Trang chủ Ngữ văn Lớp 9 Phân tích tình cảm của Ông Sáu dành cho bé...

Phân tích tình cảm của Ông Sáu dành cho bé Thu trong đoạn trích Chiếc Lược Ngà-Nguyễn Quang Sáng. Giúp với mai mình nộp rồi - câu hỏi 3837242

Câu hỏi :

Phân tích tình cảm của Ông Sáu dành cho bé Thu trong đoạn trích Chiếc Lược Ngà-Nguyễn Quang Sáng. Giúp với mai mình nộp rồi

Lời giải 1 :

Chào em, em tham khảo gợi ý:

Hạnh phúc và chiến tranh, chiến tranh và bi kịch mãi là vấn đề muôn thuở không thể hóa giải trong lịch sử và trong đời sống con người. “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra quyết liệt (1966). Truyện viết về tình cha con trong cảnh ngộ éo le sinh li tử biệt đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm và xúc động sâu xa.

Thời đại nào cũng vậy, chiến tranh không đem lại lợi ích cho con người mà ngược lại, nó là tội ác, là nguyên nhân gây ra bao mất mát đau thương: cha lìa con, vợ lìa chồng, tuổi trẻ - hạnh phúc, sự bình yên bị phá hoại. Sau những năm kháng chiến chống Pháp trường kì của dân tộc, tiếng súng tạm ngừng, ông Sáu mới được về thăm gia đình, vợ con ít ngày để rồi lại ra đi, bước tiếp vào cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Cuộc chiến tranh đã để lại di chứng vết thẹo dài trên gương mặt trai trẻ của ông. Đó chính là nguyên nhân trong suốt ba ngày ngắn ngủi con không nhận cha. Cha càng gần gũi, vồ vập – con càng lạnh nhạt, xa lánh. Cha càng chiều thương – con càng cự nự. Đứa con không thể hiểu nỗi đau chiến tranh mang lại, không thể hiểu nỗi khao khát trong suốt 8 năm xa cách cha mong được gặp con, được hạnh phúc khi ghe con kêu một tiếng ba giản dị mà thiêng liêng suốt cuộc đời. Để rồi mãi đến phút cuối chia tay, ông Sáu mới được hưởng chút hạnh phúc mọn mằn trong tình cha con. Tiếng ba buột thốt tự đáy lòng con mà như xé lòng ông, xé lòng mọi người. Cha ôm con, con ôm cha trào tuôn nước mắt – khổ đau và hạnh phúc.

Chẳng ngờ chút hạnh phúc nhỏ nhoi, ngắn ngủi ấy lại là lần sinh li tử biệt, vĩnh viễn cha lìa con. Ông Sáu ngã xuống trong một trận càn của giặc, thầm lặng không một lời trăng trối, không nấm mồ, không bia mộ,… Vì những ngày đen tối ấy, sống – chết đều phải bí mật. Sống và hi sinh, khổ đau và lặng lẽ. Song người cha – người chiến sĩ ngoan cường, trung thành với cách mạng, gắn bó với quê hương, đồng chí, đồng đội ấy không bao giờ chết. Vì ông là người rất mực thương con. Ông mang lời dặn của con gái vào chiến trường: “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba”. Đó là mong ước đơn sơ của đứa con gái bé bỏng và cũng là món quà đầu tiên và duy nhất cha dành cho con. 

Cây lược và nỗi nhớ cứ neo đậu trong ông suốt cuộc hành trình đầy khói lửa chiến tranh. Nó cứ thôi thức, khôn nguôi trong lòng, làm sao để kiếm được cây lược cho con? Ông ngồi bật dậy, lóe lên trong đầu một sáng kiến: tự tay làm cho con chiếc lược bằng ngà voi, nó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều khi tìm mua cho con một cây lược giữa rừng rú chiến khu này. Hơn nữa, ngà voi là thứ quý hiếm, chiếc lược dành cho con phải được làm bằng thứ quý hiếm ấy mới xứng với tình sâu nặng của cha dành cho con.

Khi kiếm được khúc ngà, mặt ông “hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Vậy đấy, khi người lớn hóa thành trẻ con cũng là lúc bộc lộ tình cảm cao quý nhất của người cha đối với đứa con. Rồi ông miệt mài “ngồi cưa từng chiếc răng lược, tỉ mỉ, thận trọng, khổ công như một người thợ bạc”. Tâm huyết, tình yêu thương được dồn vào từng chiếc răng lược, cứ thế mỗi ngày, cho đến khi chiếc lược được hoàn thành, ông lại gò lưng, tỉ mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược nhỏ xinh chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của ông. Nó như giải tỏa được phần nào nỗi buồn day dứt, ân hận khi ông đã lỡ đánh con lúc nóng giận. Nó như hình bóng của con, như kỉ vật thiêng liêng vô giá, an ủi, động viên, nuôi dưỡng trong ông tình cha con và sức mạnh chiến đấu. Hằng đêm, ông vẫn nhìn ngắm chiếc lược cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Ông mài lên tóc mình cho chiếc lược thêm bóng đẹp. Chiếc lược ngà là cầu nối, là biểu tượng bất diệt của tình cha con trong chiến tranh, là kết tinh tình phụ tử mộc mạc, đơn sơ nhưng đằm thắm, diệu kì. 

Thật trớ trêu, chiếc lược ngà luôn được người cha nâng niu, trân trọng ấy, nhưng ông lại không thể trao tận tay cho con gái. Chiến tranh là thế, còn mất mong manh. Ông đã hi sinh, dù không trăng trối được lời nào nhưng ánh mắt của ông nhìn người bạn chiến đấu và cử chỉ cuối cùng trao cho người bạn chiếc lược ngà như đã chuyển giao sự sống, chuyển giao nghĩa vụ làm cha, hãy gìn giữ, tiếp nối tình cha con ruột thịt. Đúng như ông Ba – người kể chuyện nói: “Chỉ có tình cha con là không thể chết được!”. Nó sẽ được tiếp nối trong tình yêu thương của người đồng chí, sẽ sống mãi trong chiếc lược ngà giản dị mà thiêng liêng.

Gấp lại trang sách, câu chuyện về “Chiếc lược ngà” còn âm vang mãi trong lòng người đọc. Nó không chỉ gây xúc động mạnh mẽ với tình phụ tử thắm thiết, sâu nặng mà còn gợi cho người đọc suy ngẫm về một quá khứ đau thương của dân tộc. Căm ghét chiến tranh và thấm thía nỗi đau thương mất mát, éo le do chiến tranh gây ra, biết bao gia đình, biết bao con người phải chịu cảnh tan nát, chia lìa, đau thương như thế, song đó cũng là niềm tự hào và vinh quang của một dân tộc anh hùng. Nhà văn khẳng định và ca ngợi tình cha con thật thiêng liêng.

Thảo luận

Lời giải 2 :

Chiếc lược ngà là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về tình cha - con và nỗi đau trong chiến tranh do quân giặc gieo rắc thời chống Mĩ. Ông Sáu là một trong những nhân vật thể hiện sâu sắc chủ đề ấy.Ông Sáu, một nông dân Nam Bộ giàu lòng yêu nước đã tham gia 2 cuộc kháng chiến (đánh Pháp và đánh Mĩ), và đã anh dũng hi sinh. Ra đi đánh giặc từ năm 1946 mãi đến năm 1954, hòa bình lập lại, ông mới được về thăm quê một vài ngày. Ngày ra đi bộ đội, đứa con gái bé bỏng thân yêu của ông mới lên một tuổi, ngày về thì con đã 8, 9 tuổi. Cái khao khát của một người lính sau những năm dài vào sinh ra tử được trở lại quê hương, được gặp lại vợ con, được nghe con cất tiếng gọi “ba” một tiếng cũng không trọn vẹn! Đó là bi kịch thời chiến tranh. Lúc chia tay vợ con lần thứ hai để bước vào một cuộc chiến đấu mới, ông mới được một khoảnh khắc hạnh phúc khi đứa con gái ngây thơ "nhận ra" ba mình và kêu thét lên: "Ba... ba!". Ông ôm con "rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên mái tóc con". Ông Sáu đã ra đi với nỗi nhớ thương vợ con không thể nào kể xiết. Bom đạn giặc đã làm thay đổi hình hài ông. Vết thẹo dài trên má phải - vết thương chiến tranh - đã làm cho đứa con gái thương yêu, bé bỏng không nhận ra gương mặt người cha nữa! Ông đã ra đi, mang theo hình ảnh vợ con, với lời hứa mang về cho con gái chiếc lược cùng với nỗi ân hận day dứt "sao mình lại đánh con ” cứ giày vò ông mãi. Nỗi đau, nỗi nhớ thương và mất mát... do quân giặc đem đến cho ông Sáu, cho bao người lính, cho bao bà mẹ, em thơ trên khắp mọi miền đất nước ta có bao giờ nguôi! Sự hi sinh của thế hệ đi trước để làm nên độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình là vô giá.Sau năm 1954, ông Sáu không tâp kết ra Bắc, ông nhận nhiệm vụ mới ở lại miền Nam "nằm vùng" hoạt động bí mật. Trong những ngày ở rừng, ở cứ bị giặc ruồng bố triền miên. Thiếu gạo phải ăn bắp. Gian khổ và nguy hiểm. Cái chết bủa vây cuộc chiến đấu thầm lặng. Ông Sáu vẫn không nguôi nhớ vợ con. Ông đã biến vỏ đạn 20 li của giặc Mĩ thành chiếc cưa nhỏ, đã tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo như một người thợ bạc chế tác khúc ngà voi thành một chiếc lược ngà xinh xắn có khắc dòng chữ: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Chiếc lược ngà với dòng chữ ấy mang theo bao tình cảm sâu nặng của người cha đối với đứa con bé bỏng. Tình thương con của ông Sáu thật vô cùng tha thiết. Điều đó cho thấy, ông Sáu cũng như hàng triệu chiến sĩ, đồng bào ta hi sinh chiến đấu vì đất nước và dân tộc, vì hạnh phúc gia đình, vì tình vợ chồng, tình cha con.Chiếc lược ngà như một vật kí thác thiêng liêng của người lính về tình phụ - tử sâu nặng mà bom đạn quân thù không thể nào tàn phá được. Chính vì thế, khi bị trúng đạn máy bay Mỹ bắn vào ngực, lúc hấp hối, ông "đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho bạn, nhìn bạn hồi lâu rồi tắt thở... Ông Sáu đã hi sinh trong những ngày đen tối và gian khổ. Ngôi mộ ông là "ngôi mộ bằng phẳng như mặt rừng". Nhưng chỉ có "tình cha con là không thể chết được!".Hình ảnh ông Sáu, hình ảnh người cha trong truyện Chiếc lược ngà sâu nặng tình cha - con, chiếc lược ngà với dòng chữ mãi mãi là kỉ vật, là nhân chứng về nỗi đau, về bi kịch đầy máu và nước mắt đã để lại nhiều ám ảnh bi thương trong lòng ta. Ông Sáu là người lính của một thế hệ anh hùng đi trước mở đường đã nếm trải nhiều thử thách, gian khổ và hi sinh.Truyện Chiếc lược ngà và hình ảnh ông Sáu, bé Thu đã khơi gợi trong lòng ta bao ý nghĩ về tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Và bài học "uống nước nhớ nguồn "càng thêm thấm thía.

Bạn có biết?

Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự 9

Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK