Lời giải 1 :
Thế Lữ là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu của phong trào thơ mới (1932-1945). Với một hồn thơ dồi dào, lãng mạn, Thế Lữ đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới thơ ca và đặt nền móng thắng lợi cho nền thơ mới. Ngoài ra, ông còn là người có công đóng góp vô cùng lớn vào nền kịch nói sâu khấu của nước nhà. Một số tác phẩm chính của Thế Lữ đó là: Mấy vần thơ (1935), Vàng và máu (1934), Bên đường thiên lôi (1936),... Trong đó, bài thơ Nhớ rừng chính là một trong những bài thơ thành công nhất của Thế Lữ và góp phần vào sự nghiệp thắng lợi của nền thơ mới. Có ý kiến cho rằng "Mỗi tác phẩm văn học là một bức thông điệp của người nghệ sỹ gửi đến cho bạn đọc". Đối với bài thơ Nhớ rừng, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đó là nỗi niềm uất ước và tình yêu nước tha thiết của những người dân mất nước thuở bấy giờ.
Ngay từ câu thơ đầu tiên của đoạn thơ một, tác giả đã diễn tả được hoàn cảnh bị nhốt trong cũi sắt, trở thành một thứ đồ chơi của chúa sơn lâm "Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt". Từ "gậm" là một từ độc đáo cho thấy sắc thái cảm xúc trong đó thay vì từ "gặm" thông thường. Ở đây, người đọc thấy được sự căm hờn tích tụ thành khối lâu ngày và gặm nhấm, giết chết tâm hồn, sinh lực bên trong của chúa sơn lâm. Hình ảnh "ta nằm dài" làm cho người đọc vẫn thấy được cách xưng hô đầy kiêu hãnh của vị chúa tể, nhưng trong sự ngạo ngễ ấy vẫn là sự ngao ngán cảnh tượng tầm thường và bất lực vô vọng của hổ. Bên cạnh đó, hình ảnh "Khinh lũ người kia" đã thể hiện được sự khinh thường cảnh tượng xung quanh tầm thường và "bọn gấu dở hơi" của hổ. Dường như, trong hổ, niềm uất ức trào dâng bấy lâu này đã tích tụ thành khối, không thể hóa giải được. Sự tầm thường giả dối xung quanh khiến cho hổ cảm thấy chán chường và bất lực. Trong đoạn thơ 1, từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, giọng thơ u uất diễn tả tâm trạng căm hờn, uất ức, ngao ngán của hổ. Đồng thời, tác giả cũng diễn tả tâm trạng của con hổ giống tâm trạng của người dân mất nước, đó là sự căm hờn và phẫn uất trong cảnh đời tối tăm.
Khổ thơ thứ hai đã thể hiện được tình thương nỗi nhớ của chúa sơn lâm đối với những tháng ngày oanh liệt đã qua. Cụm từ "tình thương nỗi nhớ" đã thể hiện được nỗi nhớ trực tiếp của hổ. Những hình ảnh "thuở tung hoành hống hách, cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già, tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi, khúc trường ca dữ dội" đều là những ký ức của hổ về chốn sơn lâm tuyệt đẹp mà nó từng thuộc về. Những câu thơ tiếp theo đã thể hiện được cuộc sống oai linh của một chúa sơn lâm. Hình ảnh "Ta bước chân lên...nhịp nhàng...không tuổi" đều tái hiện phong thái uy nghiêm, oai linh của chúa sơn lâm ngày xưa.
Khổ thơ thứ ba trong bài Nhớ rừng của nhà thơ Thế Lữ đã thể hiện được sự tài hoa của nghệ thuật vẽ tranh bằng ngôn từ của thơ của Thế Lữ. Thật vậy, khổ ba là bức tranh tứ bình được vẽ nên bằng chất liệu thơ từ đó thể hiện được quá khứ oai phong lẫm liệt của chúa sơn lâm. Hai câu thơ đầu "Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối? Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan". Khung cảnh tuyệt đẹp của những đêm trăng vàng hiện ra làm nền cho sự oai phong lẫm liệt của hổ. Hình ảnh nhân hóa "say mồi" và "uống ánh trăng tan" là hình ảnh lãng mạn nhưng vô cùng oai phong của chúa sơn lâm. Tiếp theo là hình ảnh của những cơn mưa lớn như làm rung chuyển cả núi rừng:" Đâu những ngày mưa chuyển bố phương ngàn/ Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?". Hình ảnh những trận mưa to cùng với thái độ "lặng ngắm" của chúa sơn lâm để thể hiện được thái độ ngang tàng và quá khứ vàng son của hổ. Những ngày ngắm giang sơn từng bước đổi mới thật vĩ đại và khí phách chứ ko phải là hiện tại giả dối như thế này. Kỷ niệm về thời kì huy hoàng tiếp tục hiện về khung cảnh bình minh. Vương quốc tràn ngập trong màu xanh và ánh nắng và hổ nằm ngủ ngon lành trong khúc nhạc của tiếng chim muông. "Đâu những bình minh cây xanh nắng gội...tưng bừng". Bức tranh trên hiện ra đầy màu sắc và âm thanh, màu hồng bình minh, màu vàng nhạt nắng sớm, màu xanh cây rừng, âm thanh vui nhộn của đàn chim. Đó chẳng phải chính là sự hoài niệm về những ngày được sống trong thiên nhiên tươi đẹp của chúa sơn lâm hay sao? Đặc biệt nhất chính là hình ảnh cuối "Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng. Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt" là hình ảnh tuyệt đẹp của hoàng hôn cùng tư thế, khí phách độc tôn của hổ. Tóm lại, 4 bức tranh thiên nhiên trong khổ 3 đều là những hình ảnh tuyệt đẹp nhằm làm tôn lên tư thế và khí phách oai phong, lẫm liệt của chúa sơn lâm có 1 quá khứ vàng son.
Đến đoạn thơ thứ tư, người đọc vẫn thấy được hoàn cảnh bị tù đày, giam hãm của hổ. Đối với hổ, cảnh tượng xung quanh chẳng có gì thay đổi mà chỉ có sự giả dối, đơn điệu, nhàm chán do bàn tay con người sửa sang. Những thứ như "hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng" là những hình ảnh tầm thường của thực tại giả dối trong mắt hổ. Hay hình ảnh "chẳng thông dòng, mô gò thấp kém" cho thấy thái độ chán ghét tột cùng của hổ với cảnh tượng, cuộc sống tầm thường, giả dối này. Người đọc có thể liên hệ được cảnh vườn bách thú chính là thực tại của xã hội đương thời, thái độ của con hổ chính là thái độ của người dân đối với xã hội đó, là sự chán ghét căm phẫn trong bất lực, vô vọng, khát khao những ngày tự do.
Còn khổ thơ cuối chính là những lời than kêu đau đớn, uất ức cùng cực và bế tắc của chúa sơn lâm đối với sự tiếc nuối của một thời đã qua. Những hình ảnh "oai linh hùng vĩ, cảnh rừng ghê gớm" và "giấc mộng ngàn, giống hầm thiêng ngự trị" đều là những hình ảnh tuyệt đẹp trong quá khứ mà hổ nhớ về.
Tóm lại, bài thơ chính là thông điệp của người dân mất nước thuở bấy giờ đối với chế độ cai trị của thực dân Pháp. Bài thơ đã mượn lời nói của chúa sơn lâm để truyền tải thông điệp một cách vô cùng sâu sắc và sinh động
Thảo luận