp thơ thứ nhất làm hiện lên một con người đang rỗi rãi nhàn nhã. Nhịp thứ hai với hai chữ “hóng mát” nói công việc đang làm là đón nhận cái đẹp của cảnh, của người dưới khí trời mát mẻ, trong lành. Cụm từ “thuở ngày trường” rơi vào nhịp thứ ba gợi thời gian suốt một ngày dài. Câu thơ khắc họa hình ảnh một con người đang thả hồn vào cái đẹp trong trạng thái thảnh thơi, nhàn nhã. Đó là sự giao cảm tuyệt diệu giữa hồn thơ Nguyễn Trãi với tạo vật thiên nhiên. Với ông dù ở trong hoàn cảnh nào, tâm hồn vẫn luôn tìm thấy thiên nhiên như là một người bạn tri âm, tri kỉ: “Túi thơ chứa hết mọi gian nan”.
Con người ấy đã sẵn sàng đón nhận cái đẹp của cảnh. Vậy vẻ đẹp của bức tranh bức tranh thiên nhiên ngày hè hiện lên như thế nào?
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.”
Hiện lên trước mắt người đọc là một bức tranh ngày hè rất sinh động và đầy sức sống. Bức tranh được tạo nên bởi sự kết hợp đường nét và màu sắc với cảnh vật được chất chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp. Ở tầng không, “hòe lục đùn đùn tán rợp giương”. Chữ “đùn đùn” nghĩa là dâng hết lớp này đến lớp khác. Sắc xanh của lá hòe như tuôn ra, dâng trào, cuộn lên từng khối biếc. “Tán rợp giương” - tán lá xòe rộng như bao trùm cả một vùng không gian rộng lớn. Với hai động từ “đùn đùn”, “rợp giương” diễn tả một sức sống mãnh liệt căng tràn đầy thứ tự từ bên trong ra bên ngoài đến mức phải bung ra, tỏa ra.
Cái nhìn từ không gian trên cao đã bất ngờ hạ xuống mặt đất. Ở tầng thấp “Thạch lưu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Chữ “Phun” gợi cảm giác sắc đỏ bị dồn nén đến mức phải trào ra, tuôn ra. Sức sống của hoa lựu gợi liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Du “Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”. Nếu câu thơ của Nguyễn Du thiên về tạo hình sắc thì câu thơ của Nguyễn Trãi lại thiên về diễn tả sức sống. Nếu cây thạch lựu được miêu tả qua động từ “phun” thì cây sen hồng được diễn tả qua tính từ “tiễn. “Tiễn” nghĩa là có đầy, có thừa. Cả câu thơ thứ 4 có thể hiểu: ở dưới ao, sen hồng dậy lên mùi hương bát ngát bay tỏa khắp không gian.
Mối quan hệ giữa hai câu 3 và 4 là mối quan hệ tăng tiến. Nếu ở trước hiên nhà cây thạch lựu đang còn trổ hoa đỏ rực thì ở dưới ao, sen hồng đã ngát mùi hương. Bức tranh được tạo nên bởi một sự cộng hưởng giữa màu sắc và mùi hương. Dường như tạo vật đang đua nhau để phơi bày sức sống mãnh liệt của nó. Nét nổi bật của bức tranh thiên nhiên là một sức sống ứa căng đến độ không thể kìm lại mà phải tỏa ra thành hương, thành sắc được thể hiện qua các động, tính từ “đùn đùn”, “rợp giương”, “phun”, “tiễn”. Dường như thi nhân đã đón nhận cảnh vật với sự thưởng ngoạn của nhiều giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác và cả sự liên tưởng nữa. Sự giao cảm đấy gợi nhớ đến bức tranh ngày hè mộc mạc của các tác giả thời Hồng Đức:
“Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi
Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè''
So với các tác giả thời Hồng Đức, chỗ tinh tế của Nguyễn Trãi là nhà thơ đã nắm bắt và thể hiện được nhịp sống vô hình đang vận hành hối thúc từ bên trong ra bên ngoài
Nếu ba câu trên chỉ đơn thuần miêu tả thiên nhiên thì đến hai câu luận cuộc sống của con người đã bắt đầu xuất hiện. Đó là cảnh sống yên vui, thanh bình:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.”
