Trang chủ Ngữ văn Lớp 8 viết bài văn nghị luận về hình ảnh những chiến...

viết bài văn nghị luận về hình ảnh những chiến binh thầm lặng trong chiến dịch chống covid 19 giúp mình với ạ, mai mình kt rồi - câu hỏi 914111

Câu hỏi :

viết bài văn nghị luận về hình ảnh những chiến binh thầm lặng trong chiến dịch chống covid 19 giúp mình với ạ, mai mình kt rồi

Lời giải 1 :

          Cuối năm 2019, nỗi ám ảnh mang tên Coronavirus (COVID–19) xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc mang theo mối đe dọa to lớn đối với sức khỏe và tính mạng con người. Căn bệnh nguy hiểm này dần bùng phát với mức độ lây lan gia tăng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới, là nguyên nhân gây ra các biểu hiện của suy đường hô hấp cấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Hàng ngàn người Trung Quốc nói riêng và mọi người trên khắp thế giới nói chung đã phải gánh chịu những hậu quả to lớn của dịch bệnh, COVID–19 đã khiến con người phải lo lắng, khiếp sợ bởi sự nguy hại khẩn cấp của nó, cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn một cách rõ rệt, những con phố trở nên trống trải, những ngôi trường không có học sinh, các nhà máy công sở không nhân viên và nhà hàng thì không thực khách, gần như tất cả đều ở nhà lánh dịch. Trong hoàn cảnh ấy, con người Việt Nam lại đoàn kết một lòng, cùng đồng tâm hiệp lực, phát huy tinh thần đại đoàn kết đáng tự hào của dân tộc để cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tìm lại bình yên, hạnh phúc cuộc sống. Trong hành trình gian khổ đối chọi với sự nguy hiểm của dịch bệnh, chúng ta không thể không kể đến công lao to lớn của những con người, những anh hùng đang ngày đêm âm thầm cống hiến, trực tiếp xông pha tuyến đầu để chống dịch như chống giặc, để chiến thắng như bao lần chúng ta đã từng trong lịch sử vẻ vang bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

                          Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em

                          Nhưng làm được những điều phi thường lắm

                          Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm

                          Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.

                                                             (Đất nước ở trong tim – Chu Ngọc Thanh)

          Tinh thần nhân văn, chí tình chí nghĩa, luôn đùm bọc, che chở nhau lúc khó khăn, hoạn nạn đã trở thành một trong những phẩm chất cao đẹp của người Việt. Trong chiến tranh, đã có biết bao những con người quyết dứt áo ra đi, bỏ lại bức tâm thư không một ngày trở lại để phụng sự nhiệm vụ cao cả, đưa đất nước thoát khỏi ách kìm kẹp, nô lệ của đế quốc, thực dân ; biết bao tấm gương người lính đã đổ máu, để lại một phần thân thể nơi chiến trường, quyết hi sinh thân mình vì đồng đội, vì nhân dân ; và cũng có biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người hàng ngày khắc khoải chờ đợi tin con nơi bến quê nghèo, mong con thắng trận trở về để nấu cho con một bữa cơm, ru con như những ngày xưa bé nhưng chẳng còn được nữa. Những việc làm hết sức cao cả ấy đã trở thành biểu tượng cho tinh thần Việt Nam, cho ý chí Việt Nam, là dáng đứng đầy kiêu hãnh, tự hào của dân tộc trong những thử thách khốc liệt của lịch sử. Còn trong thời bình, đất nước không còn tiếng súng nhưng chúng ta vẫn phải đối đầu với những nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi ở mỗi người lòng quyết tâm và trách nhiệm đối với Tổ quốc. Vì vậy, trong thời dịch COVID–19, ý thức trách nhiệm của cộng đồng lại càng phải được nâng cao. Ở đó, có những con người đặc biệt, từ những nhà lãnh đạo cấp cao đến từng nhân viên y tế, từ những chiến sĩ bộ đội đến các y, bác sĩ,… tất cả đều có công lao to lớn trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, mang lại ánh sáng của niềm tin đến với nhân dân. Họ xứng đáng được tôn vinh là những anh hùng trong thời bình, là những chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch đang đương đầu với mối nguy đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.

          Trước hết, vai trò lớn nhất trong việc phản ứng nhanh với sự nguy hiểm của dịch bệnh phải kể đến những quyết sách chủ động, hợp lí của những thành viên cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Họ đã lường trước được những diến biến nhanh chóng của dịch bệnh để đưa ra các kịch bản ứng phó khẩn cấp, chuẩn bị phương án cho những tình huống xấu nhất để có biện pháp phòng ngừa triệt để. Chúng ta phần nào cảm nhận được tinh thần làm việc hăng say, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ nhờ vào hình ảnh khắc khổ với mái tóc bạc trắng của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hay dáng vẻ mệt mỏi khác xa thường ngày của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Họ đều là những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, hết lòng với nhiệm vụ, lí tưởng cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đặc biệt, họ còn có những phát biểu vô cùng tự tin, quyết liệt, gây được lòng tin và tiếng vang trong nhân dân như Thủ tướng đã phát lệnh : “Trong cuộc chiến này sẽ không ai phải ở lại phía sau”. Hành động đúng như lời nói của mình, Chính phủ Việt Nam đã đưa hẳn chuyên cơ đưa đón đồng bào đang học tập, làm việc, sinh sống từ tâm dịch trở về, “một chuyến bay “ngạo nghễ” trên bầu trời Trung Quốc (1)”. Trong khi nhiều nước khác đóng cửa biên giới, siết chặt việc nhập cảnh, ngăn dòng người hồi hương thì chuyến bay ấy đã cho cả thế giới biết rằng con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam cao thượng, đoàn kết và trọng tình nghĩa đến thế nào. Từ đó ta càng thấm thía hơn ý nghĩa của câu nói : “Bạn có thể từ bỏ Tổ quốc nhưng Tổ quốc thì không bao giờ từ bỏ những người con của mình !”.

          Bên cạnh đó, chúng ta còn khâm phục trước sự hi sinh, cống hiến hết mình của những cán bộ ngành y tế, những y, bác sĩ, y tá, điều dưỡng,… đây là những con người trực tiếp xông pha tuyến đầu ngăn chặn và điều trị bệnh. Họ đã quên thân mình, bỏ mặc lợi ích cá nhân, khắc ghi 18 lời thề Hippocrates để quyết tâm thực hiện lương tâm, y đức của một người thầy thuốc nhân dân. Những thiên thần mặc áo blouse trắng luôn phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức, ngột ngạt suốt ngày đêm nhưng trong họ chưa bao giờ vơi đi sự nhiệt tình, hăng hái, họ luôn chăm sóc người bệnh một cách ân cần, chu đáo nhất, cùng bệnh nhân vượt qua Virut quái ác. Chính nhờ tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyến nồng nàn ấy của các y, bác sĩ mà chúng ta đã có nhiều ca bệnh được chữa khỏi hoàn toàn và được xuất viện, đồng thời Việt Nam còn là một trong số ít các nước sáng chế thành công bộ KIT chẩn đoán bệnh cho kết quả nhanh và chính xác, đây là thành tựu đáng hoan nghênh – một bước tiến mới của nền y học Việt Nam. Tất cả những thành công đáng tự hào ấy đều xuất phát từ sự lao động miệt mài, cần cù, đầy hăng say của lớp lớp những y, bác sĩ, những anh hùng thầm lặng trong cuộc sống đời thường nhưng khiến chúng ta phải vô cùng biết ơn, trân trọng. Có lẽ ngày mai và những ngày sau nữa, Việt Nam có thể ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới nhưng với sự làm việc nhiệt tình, nghiêm túc và chuyên môn vững vàng của các y, bác sĩ, chúng ta tin tưởng rằng sẽ chẳng có nguy hiểm và thách thức nào khiến họ phải chùn bước.

          Ngoài ra, chúng ta không thể không kể đến sự đồng lòng, chia sẻ đầy nhân văn giữa tình quân dân. Trong chiến tranh, nhân dân bao bọc, chở che, nhường miếng cơm tấm áo cho bộ đôi, nuôi bộ đội để có sức chiến đấu thì trong thời bình, bộ đội lại dành những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân. Chúng ta không khỏi cảm động trước những hi sinh tuyệt vời của các chiến sĩ, họ rời khỏi đơn vị, tạm trú, lập lán trại trong rừng để nhường khu cách li cho nhân dân, những bữa ăn của họ thì đạm bạc, chỉ có vài ba món đơn giản, chưa kể đêm đến khi ngủ họ còn phải đối mặt với sương muối, muỗi rừng. Nhưng mỗi khi nhắc đến nỗi khổ ấy, trên môi họ luôn ánh lên nụ cười bởi họ biết rằng sự hi sinh của mình là có ích, là đóng góp một phần to lớn vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh của đất nước. Không những vậy, còn cả lực lượng công an, dân quân phòng vệ ngày đêm túc trực ở các địa điểm cách li, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho người dân, giúp đỡ, hỗ trợ người dân và cùng họ chia sẻ những khó khăn, bất tiện trong thời gian cách li. Có thể nói, dù ở thời chiến hay thời bình thì hình ảnh anh bộ đội vẫn không có gì thay đổi – người đầy tớ trung thành của nhân dân, những anh hùng với sự hi sinh cao cả.

          Kết lại, xin gửi những lời cảm ơn và sự tri ân chân thành nhất đến những con người đang ngày đêm thầm lặng thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh : nhân viên phục vụ địa điểm cách li ; nhân viên vệ sinh môi trường ; tài xế, người phục vụ xe y tế chuyên chở các trường hợp cách li, các nhà hảo tâm đã đóng góp những số tiền không nhỏ để đầu tư, lắp đặt các thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh,… Đồng thời, xin dành sự tôn trọng đặc biệt đến các sinh viên năm cuối ngành Y, những người với khát khao, hoài bão và tinh thần sống hết mình của tuổi trẻ đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, không quản ngại nguy hiểm để mang tài năng, sự nhiệt huyết của mình cống hiến cho đất nước.

          Xin cảm ơn tất cả, cảm ơn những anh hùng giữa cuộc sống đời thường, những con người tuyệt vời đã làm nên vẻ đẹp và dáng đứng đầy kiêu hãnh của non sông gấm vóc Việt Nam.

          Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, xin đừng lặng im, hãy cất lên tiếng nói và thể hiện trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi học sinh hãy tự chăm sóc tốt sức khỏe cho bản thân, có chế độ dinh dưỡng hợp lí, cải thiện sức chịu đựng của cơ thể nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần biết quan tâm, chia sẻ, tuyên truyền ý thức phòng, chống dịch bệnh đến mọi người xung quanh, tuy nhiên, cần chú ý khai thác những nguồn tin chính thống, đáng tin cậy, không chia sẻ tin giả, mang tính xuyên tạc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí cộng đồng. Đồng thời, chúng ta không được phép hoang mang, sợ hãi trước dịch bệnh, thay vì bộc lộ những cảm xúc tiêu cực, hãy bình tĩnh, lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước. Hãy nhớ, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh và cuộc chiến ấy có thắng lợi hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta.

          “Nếu tất cả chúng ta đều đồng lòng, toàn dân Việt Nam đều đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng như dân tộc Việt Nam đã từng nhiều lần chiến thắng”.

                                                                                  (Phó thủ tướng Vũ Đức Đam)

(1) : Trích nguyên văn câu văn trong bài viết trên trang facebook cá nhân của cơ trưởng chuyến bay đưa người Việt Nam về nước Nguyễn Viết Sơn.

Thảo luận

-- Bài của anh hay lắm , anh Hưng! Nhớ em không?
-- Anh nhớ chứ, bài này anh giành được giải cuộc thi của trường đó :))
-- Em được nhận quà trong tháng 6 rồi nè. Kèm tháng 5 nữa. Mà tháng này em không viết Văn thường xuyên cho lắm. Em viết không hay bằng anh đâu. Anh xem những bài văn em viết trong gần 2 tháng nay đi , rồi cho em biết ý kiến nhé
-- Oki em
-- Vậy anh xem đi. Mà cho em hỏi tài khoản skype của anh là gì;? Của em tên Lâm Hòa nhé
-- Anh cảm thấy chưa hài lòng và hài lòng chỗ nào ạ?

Bạn có biết?

Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự 8

Lớp 8 - Năm thứ ba ở cấp trung học cơ sở, học tập bắt đầu nặng dần, sang năm lại là năm cuối cấp áp lực lớn dần nhưng các em vẫn phải chú ý sức khỏe nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK