Năm 1997, trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng nhận định về Số đỏ: “Số đỏ, đấy là một tác phẩm tuyệt vời. Nó chứng minh khả năng tưởng tượng rất phong phú của nhà văn mà là nhà văn trẻ. Sở dĩ Vũ Trọng Phụng có được trí tưởng tượng ghê gớm như vậy là do ông viết Số đỏ khi còn rất trẻ. Trí tưởng tượng là ưu thế của tuổi trẻ. Khi đã sống quá dày dạn thì trí tưởng tượng sẽ mất dần đi, tôi cũng thế. Tôi chắc chắn là không viết được cái gì như Vũ Trọng Phụng. Vũ khí của ông là trí tưởng tượng và cũng là tuổi trẻ, còn vũ khí của tôi có lẽ là… một phong cách đa dạng bao gồm nhiều yếu tố khác nhau” (1). Có lẽ, Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít bạn đọc không bị “mắc lừa” tác giả của Số đỏ. Ông nhận ra tuyệt tác trào phúng này mang đầy màu sắc “bịa đặt”, “dựng chuyện”, đó là sản phẩm của một trí tưởng tượng đặc biệt phong phú.
Số đỏ được xếp vào dòng văn học hiện thực phê phán, nhưng nội dung của nó thật khác biệt so với những tác phẩm Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Ngô Tất Tố… Cả tính hiện thực cũng như phê phán của Số đỏ xem chừng mong manh hơn so với những tác phẩm hiện thực phê phán cùng thời. Thực ra, kể cả khi xếp Số đỏ vào bên cạnh những tác phẩm hiện thực cổ điển thì tính hiện thực của nó dường như cũng mong manh. Khai thác tính hiện thực của Số đỏ là một thách thức đối với những nhà nghiên cứu phê bình. Liệu có phải nó được viết ra với mục đích lên án xã hội thượng lưu thuộc địa nửa phong kiến hay không? Nếu có, tại sao những nhân vật “nhố nhăng” của tác giả lại không khiến người ta ác cảm. Phải chăng, tiếng cười đặc sắc xuyên suốt tác phẩm đã góp phần xóa nhòa ranh giới giữa thiện – ác, chánh – tà?
Có thể thấy rằng, hiện thực trong Số đỏ là một ẩn số. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu đã từng có nhận xét tinh tường về Số đỏ, ông cho rằng “ngôn từ của Vũ Trọng Phụng vẽ ra trước mặt mọi người một vùng hoang tưởng khủng khiếp” (2). Dường như đây là một thế giới bịa đặt được tạo dựng khéo léo đến mức hầu hết bạn đọc nhầm lẫn, họ sẵn lòng tin rằng có thể dễ dàng tìm thấy mẫu hình của Xuân tóc đỏ, bà Phó đoan hay ngài Tyfn ở ngoài đời cùng với những tình huống tức cười do những nhân vật này gây ra. Sau này, những bạn văn cùng thời kể lại rằng rất có thể nguyên mẫu của bà Phó đoan là bà me tây Bé Tý ở Hàng Bạc, nhà thiết kế Tyfn là họa sĩ Nguyễn Cát Tường, người cũng sáng chế ra kiểu quần áo tân thời Lamur (Tiếng Pháp Le Mur là Tường), còn Tăng Phú, chủ báo Gõ mõ là “quan sư” Nguyễn Năng Quốc, vừa là Tổng đốc vừa làm chủ nhiệm tờ báo Đuốc Tuệ… Nhưng khi trở thành những nhân vật trong Số đỏ, họ đã liên tục tạo ra những tình huống tức cười và phi lý. Thực ra, những hành vi, lời nói khác lạ giống như họ có thể đã từng xảy ra trong cuộc sống nhưng được tích hợp tài tình ở mức dày đặc và được duy trì suốt từ đầu đến cuối thì chỉ có trong Số đỏ. Bản thân một tác phẩm văn học trào phúng, tính hiện thực không thể đậm nét như những cuốn tiểu thuyết hiện thực thông thường khác, vì bản thân cuộc sống bao giờ cũng có cả bi lẫn hài mà bi nhiều hơn thậm chí lấn át hài. Ngoài ra, còn có vô số tâm trạng phức tạp khác con người phải trải nghiệm hàng ngày. Hơn thế nữa, trong một tác phẩm trào phúng, các nhân vật thường được phóng đại, chính vì vậy, mối quan hệ với hiện thực bị đứt gẫy. Có thể thấy rằng, tìm cách rút ra những bài học luân lý mang tính đạo đức xã hội ở những tác phẩm như Số đỏ là rất khó. Nó được viết ra để tác giả bộc lộ một năng lực uymua đầy đẳng cấp, thậm chí đỉnh cao, từ đó cho thấy một nhãn quan hết sức độc đáo mà từ trước đến nay chưa từng có. Tuy nhiên, có một thực tế là tiểu thuyết trào phúng Số đỏ thường được nhìn nhận như một tác phẩm đậm nét hiện thực. Điều này liên quan mật thiết đến khả năng bố cục bậc thầy của tác giả. Nhờ nó mà các nhân vật của ông luôn có sự phát triển hợp logic nội tại. Trường hợp của Số đỏ có một chút tương đồng với những dị truyện của Edgar Allan Poe. Đó là những truyện ngắn hết sức kỳ quái nhưng không một chi tiết nào vượt ra ngoài giới hạn của hiện thực. Chính Poe cũng từng nhấn mạnh kinh nghiệm sáng tác này trong bài tiểu luận Triết lý về soạn tác. Ông luôn nỗ lực tiết chế các chi tiết để từ đầu đến cuối câu chuyện “mọi tình tiết đều nằm trong những giới hạn có thể lý giải được – những giới hạn của hiện thực” (3). Chính vì vậy, rất nhiều độc giả “không cưỡng nổi cái ảo tưởng đầy vẻ hiện thực và biểu hiện” (4), đã tin rằng Poe đi chu du và kể lại những câu chuyện kỳ quái của đời mình. Sau này, Baudelaire đã dùng một từ chính xác để nhận định về hiện thực của Poe – những “ngoại lệ”. Còn Dostoyevski thì cho rằng Poe gần như luôn chọn hiện thực hiếm hoi nhất và đặt nhân vật của mình vào trong tình huống khách quan tâm lý khó gặp nhất” (5).
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 10 - Năm thứ nhất ở cấp trung học phổ thông, năm đầu tiên nên có nhiều bạn bè mới đến từ những nơi xa hơn vì ngôi trường mới lại mỗi lúc lại xa nhà mình hơn. Được biết bên ngoài kia là một thế giới mới to và nhiều điều thú vị, một trang mới đang chò đợi chúng ta.
Nguồn : ADMIN :))Xem thêm tại https://loigiaisgk.com/cau-hoi or https://giaibtsgk.com/cau-hoi
Copyright © 2021 HOCTAPSGK