Cuộc sống ấy hiện lên qua âm thanh “lao xao” của chợ cá gợi và âm thanh “dắng dỏi” của cầm ve. Từ láy “lao xao” gợi lên cảnh mua bán nhộn nhịp, sầm uất của đời sống nhân dân làng chài. Từ láy “dắng dỏi” gợi âm thanh tiếng ve kêu liên tục, rộn rã, chói gắt như bản đàn vang lên từ nơi lầu gác. Chính vì thế mà cảnh hoàng hôn cũng trở nên náo nhiệt hơn. Việc sử dụng những từ láy tượng thanh kết hợp với phép đảo ngữ qua hai câu luận đã làm nổi bật không khí rộn rã, tươi vui, náo nhiệt từ chợ cá làng ngư phủ của người dân nghèo cho đến chốn lầu son gác tía của những bậc quyền quý. Cảnh vật tự nó thanh bình yên vui hay bởi sự thanh thản đang xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Dường như ở đây giữa ngoại cảnh và tâm cảnh có một sự đồng điệu.
Vì thanh thản như vậy cho nên nhà thơ đã thổ lộ nỗi niềm niềm khao khát của mình dậy lên từ cảnh ngày hè qua hai câu kết:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Nguyễn Trãi khao khát không chỉ ở nơi này mà muôn nơi dân chúng đều có một cuộc sống no đủ, thịnh vượng. Niềm khao khát ấy khiến cho Nguyễn Trãi đau đáu suốt cả một đời, chưa có một ngày nhàn nhã ngay cả lúc ẩn cư ở Côn Sơn. Bởi lẽ với ông “dân” là món nợ suốt đời ông chưa trả. Quả thật, tâm niệm lớn lao suốt một đời Nguyễn Trãi là luôn nghĩ về nhân dân, nghĩ về đất nước. Chính trong bài “Thuật hứng số 5”, Ức Trai đã không ngừng thổ lộ tâm sự ấy:
''Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông''
Niềm khao khát đã thể hiện tầm vóc lớn lao của Nguyễn Trãi. Dẫu là một công hầu, khanh tướng nhưng ông lại mơ ước cầm cây đàn của đấng quân vương gãy khúc Nam phong cầu cho dân chúng muôn phương giàu đủ. Với niềm khao khát ấy, Nguyễn Trãi đã hiện ra trước mắt người đọc một mẫu hình nhân cách ngời sáng của đấng Ngu Thuấn tái sinh.
Bài thơ đã tái hiện vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè và tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước của Nguyễn Trãi. Tuy trở về với chốn thôn dã sống cuộc đời nhàn dật nhưng cái nhàn của ông không phải là cái nhàn của những con người “độc thiện kì thân” mà đó là cái nhàn của những bậc hiền triết “ái quốc, ưu dân”, “tiên ưu, hậu lạc. Nói cách khác, mượn cảnh chỉ là cái cớ để nhà thơ giãi bày nỗi niềm yêu nước thương dân sâu nặng. Bài thơ Nôm giản dị với sự phá vỡ tính quy phạm được thể hiện qua tính dân tộc hóa, dân chủ hóa trong bài thơ từ thể thơ, chất liệu đến ngôn ngữ. Với những thành công về nội dung và nghệ thuật như thế, “Cảnh ngày hè” xứng đáng là bài thơ hay nhất trong chùm “Bảo kính cảnh giới” để Nguyễn Trãi mở đường cho thơ quốc âm bước đầu tiến lên một tầm cao mới.
Trong những ngày từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã viết nhiều bài thơ đặc sắc, trong số đó có bài số 43 trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới. Bài thơ là bức tranh phong cảnh mùa hè độc đáo nhưng thấp thoáng là niềm tâm sự của tác giả.
Câu thơ đầu tiên, ta đọc lên thoáng qua sao có vẻ an nhàn, êm đềm, thanh thoát đến thế.
"Rồi hóng mát thuở ngày trường"
Câu thơ hiện lên hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Trãi, ông đang ngồi dưới bóng cây nhàn nhã như hóng mát thật sự. Việc quân, việc nước chắc đã xong xuôi ông mới trở về với cuộc sống đơn sơ, giản dị, mộc mạc mà chan hòa, gần gũi với thiên nhiên. Một số sách dịch là "Rỗi hóng mát thuở ngày trường". Nhưng "rỗi" hay "rồi" cũng đều gây sự chú ý cho người đọc. Rảnh rỗi, sự việc còn đều xong xuôi, đã qua rồi "Ngày trường" lại làm tăng sự chú ý. Cả câu thơ không còn đơn giản là hình ảnh của Nguyễn Trãi ngồi hóng mát mà nó lại toát lên nỗi niềm, tâm sự của tác giả: "Nhàn rỗi ta hóng mát cả một ngày dài". Một xã hội đã bị suy yếu, nguyện vọng, ý chí của tác giả đã bị vùi lấp, không còn gì nữa, ông đành phải rời bỏ, từ quan để về ở ẩn, phải dành "hóng mát" cả ngày trường để vơi đi một tâm sự, một gánh nặng đang đè lên vai mình. Cả câu thơ thấp thoáng một tâm sự thầm kín, không còn là sự nhẹ nhàng thanh thản nữa.
Về với thiên nhiên, ông lại có cơ hội gần gũi với thiên nhiên hơn. Ông vui thú, say mê với vẻ đẹp của thiên nhiên.
"Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương".
Bài mẫu Phân tích Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi lớp 10, ngắn
Cảnh mùa hè qua tâm hồn, tình cảm của ông bừng bừng sức sống. Cây hòe lớn lên nhanh, tán cây tỏa rộng che rợp mặt đất như một tấm trướng rộng căng ra giữa trời với cành lá xanh tươi. Những cây thạch lựu còn phun thức đỏ, ao sen tỏa hương, màu hồng của những cánh hoa điểm tô sắc thắm. Qua lăng kính của Nguyễn Trãi, sức sống vẫn bừng bừng, tràn đầy, cuộc đời là một vườn hoa, một khu vườn thiên nhiên muôn màu muôn vẻ. Cảnh vật như cổ tích có lẽ bởi nó được nhìn bằng con mắt của một thi sĩ đa cảm, giàu lòng ham sống với đời...
Qua cảnh mùa hè, tình cảm của Nguyễn Trãi cũng thể hiện một cách sâu sắc:
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương".
"Chợ" là hình ảnh của sự thái bình trong tâm thức của người Việt. Chợ đông vui thì nước thái bình, thịnh trị, dân giàu đủ ấm no: chợ tan rã thì dễ gợi hình ảnh đất nước có biến, có loạn, có giặc giã, có chiến tranh, đao binh... lại thêm tiếng ve kêu lúc chiều tà gợi lên cuộc sống nơi thôn dã. Chính những màu sắc nơi thôn dã này làm cho tình cảm ông thêm đậm đà sâu sắc và gợi lại ý tưởng mà ông đang đeo đuổi.
"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương".
"Dân giàu đủ", cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc là điều mà Nguyễn Trãi từng canh cánh và mong ước. Ở đây, ông đề cập đến Ngu cầm vì thời vua Nghiêu, vua Thuấn nổi tiếng là thái bình thịnh trị. Vua Thuấn có một khúc đàn "Nam Phong" khảy lên để ca ngợi nhân gian giàu đủ, sản xuất ra nhiều thóc lúa ngô khoai. Cho nên, tác giả muốn có một tiếng đàn của vua Thuấn lồng vào đời sống nhân dân để ca ngợi cuộc sống của nhân dân ấm no, vui tươi, tràn đầy âm thanh hạnh phúc. Những mơ ước ấy chứng tỏ Nguyễn Trãi là nhà thơ vĩ đại có một tấm lòng nhân đạo cao cả. Ông luôn nghĩ đến cuộc sống của nhân dân, chăm lo đến cuộc sống của họ. Đó là ước mơ vĩ đại. Có thể nói, dù triều đình có thể xua đuổi Nguyễn Trãi nhưng ông vẫn sống lạc quan yêu đời, mong sao cho ước vọng lí tưởng của mình được thực hiện để nhân dân có một cuộc sống ấm no.
Bài thơ này đã làm rõ nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian ở Côn Sơn với tấm lòng yêu nước thương dân vẫn ngày đêm "cuồn cuộn nước triều Đông". Ông yêu thiên nhiên cây cỏ say đắm. Và có lẽ chính thiên nhiên đã cứu Nguyễn Trãi thoát khỏi những phút giây bi quan của cuộc đời mình. Dù sống với cuộc sống thiên nhiên nhưng Ức Trai vẫn canh cánh "một tấc lòng ưu ái cũ". Nguyễn Trãi vẫn không quên lí tưởng nhân dân, lí tưởng nhân nghĩa, lí tưởng: mong cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng oán than, đau sầu.
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 10 - Năm thứ nhất ở cấp trung học phổ thông, năm đầu tiên nên có nhiều bạn bè mới đến từ những nơi xa hơn vì ngôi trường mới lại mỗi lúc lại xa nhà mình hơn. Được biết bên ngoài kia là một thế giới mới to và nhiều điều thú vị, một trang mới đang chò đợi chúng ta.
Nguồn : ADMIN :))Xem thêm tại https://loigiaisgk.com/cau-hoi or https://giaibtsgk.com/cau-hoi
Copyright © 2021 HOCTAPSGK