Trang chủ Ngữ văn Lớp 7 Giải thích câu tục ngữ ''Lá lành đùm lá rách''...

Giải thích câu tục ngữ ''Lá lành đùm lá rách'' câu hỏi 1791178 - hoctapsgk.com

Câu hỏi :

Giải thích câu tục ngữ ''Lá lành đùm lá rách''

Lời giải 1 :

Trong xã hội chúng ta, dù muốn hay không thì bên cạnh những người may mắn được hưởng cuộc sống đầy đủ hạnh phúc vẫn còn có nhiều người sống cảnh đời lay lắt, đói nghèo, bệnh tật. Với đạo lí làm người, con người phải biết cùng nhau chia sẻ những khó khăn hoạn nạn. Từ hình ảnh của một hiện tượng tự nhiên, của đời sống sinh hoạt, khi nói về mối tương thân tương ái ấy, cha ông ta đã có câu Lá lành đùm lá rách.

Lá lành đùm lá rách là một câu tục ngữ ngắn gọn chứa đựng nhiều lớp nghĩa. Xét về mặt nghĩa đen, lá là một bộ phận của cây. Trên cây, lá lành thường là những lá không bị sâu bọ, gió bão tác động, lá khỏe hơn, phát triển mạnh mẽ, vươn lên cao. Trái lại, những lá bị sâu bọ hay gió bão làm cho rách thường sẽ tả tơi, rũ xuống nên sẽ ở phía dưới, núp sau những lá lành như tìm một nơi ẩn nấp, che chở.

Hay từ một nét sinh hoạt của cuộc sống với nghề làm bánh, lá chuối hay lá dong là hai thứ lá rất phổ biến khi dùng để gói bánh. Người ta sẽ xếp những lớp lá xấu hơn hay rách vào bên trong, ngoài cùng sẽ là lớp lá lành lặn, đẹp đẽ để bánh vừa chắc vừa đẹp. Qua đó cũng có thể hiểu thêm về sự khéo léo tinh tế trong việc làm bánh của con người. Từ hình ảnh tự nhiên và thực tế đời sống, với sự liên tưởng phong phú, cha ông ta đã đúc kết lên một đạo lí làm người mà khi nhắc đến Lá lành đùm lá rách ta phải hiểu theo nghĩa bóng hay chính là hiểu theo sự liên tưởng phong phú ấy. Đó chính là tinh thần tương thân tương ái, là sự bao bọc, che chở cho những con người kém may mắn trong xã hội để giúp họ vơi bớt đi những khó khăn. Những ý nghĩa sâu săc sấy chính là bài học về cách làm người, về cách ứng xử trong xã hội, trong cuộc sống hôm nay. Cách ứng xử ấy, ngày nay đã được đưa vào giáo dục trong các trường mầm non, tiểu học, dù các em học sinh còn rất nhỏ nhưng các em đã biết tham gia vào các hoạt động tương thân tương ái như quyên góp quần áo cũ, sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi để tặng các bạn vùng khó khăn, bão lũ. Các em biết tiết kiệm tiền ăn sáng để ủng hộ cho học sinh khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam… Đạo lí Lá lành đùm lá rách đã trở thành phong trào thi đua trong mỗi trường học, khơi dậy trong các em tình yêu thương đồng loại. Tình yêu thương ấy không biết bao nhiêu là đủ, khi con người ta phải chống chọi cái đói, cái nghèo, chống chọi thiên tai, mùa màng thất bát, tai nạn rủi ro…

Có biết bao những người tuy cuộc sống của họ không hề giàu có nhưng họ vẫn tích cực tham gia vào hoạt động từ thiện mà trong số họ, có nhiều người chỉ là những chiếc lá không mấy lành lặn, như sự phát triển nghĩa của câu tục ngữ trên mà ta hay được nghe trong giao đoạn hiện nay là Lá rách ít đùm lá rách nhiều. Đó thực sự là cách sống đẹp đáng trân trọng và học tập.

Trái lại, trong xã hội cũng còn có những người chỉ biết dửng dưng trước những số phận kém may mắn, phải chịu thiệt thòi. Họ cho đấy không phải trách nhiệm của mình, trách nhiệm là của Đảng, của Nhà nước, của các cấp, họ sống xa lánh, khinh rẻ những người nghèo khó. Rồi là nạn tham ô tham nhũng, tìm mọi cách vơ vét của công, chiếm dụng tài sản cá nhân của người khác về làm của mình, sống trong nhung lụa mặc cho ngoài kia gió dập mưa vùi những cuộc đời khốn khó. Cách sống như vậy thật đáng lên án.

Mỗi người chúng ta cần thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, người may mắn phải yêu thương, đùm bọc những người bất hạnh hơn.

Từ một câu tục ngữ ngắn gọn mà chứa đựng bài học sâu sắc, cho ta thấy truyền thống tốt đẹp ngàn đời của ông cha ta, luôn coi người trong một nước là con một nhà, cùng chung một cội nguồn, cùng chung một dòng máu lạc hồng, luôn yêu thương, đùm bọc nhau, giúp nhau vượt qua những khó khăn hoạn nạn của cuộc sống.

Thảo luận

Lời giải 2 :

Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà chúng ta cần phát huy và giữ gìn là tinh thần đoàn  kết giúp đỡ người có cuộc sống khó khăn hơn mình . Điều đó đã được thể hiện qua câu tục ngữ :" Lá lành đùm lá rách ".

     Ý nghĩa của câu tục ngữ xuất phát từ một thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thường sử dụng những chiếc lá để gói bánh hoặc gói đồ ăn... Nhưng chiếc lá lại mềm mỏng, dễ rách. Vì vậy người ta mới dùng nhiều lớp lá bọc lại, lớp lá lành bọc lấy lớp lá rách để không giữ cho đồ ở bên trong nguyên vẹn. Ông cha ta đã mượn hình ảnh trên để nói về cách ứng xử trong cuộc sống của con người. Người có hoàn cảnh tốt đẹp hơn sẽ giúp đỡ những người khó khăn.

     Đó cũng chính là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xa xưa cho đến hôm nay.Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh cho câu tục ngữ trên. Quá khứ vẻ vang đã khắc tên dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta đã đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau để đánh bại hai kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Một ví dụ cụ thể nhất là trong năm 1945, khi cả nước phải đối mặt với nạn đói kinh hoàng. Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh với động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no”. Các hũ gạo cứu đói đó đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Trở về với hiện tại, tinh thần “Lá lành đùm lá rách” lại càng được nâng cao. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “Cặp lá yêu thương” - mỗi câu chuyện về một cặp lá chưa lành sẽ nhận được sự giúp đỡ từ những cặp lá lành trên khắp cả nước. Ngay trong năm 2020 - một năm đầy biến động khi đất nước phải chịu ảnh hưởng của làn sóng đại dịch Covid-19 thì tinh thần ấy lại càng lớn mạnh. Những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đến những người nghèo, thất nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Hàng trăm tấn nông sản của bà con nông dân được người dân cứu trợ thành công. Hay những y bác sĩ nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể cứu chữa cho bệnh nhân của mình… Mỗi người dân đều đã đóng góp một phần nhỏ để giúp đỡ “những chiếc lá chưa lành” với tinh thần “không ai bỏ lại phía sau”.

       Bên cạnh đó, vẫn có không ít những cá nhân sống vô cảm, thờ ơ với nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân của bản thân. Các doanh nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng mà không nghĩ đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhiều người lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán khẩu trang, các mặt hàng nhu yếu phẩm… Đó là những hành vi đáng lên án, cần tránh xa. Vậy nên, bản thân mỗi học sinh hãy biết sống yêu thương mọi người xung quanh. Những hành động nhỏ bé như ủng hộ các bạn học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ những người già neo đơn… cũng đã thể hiện được tấm lòng nhân ái.

       Như vậy, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đã đem đến những ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ của mỗi người. Hãy coi đó là một lời khuyên để bản thân cố gắng rèn luyện và trở nên ngày một tốt đẹp hơn.

Bạn có biết?

Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự 7

Lớp 7 - Năm thứ hai ở cấp trung học cơ sở, một cuồng quay mới lại đến vẫn bước tiếp trên đường đời học sinh. Học tập vẫn là nhiệm vụ chính!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK