viết bài thơ nghị luận về đoạn thơ 4,5 của bài thơ mùa xuân nho nhỏ
Những khát khao, những lý tưởng sống đẹp đẽ luôn là hành trang cho mỗi người tiến bước, cống hiến và dựng xây đời. Nhà thơ Thanh Hải cũng từng viết về lẽ sống đẹp qua những vần thơ của mình, tiêu biểu trong số ấy phải kể đến tác phẩm "Mùa xuân nho nhỏ" được ông viết vào những năm cuối đời mình. Khổ thơ 4 và khổ thơ 5 của bài thơ đã biểu hiện đẹp đẽ nhất về tình thần ấy.
" Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta biến trong hoà cà
Một nốt trầm xao xuyến"
Cảnh sắc mùa xuân có bông hoa tím, dòng sông xanh, có tiếng chim chiền chiện trong ngần khiến nhà thơ thổn thức những yêu thương. Mùa xuân tràn đầy sức sống, rực rỡ sắc màu, rộn rã thanh âm như vậy nên lòng người cũng chẳng thể thờ ơ, đâu đó trong ngõ ngách của tâm hồn mùa xuân đang trỗi dậy, mọc những mầm xanh của niềm tin, của ước muốn được góp sức xuân của mình cho đất nước, cho nhân dân. Điệp ngữ "ta làm" nhấn mạnh sự chủ động của chủ thể đồng thời cho thấy được sự khát khao và bản lĩnh muốn được thực hiện để cống hiến niềm vui cho đời. Lúc này đây, không còn là cái "tôi" riêng nữa mà cái "tôi" đã hòa chung vào cái "ta" của cộng đồng, là ước muốn của muôn triệu con người.
Những ước muốn bình dị, những giấc mơ đơn sơ, những nguyện ước giản đơn: "con chim hót"; "một nhành hoa" thật đáng trân quý biết bao. Người ta thường nói về những giấc mơ đầy vĩ đại, những khát khao to lớn nhưng có ai biết được rằng thứ tốt đẹp nhất phải được dựng xây từ những điều nhỏ bé. Là một chú chim nhỏ được bay tự do trên bầu trời bình yên, góp vui cho đời tiếng hót, là bông hoa dại cũng toả sắc hương điểm tô trên mỗi cung đường của Tổ quốc mình, là một nốt nhạc "trầm" góp vào bản nhạc hoà ca của cuộc đời. Và dù có là gì đi chăng nữa, nơi sâu thẳm tâm hồn vẫn muốn làm chủ đời mình, góp sức mình vào tô điểm mùa xuân lớn của dân tộc. Giọng thơ lúc này đây như thôi thúc, như giục giã hãy hành động, hãy làm đi, hãy nguyện ý đóng góp mình vào dựng xây đời, dựng xây quê hương.
Trái tim người thi sĩ luôn ý thức được trách nhiệm của chính mình với cuộc đời. Và có những điều không cần phải phô trương, không cần những mỹ từ ngợi khen, tác giả chỉ muốn mọi điều đều nhẹ nhàng, âm thầm:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Lẽ sống của nhà thơ thật dung dị biết bao, mỗi cuộc đời là mỗi mùa xuân, nhà thơ cũng muốn cống hiến mùa xuân của mình, góp mùa xuân ấy vào mùa xuân rộng lớn của giang sơn mình. Dù là nhỏ bé đấy thôi nhưng là duy nhất, nhưng là những đẹp đẽ nhất mà nhà thơ ưu ái dành riêng nó để góp vào xây nên một mùa xuân rực rỡ nhất, sống động nhất của đất nước. Tác giả chọn cho mình cách cống hiến âm thầm "lặng lẽ dâng cho đời", chỉ lặng lẽ thôi nhưng nó sẽ làm đẹp cho đời, cho người, hơn tất thảy, những sự hy sinh thầm lặng thật đáng ngưỡng mộ, đáng ngợi ca biết bao.
"Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Điệp từ "dù là" đặt ở đầu hai câu thơ như một lời hứa, một lời khẳng định, một lời tự nhủ đầy quyết tâm về khát vọng dâng hiến dù khi mái đầu còn xanh hay khi tóc bạc. Dù khi còn là những sức trẻ của tuổi hai mươi hay những tháng năm nhọc nhằn của tuổi già thì vẫn phải giúp ích cho cuộc đời. Khát vọng cống hiến trở thành lẽ sống bất diệt trong cuộc đời.
Xuân Diệu cũng viết về mùa xuân với sự say đắm trước cũng đường tươi đẹp của thiên nhiên, với khát khao sống vội vàng bởi thời gian hữu hạn:
" Ta muốn ôm.....
...
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi"
Dù không quá vội vàng, vồ vập như Xuân Diệu, ta đến với mùa xuân của Thanh Hải bằng sự trong trẻo, nhẹ nhàng có phần thư thái, nhưng sâu bên trong cũng là một ý thức sống vội, sống để cống hiến những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất của đời sống mình cho cộng đồng mình.
Chỉ với hai khổ thơ thôi mà khi đọc xong, lòng em không khỏi suy ngẫm về chính mình. Có lẽ thời gian qua em đã bỏ lỡ nhiều điều, từ nay em sẽ cố gắng trưởng thành hơn, góp sức mình dù nhỏ bé để giúp đỡ mọi người, xây dựng quê hương đất nước mình.
"Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ viết trên giường bệnh mà sao vẫn tươi thắm một tinh thần lạ quan, yêu đời, vẫn bừng lên một sức sống mãnh liệt. Từ những cảm nhận về vẻ đẹp của đất trời xứ Huế vào xuân, vẻ đẹp của những con người đang "hối hả xôn xao " xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhà thơ cất lên tiếng hát:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa "
Tiết tấu câu thơ sôi nổi với nhịp thơ 2/3 của thể thơ 5 chữ kết hợp với âm "a " vang mở như một lời ca trong sáng, hào hứng mà rất tự nhiên. Điệp ngữ "Ta làm " nhấn mạnh ý thức tự nguyện của nhà thơ. Các chọn hình ảnh cũng tự nhiên mà hợp lí: "con chim ", "cành hoa " vốn nhỏ bé trong đời, nhưng chim vô tư cống hiến tiếng hót vui, hoa tỏa hương khoe sắc tô điểm cho mùa xuân đất mẹ. Lấy cái đẹp của thiên nhiên để thể hiện cái đẹp của lòng người, nhà thơ nói lên ước vọng tha thiết và khiêm tốn muốn góp phần nhỏ bé làm nên mùa xuân đất nước.
Trong bản nhạc hòa ca chung của đất nước đang hối hả xôn xao "đi lên phía trước ", tác giả ước nguyện:
"Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến"
Nhịp điệu dồn dập, lôi cuốn như thúc giục lòng người "nhập vào hòa ca", là nhập vào cuộc sống vui tươi, sinh động để xây dựng và phát triển đất nước. Trong cuộc sống ấy, tác giả nguyện làm "Một nốt trầm xao xuyến ". Không phải là một âm thanh cao vút, véo von, chỉ đơn sơ là một nốt nhạc trầm trong cái bè trầm làm nền của bản hòa ca, nhưng phải là nốt nhạc say đắm làm "xao xuyến " tâm hồn. Nghĩa là những cống hiến tuy khiêm tốn, nhỏ bé nhưng có ích cho đời.
Tiếng chim, cành hoa , nốt nhạc góp phần làm nên mùa xuân trong tâm hồn tác giả:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời "
Tâm niệm của nhà thơ thật cảm động: muốn sống một cuộc đời đẹp như mùa xuân, giữ tâm hồn tràn đầy sức sống như màu xuân. Nhưng chỉ là "mùa xuân nho nhỏ ', vì mùa xuân lớn thuộc về đất trời, về xã hội không một cá nhân nào làm nổi. Nhưng mỗi cá nhân có thể đóng góp mùa xuân của cuộc đời riêng cho mùa xuân của cuộc đời chung làm cho nó phong phú, rực rỡ thêm. Đến đây, ta hiểu ý nghĩa nhan đề "Mùa xuân nho nhỏ ". Thật đáng quý thay ước nguyện khiêm tốn mà vô cùng chân thành, cảm động của nhà thơ. Không ồn ào, khoa trương mà chỉ "Lặng lẽ dâng cho đời "
Cảm động hơn nữa, nhà thơ mong ước: dù khi đã qua tuổi xuân của mình, vẫn được là mùa xuân nho nhỏ trong cái mùa xuân lớn lao của đất nước:
"Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Vẫn là nhịp thơ 2/3 sôi nổi, hào hứng, ở đây điệp ngữ "Dù là " trong cái thế cân đối, nhịp nhàng của hai câu thơ vang lên như một lời khẳng định để tự dặn dò mình: phải kiên trì, vượt qua tuổi già, bệnh tật để sống cống hiến cho đời. Hình ảnh hoán dụ "tuổi hai mươi ", "tóc bạc " với kết cấu đối lập giữa hai câu trên và hai câu dưới chứng tỏ nhà thơ ý thức được cái giới hạn của cái vô hạn của đất nước mà đem lại mùa xuân nho nhỏ của đời mình góp vào mùa xuân lớn lao của đời chung
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!
Nguồn : ADMIN :))Xem thêm tại https://loigiaisgk.com/cau-hoi or https://giaibtsgk.com/cau-hoi
Copyright © 2021 HOCTAPSGK